Thời luận: Chuyện buồn nơi chiến trường xưa

Thứ Tư, 10/09/2014, 21:50

Cuộc sống với bao điều trái ngang, day dứt, nghĩa tình phôi phai, khiến đôi khi người ta phải sống với hoài niệm, với những tháng ngày hào hùng, sống động, gian khổ đến tột cùng nhưng lại đầy ắp nghĩa tình đồng đội, đồng chí, quân dân. Nhờ vậy mà ta đã vượt qua được tất cả.

Tác giả bài viết này có một thói quen, một thói quen hàm chứa yếu tố "cục bộ địa phương", ấy là mỗi khi có một tờ báo mới trong tay, là dở lướt nhanh tất cả các trang, cốt để tìm xem có bài nào viết về những miền quê mình đã gắn bó thời chinh chiến.

Số là tác giả có thời gian 10 năm công tác và chiến đấu ở chiến trường "B" (1965-1975), trong đó có 5 năm ở miền Đông Nam bộ. Những Trảng Bàng (Tây Ninh), Củ Chi (TP HCM); những Châu Thành, Tân Uyên, Bến Cát (Bình Dương); Những Lộc Ninh, Bình Long, Phước Long, Bù Đăng, Bù Đốp (Bình Phước) và 5 năm ở miền Tây Nam Bộ, chủ yếu là quê dừa Đồng Khởi Bến Tre. Bởi thế, khi phát hiện những bản tin, bài viết nói về kết quả đổi mới, nói về sự "thay da đổi thịt" ở chiến trường xưa là cứ mừng rơn, có đôi khi mừng rơi nước mắt!

Tỷ như cái hôm báo chí đồng loạt đưa tin, đăng bài, đăng ảnh lễ khánh thành cầu Rạch Miễu - cây cầu dài nhất miền Nam, vắt qua sông Tiền (một nhánh của sông Cửu Long), nối từ TP Mỹ Tho sang xứ Cù lao Bến Tre. Quả là một điều không tưởng! Sự thật rõ ràng mà cứ nghĩ trong mơ. Ai đã từng sống ở vùng đó thời chinh chiến, đã từng chứng kiến bao chuyến vượt sông không thành bởi tàu địch giăng kín mít, máu của bao đồng đội đã nhuộm đỏ khúc sông ấy để cho đất nước thanh bình, dòng sông thanh bình với một cây cầu uy nghi, hoành tráng vắt qua. Mừng quá đi chứ! Mừng rơi nước mắt là vậy!

Hoặc khi báo chí có bài giới thiệu về thủ phủ mới của tỉnh Bình Dương - vùng đất máu lửa một thời, nơi mà tác giả bài viết này đã từng chết hụt ở đó, nay bỗng mọc lên một thành phố hiện đại nhất, nhì cả nước thì mừng quá đi chứ! Rồi nữa, nhắc tới Đồng Xoài, một cứ điểm vô cùng nguy hiểm của địch những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ trước.

Năm 1965 quân Giải phóng miền Đông Nam Bộ đã mở chiến dịch tấn công vào cứ điểm này, tiêu diệt nhiều sinh lực địch cùng với chiến dịch Ba Gia, Bình Giã, ta đã đánh bại chiến lược chiến tranh đặc biệt của Mỹ ở đây. Đồng Xoài, một thời tan hoang, nhuộm máu, nay trở thành thủ phủ của tỉnh Bình Phước đang kiến thiết và đổi mới từng ngày, mừng quá đi chứ!

Ấy là những tin vui. Song, lượm trên báo chí cũng khối chuyện buồn xảy ra ở những miền quê tác giả đã từng công tác và chiến đấu. Như hiện tượng mâu thuẫn mất đoàn kết nội bộ xảy ra ở nơi này nơi kia, hiện tượng tham ô, tham nhũng, tiêu cực, vi phạm Luật đất đai… tới những vụ án kinh tế, hình sự và gần đây nhất là hiện tượng 2 cán bộ đều mang chức vụ Phó Giám đốc sở của Bình Phước đánh nhau mà báo Tuổi Trẻ và Tiền Phong số phát hành ngày 22/8 đều đưa tin.

Số là khoảng 14h ngày 12/8/2014 sau buổi tổng kết khóa học chuyên viên chính tại Trường Chính trị tỉnh Bình Phước dành cho các lãnh đạo chủ chốt của tỉnh, ông Bùi Quốc Khánh, 40 tuổi, Phó giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh và ông Phạm Thành Chung, 52 tuổi, Phó giám đốc Sở Nội vụ tỉnh cùng tham gia tiếp một đoàn khách tại quán Karaoke Bóng Trăng (đường Hùng Vương, phường Tân Bình, thị xã Đồng Xoài).

Sau khi khách ra về, ông Chung và ông Khánh lời qua tiếng lại với nhau, với một lý do cỏn con, ông Chung bất bình là ông Khánh cầm ly bia đi mời khách lại không mời mình. Ông Khánh hắt ly bia vào người ông Chung, sau đó cầm chiếc ly sành ném vào vùng mang tai ông Chung khiến ông Chung đổ máu phải vào viện cấp cứu, khâu nhiều mũi ở tai và đầu.

UBND tỉnh Bình Phước đã yêu cầu Sở Nội vụ xác minh và tham mưu hình thức xử lý kỷ luật với 2 vị Phó giám đốc này.

Thật đáng buồn, đáng chê trách, 2 cán bộ chức sắc cỡ đó, chỉ việc cỏn con như vậy cớ sao lại đánh nhau? Trong giờ làm việc cớ sao lại kéo nhau ra quán karaoke để ăn nhậu?

Bạn đọc mong chờ lãnh đạo tỉnh Bình Phước sớm xử lý và xử lý thật nghiêm vụ này. Đó là việc làm cấp thiết trong công tác củng cố và xây dựng Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 của Đảng

K.M.D.
.
.