Thông điệp từ Bình Nhưỡng

Thứ Năm, 28/05/2020, 09:46
Khi đối thoại Mỹ - Triều đang bế tắc, CHDCND Triều Tiên gần đây với mỗi sự trở lại của Chủ tịch Kim Jong-un sau một thời gian vắng bóng lại mang đến những thông tin mới.

Sự trở lại và những cụm từ "lợi hại"

Sau 3 tuần vắng bóng trên truyền thông, Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) mới đây đưa tin ông Kim Jong-un đã chủ trì một hội nghị của Quân ủy Trung ương của Đảng Lao động Triều Tiên.

Hội nghị đã "đề ra những chính sách mới nhằm nâng cao năng lực răn đe bằng chiến tranh hạt nhân của quốc gia và đặt các lực lượng vũ trang chiến lược trong tình trạng cảnh giác cao độ để phù hợp với những yêu cầu chung của việc xây dựng và phát triển các lược lượng vũ trang của quốc gia". Hiện nay, "những chính sách mới" để tăng cường khả năng răn đe hạt nhân vẫn chưa rõ là gì.

Ngoài ra, "hội nghị thảo luận các bước đi quân sự quan trọng cùng các biện pháp về mặt tổ chức và chính trị để củng cố hơn nữa toàn bộ các lực lượng vũ trang của CHDCND Triều Tiên cả về mặt chính trị và tư tưởng và trong kỹ thuật quân sự nhằm bảo vệ vững chắc sự ổn định chính trị và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia, ngăn chặn các mối đe dọa quân sự dai dẳng dù lớn hay nhỏ đến từ các lực lượng thù địch...".

Bên cạnh đó, Chủ tịch Kim Jong-un còn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc "hiện thực hóa sự lãnh đạo vững chắc của đảng" đối với quân đội và chỉ ra cụ thể "những vấn đề then chốt cần tập trung nhằm duy trì hoạt động chính trị và quân sự của các lực lượng vũ trang của CHDCND Triều Tiên, cũng như các nhiệm vụ và cách thực hiện".

Ông Kim Jong-un đã ký 7 "sắc lệnh" liên quan tới các biện pháp quân sự đã được thảo luận tại hội nghị, trong đó bao gồm các biện pháp tăng cường "trách nhiệm và vai trò của các cơ sở đào tạo quân sự", tổ chức lại "hệ thống chỉ huy quân sự" và củng cố "hàng ngũ các sĩ quan chỉ huy quân sự". Trong cuộc họp, ông Ri Pyong-chol, nhân vật nổi tiếng vì có những đóng góp vào sự phát triển của quân đội CHDCND Triều Tiên được bầu làm Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương.

Chủ tịch Kim Jong-un dự lễ khánh thành nhà máy phân bón ở thành phố Sunchon thuộc tỉnh Pyongan, ngày 1-5.

Quyết không từ bỏ “thanh bảo kiếm”

Các chuyên gia ngày 25-5 cho rằng bước đi mà CHDCND Triều Tiên nhiều khả năng nhất có thể thực hiện để tăng cường năng lực răn đe bằng vũ khí hạt nhân là phóng tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm và ra mắt một loại tàu ngầm mới, mặc dù chính quyền Bình Nhưỡng được dự đoán sẽ bước đi đầy thận trọng và chính xác trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.

Cơ quan tình báo Hàn Quốc cho biết họ đã giám sát chặt chẽ các hoạt động của CHDCND Triều Tiên liên quan đến việc chuẩn bị cho ra mắt loại tàu ngầm mới lần đầu tiên được tiết lộ hồi tháng 7 năm ngoái. Loại tàu ngầm này, được cho là có lượng choán nước 3.000 tấn, có khả năng mang theo 3 quả tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) và đang được đóng tại căn cứ hải quân của CHDCND Triều Tiên ở Sinpo trên bờ biển phía Đông nước này.

Một nguồn tin quân sự cho biết: "Có vẻ chiếc tàu ngầm này đã gần như sẵn sàng cho việc triển khai. Chúng tôi đang theo dõi sát để biết khi nào CHDCND Triều Tiên sẽ tổ chức lễ ra mắt". Đầu tháng này, Cơ quan Tình báo quốc gia Hàn Quốc đã lưu ý việc phát hiện các tàu ngầm lớp Gorae 2.000 tấn và thiết bị phóng tên lửa dưới nước tại xưởng đóng tàu Sinpo.

Hiện tại, CHDCND Triều Tiên được cho là có 70 tàu ngầm, trong đó có khoảng 20 chiếc Romeo loại 1.800 tấn. Tuy nhiên, hầu hết số tàu ngầm này được cho là đã lỗi thời và không phù hợp với các hoạt động ngoài vùng biển ven bờ.

Bình Nhưỡng cũng có thể tiến hành thêm các vụ thử SLBM mới nhất của họ, loại Pukguksong-3, sau lần phóng thử nghiệm đầu tiên hồi tháng 10-2019 ngoài khơi bờ biển phía Đông gần Wonsan.

Theo Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS), loại tên lửa tầm trung này được cho là bản nâng cấp của tên lửa Pukguksong-1. SLBM có khả năng mang đầu đạn hạt nhân giúp hoàn tất kho vũ khí hạt nhân chiến lược. SLBM, nói chung, có tỷ lệ chính xác thấp hơn ICBM và mang đầu đạn hạt nhân nhỏ hơn.

Tuy nhiên, SLBM có thể được sử dụng một cách hiệu quả để tiến hành một cuộc tấn công trả đũa bất ngờ bằng vũ khí hạt nhân vào các mục tiêu không được bảo vệ sau khi CHDCND Triều Tiên hứng chịu "cuộc tấn công đầu tiên" của kẻ thù. Theo các quan chức tình báo Hàn Quốc, CHDCND Triều Tiên đã phát triển 2 loại tên lửa Pukguksong và tầm bay của chúng đạt khoảng 1.300 km.

Bình luận về hội nghị của Quân ủy Trung ương CHDCND Triều Tiên, luật sư Edward Oh tại Washington tỏ ra hoài nghi về hy vọng của nhiều người rằng ông Kim Jong-un sẽ chuyển trọng tâm từ vũ khí hạt nhân sang cải cách nền kinh tế thông qua các biện pháp ví dụ như xây dựng các đặc khu kinh tế. Ông viết trên Twitter: "Tôi cho rằng khi quốc gia nào đó tuyên bố vũ khí hạt nhân của họ là thanh bảo kiếm và ca ngợi điều này trong hiến pháp thì sẽ thật sai lầm nếu cho rằng họ sẽ từ bỏ vũ khí hạt nhân của mình để đổi lấy việc xây dựng thêm các đặc khu kinh tế".

Kể từ khi các cuộc đàm phán về chương trình vũ khí hạt nhân của CHDCND Triều Tiên với Mỹ hồi đầu năm ngoái thất bại, Bình Nhưỡng đã trình diễn một số loại tên lửa mới và tiến hành các vụ thử vũ khí lớn, chủ yếu liên quan đến các tên lửa tầm ngắn.

Ngày 24-5 vừa qua, Ủy viên Quốc vụ kiêm Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho rằng, sự liên lạc và đối thoại giữa CHDCND Triều Tiên và Mỹ là điều kiện tiên quyết quan trọng để giải quyết những bất đồng giữa hai nước cũng như thúc đẩy giải pháp cho vấn đề Bán đảo Triều Tiên.

Thế nhưng, rõ ràng có thể thấy Bình Nhưỡng đang có những tính toán chiến lược hoàn toàn đi ngược lại với xu hướng đối thoại trong khi Washington đang bận rộn với bầu cử và đại dịch COVID-19. Khi đối thoại chưa thể trở lại, một Bình Nhưỡng cứng rắn hơn sẽ khiến cộng đồng quốc tế có phần thêm lo lắng.

Hà Phương (Tổng hợp)
.
.