Thời luận: Ôm và duỗi

Thứ Hai, 14/10/2013, 22:55

Lạ thật. Thời nay sao thiên hạ sính dùng cái từ ôm đến thế. Những bia ôm, karaoke ôm, cà phê ôm, rồi… đến thịt chó cũng ôm nốt!

Từ ôm tác giả dùng trong bài viết này không phải nói về cái cảnh "ôm eo" mấy cô cave trong các loại quán có hiện tượng trên. Thì cũng là ôm cả thôi, nhưng mà vòng tay của họ nới rộng lắm. Họ ôm được cả sào, cả mẫu, hàng chục, hàng trăm hécta những bờ xôi ruộng mật, đất thổ canh thổ cư, đất đồi, đất rừng… tóm gọn trong cụm từ: "Ôm dự án".

Đã một thời, thiên hạ nhiều người phất lên, giàu xâng xâng, tiền nhiều "như quân Nguyên", chính là nhờ cái thứ ôm này.

Ta thử nghe cuộc đối thoại trong một tiệc nhậu tưng bừng của mấy "đại gia điền địa" bởi có người vừa trúng quả đậm, ôm được một dự án to đùng - "Này, thằng K., con H. dạo này làm ăn ra sao?" - "Khỏe. Con H. có vẻ đào tơ liễu yếu vậy mà "ôm" khỏe lắm. Ít nhất cũng ba, bốn mảnh. Mà mảnh nào cũng "bự chảng" cả mấy chục hécta…" - "Còn thằng K.?" - "Hắn trúng đậm ở xứ Đoài. Trước khi có quyết định nhập… tuần nào chẳng mò về thăm "miền non Tản". Phen này mà 2 cái dự án "đường tâm linh" và dự án sườn đông núi Ba Vì mà được thông qua là hắn trở thành triệu phú đôla là cái chắc".

Để được "ôm" nhiều, cố nhiên họ phải “chạy” khỏe. Bởi thế, việc làm của một số người trong số họ, được xếp vào "họ hàng" của dòng tiêu cực: chạy chức, chạy quyền, chạy dự án…

Vì tính hấp dẫn của dự án như thế, nên chỉ tính giai đoạn thập niên đầu của thế kỷ XXI, dự án mọc lên như nấm sau mưa và trở thành hiện tượng: Ngành ngành ôm dự án, nhà nhà ôm dự án, người người ôm dự án… Lớn, bé cả nước từ Trung ương tới các địa phương có tới hàng vạn dự án ra đời.

Sự đời kể cũng lạ! Mấy ai học hết chữ ngờ. Cao trào chạy đua ôm dự án đến chóng mặt như thế, bỗng chốc lại đua nhau duỗi ra. Nếu không hoặc chưa kịp duỗi thì cứ treo lơ lửng ở đó. Treo vài ba năm, thậm chí có dự án treo cả chục năm trời. Bờ xôi ruộng mật một thời bỗng trở thành hoang hóa, mùa này qua năm khác cỏ mọc um tùm. Nhìn mà xót xa!

Hiện tượng dự án treo trở thành vấn đề bức xúc trong xã hội. Bởi vậy, Quốc hội từ khóa trước đã đề cập và tới kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIII diễn ra cuối năm 2011 đã dành nhiều thời gian thảo luận về vấn đề quản lý tài nguyên đất đai, khoáng sản. Nhiều đại biểu đã phê phán mạnh mẽ tình trạng buông lỏng quản lý dẫn tới đất đai sử dụng sai mục đích, để hoang hóa, lãng phí rất nghiêm trọng.

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, tính tới thời điểm đó có tới 2.455 cơ quan, tổ chức, cá nhân ôm cả chục ngàn dự án nhưng vẫn treo đó, biến 250.862 hécta đất thành hoang hóa.

Một dấu hiệu đáng lưu ý là thời gian gần đây hàng loạt dự án ở nhiều địa phương các nhà đầu tư lại duỗi ra. Họ lặng lẽ rút êm hoặc công khai tuyên bố trả lại với lý do y hệt nhau "Nguồn vốn không đảm bảo, dự án khó khả thi". Hiện tượng duỗi này diễn ra từ mấy năm trước, điển hình như ở Vũng Tàu, từ trước năm 2010, một số dự án trở thành kỳ vọng của thành phố du lịch này, vốn đầu tư lên đến hàng tỉ USD. Vậy mà bao năm dự án vẫn nằm trên giấy. Đất dự án thành vùng hoang. Chủ đầu tư "lặn" mất tăm.

Khu đất vàng ấy bị nhiều người nhảy vào lấn chiếm; và gần đây, dự án khu công nghiệp tàu thủy Soài Rạp ở tỉnh Tiền Giang đã qua tay tới 2 chủ đầu tư mà dự án vẫn nằm trên giấy và đang duỗi ra bởi lý do thiếu vốn; dự án đường cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình dài trên 30 km, tổng vốn đầu tư trên 10 nghìn tỉ đồng. Chủ đầu tư là Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Hà Nội. Cách đây 2 năm, công ty này vẫn lạc quan dự kiến  đầu năm 2014 sẽ hoàn thành dự án. Vậy mà có dư luận họ đã duỗi ra với lý do nguồn vốn lớn quá không kham nổi. Thật cám cảnh!

Nhớ lại một thời không xa, cả nước rơi vào cơn sốt đất. Dự án trở thành miếng mồi hấp dẫn, người ta đua nhau "nặn" dự án, giành giật dự án để được  hưởng lợi từ cơn sốt đất. Nhiều nhà đầu tư không thực lòng, không đủ năng lực tài chính, dễ ăn khó bỏ… Thì tới thời bất động sản đóng băng, họ tìm cách duỗi ra là điều dễ hiểu.

Chúng ta hoan nghênh các nhà đầu tư  kể cả trong và ngoài nước, vì sự phát triển của Việt Nam đã triển khai nhiều dự án có hiệu quả. Song cũng đáng trách không ít những trường hợp "ăn xổi ở thì" ôm dự án vì tư lợi.  Ăn no, ăn bẫm dự án nhưng không triển khai thực hiện, cứ treo dài dài như thế rồi tìm cách duỗi ra.

Tiên trách kỷ, hậu trách nhân. Trước hết các cơ quan chức năng (đề xuất quy hoạch dự án; thẩm định dự án, xác minh năng lực tài chính của nhà đầu tư  để đi tới khâu cuối cùng là ra quyết định trao dự án  kèm theo chế tài…). Nếu làm đầy đủ như vậy, làm hết sức công tâm, không vì mục đích nào khác, ngoài lợi ích của đất nước, của nhân dân thì chắc chắn không loạn quy hoạch và dự án để hoang tàn  dang dở như vừa qua. Những người vi phạm được xử lý ngay (kể cả nhà đầu tư và cơ quan quyết định đầu tư, triển khai dự án). Cả nước không biết có bao nhiêu vị chủ tịch tỉnh, chủ tịch huyện ra quyết định đầu tư, quyết định triển khai dự án sai, dự án bất khả thi?

Nếu một vài cái sai còn có thể "châm chước" rút kinh nghiệm. Song nhiều cái sai nghiêm trọng gây lãng phí công quỹ, tài nguyên đất đai… chẳng lẽ cũng lại châm chước? Làm như vậy khác chi chúng ta  dung túng cho hiện tượng ôm và duỗi như đã nêu trên

K.T.D.
.
.