Thực hư về cuộc chạy đua vũ trang ở Đông Bắc Á

Thứ Năm, 02/01/2020, 11:32
Cuộc chạy đua vũ trang trên vùng biển ở khu vực Đông Bắc Á, đặc biệt là giữa Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản đang ở mức độ nghiêm trọng. 4 cường quốc láng giềng, đặc biệt là Mỹ, đã “góp phần” rất lớn vào cuộc chạy đua quân sự này.

4 nguyên nhân cốt lõi

Nhà nghiên cứu cấp cao Park Jeong-jae tại Viện Hợp tác và Chiến lược toàn cầu đã đưa ra một số nguyên nhân cho sự chạy đua này trong một bài bình luận gần đây. Nguyên nhân thứ nhất là chính sách của Mỹ đối với Bán đảo Triều Tiên. Mỹ đã tổ chức 2 hội nghị thượng đỉnh chính thức và đàm phán cấp chuyên viên về phi hạt nhân hóa với Triều Tiên song không thể tìm ra một giải pháp.

Việc phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên đang bị sa lầy trong bí ẩn. Triều Tiên mong muốn đánh đổi phi hạt nhân hóa lấy sự ổn định chế độ và bù đắp về kinh tế. Trong khi đó, có thể Mỹ không nhất thiết cần phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên. Mỹ có thể thích giữ nguyên tình thế hiện nay hơn. Trung Quốc dường như cũng có một quan điểm tương tự. Washington và Bình Nhưỡng đã không thay đổi lập trường. Ngày 4-12, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gián tiếp ngụ ý tấn công Triều Tiên.

Bầu không khí trên bờ vực chiến tranh như vậy đã làm cho các nước láng giềng như Hàn Quốc và Nhật Bản bất an và họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc đưa ra các kế hoạch tự giải cứu mình, đó là củng cố quân đội. Việc Washington yêu cầu Seoul trả nhiều tiền hơn cho các lực lượng Mỹ đóng quân ở đây, gây áp lực buộc Seoul phải gia hạn hiệp ước chia sẻ thông tin tình báo với Nhật Bản và ngay cả việc xem xét rút quân Mỹ ra khỏi khu vực này càng làm tăng thêm sự ngờ vực của Hàn Quốc đối với Mỹ. Điều này đã làm tăng nhu cầu có một quân đội mạnh hơn của Hàn Quốc. Một số người thậm chí còn đặt vấn đề Hàn Quốc trang bị vũ khí hạt nhân.

Nguyên nhân thứ hai là chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc. Kể từ năm 2009, sự tăng cường lực lượng hải quân nhanh chóng của Trung Quốc đã khiến Mỹ tiếp tục hoạt động đảm bảo “tự do hàng hải” ở Biển Đông. Ngày 17-12 vừa qua, Trung Quốc đã chính thức đưa tàu sân bay tự đóng hoàn toàn đầu tiên, tàu Sơn Đông, đi vào hoạt động tại căn cứ hải quân Tam Á ở Hải Nam.

Sự kiện quan trọng này có sự tham dự của Chủ tịch Tập Cận Bình. Đây là tàu sân bay thứ hai của Trung Quốc, một sự bổ sung quan trọng cho năng lực hàng hải của quốc gia này. Hơn thế nữa, việc tàu Sơn Đông chính thức đi vào hoạt động còn mang tính biểu tượng mạnh mẽ bởi nó cho thấy Trung Quốc có khả năng phát triển công nghệ tàu sân bay nội địa.

Mỹ cũng đã đưa ra Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương để đối trọng với Sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc cũng như tranh chấp thương mại với Trung Quốc. Bên cạnh đó, sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) ngày 2-8, những tin đồn về việc triển khai tên lửa tầm trung ở châu Á cũng thúc đẩy cuộc chạy đua vũ trang ở khu vực Đông Bắc Á.

Nguyên nhân thứ ba là sự bình thường hóa quân đội Nhật Bản. Nhật Bản đang nỗ lực sửa đổi “Hiến pháp hòa bình” cấm các lực lượng vũ trang rơi vào các cuộc chiến tranh. Đối với Nhật Bản, sẽ không dễ dàng vượt qua ký ức về cuộc chiến Trung-Nhật, do đó, Nhật Bản sẽ không kiên nhẫn với sự tăng cường lực lượng hải quân Trung Quốc. Về phần mình, Mỹ sẽ không chỉ theo dõi sự bành trướng của hải quân Trung Quốc mà sẽ làm ngơ hoặc giúp Nhật Bản xây dựng lực lượng hải quân của mình.

Nguyên nhân thứ tư là chương trình hạt nhân hóa của Triều Tiên. Vũ khí hạt nhân của Triều Tiên có thể châm ngòi việc trang bị vũ khí hạt nhân ở Đông Bắc Á. Trung Quốc đã có vũ khí hạt nhân. Hàn Quốc không thể bỏ qua khả năng phát triển vũ khí hạt nhân của riêng mình nếu sự bảo vệ của Mỹ đối với Hàn Quốc trước vũ khí hạt nhân trở nên không chắc chắn, trong khi Nhật Bản có thể chế tạo vũ khí hạt nhân nếu muốn. Trong hoàn cảnh này, các nước ở khu vực Đông Bắc Á chắc chắn sẽ trang bị vũ khí hạt nhân.

Hợp tác Hàn Quốc - Trung Quốc có thể là giải pháp cho cuộc chạy đua.

Hợp tác - chìa khóa để hạn chế chạy đua

Trước tình thế này, các nước Đông Bắc Á nên tìm kiếm bất kỳ cơ hội nào để vượt qua cuộc chạy đua vũ trang bằng các mối quan hệ hợp tác. Có thể nghĩ tới sự hợp tác quân sự Hàn Quốc-Trung Quốc. Tuy nhiên, Hàn Quốc và Trung Quốc đã và đang rơi vào tình trạng căng thẳng kể từ khi Hàn Quốc cho phép Mỹ triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) năm 2017. 

Trong khi Hàn Quốc hiểu rằng vấn đề này đã được giải quyết ở một mức độ nào đó bởi Tổng thống Moon Jae-in đã cam kết thực hiện “Chính sách 3 không”: Không tham gia hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ, Không triển khai thêm THAAD và Không theo đuổi liên minh quân sự giữa Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản, Trung Quốc vẫn cho rằng khó có thể hàn gắn vết thương hoàn toàn vì THAAD vẫn được triển khai tại Hàn Quốc.

Để có bất kỳ sự hợp tác quân sự nào giữa Hàn Quốc và Trung Quốc, nên loại bỏ hệ thống THAAD và triển khai các hệ thống vũ khí khác thay thế THAAD. Hàn Quốc có thể xem xét việc triển khai liên tục hệ thống phản ứng tầm cao trên cơ sở hệ thống chiến đấu Aegis tại Hàn Quốc. Tuy nhiên, về mặt kỹ thuật là không dễ dàng bởi cần một vũ khí để bảo vệ lực lượng Mỹ trước mọi mối đe dọa từ vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.

Hợp tác quân sự giữa các quốc gia là tương đối khả thi nếu có những mối đe dọa chung. Song hợp tác quân sự giữa Hàn Quốc và Trung Quốc vẫn là một hành trình dài. Trong tình thế hiện nay, hai nước có thể bắt đầu từ sự hợp tác quân sự rất cơ bản, chẳng hạn như ngăn chặn các cuộc đụng độ vô tình trên biển và trên không, hợp tác tìm kiếm - cứu hộ hay tiến hành các hoạt động ngăn chặn thảm họa quy mô lớn.

Hai nước cũng có thể nghĩ đến việc tiến hành các chuyến thăm viếng cấp bộ trưởng quốc phòng, các cuộc họp cấp chuyên viên hay bất kỳ sự giao lưu cấp thấp khác, ví dụ, giao lưu sinh viên đại học quốc phòng, lắp đặt đường dây điện thoại trực tiếp giữa hai quân đội và mời tàu chiến tới thăm cảng.

Hà Phương (tổng hợp)
.
.