Thủ tướng Theresa May và “lưỡi dao” Brexit

Thứ Hai, 26/03/2018, 11:12
Ngày 19-3-2018, Liên minh châu Âu và Anh đã đạt được một số thỏa thuận quan trọng về giai đoạn hậu Brexit. Tuy nhiên, một số vấn đề quan trọng chỉ tạm hoãn chứ chưa được thỏa thuận dứt khoát. Khi đối mặt với các nhà thương thuyết châu Âu, Thủ tướng Anh Theresa May đã không nhận được sự ủng hộ của nghị sỹ ở London.

Những thỏa thuận bước ngoặt

Cuộc đàm phán giữa EU và Anh ngày 19-3 đã đạt được một số thỏa thuận quan trọng mà một số tờ báo chí phương Tây coi đó là “bước ngoặt”.

Cụ thể là thời gian chuyển tiếp, tức là “thời gian Anh tập sự việc rời EU”, sẽ kéo dài 2 năm (từ tháng 3-2019 đến tháng 12-2020). Thứ hai, Anh được giữ mọi quyền lợi trong khối thị trường chung trong thời gian này. Thứ ba, công dân châu Âu đến Vương quốc Anh trong giai đoạn chuyển tiếp cũng sẽ được hưởng những quyền lợi giống như những người đến trước thời điểm Brexit.

Cuối cùng, vấn đề đường biên giới Anh - Bắc Ireland cũng đạt được một thỏa thuận tạm thời. Sở dĩ nói là tạm thời vì hiện tại không có giải pháp cụ thể nào cho vấn đề này. Sau thời gian đầu dứt khoát bác bỏ, Thủ tướng Theresa May ngày 19-3 cuối cùng phải chấp nhận rằng, vì không có giải pháp để tránh tái lập “đường biên giới cụ thể” giữa Cộng hòa Ireland và Bắc Ireland (thuộc Anh), nên London đành theo giải pháp do Bruxelles đề xuất, có nghĩa là thành lập một không gian có quy định rõ ràng, bao gồm 27 nước Liên minh châu Âu và Bắc Ireland.

Đối với nhiều người Anh, trước tiên là những người ủng hộ Brexit, việc chuyển dịch trên thực tế đường biên giới trên biển Ireland là điều không thể chấp nhận được và nếu Thủ tướng Theresa May nhượng bộ, thì đó là một vụ tự sát chính trị. Vì vậy, Lodon sẽ tìm cách đưa ra một giải pháp khác trong những tháng tới đây, cho dù nhiều người thực sự nghi ngờ về khả năng chính phủ giải quyết được vấn đề mà họ cho là nan giải.

Theo các nhà quan sát, vấn đề biên giới giữa Cộng hòa Ireland và Bắc Ireland sẽ còn gây đau đầu không chỉ cho nước Anh mà còn cả cho EU trong quá trình đàm phán Brexit.

Gian nan phía trước

Việc bà May đạt được thỏa thuận với EU ngày 19-3 đã vấp phải sự phản đối từ ngay trong chính đảng của mình. Trong một bức thư gửi lên Thủ tướng May ngày 21-3, 13 nghị sỹ thuộc đảng Bảo thủ cầm quyền đã lên án dự thảo thỏa thuận về giai đoạn chuyển tiếp mà Chính phủ Anh vừa đạt được với EU.

Các nghị sỹ cho rằng thỏa thuận chuyển tiếp hiện tại sẽ không thể nhận được sự ủng hộ của Hạ viện, nếu Anh vẫn phải tuân thủ Chính sách Thủy sản chung (CFP) của EU thêm gần 2 năm sau Brexit, trong khi lại không có tiếng nói gì về phân bổ sản lượng đánh bắt cá. Nhóm nghị sỹ này yêu cầu nước Anh phải rút khỏi CFP ngay sau khi Brexit có hiệu lực vào tháng 3-2019.

Theo thỏa thuận, trong giai đoạn chuyển tiếp, Anh không tham gia vào các tiến trình hoạch định chính sách của EU nhưng sẽ vẫn được hưởng quyền lợi như các thành viên khác.

Thủ tướng Anh Theresa May đang chịu nhiều sức ép không chỉ từ các nhà đàm phán EU mà cả các nghị sĩ Anh về vấn đề Brexit.

Còn một xung khắc nữa giữa Anh và EU trong quá trình đàm phán Brexit. Ngày 8-9, Ủy ban châu Âu đã khởi động thủ tục phạt vi phạm đòi Anh phải trả lại 2,7 tỉ Euro cho ngân sách châu Âu, vì đã gian dối để lọt vào thị trường chung các sản phẩm Trung Quốc có mức thuế cao hơn.

Ủy ban châu Âu đã gửi thư cảnh cáo cho London, đây là giai đoạn đầu tiên của thủ tục phạt vi phạm. Anh có 2 tháng để trả lời. Nếu không đồng ý với Anh, Ủy ban có thể chính thức đòi hỏi nộp phạt, và đưa ra Tòa án Công lý châu Âu (CJUE). Theo Ủy ban, cho dù Anh từ năm 2007 đã được thông báo về các rủi ro nếu gian dối khi nhập hàng dệt may và giày dép Trung Quốc, và được yêu cầu kiểm tra, nhưng vẫn để xảy ra gian lận.

Do vậy, Anh phải nhận hậu quả tài chính vì vi phạm các quy định của EU. Phát ngôn viên Thủ tướng Anh Theresa May chỉ trích “phương pháp không phù hợp” của EU trong việc định mức thuế, khẳng định “chúng tôi rất nghiêm túc đối với gian lận thuế quan, và sẽ tiếp tục làm việc với các đối tác châu Âu”.

Brexit cũng đang đặt ra những vấn đề riêng cho EU và nước Anh. Các lãnh đạo châu Âu trong cuộc họp thượng đỉnh không chính thức ngày 23-2 tại Bruxelles đã phơi bày bất đồng trên vấn đề ngân sách sau năm 2020, khi Anh không còn ở trong EU. Châu Âu hiện đứng trước thử thách tài chính không nhỏ: một mặt phải tốn kém thêm cho vấn đề bảo vệ biên giới trong tình cảnh di dân, nhập cư hiện nay, và vấn đề quốc phòng, mặt khác Anh rời khỏi EU, châu Âu mất một khoản đóng góp hơn 10 tỉ euro mỗi năm.

Để EU tìm được tiếng nói chung, ngày 16-3, Thủ tướng Đức có cuộc hội kiến Tổng thống Pháp tại Điện Elysée. Cùng với cuộc hội kiến Macron - Merkel, Bộ trưởng Tài chính của Pháp và Đức cũng có buổi làm việc để bàn về các vấn đề cụ thể, như khu vực đồng euro, thống nhất chế độ thuế, thuế nhắm vào các tập đoàn kỹ thuật số, hay kiểm soát vốn đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực chiến lược.

Tuy nhiên, một số lãnh đạo châu Âu cũng bắn tiếng với lãnh đạo Pháp - Đức là họ không muốn bị gạt sang lề. Thủ tướng Hà Lan tái khẳng định sẵn sàng có quan điểm ngược lại với các đề xuất của Paris và Berlin, cụ thể như về ngân sách chung của khối euro, hay việc tăng đóng góp cho ngân sách của EU.

Với nước Anh, Bộ Ngoại giao nước này ngày 21-3 cho biết sẽ bổ sung 250 nhà ngoại giao cho các vai trò mới ở nước ngoài trong vòng 2 năm tới, tăng gần 15% số lượng các đại diện ngoại giao Anh ở nước ngoài, trong bối cảnh chính phủ đang tìm kiếm các thỏa thuận thương mại mới sau khi Anh rời khỏi EU.

Đan Kô (tổng hợp)
.
.