Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đối mặt với nhiều khó khăn

Thứ Bảy, 04/08/2007, 14:30

Theo AP (30/7/2007), kết quả kiểm phiếu sơ bộ cho thấy đảng Dân chủ Tự do (LDP) của Thủ tướng Shinzo Abe cùng liên minh Tân Komei đã thất bại sau 17 ngày thực hiện chiến dịch tranh cử Thượng viện Nhật. Như vậy là không có "phép mầu" đối vói ông Shinzo Abe.

Đây là một trong những "cú đấm nặng ký" đối với LDP, đảng từng lãnh đạo Nhật gần như suốt từ năm 1955 đến nay.

Kết quả sơ bộ được các hãng truyền hình lớn tại Nhật công bố sáng sớm 30/7/2007 cho thấy, LDP cùng liên minh Tân Komei đã thất thủ trước đối thủ là đảng Dân chủ. Nhật báo lớn nhất nước Nhật, Yomiuri, bình luận kết quả bầu cử là “cú đấm nặng ký đối với Chính phủ Abe, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động chính trị lẫn vai trò kiểm soát Quốc hội của LDP”.

Nhân vật thứ hai trong LDP, Hidenao Nakagawa, cho biết ông sẽ từ chức bởi thất bại này. Được trao “ấn” từ người tiền nhiệm Junichiro Koizumi vào tháng 9-2006, ông Shinzo Abe (52 tuổi) trở thành thủ tướng trẻ nhất lịch sử Nhật, từng tuyên bố xây dựng “một nước Nhật xinh đẹp”, đã rớt điểm cực nhanh chỉ sau vài tháng nhậm chức. Loạt Scandal khiến ông liên tục bị mất tín nhiệm.

Tháng 12/2006, Bộ trưởng Cải cách nhà nước Genichiro Sata phải từ chức trước cáo buộc lạm dụng nguồn quỹ LDP. Một ngày sau vụ thắt cổ tự tử của Bộ trưởng Nông nghiệp Toshikatu Matsuoka, ngày 29/5/2007, Shinichi Yamazaki (cựu Giám đốc điều hành Cơ quan Nguồn tài nguyên xanh) cũng kết liễu đời mình khi nhảy từ căn hộ tại Yokohama. Cả hai cái chết đều nhuốm màu Scandal tham nhũng.

Matsuoka – thành viên nội các đầu tiên tự tử kể từ Thế chiến thứ hai – bị buộc tội nhận tài trợ bất hợp pháp từ một số nhà thầu có liên quan Cơ quan Nguồn tài nguyên xanh; trong khi đó, Yamazaki bị cáo buộc tham ô từ các vụ đấu thầu với Cơ quan Nguồn tài nguyên xanh.

Người kế nhiệm Toshikatu Matsuoka, Norihiko Akagi, hiện bị phanh phui nhiều mờ ám về công quỹ cũng như nhận hối lộ. Chưa hết, tháng 6/2007, Bộ trưởng Quốc phòng Fumio Kyuma lại bị chỉ trích nặng nề khi phát biểu rằng, việc Mỹ thả bom nguyên tử xuống Nhật năm 1945 là hành động hợp lẽ! Phản ứng dư luận gay gắt khiến Fumio Kyuma phải sớm rời nhiệm sở.

Cần nhắc lại, tháng 5/2007, cuộc thăm dò do tờ Mainichi thực hiện cho thấy 42% cử tri muốn đảng đối lập Dân chủ thắng cử tại Thượng viện, so với tỉ lệ 33% dành cho LDP. Tomoaki Iwai – Giáo sư chính trị Đại học Nihon (Tokyo) – nhận định: “Abe được đưa lên ghế thủ tướng bởi ông là người được đánh giá có thể mang lại chiến thắng (cho LDP).

Do vậy, nếu thất bại, ông ấy chẳng còn giá trị sử dụng đối với đảng (LDP) nữa”. Cuộc thăm dò ngày 2/7/2007 do tờ Asahi Shimbun thực hiện cho thấy tỉ lệ tín nhiệm dành cho Chính phủ Shinzo Abe đã rớt dưới 30% (so với 70% mà ông Abe giành được vào thời điểm nhậm chức)!

Theo dự luật Nhật, Hạ viện – nơi LDP vẫn đang kiểm soát – mới có quyền chọn thủ tướng; vì vậy, thất bại ở Thượng viện không đồng nghĩa với việc ông Shinzo Abe bị truất khỏi ghế thủ tướng. Tuy nhiên, chương trình nghị sự của LDP từ nay sẽ gặp nhiều khó khăn.

Trong quá khứ, không ít thủ tướng Nhật đã từ chức khi đảng mình thất bại tại bầu cử Thượng viện. Năm 1998, Thủ tướng Ryutaro Hashimoto từng buộc phải từ chức sau khi LDP chỉ giành được 44 trong 121 ghế cần có tại Thượng viện. Thủ tướng Sousuke Uno cũng mất chức sau khi giành được 36 ghế năm 1989.

Bản thân ông Shinzo Abe từng từ chức Tổng thư ký LDP năm 2004 khi LDP chỉ giành được 49 ghế, ít hơn hai ghế cần có. Tỉ lệ 37 ghế lần này là thất bại nghiêm trọng thứ hai đối với LDP kể từ khi LDP được thành lập năm 1955. Cần nhắc lại, tại cuộc bầu cử lần này, 377 ứng cử viên đã tranh nhau 121 ghế (gần 1/2 trong 241 ghế Thượng viện). Liên minh LDP-Tân Komei cần giành được 64 ghế để duy trì tư cách đa số.

Trước ngày bầu cử, LDP-Tân Komei chiếm tổng cộng 134 ghế Thượng viện (110 ghế thuộc LDP và 24 thuộc Tân Komei) và đối thủ Dân chủ chiếm 81 ghế (phần còn lại thuộc các đảng nhỏ).

Ngày 26/7/2007, cựu Thủ tướng Yoshiro Mori nhận định, nếu liên minh LDP-Tân Komei thất bại, có nguy cơ Hạ viện bị buộc giải tán và điều đó đồng nghĩa với sự ra đi của ông Abe (Asia Times 28/7/2007). Nếu Thủ tướng Shinzo Abe tiếp tục tại vị (như ông tuyên bố sau thất bại bầu cử Thượng viện), ảnh hưởng kinh tế Nhật có thể không nghiêm trọng. Còn nếu ông từ chức, thị trường chứng khoán và đồng yen có thể gặp nhiều sức ép.

Cuộc thăm dò do Asahi Shimbun thực hiện công bố đầu năm 2006 cho biết có đến 81% người Nhật bày tỏ lo lắng khả năng bị túng thiếu tài chính. Báo cáo của Tổ chức Phát triển - hợp tác kinh tế (OECD) vào tháng 7/2006 cũng nhấn mạnh khoảng cách giàu nghèo tại Nhật tăng nhanh hơn mức trung bình OECD; đồng thời tỉ lệ người tương đối nghèo tại Nhật đã ở mức cao nhất trong các nước OECD.

Trong khi đó, hồi chiến dịch vận động tranh cử, ông Abe từng nhấn mạnh đến ý tưởng tạo ra cơ hội thứ hai cho kinh tế quốc gia, đặc biệt đối với đối tượng thanh niên thất nghiệp (khoảng 640.000 người). Thực tế cho thấy điều đó còn ngoài tầm với.

Báo cáo của Bộ Lao động - Phúc lợi - Y tế Nhật ngày 17/5/2007 cho biết gần 150 người đã thiệt mạng trong năm tài khóa 2006 bởi karoshi (hiện tượng tử vong do làm việc quá sức), đặc biệt đối tượng là thành phần dưới 40 tuổi! Nhật cũng là một trong những quốc gia OECD có tỉ lệ tự tử cao nhất. Hơn 30.000 người Nhật tự kết liễu đời mình mỗi năm là con số rất lớn (chỉ sau Nga, trong số các nước công nghiệp)

.
.