Thủ lĩnh Taliban Mullah Omar đã chết?

Thứ Hai, 03/08/2015, 19:40
Dư luận Afghanistan trong mấy ngày gần đây rộ lên thông tin thủ lĩnh một mắt Mullah Mohammad Omar của phiến quân Taliban đã chết. Chính phủ Afghanistan đã xác nhận thông tin này, trong khi giới chuyên gia chống khủng bố vẫn đang theo dõi và phân tích những khả năng tương lai tổ chức Taliban sẽ ra sao.

Báo chí thế giới ngày 29 và 30/7 đều đưa tin, Chính phủ Afghanistan, cụ thể là Văn phòng Tổng thống Afghanistan hôm 29/7 dựa vào các nguồn tin đáng tin cậy, đã xác nhận thông tin báo chí đã đăng rằng, "thủ lĩnh Mullah Omar của Taliban đã chết", và nói thêm rằng Mullah Omar đã chết cách đây hơn 2 năm.

Cơ quan Tình báo Afghanistan, Ban giám đốc An ninh Quốc gia (NDS) nêu chi tiết hơn, xác định Omar đã chết khoảng tháng 4/2013, tại thành phố Karachi, Pakistan, do bệnh lao phổi, có nguồn tin nói do bệnh viêm gan siêu vi B.

Tại Washington, phản ứng trước thông tin về cái chết của Mullah Omar, người phát ngôn Nhà Trắng Eric Schultz cũng xác nhận thông tin này là "đáng tin cậy", và cũng nói thêm tình báo Mỹ đang tiếp tục nghiên cứu vấn đề này để có thêm thông tin.

Mullah Omar và lực lượng Taliban hồi mới lên nắm quyền ở Kabul, năm 1996.

Theo trang web của Taliban, thủ lĩnh một mắt Mullah Omar của Taliban sinh năm 1960, là con của một giáo sĩ Hồi giáo thuộc bộ tộc Pashtun tại tỉnh Kandahar, Afghanistan. Omar được giáo dục về tôn giáo và lớn lên cũng làm một giáo sĩ, sinh sống tại làng Sangesar, tây nam thành phố Kandahar.

Thời kỳ Afghanistan bất ổn trong những năm 70 thế kỷ XX dẫn đến việc Liên Xô đưa quân đội sang Afghanistan để giúp duy trì ổn định tình hình, Omar tham gia vào một nhóm thánh chiến quân chiến đấu chống Chính phủ Afghanistan lẫn quân đội Liên Xô. Omar đã nhiều lần bị thương và bị mất một con mắt.

Sau khi Liên Xô rút quân vào năm 1989, Afghanistan rơi vào tình trạng hỗn loạn, vô chính phủ, với việc các phe phái ở Afghanistan đánh nhau. Và lực lượng Taliban đã được sinh ra từ trong mớ hỗn loạn đó, ban đầu chỉ là một nhóm dân quân tự vệ ở Kandahar do Omar chỉ huy, mục tiêu nhắm đến là các thủ lĩnh chiến tranh tham lam ở địa phương, về sau phát triển lên thành một phong trào lan rộng trên toàn quốc.

Tên gọi Taliban xuất phát từ thành phần chủ yếu của họ là thanh niên, sinh viên đến từ các trường học tôn giáo. Hầu hết thành viên Taliban là người sắc tộc Pashtun, giống như Omar. Với sự giúp sức của Pakistan, Taliban đánh chiếm Kabul, lên nắm quyền tại Afghanistan vào năm 1996.

Sự kiện khủng bố ngày 11/9/2001 và sự xuất hiện của trùm khủng bố Osama bin Laden của tổ chức khủng bố Al-Qaeda đã khiến Mỹ đưa quân tấn công Afghanistan vào cuối năm 2001, đánh bật Taliban ra khỏi Kabul. Omar đã trốn thoát và biến mất khỏi công chúng kể từ đó.

Mullah Omar đã chạy trốn sang Pakistan và cùng với Osama bin Laden trú ẩn tại vùng bộ lạc miền núi tây bắc Pakistan. Từ nơi trú ẩn này, Mullah Omar đã chỉ huy các lực lượng Taliban gây ra nhiều vụ tấn công khủng bố bên trong Afghanistan.

Một điều đáng chú ý là, kể từ khi trốn thoát sang Pakistan, Mullah Omar chưa bao giờ xuất hiện trước công chúng Afghanistan, kể cả trong video. Những chỉ thị của Omar được bộ máy lãnh đạo của Taliban truyền ra bên ngoài chủ yếu bằng âm thanh và các chỉ thị đăng trên báo, mạng Internet.

Về tin đồn "Mullah Omar đã chết", trước đây đã vài lần xuất hiện tin đồn tương tự về cái chết của Mullah Omar nhưng đều không được xác nhận. Một lần, vào tháng 1/2011, một trang thông tin tình báo trên mạng Internet đã đăng thông tin rằng Omar đã lên cơn đau tim, được đưa đi cấp cứu tại một bệnh viện ở thành phố Karachi, được Cơ quan Tình báo Pakistan (ISI) hỗ trợ điều trị.

Vài tháng sau, báo chí Afghanistan và Pakistan đưa tin Mullah Omar đã chết cách đó 2 năm do bệnh lao phổi và đã được chôn cất ở Afghanistan. Thông tin này đã bị lực lượng Taliban lên tiếng bác bỏ.

Cho đến nay, những thông tin về tình hình sức khỏe cũng như sự thật Mullah Omar còn sống hay đã chết đều được Taliban giữ bí mật tuyệt đối. Đó được xem như một biện pháp để duy trì đoàn kết trong nội bộ Taliban, đồng thời để giữ vững tinh thần chiến đấu, duy trì sức mạnh vô hình của tổ chức này trước chính quyền Afghanistan cũng như các đối thủ trong khu vực.

Ngay cả sau khi có những tin đồn về cái chết của Omar cách đây 2 năm, Taliban vẫn tiếp tục tung ra những chiêu thức nhằm gây tâm lý "bán tín bán nghi" trong dư luận về sự "sống chết" của Omar, chẳng hạn như hồi tháng 4/2015, Taliban bất ngờ tung ra bản tiểu sử của Omar, trong đó tuyên bố thủ lĩnh Mullah Omar vẫn tiếp tục "theo dõi và kiểm tra hoạt động của các thánh chiến quân"; rồi mới đây nhất Taliban lại tung ra một đoạn ghi âm "phát biểu của Mullah Omar" trong đó Mullah Omar ca ngợi tiến trình đàm phán hòa bình với chính quyền Afghanistan,…

Tuy nhiên, trước thông tin hiện nay về việc Mullah Omar đã chết cách đây 2 năm, lãnh đạo Taliban không có phát ngôn cải chính nào mà có vẻ như đang ngầm xác nhận thông tin đó là sự thật.

Mullah Omar.

Theo giới phân tích về Afghanistan, thông tin về cái chết của thủ lĩnh Taliban Mullah Omar vào lúc này có ý nghĩa nhất định. Qua tiếp xúc với các nhân vật thuộc các phái khác nhau trong Taliban và dư luận quan chức Afghanistan, báo chí quốc tế đưa ra nhận định, cái chết của Mullah Omar tuy không làm giảm đi các hoạt động khủng bố của lực lượng này tại Afghanistan, nhưng về ngắn hạn cũng như lâu dài nó chắc chắn sẽ làm cho Taliban suy yếu về mọi mặt, đồng thời đáng ngại hơn là sẽ tạo cơ hội không gì tốt hơn cho IS bành trướng ảnh hưởng ở Afghanistan.

Hiện nay trong hàng ngũ Taliban đang có một bộ phận các phần tử cực đoan hưởng ứng phong trào nổi dậy của IS và sẵn sàng đi theo IS, từ đó dư luận lo ngại IS đang dần mở rộng ảnh hưởng tại Afghanistan và khu vực Nam Á nói chung.

Trước mắt, nếu cái chết của Mullah Omar được xác nhận một cách chính thức từ chính ban lãnh đạo của Taliban thì cuộc đấu đá nội bộ để tranh giành quyền lãnh đạo sẽ càng trở nên gay gắt hơn. Hiện có đến 3 phái tranh quyền, gồm: phó tướng Akhtar Mohammed Mansour, người được cho là hợp lẽ nhất để lên thay Mullah Omar; kế đến là phái của Mullah Abdul Ghani Baradar, một phụ tá hàng đầu của Omar, từng bị bắt ở Pakistan năm 2010 nhưng đã được trả tự do năm 2013; và chính con trai của Omar là Mullah Mohammad Yacoub, năm nay 26 tuổi.

Đầu tuần này, chính Yacoub đã công khai thách thức vị trí lãnh đạo tối cao với Mansour, tạo ra một bầu không khí đấu đá thật sự trong nội bộ tổ chức này.

Điều dư luận quan tâm nhất chính là thông tin về cái chết của Mullah Omar có ảnh hưởng gì đến tiến trình đàm phán hòa bình đang diễn ra giữa Chính phủ Afghanistan với lực lượng Taliban và tiến trình rút quân hoàn toàn của NATO hay không. Câu trả lời thực tế là có.

Trong nội bộ Taliban hiện chia làm hai phe ủng hộ và chống đàm phán hòa bình, trong đó, phó tướng Mansour ủng hộ đàm phán. Ngày 30/7, Taliban đã chọn Mullah Mansour lên thay thế Mullah Omar. Tuy nhiên, vòng 2 tiến trình đàm phán hòa bình dự kiến diễn ra vào ngày 30/7 vẫn phải hoãn lại do phía Taliban vẫn chưa thể ổn định nội bộ để sẵn sàng cho đàm phán.

An Châu (tổng hợp)
.
.