Thời luận: Thở phào… ngao ngán

Thứ Sáu, 26/09/2014, 12:25

Câu nói mang tính tượng hình của người Việt chúng ta trong hoàn cảnh lo lắng, đợi chờ tin về người thân gặp nạn nhưng khi biết người đó vẫn bình an, mọi người đều THỞ PHÀO NHẸ NHÕM. Ấy vậy mà ở đây bài viết ngắn ngủi này, tác giả lại rút cái tít như trên, thật là nghịch lý! Phải chăng, có sự nhầm lẫm ngôn từ?

Không! Không nhầm lẫn tí nào, nó xuất phát từ trạng thái tâm lý người viết và một số đồng đội của mình khi nghe tin về một sự việc dưới đây:

Cả tháng nay, bạn đọc mong ngóng tin chính thức về việc lãnh đạo địa phương sẽ giải quyết ra sao vấn đề vị tân Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) đã dũng cảm cùng một lúc ký quyết định thu hồi và hủy bỏ 21 quyết định bổ nhiệm cán bộ cấp phòng, ban và tương đương do nguyên Giám đốc Sở ký từ tháng 1 và 2/2014 để ngày 1/3/2014 chính thức nghỉ chế độ hưu trí.

Sự việc trên, bạn đọc nóng lòng chờ sự phản hồi của cơ quan chức năng về sai phạm trong việc ký quyết định bổ nhiệm cán bộ thuộc quyền của cựu Giám đốc sai quy trình, quy định ở mức nào đối với từng trường hợp? Có tiêu cực gì trong việc ký quyết định này không? Nếu do nhu cầu công tác, tại sao lại gác lại trước khi nghỉ hưu mới ký đồng loạt như thế? Nếu sai thì xử lý kỷ luật ra sao?

Những thắc mắc trên, bạn đọc đã được THỞ PHÀO vào ngày 11/9/2014 khi 2 tờ báo Lao Động và Thanh Niên cùng đưa tin: "Bổ nhiệm hàng loạt cán bộ trước khi nghỉ hưu: Nguyên Giám đốc Sở VH-TT&DL TP HCM bị phê bình (Lao Động); "Kỷ luật cán bộ tham mưu bổ nhiệm sai quy định" (Thanh Niên). Quả là đọc xong 2 thông tin trên, mọi người đều thở phào, nhưng mà THỞ PHÀO… NGAO NGÁN để rồi hàng loạt thắc mắc lại nảy sinh.

Trước hết, dư luận hoan nghênh chính quyền địa phương bởi chỉ sau mấy tuần báo chí đưa tin đã có hồi âm trước công luận, chẳng bù cho có nơi báo chí nêu thì cứ nêu, nhưng sự việc cứ âm thầm rơi vào im lặng. Tuy nhiên, nảy sinh cái sự "thở phào… ngao ngán" phải chăng đó là nội dung chưa thỏa đáng, thậm chí có thể nói là trả lời cho qua chuyện. Bởi, theo quy chế, phân định trách nhiệm giữa cơ quan hoặc cán bộ tham mưu đề xuất ý kiến với thủ trưởng cấp trên ký duyệt, thì người ký duyệt phải chịu trách nhiệm chính, cơ quan tham mưu và cán bộ cấp dưới đề xuất chỉ liên đới chịu trách nhiệm.

Vậy thì cớ sao nguyên Giám đốc, nguyên Bí thư Đảng ủy Sở VH-TT&DL Nguyễn Thành Rum lại bị kỷ luật  bằng hình thức "Phê bình rút kinh nghiệm" (mà  hình thức này không có trong danh mục quy định về các hình thức kỷ luật). Trong khi ông Phan Văn Lắm - Phó bí thư Thường trực Đảng ủy - Trưởng phòng Tổ chức cán bộ của Sở là người tham mưu cho giám đốc ký các quyết định bổ nhiệm cán bộ sai quy trình, gây dư luận không tốt trong nội bộ cơ quan và ngoài xã hội, thì lại bị xử lý kỷ luật với hình thức khiển trách (mức xử lý cao hơn người ký quyết định dẫu rằng đây là hình thức thấp nhất theo quy định). Như thế có nghĩa là người ký quyết định sai quy định nêu trên không bị xử lý gì!

Ấy là chưa kể còn khối chuyện chưa rõ ràng. Chẳng lẽ việc to đùng như thế lại chỉ có 2 người thực hiện? Trách nhiệm của cấp ủy Đảng ra sao? Cấp Phó giám đốc phụ trách các lĩnh vực có cán bộ được bổ nhiệm có liên quan gì không? Chừng đó thôi đã khiến người nghe phải thở phào… ngao ngán!

Sự việc trên liên quan tới vấn đề thực hiện quy trình, quy chế, thực hiện dân chủ ở cơ sở. Thiết nghĩ, đây là bài học kinh nghiệm cho tất cả các cơ quan, ban ngành trong công tác thi đua khen thưởng, cất nhắc bổ nhiệm cán bộ… Tất cả phải dân chủ, công bằng, minh bạch, kể cả trong xử lý sai phạm của cán bộ.

Đó cũng là nội dung quan trọng trong công tác xây dựng Đảng theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ tư Khóa XI của Đảng

Trầm Mặc Tưởng
.
.