Thủ tướng Merkel bước vào nhiệm kỳ thứ tư với “bóng đen” của đảng cực hữu
- "Nữ tướng" Angela Merkel tái đắc cử Thủ tướng Đức nhiệm kỳ 4
- Bầu cử Đức: Cuộc đối đầu giữa bà Angela Merkel và ông Martin Schulz
“Chiến thắng” lịch sử của AfD
Việc liên đảng Liên minh Dân chủ Thiên Chúa giáo (CDU) của bà Angela Merkel và Liên minh Xã hội Thiên Chúa giáo (CSU) giành chiến thắng với 33% (theo kết quả thăm dò phòng phiếu) không gây ngạc nhiên bởi từ nhiều tuần lễ trước khi cuộc bỏ phiếu diễn ra, dư luận đã có thể dự đoán được một chiến thắng chắc chắn dành cho bà.
Merkel và liên minh CDU/CSU không có đối thủ ngay từ giai đoạn tranh cử không chỉ vì uy tín của bà được duy trì ổn định, mà còn vì sự vấp ngã, tụt lại phía sau của đối thủ chính là đảng Dân chủ xã hội (SPD) của ông Martin Schulz. Schulz đã tỏ rõ sự thất vọng lớn khi đảng SPD nhận thất bại tệ hại nhất kể từ Thế chiến II, chỉ đạt 21%.
Thủ tướng Đức Angele Merkel giành chiến thắng nhiệm kỳ thứ tư liên tiếp. |
Mặc dù là đảng dẫn đầu cuộc bầu cử, nhưng chiến thắng ngày 24-9 vừa qua đối với bà Merkel có vị ngọt đắng. Liên minh 2 đảng của bà đã bị mất 8% số phiếu so với kỳ bầu cử trước. Đảng SPD cũng bị mất 5% phiếu.
Chấn động lớn nhất chính là việc đảng cực hữu dân túy Giải pháp cho nước Đức (Alternative fur Deutschland - AfD) đã làm nên lịch sử khi giành được 13% phiếu, trở thành đảng lớn thứ ba trên chính trường Đức kể từ sau cuộc bầu cử này. Đây cũng có thể xem là một “chiến thắng” của AfD, vì nó giúp đảng này lần đầu tiên có ghế trong Quốc hội liên bang.
Thành lập cách đây hơn 4 năm, ngay trước kỳ bầu cử Quốc hội Đức 2013, đảng AfD đã có bước tiến rất ấn tượng, tỉ lệ phiếu của đảng này đã gia tăng rất mạnh, từ dưới ngưỡng 5% ở kỳ bầu cử 2013 đã tăng thêm 8 điểm phần trăm, đạt hơn 13%.
Theo quy định của luật bầu cử Đức, một đảng chính trị phải đạt từ 5% phiếu bầu trở lên mới được có đại biểu trong Quốc hội. Đáng chú ý, trong số cử tri ủng hộ, bỏ phiếu cho AfD trong kỳ bầu cử này có đến 35% là những người lần đầu đi bỏ phiếu.
Theo giới phân tích, hiện tượng AfD phản ánh một xu hướng chính trị rất đáng lo ngại của nước Đức và toàn châu Âu - đó là sự trỗi dậy của tư tưởng cực hữu, dân tộc chủ nghĩa mang sắc thái dân túy, được nuôi dưỡng bởi những vấn đề xã hội khiến người dân cảm thấy bất an. Nó phản ánh một nguy cơ quay trở lại tư tưởng cực hữu có từ thời Quốc xã trước Thế chiến II.
Nhưng cũng phải nhìn nhận rằng, thực tế xã hội Đức đang có nhiều yếu tố góp phần tạo nên sự thăng tiến nhanh của AfD. Nổi bật nhất là cuộc khủng hoảng di dân diễn ra gay gắt trong những năm gần đây. Mùa hè 2015, khi cuộc khủng hoảng di dân lên đỉnh điểm, cũng là lúc Chính phủ Đức phải đưa ra một quyết sách cho vấn đề này.
Vì là quốc gia đầu tàu của EU, Đức không thể khoanh tay đứng nhìn, cho nên Berlin phải đi đầu tiếp nhận người nhập cư để có để yêu cầu các quốc gia khác trong EU làm theo. Tuy nhiên, hơn 1 triệu người di cư từ Trung Đông tràn ngập nước Đức, kèm theo đó là một loạt vấn đề nghiêm trọng về công ăn việc làm, an ninh và an toàn xã hội đã trở thành nỗi sợ hãi ám ảnh người dân Đức.
Nỗi thất vọng của ông Martin Schulz khi đảng SPD có kết quả tồi tệ nhất kể từ năm 1949. |
Một phân tích cho rằng cuộc bầu cử hôm 24-9 cũng có thể được xem như cuộc trưng cầu ý kiến cử tri “muộn” đối với chính sách người nhập cư của bà Merkel. Đây cũng là vấn đề chính được đảng AfD mang ra để tranh luận chính trị trước bầu cử. Và trong suốt thời gian tranh cử, ứng cử viên hàng đầu của đảng AfD là Alexander Gauland đã liên tục “truy vấn” bà Merkel về vấn đề này.
Ông Gauland thậm chí còn kêu gọi ủy ban về người nhập cư trong Quốc hội kiểm tra lại cơ sở pháp lý của việc mở cửa biên giới đón người nhập cư năm 2015. Đáp lại, bà Merkel biện minh rằng bà không còn cách nào khác là phải để cho hơn 1 triệu người nhập cư vào nước Đức. Gauland cho biết sẽ tiếp tục “truy” bà Merkel tới cùng về chính sách di dân của bà.
Tiếp tục “đại liên minh” hay thành lập “liên minh Jamaica”?
Với chiến thắng hôm 24-9, bà Merkel xem như được người dân Đức tín nhiệm trao cho sứ mệnh điều hành đất nước thêm một nhiệm kỳ nữa - nhiệm kỳ thứ tư liên tiếp và là một kỳ tích đối với một nữ chính khách thời kỳ nước Đức hậu thống nhất. Nhưng, một quốc hội với sự có mặt của đảng cực hữu AfD sẽ mang đến cho bà những khó khăn nhất định trong việc thông qua các quyết sách điều hành đất nước, nhất là các vấn đề đụng chạm đến lợi ích của quốc gia, dân tộc và sự dung hòa lợi ích của EU và các nước khác.
Trước mắt, những tuần lễ sắp tới sẽ là khoảng thời gian gay go trong việc xây dựng liên minh cầm quyền nhằm đảm bảo đủ số ghế theo quy định để thành lập chính phủ. Cứ theo bài cũ soạn lại làm một “đại liên minh” giữa liên minh CDU/CSU với đảng đối lập SPD của ông Schulz thì mọi chuyện không có gì bàn cãi; đại liên minh CDU/CSU-SPD sẽ chiếm đến 354 ghế trong khi chỉ cần 316 ghế là đủ đáp ứng yêu cầu để hình thành chính phủ.
Nhưng vấn đề là ông Schulz đã bác bỏ ý tưởng “đại liên minh” thêm lần nữa. Ngay trong đêm 24-9, Schulz gay gắt chỉ trích chiến thuật tranh cử của bà Merkel và đổ lỗi cho bà đã cố tình tạo cơ hội cho AfD đặt chân vào quốc hội.
Một phương án thứ hai là thành lập một liên minh giữa CDU/CSU với đảng Dân chủ Tự do (FDP) và đảng Xanh (Greens). Đây còn gọi là “liên minh Jamaica” vì màu cờ của 3 đảng này hợp lại giống màu cờ của nước Jamaica. Liên minh này sẽ chiếm 356 ghế trong quốc hội. Nhưng đây là liên minh hoàn toàn mới, chưa từng hoạt động trước đây, vì thế sẽ không tránh khỏi những trục trặc trong quá trình “sống chung”.
Đó có thể là những va chạm khó tránh khỏi giữa FDP và đảng Xanh trong những vấn đề về môi trường, và sự phản đối bên trong đảng FDP đối với những thay đổi trong khu vực đồng tiền chung (eurozone) do Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đề xuất và đã được bà Merkel công khai ủng hộ.
Một kỳ bầu cử an toàn
Cho đến thời điểm 1 ngày sau ngày bầu cử, tình hình an ninh có thể được xem là “rất ổn”, chưa có gì xảy ra. Ở đây không nói đến vấn đề bạo lực khủng bố hay bạo loạn xã hội trong bầu cử, mà bàn về vấn đề an ninh mạng, nhất là sự can thiệp từ bên ngoài vào nhằm gây ảnh hưởng, thay đổi kết quả bầu cử.
Theo ghi nhận của các cơ quan tình báo và an ninh mạng Đức, trước và trong những ngày bầu cử ở Đức, rải rác vẫn có những sự việc mang tính chất “can thiệp” nhưng chưa hẳn là can thiệp một cách cụ thể, rõ ràng. Phần lớn các phần tử vô danh trên mạng và thành phần cực đoan trong xã hội lên các diễn đàn như YouTube, 4chan, reddit và dịch vụ nhắn tin Gab.al để phát tán những thông tin, tư liệu hữu khuynh.
Một quan sát liên tục trong suốt thời gian 6 tháng vận động tranh cử của trường Đại học Công nghệ Munich cho thấy có khoảng 300 triệu dòng Tweet, nhưng hoàn toàn không thấy bóng dáng của người Nga, mà chủ yếu là những thành viên cực hữu đến từ Mỹ, trong đó nổi cộm nhất là các dòng Tweet có gắn hashtag “#AltRight”.
AltRight là một phong trào cực hữu ở Mỹ có tư tưởng phát xít, dân túy và chủ nghĩa dân tộc da trắng. Các thành viên nhóm này dùng hashtag “#AltRight” để tuyên truyền những nội dung cổ vũ cho đảng cực hữu trong cuộc bầu cử, phê phán, nói xấu các lãnh đạo đảng phái chính thống như bà Merkel, ông Schulz.
Ngày 20-9, tổ chức chống chủ nghĩa kỳ thị chủng tộc Hope Not Hate có trụ sở ở Anh đã đưa ra một báo cáo điều tra trong đó kết luận các cá nhân, tổ chức, website và diễn đàn cực hữu ở Mỹ và châu Âu đang ngày càng liên kết, phối hợp với nhau nhiều hơn và lợi dụng Internet để phổ biến tư tưởng cực hữu, cổ vũ, vận động ủng hộ cho các đảng phái cực hữu.
Alice Weidel và Alexander Gauland, 2 ứng cử viên hàng đầu của đảng AfD. |
Digital Society Institute ở Berlin cho biết thành phần cực hữu đã tham gia vào các thảo luận về bầu cử Đức trên Facebook và các diễn đàn mạng khác, với nội dung khuyến khích ủng hộ cho đảng AfD.
Trong những báo cáo ghi nhận về tình hình an ninh mạng, sự can thiệp từ bên ngoài vào bầu cử Đức, các nhà an ninh mạng vô cùng ngạc nhiên vì không tìm thấy bóng dáng người dùng hay tin tặc đến từ nước Nga.
“Có sự nhầm lẫn nào chăng?” - một chuyên gia an ninh mạng Đức thốt lên. Sandro Gaycken, Giám đốc của Digital Society Institute bày tỏ “thất vọng” vì “hầu như không có gì xảy ra”. Còn tờ báo Mỹ Washington Post đặt tít: “Bí ẩn bầu cử Đức: Người Nga đâu rồi?”.
Những câu hỏi, nhận xét như vừa nêu đã tạo ấn tượng rằng nước Nga là “mối đe dọa” thường trực về an ninh mạng trong mỗi kỳ bầu cử ở châu Âu, đặc biệt là kể từ khi xảy ra vụ lùm xùm bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016. Từ sau vụ lùm xùm đó, tin tặc Nga luôn bị nghi ngờ liên quan các vụ tấn công mạng trong các kỳ bầu cử.
Tại kỳ bầu cử Tổng thống Pháp tháng 5-2017 vừa qua, Cơ quan tình báo quốc gia Pháp DGSE đã phát hiện và có biện pháp ngăn chặn kịp thời một số vụ tấn công mạng nhằm vào ứng cử viên Emmanuel Macron. Sự việc tuy không gây ảnh hưởng gì cho cuộc bầu cử, nhưng cũng khiến nhiều người lo ngại nguy cơ bị tin tặc Nga tấn công tại mỗi kỳ bầu cử.
Cùng mối lo ngại trên, ngày từ khi ông Donald Trump đắc cử tổng thống và nước Mỹ nổ ra vụ lùm xùm tin tặc Nga tấn công máy chủ email đảng Dân chủ và “Nga can thiệp bầu cử”, nước Đức đã chủ động cảnh báo khả năng mình cũng rơi vào tình trạng tương tự.
Bruno Kahl, Giám đốc Cơ quan tình báo quốc gia Đức BND cảnh báo về khả năng tấn công mạng nhằm mục tiêu làm mất đi giá trị pháp lý của tiến trình bầu cử Đức. Tháng 3-2017, Thủ tướng Merkel triệu tập một cuộc họp Hội đồng An ninh Liên bang bao gồm các bộ trưởng nội các, các quan chức lãnh đạo quân đội và tình báo để đưa ra cảnh báo tương tự. Đây là cuộc họp hiếm khi được tổ chức, nó mang ý nghĩa tình hình an ninh đang rất khẩn cấp.
Sau những lời cảnh báo, nước Đức khẩn trương bắt tay vào công tác chuẩn bị đề phòng tấn công mạng, triển khai một cách cẩn thận từ việc kiểm soát các trang mạng xã hội, các diễn đàn trực tuyến cho đến việc kiểm tra “test” thử các hệ thống máy tính và phần mềm an ninh mạng của Văn phòng An ninh thông tin liên bang. Quốc hội và các cá nhân ứng cử viên thường xuyên tham vấn các chuyên gia về tình trạng bảo đảm an ninh mạng của hệ thống máy tính của mình.
Cơ quan tình báo BND đã phát hiện 2 trang web “lạ” dạng DCLeaks (btleaks.info và btleaks.org) do ai đó đăng ký hoạt động và đã thường xuyên theo dõi chặt chẽ mọi động tĩnh.
Rốt cuộc, khi cả hệ thống an ninh, chính trị của nước Đức khẩn trương, ra sức đề phòng tấn công mạng trong bầu cử thì nó lại không xảy ra. Những phân tích, suy luận bắt đầu được các chuyên gia tung ra nhằm lý giải tại sao không có sự can thiệp nào từ bên ngoài.
Một ý kiến được quan tâm nhiều cho rằng bầu cử Đức không có sự phân hóa chính trị cao như ở Mỹ, người dân Đức không quan tâm nhiều đến các dạng thông tin giả gây nhiễu loạn trong kỳ bầu cử nhằm chi phối kết quả theo chiều hướng nào đó. Ngay cả hàng triệu dòng Tweet của thành phần cực hữu ủng hộ đảng AfD cũng không được cho là có tác động nào đó đến kết quả bỏ phiếu.
Mặt khác, ở Đức hiện chưa có sự lựa chọn nào khả dĩ nhằm thay thế bà Merkel lên nắm quyến lãnh đạo đất nước, và hiện tại bà Merkel vẫn là gương mặt làm “hài lòng” cả trong lẫn ngoài nước, cho nên không có lý do gì để can thiệp, tác động. Kế đến là việc người Đức chủ động, tập trung chú ý theo dõi các động thái tấn công mạng đã khiến các tin tặc suy nghĩ lại “có nên tấn công hay không”, và đi đến quyết định “không tấn công”.
Cuối cùng, hệ thống bầu cử ở Đức không sử dụng các phương tiện công nghệ cao, hiện đại của thế kỷ XXI - với phiếu bầu bằng giấy và kiểm phiếu bằng tay - nghĩa là cách ly hoàn toàn với môi trường mạng hiện đại, do đó tin tặc có muốn tấn công cũng không thể được.