Thử tên lửa, Mỹ khiêu khích chạy đua vũ trang?

Thứ Hai, 26/08/2019, 18:06
Ngày 19-8, Mỹ thông báo thử nghiệm thành công một tên lửa quy ước tầm trung. Được phóng từ đảo San Nicolas, bang California, từ hệ thống ống phóng Mark 41, tên lửa thử nghiệm đã đánh trúng mục tiêu cách xa 500 km trên biển Thái Bình Dương. Một viên chức Mỹ cho biết thêm “đây là tên lửa được chế tạo từ tên lửa hành trình Tomahawk”.

Giương đông kích tây?

Việc Mỹ thử nghiệm tên lửa hành trình phóng từ mặt đất vốn bị cấm trước đây được cho là mào đầu một cuộc chạy đua vũ trang mới, khiến cả thế giới lo ngại. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov ngày 19-8 cho biết, Moscow lấy làm tiếc về các vụ thử nghiệm của Mỹ đối với các tên lửa hành trình bị cấm theo Hiệp ước INF. Theo ông Ryabkov, động thái của Mỹ là bằng chứng cho thấy Washington từ lâu đã chuẩn bị để phá vỡ thỏa thuận.

“Nước Mỹ rõ ràng đã lao vào một cuộc chạy đua làm leo thang căng thẳng quân sự. Chúng tôi sẽ không phản ứng trước những hành động khiêu khích. Chúng tôi sẽ không để mình bị kéo vào một cuộc chạy đua vũ trang tốn kém”, ông Ryabkov tuyên bố. Nghị sĩ Frants Klintsevich, thành viên Ủy ban Quốc phòng - An ninh Thượng viện Nga, cũng cho rằng vụ thử nghiệm của Mỹ là “sự thách thức với cộng đồng quốc tế”.

Phát biểu trước các phóng viên trong cuộc họp báo với người đồng cấp Phần Lan Sauli Niinisto ngày 21-8, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng vụ Mỹ thử tên lửa bị cấm theo Hiệp ước INF với Nga có nguy cơ đe dọa tới an ninh toàn cầu.

Mỹ thử tên lửa tầm trung từ bệ phóng Mark 41 ngày 18-8.

“Chúng tôi thất vọng với những gì chúng tôi đang chứng kiến. Việc thử các tên lửa tầm trung phóng từ mặt đất là vi phạm INF, đồng thời làm trầm trọng thêm tình hình an ninh nói chung và an ninh của châu Âu nói riêng. Mỹ thử tên lửa quá nhanh, không lâu sau khi họ tuyên bố rời khỏi INF. Vì thế, chúng tôi có lý do để tin rằng quá trình biến một tên lửa phóng từ trên biển thành tên lửa phóng từ mặt đất đã bắt đầu từ lâu trước khi Mỹ tìm lý do để rút khỏi INF”, ông Putin nhận định.

Tổng thống Nga cho rằng vụ thử tên lửa của Mỹ càng khiến sự bất ổn về an ninh toàn cầu leo thang. Ông cũng cảnh báo các nước châu Âu rằng, Mỹ có thể không thông báo cho các đồng minh về phần mềm mà nước này sử dụng trong các tên lửa. “Tôi lo ngại rằng tên lửa do Mỹ thử nghiệm gần đây có thể được phóng từ các địa điểm ở Romani và sớm có kế hoạch triển khai ở Ba Lan. Việc này chỉ cần một sự thay đổi trong phần mềm”, ông Putin cho biết.

Theo nhà lãnh đạo Nga, động thái của Mỹ gây ra “mối nguy hiểm” rõ ràng cho Nga. Để đối phó với thách thức này, Moscow sẽ phải thực hiện các biện pháp đáp trả, bao gồm triển khai các tên lửa tầm ngắn và tầm trung phóng từ mặt đất. Tuy nhiên, ông Putin tái khẳng định Nga không phải là nước đầu tiên triển khai tên lửa gần châu Âu hay bất kỳ nơi nào khác, trừ khi Mỹ làm điều đó trước.

Trước các bước đi của Mỹ, Trung Quốc ngay lập tức lên tiếng cảnh báo. “Hành động của Mỹ đã kích động một cuộc chạy đua vũ trang mới, dẫn tới leo thang đối đầu quân sự và ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh khu vực lẫn thế giới”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói ngày 20-8.

Các phương tiện truyền thông Nga ngày 22-8 dẫn lời Phó Đại diện thường trực nước này tại Liên Hiệp Quốc, ông Dmitry Polyansky cho biết Nga và Trung Quốc đã yêu cầu Hội đồng Bảo an tiến hành cuộc họp khẩn liên quan đến những tuyên bố của Mỹ về kế hoạch thử và triển khai các tên lửa tầm trung.

Giới quan sát nhận định rằng Trung Quốc có lý do để tố Mỹ kích động chạy đua vũ trang. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, ông Mark Esper, trong chuyến thăm một loạt nước châu Á hồi đầu tháng 8 đã công khai tuyên bố Mỹ sẽ sớm đưa tên lửa tầm trung tới khu vực. Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ, ông John Bolton, sau đó còn tiết lộ những tên lửa tầm trung của Mỹ có thể sẽ được triển khai tại Nhật Bản hoặc Hàn Quốc.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov lên án Mỹ thử tên lửa tầm trung hai tuần sau khi phá vỡ Hiệp ước INF.

Theo chuyên gia chiến lược người Pháp, tướng Dominique Trinquand, nguyên chỉ huy trưởng phái bộ quân sự Pháp tại Liên Hiệp Quốc, đúng là Mỹ đang cố tình phát động một cuộc chạy đua vũ trang. Nhưng đối tượng của Mỹ không phải là Nga mà chính là Trung Quốc.

“Người ta bàn luận rất nhiều về đe dọa của Nga nhưng Trung Quốc mới là mục tiêu cảnh báo. Lên án Nga không tôn trọng INF chỉ là cái cớ. Tổng thống Donald Trump muốn rảnh tay để đối phó với Trung Quốc, một đại cường quân sự đang lên”, ông Trinquand nhận xét.

Theo tướng Dominique Trinquand, kho tên lửa của Trung Quốc tương đối ít nhưng nếu Mỹ như đã thông báo, trong một năm nữa, sẽ bố trí tên lửa trong vùng Thái Bình Dương trực tiếp đe dọa Hoa lục, thì Bắc Kinh sẽ phải chạy đua vũ trang.

Mời Nga trở lại G7

Từ khi vào Nhà Trắng cách nay gần 3 năm, Tổng thống Donald Trump thường xuyên có thái độ “sáng nắng chiều mưa”, nhiều đồng minh truyền thống của Mỹ bị bạc đãi nhưng trong danh sách đối thủ của Mỹ, Trung Quốc bị xem là mục tiêu số 1 chứ không phải Nga. Ông Trump ngày 20-8 tuyên bố để Nga gia nhập nhóm G7 các nước công nghiệp hóa tiên tiến là chuyện hợp lý. Đây là lần thứ hai ông Trump đề xuất mời Nga trở lại G7.

Trong khi đó Trung Quốc và Mỹ đang đứng trước một cuộc chiến tranh thương mại gần như toàn diện. Thời gian qua, ông Trump cũng đã gia tăng ngân sách quốc phòng, thành lập binh chủng không gian, chế tạo vũ khí mới vừa làm hài lòng phe quân đội, vừa tạo thêm công ăn việc làm thúc đẩy kinh tế nhưng cũng để bảo vệ thế thượng phong quân sự.

Gần đây Washington còn quyết định giúp Đài Loan tăng cường vũ trang, đưa các hải đội tác chiến vào vùng biển Đông Nam Á nơi Trung Quốc tranh giành chủ quyền. Kế hoạch bố trí tên lửa tầm trung ở châu Á - Thái Bình Dương, củng cố mặt trận Nam Thái Bình Dương với Australia và các tiểu quốc đảo cũng đã được Mỹ đưa ra. Tất cả cùng mục đích là nhắm vào Trung Quốc.

Với việc INF bị xóa bỏ, thế giới hiện dựa vào một thỏa thuận duy nhất là Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược (START) mới để ngăn chặn một cuộc chạy đua vũ trang mới theo kiểu Chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên, Hiệp ước START mới cũng sẽ hết hiệu lực vào năm 2021 và dường như Nga và Mỹ không mấy thiện chí đàm phán gia hạn văn kiện này.

Một thế giới không được đặt trong các cam kết về kiểm soát vũ khí hạt nhân đã bắt đầu. Điều đó thực sự tạo ra một khoảng trống, đặt thế giới trước viễn cảnh tiêu cực của một cuộc chạy đua vũ trang không kiểm soát.

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.