Thông điệp ngầm

Thứ Tư, 08/05/2019, 15:37
Sau vụ Triều Tiên thử tên lửa đa nòng và vũ khí dẫn đường chiến thuật vào ngày 4-5 trong một "cuộc diễn tập tấn công" dưới sự giám sát của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, nhiều người lo ngại Mỹ sẽ "giật mình" mà đưa ra phản ứng cực kỳ gay gắt đối với tiến trình đàm phán phi hạt nhân hóa.

Nhưng, trái với dự đoán, nước Mỹ đang rất bình tĩnh ứng phó với "thông điệp" ẩn chứa đằng sau vụ thử của Triều Tiên.

Tính toán mới trong một ý đồ cũ

Ngay sau vụ thử, KCNA cho biết, ông Kim Jong-un đã ca ngợi vụ thử là "một sự kiện lịch sử vĩ đại nhằm tăng cường khả năng chiến đấu của quân đội nhân dân". Trong khi đó, một tuyên bố ngày 5-5 của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết Triều Tiên đã thử nghiệm các giàn phóng tên lửa cỡ nòng 240mm và 300mm, cũng như một loại vũ khí dẫn đường chiến thuật mới.

Theo đánh giá của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, tầm bắn của các giàn phóng này từ 70 đến 240km. Vụ thử vừa qua là vụ phóng thử tên lửa đầu tiên của Triều Tiên kể từ cuối năm 2017, và cũng là lần đầu tiên kể từ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt đầu tiếp xúc với nhà lãnh đạo Triều Tiên. Và nó diễn ra không lâu, sau khi nhà lãnh đạo Triều Tiên trở về từ cuộc gặp với Tổng thống Nga V.Putin.

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un theo dõi vụ phóng thử tên lửa. Ảnh: Las Vegas Review-Journal.

Có thể thấy rõ sự "bình tĩnh" của nước Mỹ đã được tính toán rất kỹ lưỡng. Bất chấp việc Triều Tiên bắn thử, phát biểu trong chương trình "This Week" của kênh ABC ngày 5-5, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói rằng "vẫn có cơ hội" để đạt "phi hạt nhân hóa được xác minh". Đồng thời, ông còn bày tỏ hy vọng "có thể trở lại bàn đàm phán và tìm ra con đường tiến về phía trước".

Ông cũng khẳng định rằng lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cũng ủng hộ việc đi tới một thỏa thuận. Ông Pompeo nói: "Chủ tịch Kim đã nhiều lần nhắc lại điều đó. Trên thực tế ông ấy đã nói lại điều này vừa mới đây". Bên cạnh đó, ngoại trưởng Pompeo cho biết vụ thử tên lửa mới đây của Triều Tiên không vượt qua bất kỳ biên giới quốc tế nào.

Những phát biểu của ông Pompeo về việc đạt được một thỏa thuận với Triều Tiên cũng giống với những phát biểu của Tổng thống Mỹ D.Trump. Ông Trump đã nói rằng ông vẫn tin Mỹ và Triều Tiên có thể đạt được một thỏa thuận hạt nhân cho dù thực tế là các cuộc đàm phán đang bị đình trệ kể từ sau Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai.

Trên trang Twitter, ông viết: "Bất kể điều gì trên thế giới này cũng đều có thể xảy ra, nhưng tôi tin rằng ông Kim Jong-un thực sự hiểu rõ về tiềm năng kinh tế to lớn của Triều Tiên, và sẽ không làm gì gây cản trở hay chấm dứt nó. Ông ấy cũng biết rằng tôi đứng về phía ông ấy và ông ấy không muốn phá vỡ lời hứa với tôi. Thỏa thuận sẽ đạt được".

Vượt qua “sức ép tối đa”

Harry J. Kazianis, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu Triều Tiên của Trung tâm lợi ích quốc gia có trụ sở ở Washington, nói: "Rõ ràng, Bình Nhưỡng thất vọng với kết quả của hội nghị gần đây với Washington ở Việt Nam, vốn không đem lại bất kỳ bước đột phá nào. Cũng có vẻ như Triều Tiên đang tức giận vì sự thiếu linh hoạt trong quan điểm của chính quyền Trump về việc nới lỏng trừng phạt, theo sát chính sách “sức ép tối đa'".

Ông Kazianis cho rằng dường như ông Kim Jong-un "đã quyết định nhắc nhở thế giới - và đặc biệt là Mỹ - rằng những vũ khí của ông ta đang lớn mạnh từng ngày".

Adam Mount, Giám đốc Dự án động thái quốc phòng thuộc Hiệp hội các nhà khoa học Mỹ nói rằng, vụ thử vừa qua của Triều Tiên "không chỉ gửi tín hiệu tới Washington bằng cách phô trương một hệ thống vũ khí mới.

Tuy nhiên cũng có những hướng phân tích khác. Tình báo Hàn Quốc cho rằng, sau cuộc gặp giữa nhà lãnh đạo Kim Jong-un với Tổng thống Nga Putin, dường như Triều Tiên muốn Nga giúp tháo gỡ bế tắc trong đàm phán hạt nhân. Cơ quan Tình báo Quốc gia (NIS) Hàn Quốc ngày 6-5 tiết lộ, tại Hội nghị thượng đỉnh Nga - Triều Tiên mới đây, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã đề nghị Tổng thống Nga Vladimir Putin giúp truyền đạt lập trường của Bình Nhưỡng tới Mỹ và Trung Quốc, trong bối cảnh các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Bình Nhưỡng và Washington rơi vào bế tắc.

Trong phiên điều trần gần đây tại Ủy ban Tình báo của Quốc hội Hàn Quốc, NIS nêu rõ: "Nga đứng về phía Mỹ trong vấn đề phi hạt nhân hóa Triều Tiên, nhưng Moscow thấu hiểu lập trường của Bình Nhưỡng về cách thức tiến hành phi hạt nhân hóa. Điều đó có nghĩa là Triều Tiên và Nga dường như đã có điểm chung về cách tiếp cận theo từng giai đoạn và gia tăng dần trong tiến trình giải trừ vũ khí hạt nhân của Triều Tiên".

Theo NIS, việc nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đề nghị Nga truyền đạt lập trường của Bình Nhưỡng về phi hạt nhân hóa tới Mỹ và Trung Quốc có nghĩa là Bình Nhưỡng muốn Moscow đóng vai trò trung gian trong đàm phán Mỹ - Triều đang bế tắc. NIS nhấn mạnh: "Điều này cũng chỉ ra rằng Bình Nhưỡng muốn nối lại đàm phán với Mỹ".

Về đề nghị của Tổng thống Nga về đàm phán đa phương vấn đề Triều Tiên, người đứng đầu Ủy ban Tình báo của Quốc hội Hàn Quốc, ông Lee Hye-hoon cho rằng đây thực chất là đề xuất thiết lập "một nhóm làm việc" thay vì hồi sinh các cuộc đàm phán 6 bên trong quá khứ.

Ông Lee Hye-hoon nhấn mạnh: "Nga có thể đã tạo ra một số điều kiện nhất định để can dự vào vấn đề Bán đảo Triều Tiên, nhưng theo các lệnh trừng phạt hiện tại, Moscow có rất ít vai trò. Có rất ít khả năng các cuộc đàm phán 6 quốc gia sẽ được nối lại, theo tình hình này".

Tên lửa được phóng đi từ bệ phóng. Ảnh: Military Times.

Những giả thiết hoàn toàn có cơ sở

Theo nhận định của giới phân tích, việc Triều Tiên tiếp tục có động thái thử vũ khí mới nhằm gia tăng áp lực buộc Mỹ phải linh hoạt hơn trong các cuộc đàm phán hạt nhân và buộc Hàn Quốc phải đứng về phía Bình Nhưỡng, đồng thời cũng phát đi thông điệp rằng Triều Tiên quyết không khuất phục về mặt quân sự.

Các động thái của Bình Nhưỡng dường như đã được tính toán một cách cẩn trọng và không mang mục đích kích động Mỹ bởi lẽ Triều Tiên không muốn tiến trình ngoại giao hiện nay giữa nước này với Mỹ bị chệch hướng. Nếu tiến trình ngoại giao đổ vỡ, đây sẽ là một đòn mạnh giáng vào những nỗ lực của Triều Tiên trong bối cảnh nước này đang muốn quốc tế giảm bớt các biện pháp trừng phạt đối với Bình Nhưỡng và thúc đẩy chương trình phát triển kinh tế.

Park Won-gon, Giáo sư chính trị quốc tế của Trường Đại học Toàn cầu Handong, nói: "Vụ phóng vật thể bay sáng 4-5 dường như nhằm gây áp lực với Mỹ và thể hiện sự thất vọng của Triều Tiên (trước tình trạng bế tắc của các cuộc đàm phán). Các hành động quân sự nói trên của Triều Tiên chỉ mang tính chiến thuật, không gây ra bất kỳ thách thức an ninh nghiêm trọng nào đối với Mỹ.

Nam Sung-wook, Giáo sư của Trường Đại học Triều Tiên, thì lại cho rằng trong những tháng tới, có thể Triều Tiên sẽ tiếp tục phóng thêm nhiều tên lửa tầm xa để gia tăng áp lực với Mỹ, buộc Washington phải đưa ra một lộ trình cụ thể cho các cuộc đàm phán hạt nhân vào cuối năm nay.

Giáo sư Nam Sung-wook bình luận: "Triều Tiên muốn phát đi thông điệp rằng “chúng tôi có tên lửa và vũ khí hạt nhân để đối phó với các biện pháp trừng phạt (do Mỹ đi đầu)”. Họ có thể tiến hành thêm vài vụ phóng tên lửa tầm ngắn trong tháng này, và không ai có thể đảm bảo rằng họ sẽ không phóng tên lửa tầm trung vào tháng tới".

Trong cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi cuối tháng 4 vừa qua, Kim Jong-un từng nói rằng hòa bình và an ninh trên bán đảo Triều Tiên phụ thuộc vào Mỹ, đồng thời cảnh báo rằng một quốc gia thù địch có thể nhanh chóng tái xuất hiện.

Hong Min, nhà nghiên cứu cấp cao của Viện Thống nhất Dân tộc Triều Tiên, nói: "Triều Tiên muốn thông qua Putin gửi đến Washington một thông điệp về những đảm bảo an ninh, nhưng Hội nghị thượng đỉnh này (Kim-Putin) đã không khiến Mỹ thay đổi thái độ, khiến cho Triều Tiên có những hành động mạnh bạo hơn vào ngày hôm nay (4-5)".

Yang Moo-jin, Giáo sư của Trường Đại học Nghiên cứu Triều Tiên, nói: "Vụ phóng vật thể bay sáng 4-5 là lời cảnh báo gửi tới Mỹ rằng nếu Mỹ tiếp tục gây sức ép và áp dụng các biện pháp trừng phạt (đối với Bình Nhưỡng), Triều Tiên sẽ phóng thêm nhiều tên lửa. Ban lãnh đạo Triều Tiên cũng muốn chứng tỏ với người dân nước này rằng họ sẽ không khuất phục sức ép của Mỹ trong các cuộc đàm phán".

Gập ghềnh đường tới tương lai

Vậy phải làm gì để có thể thúc đẩy đàm phán Mỹ - Triều trong tương lai? Theo bài viết trên trang mạng East Asia Forum, giữa hai bên có một khoảng cách không thể vượt qua được về mục tiêu theo đuổi của quá trình phi hạt nhân hóa. Vậy những sai lầm nào khiến hai bên không đạt được thỏa thuận đối với việc phi hạt nhân hóa và cần phải làm gì trong tương lai để thúc đẩy quá trình này?

Giữa Mỹ và Triều Tiên có khoảng cách quá lớn đối với việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt. Việc dỡ bỏ lệnh cấm vận đối với các sản phẩm trên sẽ mở đường cho các công ty Trung Quốc và Nga - những thực thể không chịu lệnh trừng phạt đơn phương của Mỹ - chính thức nối lại giao dịch với Triều Tiên. Về phía Mỹ, Mỹ muốn Triều Tiên phải phi hạt nhân hóa hoàn toàn.

Không riêng gì việc phóng tên lửa, mà mọi diễn biến từ Triều Tiên luôn được Hàn Quốc theo dõi sát sao. Ảnh: The New York Times.

Như vậy, điều rõ ràng là hai bên khác nhau về những kỳ vọng và kết quả mà mỗi bên tìm kiếm liên quan đến các biện pháp để thực hiện phi hạt nhân hóa của Triều Tiên và mức độ dỡ bỏ lệnh trừng phạt của Mỹ. Điều này dẫn đến việc hai bên đã không thể đạt được một thỏa thuận trong cuộc gặp gần đây.

Cần làm gì để thúc đẩy các cuộc đàm phán trong tương lai? Theo các chuyên gia, đầu tiên, hai bên cần thống nhất về định nghĩa “phi hạt nhân hóa”. Sự đổ vỡ trong cuộc gặp mới nhất đã cho Triều Tiên thấy rằng việc phát triển thành một quốc gia hạt nhân trên thực tế thông qua phi hạt nhân hóa mang tính biểu tượng đặt ra những thách thức nghiêm trọng. Và một thỏa thuận lớn một lần, dù được mong muốn thế nào, không thể được coi là một chiến lược thực tế khi đối mặt với sự cảnh giác của Triều Tiên về các rủi ro an ninh khi thực hiện việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn.

Thứ hai, thỏa thuận cần phải bền vững về mặt chính trị. Việc thất bại của thỏa thuận giữa Mỹ với Iran năm 2015 và “Hiệp định khung” với Triều Tiên được ký năm 1994 cho thấy bất kể thỏa thuận mới nào cũng có thể bị thay đổi khi chính quyền Mỹ thay đổi và đây là rủi ro lớn nhất của các cam kết quốc tế của Mỹ. Như vậy, Triều Tiên sẽ có ít động lực để tiến tới một thỏa thuận mà có thể bị phá vỡ sau khi Mỹ có chính quyền mới. Thứ ba, cần có sự cân bằng giữa yêu cầu phi hạt nhân hóa và các ưu đãi mà Triều Tiên được hưởng.

Đối với Triều Tiên, sẽ chẳng có lợi gì nếu phi hạt nhân hóa mà lại không được hưởng các ưu đãi bởi phi hạt nhân hóa chỉ làm tăng khả năng dễ bị tấn công của họ. Vì vậy, rất cần thiết để đưa ra những đảm bảo an ninh cũng như lợi ích kinh tế hữu hình cho Triều Tiên. Tuy nhiên, việc đưa ra lợi ích cho Triều Tiên quá nhiều, hoặc ngược lại không đủ, đều gây ảnh hưởng tới quá trình đàm phán phi hạt nhân hóa, do đó cần phải xây dựng kế hoạch cho việc đưa ra các lợi ích để trao đổi.

Những khó khăn cố hữu trong việc tìm kiếm điểm cân bằng phù hợp cho bất kỳ thỏa thuận nào chính là Mỹ và Triều Tiên phải chuẩn bị chu đáo hơn, tiến hành các cuộc đàm phán có chuẩn bị và xúc tiến theo từng giai đoạn.  

Các cuộc đàm phán hạt nhân với Triều Tiên có lẽ sẽ được nối lại trong những tháng tới. Không bên nào loại trừ khả năng tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ ba.

Hoa Huyền
.
.