Mặc dù thắng lợi của PAP không nằm ngoài dự đoán nhưng với tỉ lệ phiếu ủng hộ chỉ đạt 66,6% thấp hơn mức 75,3% của cuộc bầu cử 2001. Qua đó, các nhà phân tích cho rằng, cử tri Singapore mong muốn có những gương mặt mới trong tân nội các của ông Lý Hiển Long.
Tại cuộc họp báo sau khi kết quả bầu cử được công bố, Thủ tướng Lý Hiển Long cho biết, PAP đã có một số gương mặt trẻ được chọn từ khu vực tư nhân và các cơ quan chính phủ. Hy vọng những gương mặt trẻ này sẽ lèo lái con thuyền Singapore trong vòng 15-20 năm tới.
Là con trai đầu của cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu và bà Kha Ngọc Chi, Lý Hiển Long sinh ngày 10/2/1952 tại Singapore. Từ năm 1963, ông thường theo cha đến tham dự các buổi bàn thảo chính trị. Ông Lý Hiển Long học trung học tại Trường trung học Công giáo, rồi học tại Trường cao đẳng Quốc gia, sau đó học chuyên ngành toán tại Đại học Trinity, Cambridge, Anh, tốt nghiệp năm 1974, đồng thời nhận một chứng chỉ Khoa học máy tính. Năm 1980, ông bảo vệ thành công luận án thạc sĩ môn Quản trị Công quyền (MPA) tại Trường Hành chính Kennedy thuộc Đại học Harvard. Ông cũng gia nhập lực lượng vũ trang Singapore (SAF) năm 1971, năm 1984 về hưu với quân hàm chuẩn tướng, được bầu vào Quốc hội. Năm 1984, được bổ nhiệm vào chức vụ Quốc vụ khanh thuộc Bộ Thương mại và Công nghiệp và Bộ Quốc phòng vào tháng 12/1984, sau đó, ông trở thành quyền Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp năm 1986, rồi Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, được giao thêm nhiệm vụ đứng đầu Ủy ban Kinh tế nhằm soạn ra chiến lược kinh tế cho Singapore. Với trọng trách này, ông có toàn quyền xem xét lại chính sách của tất cả các bộ và những tác động của nó đối với nền kinh tế Singapore.
Lý Hiển Long trở thành Phó thủ tướng năm 1990. Năm 1998, ông được bổ nhiệm vào chức vụ Chủ tịch Cơ quan Quản lý tiền tệ Singapore, Bộ trưởng Tài chính năm 2001. Ngày 12/8/2004, ông Lý Hiển Long trở thành Thủ tướng Singapore. Ông Lý Hiển Long có hai vợ, người vợ thứ nhất là bác sĩ y khoa, qua đời năm 1982 sau khi sinh nở. Năm 1985, ông kết hôn với Hồ Tinh, Giám đốc Công ty đầu tư quốc doanh Temasek Holdings, một người khá nổi tiếng tại đảo quốc Singapore. Ông Lý có một con gái và hai con trai (kể cả cô con gái và cậu con trai của người vợ trước).
Là người được nhân dân trong nước cùng các chính khách quốc tế rất mến mộ và tin tưởng vì ông đã có nhiều chính sách lãnh đạo hợp lòng dân, xây dựng quan hệ ngoại giao phát triển tích cực với các nước lớn và các nước trong khu vực. Về đối nội, ông Lý Hiển Long vạch ra lộ trình tái tạo Singapore và kêu gọi sự tham gia tích cực của người dân. Ông miêu tả hình ảnh Singapore năm 2015 với những thay đổi quan trọng trong 6 khu vực chính của đảo quốc, theo đó sự phát triển của đất nước là bền vững, hiệu quả, tiếp tục duy trì mức sống cao cho người dân. Về đối ngoại, quan hệ với Trung Quốc được cải thiện, có nhiều tiến bộ trong các lĩnh vực như thương mại, du lịch và đầu tư. Trong một cuộc họp vào tháng 9/2005 với Phó thủ tướng Trung Quốc, bà Ngô Nghi, ông Lý Hiển Long đưa ra sáng kiến thành lập khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc với mục tiêu trao đổi thương mại trị giá 50 tỉ USD trước năm 2010. Thủ tướng Lý Hiển Long nhấn mạnh cần phải xây dựng mối quan hệ song phương chặt chẽ giữa ASEAN và Trung Quốc.
Ngoài Trung Quốc, Singapore còn có quan hệ chặt chẽ với Mỹ trên cả lĩnh vực thương mại và ngoại giao. Ngày 12/7/2005, Tổng thống George W. Bush đã ký với Thủ tướng Lý Hiển Long “Thỏa ước khung chiến lược giữa Mỹ và Singapore nhằm tiến tới một sự hợp tác mật thiết hơn về an ninh và quốc phòng”. Thỏa ước công nhận vai trò của Singapore như là một đối tác an ninh quan trọng và sẽ mở rộng khả năng hợp tác trong những lĩnh vực như chống khủng bố, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD), tổ chức huấn luyện và tập trận chung.
Trong khu vực, Thủ tướng Lý Hiển Long nhấn mạnh, các nước Đông Nam Á (ASEAN) cần đẩy mạnh hơn nữa các nỗ lực nhằm hội nhập các nền kinh tế đa dạng của tổ chức này nếu không sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị gạt ra ngoài cuộc chơi của nền kinh tế toàn cầu. Theo ông Lý Hiển Long, ASEAN còn phải mất nhiều thập kỷ nữa mới có thể xây dựng tổ chức này thành một cộng đồng hòa nhập hoàn toàn giống như Liên minh châu Âu (EU). Ông Lý Hiển Long cũng như các nhà lãnh đạo ASEAN đang hy vọng thiết lập một cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2020, bao gồm một thị trường thống nhất và một nền tảng công nghiệp chung vững chắc.
Về quan hệ với Việt Nam, ngày 6/12/2005, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã tiến hành chuyến thăm chính thức Việt Nam. Chuyến thăm thể hiện sự coi trọng của Singapore trong quan hệ hợp tác toàn diện với Việt Nam. Hiện nay, Singapore là nước đầu tư lớn nhất vào Việt Nam và là bạn hàng lớn nhất của Việt Nam ở Đông Nam Á. Tính đến ngày 25/10, Singapore đã đầu tư vào Việt Nam 7,9 tỉ USD, đứng đầu trong số 65 nước và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Có thể thấy với thiện chí của Singapore như vậy, việc tái đắc cử của Thủ tướng Lý Hiển Long sẽ là thuận lợi cho Việt Nam trong việc thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác Việt Nam - Singapore ngày càng phát triển, vì lợi ích của mỗi quốc gia, vì sự thịnh vượng chung của cả khu vực.
Thủ tướng Lý Hiển Long là người tuân theo lý lẽ, không thỏa hiệp và là một người cứng rắn. Ông vừa là một nhà quản lý vi mô vừa là một nhà hoạch định chính sách dài hạn, có thể nói được 3 thứ tiếng trong số 4 ngôn ngữ chính thức của Singapore, có khả năng đối phó sắc sảo với các đối thủ chính trị. Ông điều hành công việc bằng chính tài năng của mình chứ không chịu ảnh hưởng dưới bóng của cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu. Có thể thấy với tính cách mạnh mẽ như vậy chắc chắn trong tương lai Thủ tướng Lý Hiển Long sẽ còn đóng góp nhiều cho sự thịnh vượng của Singapore cũng như sự ổn định và thịnh vượng trong khối Asean