Thủ tướng Yingluck lấy nhu thắng cương

Thứ Tư, 04/12/2013, 22:45

Đáp lại những hành động bạo lực leo thang của thủ lĩnh nổi dậy Suthep, Thủ tướng Yingluck tuyên bố bà để ngỏ tất cả các kênh đối thoại và sẵn sàng làm bất cứ điều gì cần thiết để chấm dứt bạo lực, mang lại hòa bình, nhưng không sử dụng bạo lực đáp trả, không chấp nhận làm những điều trái với Hiến pháp.

Tại cuộc gặp "tay đôi" giữa Thủ tướng Yingluck và thủ lĩnh nổi dậy Suthep tại một địa điểm bí mật vào tối 1/12, ông Suthep đã đưa ra "tối hậu thư" đòi bà Yingluck phải từ chức trong 48 tiếng đồng hồ, đồng thời thành lập một "Hội đồng nhân dân" để chỉ định thủ tướng mới không thông qua bầu cử. Giới phân tích nhận định, với yêu cầu thành lập Hội đồng nhân dân, ý định rõ ràng của ông Suthep là muốn tránh né các cuộc bầu cử dân chủ.

Chính trường Thái Lan chia rẽ sâu sắc giữa tầng lớp trung - thượng lưu giàu có, chủ yếu tập trung ở Bangkok và các khu vực đô thị, với thành phần dân nghèo chiếm đa số dân và chủ yếu sinh sống ở vùng nông thôn và ven Bangkok. Từ vài năm trở lại đây, chính trường Thái vận hành theo cái vòng lẩn quẩn: cứ hễ bầu cử thì đảng Pheu Thai và các đảng ủng hộ gia đình Shinawatra giành chiến thắng, thậm chí với tỉ lệ áp đảo, để rồi sau đó bị phe đối lập chống đối, lật đổ, rồi lại bầu cử và thắng cử, lại lật đổ. Lần này, Suthep muốn "lật một lần cho mãi mãi", tức là chấm dứt luôn sự hiện diện của gia đình Shinawatra trong đời sống chính trị Thái.

Ngày 3/12, Suthep tiếp tục leo thang biểu tình, kêu gọi người biểu tình tấn công đánh chiếm 10 tòa nhà chính phủ, kể cả Dinh Thủ tướng, Tổng hành dinh Cảnh sát Quốc gia và 6 đài truyền hình,… nhằm kích hoạt tiến trình sụp đổ chính phủ của bà Yingluck. Ý đồ của Suthep cũng rất rõ ràng: tranh thủ đánh nhanh, đánh mạnh nhằm giải quyết dứt điểm việc lật đổ chính phủ của bà Yingluck càng sớm càng tốt.

Đáp lại những hành động bạo lực leo thang của ông Suthep, Thủ tướng Yingluck tuyên bố bà để ngỏ tất cả các kênh đối thoại và sẵn sàng làm bất cứ điều gì cần thiết để chấm dứt bạo lực, mang lại hòa bình, nhưng không sử dụng bạo lực đáp trả, không chấp nhận làm những điều trái với Hiến pháp.

Thái độ điềm tĩnh và cách xử sự khôn ngoan của bà Yingluck đang đẩy Suthep vào thế "leo lưng cọp", chỉ còn cách duy nhất là tiếp tục "quậy" đến cùng, vì đằng nào cũng "chết". Và cách xử sự này đang tạo nên hình ảnh một Thủ tướng khôn ngoan, đúng mực, đối chọi lại với một đội quân bạo loạn do một thủ lĩnh hung hăng lãnh đạo.

Người biểu tình tìm cách phá hàng rào bêtông chắn trước các trụ sở cơ quan chính phủ.

Hành động của Suthep trong hơn một  tuần lễ bạo loạn đã đủ để Tòa án Thái Lan ban hành lệnh bắt giam để xét xử ông ta với tội danh "nổi dậy" nhằm lật đổ chính phủ. Với tội danh này, ông Suthep có thể bị xử với mức án tử hình hoặc tù chung thân, Phó chỉ huy Cảnh sát đô thị Bangkok Chayut Thanataweerat cho biết. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây án tử hình rất hiếm khi được áp dụng tại Thái Lan, vì vậy, nếu bị kết án, ông Suthep có thể chỉ bị tù chung thân.

Tuần trước, khi người biểu tình tấn công chiếm các tòa nhà chính phủ, một tòa án khác ở Bangkok cũng đã ra lệnh bắt Suthep. Ngoài ra, Suthep cũng đang bị truy án về tội cùng với cựu Thủ tướng Abhisit Vejjajiva ra lệnh đàn áp người biểu tình áo đỏ làm chết gần 100 người và gần 2.000 người bị thương vào năm 2010.

Ngày 5/12 là sinh nhật thứ 86 của Quốc vương Bhumibol Adulyadej. Đây là ngày lễ trọng đại của người Thái Lan, theo truyền thống thì cả nước phải giữ yên tĩnh, trang nghiêm để tỏ lòng tôn kính nhà vua. Suthep sẽ không đủ "gan" để gây bạo loạn và đổ máu trong ngày này. Khi đó, Chính phủ Thái Lan sẽ có thời gian để vạch ra phương án đối phó hiệu quả hơn.

Tình hình Thái Lan trong những ngày sắp tới vì thế sẽ có những diễn biến khó lường

Văn Trương (tổng hợp)
.
.