Thủ tướng Ấn Độ thăm Mỹ: Gia cố mối quan hệ “thỉnh thoảng bị lung lay”

Thứ Ba, 01/12/2009, 08:40
Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh đã tới Hoa Kỳ từ ngày 23/11. Chuyến thăm quan trọng này, theo nhìn nhận của New Dehli, diễn ra chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama kết thúc chuyến thăm châu Á được cả thế giới chú ý.

Trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ Tổng thống, ông Obama đã thăm nhiều nước châu Á như Pakistan, Afghanistan, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc, nhưng chưa đến Ấn Độ một nước lớn ở châu Á mà Hoa Kỳ từng coi là "đối tác chiến lược" của họ. Không những thế, trong bài phát biểu tại Tokyo khi đến thăm Nhật Bản ngày 13/11, ông Obama cũng không nhắc gì tới quốc gia đông dân thứ hai thế giới này.  

Vì thế, và cũng không chỉ vì thế, trước khi Thủ tướng Singh tới thăm Hoa Kỳ, giới truyền thông quốc tế, đặc biệt là báo chí Ấn Độ, đưa ra khá nhiều nhận xét về sự thiếu nhiệt tình từ phía Washington đối với quan hệ Mỹ - Ấn, nhất là khi đặt mối quan hệ này lên bàn cân để so sánh với mối quan hệ Mỹ - Pakistan hoặc mối quan hệ Mỹ - Trung mà Obama đã thể hiện sự "xuống giọng" rất rõ ràng trong chuyến thăm Bắc Kinh vừa qua.

Phóng viên TTXVN, trong một tin đánh đi từ Geneve ngày 24/11, đã dẫn lại báo "Diễn đàn thông tin quốc tế" nói rằng tuyên bố Mỹ - Trung được đưa ra sau chuyến viếng thăm Bắc Kinh đầu tiên của ông Barack Obama cùng nhiều động thái khác "đã làm tiêu tan hy vọng cho một chương mới trong mối quan hệ vốn thỉnh thoảng bị lung lay giữa Mỹ và Ấn Độ".

Vẫn theo tờ "Diễn đàn thông tin quốc tế",  New Dehli coi mối quan hệ nồng ấm hơn giữa Washington và Bắc Kinh thời chính quyền Obama là mối đe dọa cho sự nổi lên của Ấn Độ như một cường quốc toàn cầu. Lalit Mansingh, cựu Bộ trưởng Ngoại giao và Đại sứ Ấn Độ tại Washington, được báo trên dẫn lời, nói: "Có một cảm giác rằng, trong các tính toán quốc tế của Obama, Ấn Độ không quan trọng. Nghi ngờ ngày càng tăng khi Obama không muốn là đối tác chiến lược với Ấn Độ như dưới thời cựu Tổng thống George Bush. Người ta ngờ rằng Mỹ sợ hoặc quá phụ thuộc vào Trung Quốc".

Tờ "Thời báo tài chính" của Anh, số ra ngày 23/11, tỏ ý quan ngại thay cho người Ấn Độ  khi viết rằng "đã xuất hiện nhiều ý kiến lo ngại vị thế của Ấn Độ trong mắt Washington đang xuống dốc". Vẫn báo này, theo trích thuật của TTXVN, đã dẫn lời cựu Đại sứ Ấn Độ  tại Liên Hiệp Quốc Arundhati Ghose cho rằng Mỹ vẫn chưa quyết định sẽ đối xử với Ấn Độ như thế nào trên bàn cờ địa chính trị thế giới.

Một số nhà phân tích đã có lý khi nhận định rằng mối quan hệ Mỹ - Ấn  thời Tổng thống Barack Obama không "mặn nồng" như thời cựu Tổng thống W.G. Bush. Có người thậm chí còn nói chính quyền Obama được coi là "lạnh lùng hơn" ở New Dehli. Khi ông Bush (con) chấp chính ở Nhà Trắng, theo nhận định của báo "Diễn đàn thông tin quốc tế", Mỹ và Ấn Độ  tiến gần với nhau hơn bất kỳ thời gian nào trong lịch sử của Mỹ.

Thỏa thuận hạt nhân dân sự giữa Ấn Độ và Mỹ, đạt được dưới thời chính quyền W.G. Bush, được đánh giá là rất quan trọng, xét từ quan điểm của New Dehli, vì nó chấm dứt hơn 3 thập niên cấm vận công nghệ hạt nhân dân sự của Mỹ đối với Ấn Độ, cho phép Ấn Độ  nhập khẩu công nghệ này từ Mỹ để xây dựng các nhà máy năng lượng hạt nhân rất cần cho họ. Tháng 3/2006, khi thăm New Dehli, Tổng thống Mỹ khi đó W.G. Bush thậm chí đã tuyên bố Ấn Độ  là một đối tác chiến lược của Mỹ.

So sánh mối quan hệ  Mỹ - Ấn dưới hai thời chính quyền Mỹ kế tiếp nhau, xã luận của tờ "Tin nhanh Ấn Độ " ngày 23/11 viết: "Trong khi Bush coi Ấn Độ  là đồng minh duy nhất và thiết yếu (ở Nam Á), thì chính quyền Obama lại chủ trương sử dụng Pakistan như một điểm tựa đối với Nam Á, và coi Ấn Độ  là một đầu mối gây rối trong mớ bòng bong Afghanistan".

C. Raja Mohan, một chuyên gia phân tích về các vấn đề chiến lược của Ấn Độ, được TTXVN dẫn lời, cho rằng sau những bước đột phá vừa qua giúp hai bên chôn vùi những nghi kị kéo dài hàng thập niên sau thời kỳ Chiến tranh Lạnh, mối quan hệ Mỹ - Ấn đang trong thời kỳ "rệu rã từ cả hai phía". Ông Mohan nói: "Chính quyền Obama rất quan tâm tới mối quan hệ này và muốn thúc đẩy nó, nhưng khi hành động họ lại quan tâm nhiều hơn tới Trung Quốc, do hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính".

Mặt khác, vẫn theo ông C. Raja Mohan, Ấn Độ  lo lắng về chính sách đối ngoại của Mỹ bởi hai lý do: về các vấn đề toàn cầu, dường như Mỹ nghiêng hẳn về phía Trung Quốc và trong vấn đề tiểu lục địa Ấn Độ, Mỹ dường như ưu tiên "chiến lược Pakistan".

Từ những phân tích trên đây, có thể thấy chuyến thăm Hoa Kỳ lần này của Thủ tướng Manmohan Singh có tầm quan trọng như thế nào, xét từ góc độ nỗ lực cải thiện quan hệ ở cả hai đầu New Dehli và Washington. Và với cách nhìn như vậy, có thể thấy chuyến đi của người đứng đầu Chính phủ Ấn Độ  đã thành công.

Thủ tướng Ấn Độ "được đón bằng lễ trọng thể, hào nhoáng nhất dành cho lãnh đạo nước ngoài thăm Tòa Bạch Ốc kể từ khi Tổng thống Obama lên nhậm chức". Phóng viên Richard Lister của Đài BBC tại Washington đã tường thuật như vậy khi đưa tin về cuộc gặp giữa Tổng thống Barack Obama và Thủ tướng Manmohan Singh diễn ra ngày 24/11. BBC bình luận rằng, lễ tiếp tân kể trên "được dùng để xóa đi lo ngại của Dehli rằng quan hệ của họ với Washington bị cho là trượt dốc từ nhiệm kỳ của ông George W.Bush".

Vẫn theo BBC, phát biểu tại Nhà Trắng, Tổng thống Barack Obama gọi Ấn Độ  là một quốc gia đang dần dần tăng vị thế lãnh đạo thế giới. Ông nói, theo lời dẫn của BBC: "Hai quốc gia là hai lãnh đạo toàn cầu, có động lực không phải để chiếm ưu thế trong quan hệ với các quốc gia khác, mà để xây đắp một tương lai vì an ninh và thịnh vượng cho mọi dân tộc". Ông Obama cũng ca ngợi bang giao giữa Hoa Kỳ và Ấn Độ là "một trong những quan hệ đối tác định hình thế kỷ XXI" và ông Singh là "nhà lãnh đạo xứng đáng" cho cơ hội đó. Tổng thống Mỹ tuyên bố Hoa Kỳ sẵn sàng hợp tác với Ấn Độ  trong một loạt chủ đề quan trọng.

Trong một tin phát trên mạng ngày 25/11, báo "Tin nhanh Ấn Độ" cho biết sau cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Manmohan Singh và Tổng thống Barack Obama, Ấn Độ và Mỹ đã ký biên bản ghi nhớ về chống khủng bố và một số thỏa thuận khác về hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, thương mại, nông nghiệp... Còn theo BBC, hai bên có thể đã đề cập đến nhiều chủ đề, từ Afghanistan và biến đổi khí hậu toàn cầu cho đến hợp tác về năng lượng hạt nhân và thương mại.

Trong tính toán chiến lược của mình trên toàn cầu cũng như ở châu Á, nhất là ở khu vực Nam Á và Tây Nam Á, Mỹ phải cân nhắc rất kỹ trong việc lựa chọn và tranh thủ các đối tác của họ. Ấn Độ  rõ ràng phải có một vị trí không thể xem thường, nếu không nói là đáng nể trọng, trong mắt Washington.

Theo lời bình của Hãng tin Pháp AFP, Ấn Độ  được Mỹ xem là một cường quốc "không thể thiếu" trên bàn cờ địa chiến lược Nam Á trong bối cảnh chiến tranh tại Afghanistan và khủng bố tại Pakistan có nguy cơ lan rộng. 

Trên thực tế, theo đánh giá của tờ "Thời báo Tài chính" (Anh) số ra ngày 23/11, sự hợp tác giữa hai bên đang ở mức tốt nhất từ trước đến nay. Vẫn theo báo này, sau vụ khủng bố tại Mumbai năm ngoái, hợp tác tình báo giữa Ấn Độ và Mỹ chưa bao giờ chặt chẽ hơn thế. Ấn Độ cũng đã ký thỏa thuận mua 8 máy bay do thám trên biển của Hãng Boeing, trị giá tổng cộng 2,1 tỉ USD. Đây là hợp đồng mua bán thiết bị quân sự lớn nhất từ trước tới nay của Ấn Độ  với Mỹ. Các công ty Mỹ cũng đang xúc tiến giành một hợp đồng trị giá 10 tỉ USD cung cấp 126 máy bay chiến đấu để nâng cấp dàn máy bay cường kích có từ thời Liên Xô của Ấn Độ. Kim ngạch thương mại song phương từ năm 2004 đã tăng gấp đôi, lên 43 tỉ USD/năm.

Không phải ngẫu nhiên mà lần đầu tiên, khi đón tiếp Thủ tướng Manmohan Singh, người đứng đầu Nhà Trắng gọi  Ấn Độ  là "cường quốc hạt nhân", đồng thời  khẳng định Mỹ "cam kết trọn vẹn" trong việc hoàn tất thỏa thuận hạt nhân dân sự với Ấn Độ. Tổng thống Obama còn nói rằng ông sẽ tới thăm Ấn Độ vào năm tới.

Như vậy, chuyến thăm cấp nhà nước lần thứ hai của Thủ tướng Manmohan Singh tới Hoa Kỳ và là chuyến thăm đầu tiên của ông tới Washington kể từ khi ông Barack Obama nhậm chức Tổng thống Mỹ - chuyến thăm mà phía Ấn Độ  coi là "cơ hội trắc nghiệm" ý định của Tổng thống Obama trong việc củng cố quan hệ với New Dehli - đã đạt kết quả. Kết quả ấy chắc chắn sẽ có tác dụng như một loại "vữa xi măng mác cao" để gia cố mối quan hệ "thỉnh thoảng bị lung lay" giữa Ấn Độ và Hoa Kỳ

N.Q.U.
.
.