Thông điệp lớn trong vụ thử nhỏ

Thứ Sáu, 03/04/2020, 10:59
Truyền thông nhà nước CHDCND Triều Tiên ngày 30-3 đưa tin nước này đã thử nghiệm thành công một hệ thống phóng tên lửa đa nòng “siêu lớn”.

Nhật báo Rodong Sunmun mô tả: “vụ bắn thử đã diễn ra thành công” khi đạt được mục đích “xác nhận đặc tính chiến lược và kỹ thuật của hệ thống phóng tên lửa đa nòng siêu lớn”. Vụ thử làm nóng thêm thế giới vốn như đang trên “lò lửa” dịch bệnh.

Người dân Hàn Quốc theo dõi sát diễn biến CHDCND Triều Tiên thử vũ khí mới. Ảnh: BBC.

Chưa vượt "giới hạn"

Đại dịch COVID-19 thực sự đang làm đảo lộn thế giới nhưng dường như không ảnh hưởng đến các vụ thử tên lửa của CHDCND Triều Tiên. Chính vì thế, kể từ đầu năm 2020, Bình Nhưỡng đã 3 lần tiến hành các vụ thử tên lửa. Câu hỏi đặt ra là giữa tâm dịch, mục đích của các vụ thử này là gì? Theo nhận định của giới chuyên gia, trong năm 2019, CHDCND Triều Tiên đã tiến hành 13 vụ phóng thử tên lửa. Riêng mấy tháng đầu năm 2020 là 3 vụ.

Các vụ thử tên lửa và vũ khí này được coi là “thông điệp” gửi đến Mỹ trong bối cảnh các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên lâm vào bế tắc kể từ sau khi hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 ở Hà Nội, hồi tháng 2-2019 kết thúc mà không đạt kết quả.

Trong bối cảnh các cuộc đàm phán hạt nhân với Mỹ bế tắc và qua hạn chót mà Bình Nhưỡng đặt ra để Washington đưa ra các nhượng bộ mới liên quan đến dỡ bỏ trừng phạt, tại một cuộc họp cuối tháng 12-2019, nhà lãnh đạo Kim Jong-un tuyên bố Bình Nhưỡng chấm dứt việc tạm ngừng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa và thử hạt nhân.

Tiếp đó, tháng 1-2020, Triều Tiên tuyên bố nước này không còn nghĩa vụ phải tuân thủ các cam kết về ngừng thử hạt nhân và phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa, do Mỹ đã không đáp lại thời hạn thay đổi quan điểm đàm phán mà Bình Nhưỡng đưa ra. Và trong Thông điệp năm mới 2020, Chủ tịch Kim Jong-un tuyên bố CHDCND Triều Tiên sẽ sớm cho ra mắt một "vũ khí chiến lược mới".

Khi đó, các chuyên gia cho rằng loại vụ khí mà Bình Nhưỡng đề cập đến có thể là một phiên bản tiên tiến của tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) hoặc tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM).

Ngày 3-3, KCNA đưa tin nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã thị sát cuộc diễn tập pháo binh tầm xa, đồng thời xác nhận rằng Bình Nhưỡng đã thực hiện vụ phóng tên lửa đầu tiên trong năm 2020. Những thông tin trên được KCNA đưa ra một ngày sau khi Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) cho biết CHDCND Triều Tiên đã bắn 2 vật thể được cho là tên lửa đạn đạo tầm ngắn ở khu vực gần thành phố duyên hải Wonsan về phía biển Nhật Bản.

Hôm 21-3, Bình Nhưỡng tiếp tục phóng 2 vật thể ra biển Nhật Bản từ tỉnh Bắc Pyongan. Bình Nhưỡng sau đó xác nhận đây là một vụ thử nghiệm “vũ khí dẫn đường chiến thuật" mới được phát triển và nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã giám sát vụ thử này. Ngày 30-3, truyền thông nhà nước CHDCND Triều Tiên đưa tin nước này đã thử nghiệm một hệ thống phóng tên lửa đa nòng "siêu lớn". Đây là vụ tên lửa mới nhất mà CHDCND Triều Tiên tiến hành ngay cả trong bối cảnh cả thế giới căng thẳng vì đại dịch.

Chủ tịch CHDCND TRiều Tiên Kim Jong-un luôn dành sự quan tâm cao cho các vụ thử vũ khí. Ảnh: EPA.

Các nhà quan sát nhận định vụ thử tên lửa thứ ba kể từ đầu năm 2020 của CHDCND Triều Tiên tiếp tục là “chiến thuật” nhằm thương lượng với Mỹ. Daniel DePetris, chuyên gia tại cơ quan nghiên cứu Defense Priorities (Mỹ) nhận định vụ phóng tên lửa thứ ba của CHDCND Triều Tiên kể từ đầu năm 2020 này có thể là minh chứng mới nhất cho thấy ông Kim Jong-un dùng các vụ thử tên lửa như là cách thức phát đi thông điệp ngoại giao rõ ràng: Nước Mỹ biết rõ điều gì sẽ xảy ra nếu Mỹ không tiến tới bàn đàm phán với những đề xuất thực tế.

Căn cứ vào phản ứng của Mỹ, có thể thấy các vụ phóng tên lửa đạn đạo và thử vũ khí tầm ngắn trong năm 2019 và cả 3 vụ thử tên lửa kể từ đầu năm 2020 của CHDCND Triều Tiên đều chưa vượt "giới hạn" mà Washington vạch ra. Thực tế cho thấy, các vụ thử tên lửa gần đây khó có thể khơi mào một cuộc khủng hoảng Mỹ-Triều bởi các vụ thử này được coi là tên lửa thông thường và tầm ngắn.

Về phía Mỹ, theo nhận định của các chuyên gia, nếu hình thức các vụ thử tên lửa từ đầu năm 2020 đến nay sẽ tiếp tục diễn ra và nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un kiềm chế không tiến hành phóng thử tên lửa đạn đạo có khả năng mang đầu đạn hạt nhân thì Tổng thống Trump có thể sẽ tiếp tục coi nhẹ tính chất nghiêm trọng của các vụ thử này và không kêu gọi có biện pháp đáp trả cứng rắn. Điều đó chứng tỏ rằng, dù có những động thái mang tính cảnh cáo và gây sức ép, song cả hai đều không muốn ngừng đối thoại và không có ý định kích động căng thẳng, đối đầu.

“Chiến thuật” thương lượng

Vấn đề là cần phải có những thỏa thuận thỏa đáng để có thể cân bằng lợi ích của cả hai bên. Hơn nữa, trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến nghiêm trọng tại Mỹ cùng với việc CHDCND Triều Tiên đang nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh bùng phát, cả Tổng thống Mỹ và nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên đều không ở vị thế "thiên thời địa lợi" để có thể làm thay đổi tình trạng hiện nay.

Vụ phóng tên lửa thứ ba kể từ đầu năm 2020 của Bình Nhưỡng dường như là động thái gây tác động tới các cuộc bầu cử sắp diễn ra ở Mỹ và Hàn Quốc. Trong tháng 4 tới, các cuộc bầu cử sơ bộ sẽ diễn ra tại nhiều bang trên nước Mỹ trong khi tại Hàn Quốc cũng tổ chức bầu cử quốc hội.

CHDCND Triều Tiên thử nghiệm thành công hệ thống phóng tên lửa đa nòng "siêu lớn".  Ảnh: Nikkei.

Tại Mỹ, trong bối cảnh dịch COVID-19 đang bùng phát mạnh, tác động tiêu cực đến nền kinh tế số một thế giới, ảnh hưởng tới uy tín của Tổng thống Trump trong chiến dịch tranh cử. Trong khi đó, tại Hàn Quốc, uy tín của đảng Dân chủ cầm quyền của Tổng thống Moon Jae-in cũng sụt giảm khi nhiều cử tri cho rằng ông Moon chưa thực hiện các cam kết của mình về cải thiện nền kinh tế cũng như tình trạng bệnh dịch, đồng thời chưa đạt được một thỏa thuận phi hạt nhân hóa với CHDCND Triều Tiên. Do vậy, giới phân tích nhận định Bình Nhưỡng dường như muốn gia tăng rủi ro trước cuộc bầu cử sơ bộ ở Mỹ cũng như cuộc bầu cử quốc hội Hàn Quốc.

Trong một diễn biến liên quan, Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) cho biết nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã khẳng định: "Sự thử nghiệm thành công hệ thống vũ khí mới theo tiêu chuẩn của chúng ta là một sự kiện lớn đánh dấu sự phát triển và sự khác biệt trong lực lượng vũ trang của chúng ta”.

Như vậy, có thể thấy, tại thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, nhà lãnh đạo Triều Tiên đang gửi đi một thông điệp: Quân đội CHDCND Triều Tiên sẽ không ngừng công tác huấn luyện và phát triển các loại vũ khí mới để tăng cường khả năng phòng vệ. Nó cũng cho thấy nước này đang kiểm soát được tình hình và không để dịch COVID-19 làm suy yếu hệ thống quốc phòng và sự nhà lãnh đạo của nhà lãnh đạo Kim Jong-un. 

Khoảng lặng trước cơn bão

Tuy nhiên, rõ ràng, các vụ thử tên lửa diễn ra giữa lúc dịch bệnh cho thấy những nguy cơ tiềm tàng có tác động nhất định đến tình hình trên Bán đảo Triều Tiên. Sự yên ổn hiện nay trên bán đảo này chẳng qua là một biểu tượng phản ánh sự bế tắc trong đối thoại Mỹ-Triều. Dưới sự yên ổn bề ngoài, những mâu thuẫn cố hữu giữa CHDCND Triều Tiên và Mỹ vẫn chưa thay đổi, trong khi những bất ổn mới đang dần hình thành.

Từ đầu năm 2020 đến nay, bầu không khí trên Bán đảo Triều Tiên bình lặng hiếm thấy. Đối thoại Mỹ-Triều tiếp tục đình trệ nhưng sự đối đầu vẫn chưa nóng lên. Bình Nhưỡng duy trì sự nhẫn nại và kiềm chế, tập trung vào chính trị nội bộ, điều chỉnh hệ thống kinh tế, phát triển kinh tế và dân sinh. Sau khi hủy gửi “quà Giáng sinh” cho Mỹ hồi cuối năm ngoái, việc thử nghiệm “vũ khí chiến lược kiểu mới” mà nước này tuyên bố đến nay vẫn ở trạng thái “giương cung mà không bắn”.

Các vụ thử vũ khí trên Bán đảo Triều Tiên luôn thu hút sự quan tâm của thế giới.

CHDCND Triều Tiên vẫn giữ thái độ lạnh nhạt với Hàn Quốc nhưng chưa có bất kỳ động thái đe dọa nào, quan hệ liên Triều về cơ bản vẫn bình lặng. Cần nhận thấy rằng sự bùng phát của dịch COVID-19 là một yếu tố bất ngờ, bùng phát đột ngột và lan rộng đe dọa toàn cầu đã làm giảm tầm quan trọng của các vấn đề khác, như các vấn đề địa chính trị chưa được giải quyết trong khu vực, buộc các bên liên quan phải dành nhiều sức lực và tài nguyên hơn để kiểm soát dịch bệnh và ngăn chặn sự lây lan cho quốc gia của họ, từ đó dẫn đến những điều chỉnh trong việc triển khai chính sách trong một khoảng thời gian nhất định.

CHDCND Triều Tiên rất nhạy cảm và đặc biệt ý thức được mức độ nguy hiểm của dịch bệnh lần này nên đã nhanh chóng thiết lập một cơ chế lãnh đạo phòng chống dịch bệnh quốc gia, khẩn trương áp dụng các biện pháp ở tiêu chuẩn cao, bao gồm đóng cửa biên giới và cấm khách du lịch vào nước này, đây cũng là điều hiếm thấy ở các nước trên thế giới.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát, CHDCND Triều Tiên đành phải dốc sức, nhanh chóng chuyển trọng tâm sang phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh, khiến cho Đối thoại Mỹ-Triều tạm thời bị bị xem là thứ yếu. Thời gian gần đây, nước này cũng bớt lên tiếng về quan hệ với Mỹ và Hàn Quốc, những động thái chỉ trích hai nước này cũng giảm bớt. Nhưng, nhân tố cơ bản quyết định tình hình trên Bán đảo Triều Tiên vẫn là mâu thuẫn chủ yếu giữa CHDCND Triều Tiên và Mỹ, do vậy, việc điều chỉnh chiến lược và chính sách liên quan tới quan hệ Mỹ-Triều mới là yếu tố chính mang lại sự bình lặng tạm thời trên Bán đảo Triều Tiên.

Lịch sử đã chứng minh rằng chính sách của CHDCND Triều Tiên ổn định thì tình hình trên bán đảo ổn định, do vậy không quá lời khi nói rằng quyết định thận trọng của nước này là nhân tố chủ yếu giúp duy trì sự ổn định trên Bán đảo Triều Tiên kể từ đầu năm đến nay. Tuy nhiên, những mâu thuẫn cố hữu giữa CHDCND Triều Tiên và Mỹ vẫn chưa thay đổi, trong khi những bất ổn mới đang dần hình thành.

CHDCND Triều Tiên đã chính thức công khai kế hoạch thử nghiệm “vũ khí chiến lược mới”, nếu Mỹ không đưa ra một thỏa hiệp lớn, khả năng rút lại kế hoạch này một lần nữa là rất khó. Một khi việc thử nghiệm “vũ khí chiến lược mới” được thực hiện, dù đó là tên lửa đạn đạo tầm xa hay vũ khí loại khác, cũng sẽ làm gia tăng căng thẳng đối đầu, thậm chí mang lại hậu quả nghiêm trọng khi khuôn khổ đối thoại Mỹ-Triều bị phá vỡ.

Hiện nay, cả hai đều đang lên kế hoạch và tích cực chuẩn bị để ứng phó với tình hình mới trên Bán đảo Triều Tiên. Phía Mỹ một mặt kêu gọi đối thoại, mặt khác thường xuyên điều máy bay quân sự bay qua Bán đảo Triều Tiên để cảnh giác cao độ đối với CHDCND Triều Tiên, tăng cường kiềm chế về nhiều mặt, ngăn chặn kẽ hở trong lệnh trừng phạt, trong lúc “thanh kiếm” tập trận liên hợp Mỹ-Hàn đe dọa vẫn luôn treo lơ lửng.

Còn CHDCND Triều Tiên cũng không khoan nhượng với Mỹ, với phương châm nếu Mỹ không thay đổi chính sách thì nước này sẽ không đối thoại với Mỹ, điều này đã làm gián đoạn các cuộc tiếp xúc với Mỹ. Do những mâu thuẫn cơ bản Mỹ-Triều vẫn tồn tại và phát triển, “cơn bão táp” tiềm ẩn trên Bán đảo Triều Tiên vẫn tiếp tục hình thành, tình hình tại đây trong thời gian tới là rất khó đoán định. Thế giới và khu vực không nên xem nhẹ “sóng ngầm” có thể gây ra những biến động khó lường.

Hồng Nguyễn
.
.