Thời luận: Nhiêu khê chốn học đường

Thứ Tư, 10/09/2014, 14:35

Lĩnh vực giáo dục của nước nhà những năm gần đây sao lắm chuyện phải luận bàn đến thế! Từ cải cách chữ viết tới cải cách chế độ học đường; Từ cải cách sách giáo khoa với dự toán kinh phí không tưởng, tới cải cách chế độ thi cử; Từ quản lý (hoặc quy định) chế độ dạy thêm, học thêm, tới việc "mượn tay" phụ huynh học sinh (đúng ra là ban đại diện phụ huynh học sinh) để thu kinh phí ngoài quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) để sắm sửa thêm cho trường, cho lớp…

Gần đây, Sở GD&ĐT TP HCM lại bổ sung thêm một "sáng kiến mới" nhằm "hiện đại hóa" phương pháp học tập cho trẻ nhỏ. Cụ thể là học sinh tiểu học, mà cụ thể hơn là học sinh lớp 1, lớp 2 và lớp 3.

Cuối tuần trước, một người quen của tác giả bài viết này đang sinh sống tại TP HCM điện hỏi một việc với giọng nói đầy bức xúc: "Này! Biết ông quen nhiều cơ quan Trung ương, xin hỏi, có phải vừa qua Bộ GD&ĐT có chủ trương bắt học sinh từ lớp 1 tới lớp 3 phải mua máy tính máy tót gì ấy để phục vụ học tập phải không? Nghe nói giá mỗi cái tới bốn, năm triệu đồng.

Nhà tôi có 4 đứa cháu nằm trong diện ấy, lương công chức quèn về hưu, cộng với lương công nhân của bố mẹ các cháu, ăn đã phải vo véo, rồi còn tiền học phí cùng bao khoản đóng góp khác đã méo mặt rồi, lấy đâu ra tiền mua máy với móc. Mà sao phiền hà, nhiêu khê thế, lũ trẻ còn đang tập đọc, tập viết chưa xong… nhờ ông hỏi giúp xem thực hư chuyện này thế nào".

Chả hiểu đầu cua tai nheo ra sao, tôi ậm ờ cho qua chuyện. Cố nhiên, bụng bảo dạ phải cấp tốc tìm hiểu thực hư việc này để trả lời cho phải đạo.

Thật là "buồn ngủ gặp chiếu manh", mấy hôm nay nhiều tờ báo có bài viết về chủ trương kỳ lạ này. Gọi là kỳ lạ bởi thế giới người ta đã cảnh báo từ lâu, trẻ nhỏ cần hạn chế tối đa tiếp xúc với màn hình điện tử, vậy mà người ta lại sắm ra cái dự án để bắt hơn ba trăm ngàn cháu học sinh tiểu học của TP HCM phải tiếp xúc với màn hình bảng tính điện tử với 3 năm liên tục, kỳ lạ thay!

Như thế là đã rõ. Đây là đề án riêng của Sở GD&ĐT TP HCM, chứ không phải chủ trương của Bộ GD&ĐT. Đề án xây dựng rất chi tiết, bao gồm sách giáo khoa điện tử và máy tính bảng điện tử. Đã tổ chức lấy ý kiến các ngành và phụ huynh học sinh.

Có thể nói đây là một đề án "khủng", đề án "siêu", đề án "sốc"… bởi thực hiện thí điểm mô hình đổi mới cơ bản toàn diện giáo dục tiểu học từ lớp 1 đến lớp 3 tại TP HCM năm học 2014-2015, trọng tâm là vấn đề học sinh bậc tiểu học từ lớp 1 đến lớp 3 phải sử dụng máy tính bảng để phục vụ cho học tập. Toàn bộ sách giáo khoa được đưa vào sách điện tử, được cài đặt vào máy tính bảng. Mỗi máy tính bảng có giá trị từ 3 tới 5 triệu đồng, phụ huynh phải tự trang bị cho con em mình. Tổng kinh phí thực hiện đề án này khoảng 4.000 tỉ đồng.

Chắc chắn số tiền này phải nằm trong ngân sách của thành phố. Nó sẽ được chi cho mua sắm máy móc, trang thiết bị cho các lớp học; phục vụ cho công tác tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý và giáo viên.

Nghe nói các hiệu trưởng sẽ được cử đi học mấy tuần ở Nhật hoặc Hàn Quốc với kinh phí 250 triệu đồng/người. Với số lượng 327.127 học sinh tiểu học của thành phố này, bình quân 50 học sinh/ lớp, sẽ có bao nhiêu lớp, bao nhiêu trường, bao nhiêu thầy hiệu trưởng xuất ngoại? Ấy là chưa kể cái khoản máy tính bảng, nó nằm trong hầu bao của trên 300 ngàn phụ huynh học sinh. Gia đình có điều kiện kinh tế chắc không đến nỗi gì, nhưng gia đình khó khăn thiếu thốn thì sao? Chỉ chừng đó thôi, xin "các nhà" làm đề án nhủ lòng xem xét lại.

Ấy là mới xem xét về mặt kinh tế, còn về mặt lợi, hại của việc triển khai đề án này ra sao, báo chí đã phân tích quá rõ rồi. Cái hại cơ bản là phản khoa học về sức khỏe tuổi thơ, đặc biệt là thị giác và não bộ. Đừng vì tránh bệnh xệ vai vì cái ba lô nặng trĩu sách vở để biến thành bệnh mờ mắt, trầm cảm…

Vấn đề thứ hai là ảnh hưởng của yếu tố cộng đồng, TP HCM có điều kiện thì triển khai, còn 62 địa phương khác thì sao? Con gà tức nhau tiếng gáy! Không khéo rồi cả nước đều "ra quân" sẽ ngốn vào đây bao nhiêu vạn tỉ đồng ngân sách; hàng triệu gia đình phụ huynh với cả chục triệu học sinh tiểu học cả nước phải gánh cái hệ lụy của nó. Quả là lợi bất cập hại.

Vì lẽ đó, kẻ viết bài này kính mong lãnh đạo TP HCM cần xem xét kỹ trước khi phê duyệt đề án

K.M.D.
.
.