Thông điệp từ cuộc diễu binh lúc nửa đêm

Thứ Tư, 14/10/2020, 14:08
Ngày 10-10 kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Đảng Lao động Triều Tiên. Lễ kỷ niệm, theo phong cách truyền thống của CHDCND Triều Tiên, thường đi kèm với một cuộc diễu binh lớn. Đây là cơ hội tốt để các nhà quan sát nước ngoài chứng kiến những loại vũ khí mới và hoành tráng nhất của Triều Tiên trong buổi lễ.

Ra mắt tên lửa lớn nhất

Nhân dịp này, Bình Nhưỡng đã cho ra mắt tên lửa hạt nhân lớn nhất của mình. Tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) được đặt trên một bệ phóng kiêm vận chuyển với 11 trục bánh xe. Cuộc diễu hành còn cho thấy các tên lửa đạn đạo khác mà CHDCND Triều Tiên lần đầu tiên phô diễn kể từ khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un bắt đầu gặp gỡ các nhà lãnh đạo quốc tế, trong đó có Tổng thống Mỹ Donald Trump, hồi năm 2018.

Cuộc diễu hành này còn cho thấy tên lửa Hwasong-15, một loại tên lửa tầm xa nhất từng được CHDCND Triều Tiên thử nghiệm và dường như là một loại tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) mới.

Xuất hiện tại cuộc diễu binh, ông Kim Jong-un nói: “Chúng ta sẽ tiếp tục xây dựng sức mạnh phòng thủ quốc gia và khả năng răn đe chiến tranh tự vệ”, song tuyên bố sức mạnh quân sự của đất nước sẽ không được sử dụng để tấn công phủ đầu. Ông không nhắc trực tiếp tới Mỹ hoặc các cuộc đàm phán giải trừ hạt nhân hiện đang bị đình trệ.

Harry Kazianis thuộc Trung tâm Lợi ích quốc gia nhận định loại tên lửa ICBM này “lớn hơn rất nhiều và có sức công phá mạnh hơn nhiều so với bất kỳ tên lửa nào trong kho vũ khí của Bình Nhưỡng”. Các cuộc đàm phán hạt nhân đã rơi vào bế tắc sau thất bại của hội nghị thượng đỉnh lần 2 đầu năm 2019 và nhiều ý kiến nhận định rằng Bình Nhưỡng sẽ tiếp tục phát triển vũ khí của mình trong tiến trình thương lượng ngoại giao.

CHDCND Triều Tiên trình làng tên lửa xuyên lục địa mới.

Hệ thống ICBM mới và có quy mô lớn hơn này có thể được thiết kế để mang theo nhiều đầu đạn, hay còn được gọi là phương tiện chứa nhiều đầu đạn tấn công nhiều mục tiêu độc lập (MIRVs), cho phép tấn công nhiều mục tiêu hơn và khó có thể bị đánh chặn hơn. Bình luận về sức mạnh của loại tên lửa mới này, Michael Elleman, Giám đốc Chương trình chính sách hạt nhân và không phổ biến hạt nhân thuộc Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế cho rằng ICBM này có thể “nhắm trúng bất kỳ vị trí nào trên lục địa Mỹ”, có năng lực cao hơn cả ICBM R-16 hoặc R-26 của Liên Xô cũ vốn chưa từng được triển khai.

Trong khi đó, ông Markus Garlauskas, cựu sĩ quan tình báo Mỹ về Triều Tiên nhận định rằng ICBM mới được trình diễn nói trên có thể nhằm xóa tan những nghi ngại về việc năng lực của CHDCND Triều Tiên trong việc tiến hành một cuộc tấn công vào lục địa Mỹ, đồng thời đây cũng là một mối đe dọa ngầm rằng Bình Nhưỡng đang chuẩn bị thử nghiệm loại tên lửa lớn hơn này.

Trước cuộc diễu hành, giới chức ở Hàn Quốc và Mỹ cảnh báo nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thể sử dụng sự kiện này để tiết lộ một loại “vũ khí chiến lược” mới như đã hứa trước đó trong năm nay.

Vẫn thận trọng với Washington

Phản ứng về những động thái từ Bình Nhưỡng, về phía Seoul, các quan chức Hàn Quốc ngày 12-10 cho biết giới chức quân đội đang phân tích chi tiết tên lửa ICBM. Phát biểu trong cuộc họp báo thường kỳ, người phát ngôn Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân (JCS) của Hàn Quốc, Đại tá Kim Jun-rak, nói: “Giới chức tình báo Hàn Quốc và Mỹ đang phối hợp chặt chẽ để phân tích các vũ khí mà CHDCND Triều Tiên công bố, trong đó có một loại vũ khí được cho là tên lửa đạn đạo tầm xa mới”.

Một quan chức quân đội khác xác nhận: “Hiện chưa thể phân biệt rõ tên lửa mới này là thật hay chỉ là mô hình và loại tên lửa mới này cho đến nay chưa được thử nghiệm”.

Về phía Mỹ, ngày 10-10 Washington đã bày tỏ thất vọng trước cuộc duyệt binh, trong đó phô diễn một tên lửa đạn đạo liên lục địa tối tân. Trong một tuyên bố, một quan chức Mỹ nêu rõ: “Thật đáng thất vọng khi thấy CHDCND Triều Tiên tiếp tục ưu tiên chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo bị cấm”. Theo quan chức này, Mỹ đang thúc giục CHDCND Triều Tiên “tham gia vào các cuộc đàm phán bền vững và thực chất để đạt được phi hạt nhân hóa hoàn toàn” - đề cập đến thỏa thuận mà lãnh đạo hai nước đạt được tại hội nghị thượng đỉnh lần đầu tiên vào năm 2018.

Riki Ellison, người sáng lập tổ chức tuyên truyền về vấn đề phòng thủ tên lửa phi lợi nhuận Missile Defense Advocacy Alliance, cho rằng đa phần ý kiến dự đoán rằng Bình Nhưỡng sẽ thử loại tên lửa lớn hơn kể trên trong vài tháng tới, phát đi thông điệp đến cả Tổng thống Trump và ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden.

Bà Jenny Town, nghiên cứu viên tại Trung tâm Stimson, cũng cho rằng CHDCND Triều Tiên khó có thể triển khai tên lửa này khi chưa thử nghiệm ít nhất một lần. Hãng tin AFP dẫn lời giới phân tích cho rằng Bình Nhưỡng sẽ vẫn thận trọng tránh không làm hủy hoại những cơ hội với Washington trước thềm cuộc bầu cử.

Leif-Eric Easley, giáo sứ tại Trường Đại học Ewha ở Seoul, tỏ ra thận trọng khi bàn về khả năng “hoạt động thực sự” của các hệ thống vũ khí được phô diễn trong cuộc diễu binh vừa qua. Ông nói: “Vẫn có kiểu chính trị lừa gạt, những vũ khí phô diễn tại cuộc diễu binh là lời nhắc nhở nghiêm túc rằng CHDCND Triều Tiên sẽ không thể bị gạt ra khỏi mối quan tâm của cộng đồng quốc tế”.

Việc Bình Nhưỡng ra mắt ICBM không phải là điều bất ngờ. Trong một thời gian, nước này đã ám chỉ rằng họ có thể sớm tiết lộ về một “vũ khí chiến lược mới”. Theo nhận định chung của giới phân tích, loại vũ khí này thể hiện sự thất vọng của CHDCND Triều Tiên trước tốc độ đàm phán chậm chạp với Mỹ và Hàn Quốc trong những năm qua.

Nếu Mỹ và Hàn Quốc không đạt được thỏa thuận, khi đó CHDCND Triều Tiên có thể sẽ thấy rằng họ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tăng cường năng lực để ngăn chặn bất kỳ hành động nào mà Mỹ có thể tiến hành chống lại họ. Những loại vũ khí này sẽ đóng vai trò là “con bài mặc cả” trong các cuộc đàm phán và hối thúc giới tinh hoa Mỹ và Hàn Quốc trở lại con đường ngoại giao. Không có những vũ khí này, họ dễ dàng bị ép buộc và cô lập.

Hà Phương (Tổng hợp)
.
.