Thông điệp từ “Lá chắn Liên minh 2019”

Thứ Tư, 18/09/2019, 21:26
Không chỉ là mục đích phòng thủ, cuộc tập trận “Lá chắn Liên minh 2019” của Lực lượng Vũ trang Nga và Belarus còn được cho là một lời nhắn nhủ “thiết thực” tới NATO.

Mục tiêu phòng thủ

Cuộc tập trận quy mô lớn mang tên “Lá chắn Liên minh 2019” do Lực lượng vũ trang Nga và Belarus tiến hành diễn ra từ ngày 13 đến 19 tháng 9 tại thao trường Mulino ở thành phố Nizhny Novgorod (Liên bang Nga). “Lá chắn Liên minh” diễn ra lần đầu tiên vào năm 2006, trong bối cảnh Moscow và Minsk lo ngại về các hoạt động quân sự sát biên giới của NATO. Đây là một phần quan trọng của “Hệ thống phòng không thống nhất” giữa Nga và Belarus và là yếu tố then chốt của hợp tác quân sự giữa hai nước.

Chia sẻ về cuộc tập trận, Thứ trưởng Thứ nhất Bộ Quốc phòng Belarus Oleg Belokonev nêu rõ: “Bất chấp sự gia tăng những cuộc tập trận của các lực lượng vũ trang chung Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Đông Âu, gần biên giới với nhà nước liên minh (Nga - Belarus), cuộc tập trận chung Lá chắn Liên minh 2019 sẽ không diễn ra tại các thao trường gần biên giới mà sâu trong lãnh thổ Nga.

Điều này được thực hiện một cách thận trọng để không làm trầm trọng tình hình tại châu Âu, đồng thời một lần nữa khẳng định mong muốn của Belarus và Nga là giảm căng thẳng tại khu vực”.

Theo Thứ trưởng Belokonev, một loạt nhiệm vụ sẽ được thử nghiệm trong cuộc tập trận, từ việc bảo vệ biên giới quốc gia, cho tới chiến đấu chống lại các nhóm vũ trang bất hợp pháp, cũng như thực hiện các hành động phòng thủ và đảm bảo ổn định.

Tổng số quân tham gia tập trận lần này vào khoảng 12 nghìn người (trong đó có 8 nghìn quân nhân Nga và 4 nghìn quân nhân Belarus). Có hơn 950 phương tiện chiến đấu, với 70 máy bay chiến đấu và 50 hệ thống phòng không hiện đại của 2 nước cùng tham gia tác chiến. Mặc dù cuộc tập trận hoàn toàn mang tính chất phòng thủ nhưng đã khiến phương Tây lo ngại.

Hàng trăm khí tài quân sự và vũ khí hạng nặng của quân đội Nga và Belarus sẽ thực hiện các bài tập hỗn hợp, hỏa lực liên tục cả ngày lẫn đêm. Các loại vũ khí uy lực tham gia tập trận bao gồm nhiều xe tăng T-80, T-72B3, xe chiến đấu bộ binh BMP-2, BMP-3, pháo tự hành Msta-S, hệ thống tên lửa chiến thuật Iskander-M và các khí tài điện tử hiện đại khác.

Ngoài ra, “Lá chắn Liên minh 2019” đặc biệt chú ý tới việc ngăn chặn sự xâm nhập của các nhóm chống phá và gián điệp nhằm vào đơn vị quân sự, vấn đề giải phóng khu dân cư khỏi các nhóm vũ trang bất hợp pháp. Các hoạt động trinh sát và tìm kiếm chung của các đơn vị thuộc Lực lượng vũ trang Nga và Belarus cũng được tăng cường diễn tập.

Sau khi phân tích các cuộc xung đột vũ trang xảy ra trong những năm gần đây, quân đội hai nước đã đưa ra kết luận rằng, phần lớn các xung đột vũ trang được bắt đầu bằng việc kích hoạt những kẻ khủng bố, ly khai và các nhóm vũ trang bất hợp pháp với sự hỗ trợ của lực lượng thứ ba. Quân đội hai nước đã tập trung vào cuộc chiến chống lại những kẻ khủng bố và nhóm phiến quân, bao gồm cả việc giải phóng và dỡ bỏ các khu định cư.

Quân đội hai nước có kế hoạch áp dụng rộng rãi kinh nghiệm của quân đội Nga tham gia chiến dịch ở Syria. Các bài tập trong khuôn khổ tập trận sẽ diễn ra cả ban ngày lẫn ban đêm.

Cuộc tập trận có nhiều vũ khí hiện đại.

Đối trọng với “sức mạnh” NATO

Kể từ năm 2009, cuộc tập trận chung “Lá chắn Liên minh” giữa Nga và Belarus được tổ chức 2 năm một lần, luân phiên trên lãnh thổ của cả hai nước. Mặc dù hai nước tuyên bố rằng cuộc tập trận chỉ có mục tiêu phòng thủ, tuy nhiên vẫn khiến NATO lo ngại.

Các nhà lãnh đạo quân sự Nga và Belarus thời gian qua tỏ ra lo ngại về các cuộc diễn tập tấn công của NATO. Thứ trưởng Oleg Belokonev khi phân tích về các cuộc tập trận lớn nhất của NATO như Anaconda 2018 và Dragon 2019 đã nhận thấy được những nguy cơ về yếu tố sử dụng vũ lực của NATO trong không gian hậu Xôviết.

Việc huấn luyện lực lượng NATO đã chuyển trọng tâm từ phòng thủ và các chiến dịch đặc biệt sang phòng thủ và tấn công. NATO đang thực hành việc sử dụng quân đội ở ngay gần biên giới của Nga và Belarus. Bộ Quốc phòng Nga và Belarus hiện nay đặc biệt chú ý bảo vệ hướng Tây.

Đây có lẽ cũng là một hành động dễ hiểu bởi thời gian qua, NATO tiến hành hàng chục cuộc tập trận ở các quốc gia giáp với Nga. Quân đội NATO huấn luyện chiến đấu cả trên bộ, trên không và trên biển. Đôi khi, quân đội NATO không ngần ngại che giấu rằng họ coi Nga như một đối thủ chính.

Hiện nay, tình hình chính trị-quân sự ở biên giới phía Tây của Nga vẫn căng thẳng. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu, vấn đề là do sự gia tăng hiện diện quân sự của NATO ở Đông Âu, triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ ở Ba Lan và Romania, mở rộng liên minh quân sự với Phần Lan và Thụy Điển.

Đáp lại, Bộ Quốc phòng Nga đang có những hành động tương ứng. Vì vậy, để nâng cao sức mạnh chiến đấu của quân đội và hệ thống căn cứ theo hướng Tây, hơn 70 đơn vị quân đội Nga đã được thành lập. Hàng nghìn đơn vị vũ khí thiết bị mới và hiện đại được trang bị cho lực lượng quân đội khu vực phía Tây nước Nga.

Thêm vào đó, việc huấn luyện lực lượng Nga và đồng minh duy nhất ở phía Tây đóng một vai trò quan trọng. Theo các thỏa thuận, trong trường hợp bị nước thứ ba tấn công, cả hai quân đội sẽ hành động cùng nhau.

Về hợp tác kỹ thuật quân sự, Nga thuê 2 căn cứ ở Belarus là Baranovichi làm hệ thống cảnh báo tấn công tên lửa và Vileyka, nơi tương tác với các tàu ngầm hạt nhân trực chiến ở Đại Tây Dương, Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Hơn nữa, Nga không phải trả phí bởi các cơ sở này hoạt động vì an ninh chung của cả hai nước.

Moscow hỗ trợ bằng mọi cách nhằm tăng cường khả năng phòng thủ của Belarus. Nga cung cấp cho Belarus tất cả các vũ khí và thiết bị quân sự cần thiết. Hầu hết vũ khí được Nga chuyển giao miễn phí hoặc với giá ưu đãi. Minsk tiếp nhận vũ khí nhỏ, pháo binh, xe bọc thép và hệ thống phòng thủ tên lửa.

Hà Phương (tổng hợp)
.
.