Thực hư việc Mỹ bắt giữ tàu chở dầu của Iran
Các công tố viên Mỹ cáo buộc doanh nhân Iran Mahmoud Madanipour, có liên hệ với Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), đã giúp sắp xếp những chuyến hàng bằng cách đánh tráo tài liệu về tàu chở dầu để né lệnh trừng phạt Mỹ. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ - bà Morgan Ortagus chia sẻ, việc Tehran bán dầu cho Caracas là vi phạm các lệnh cấm vận của Washington và sẽ hậu thuẫn “các hoạt động bất chính” của Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Iran (IRGC), lực lượng quân sự tinh nhuệ của quốc gia Hồi giáo bị Mỹ liệt vào danh sách các tổ chức khủng bố.
“Chính phủ hôm nay thông báo đã thực hiện thành công vụ bắt giữ này và tịch thu khoảng 1,12 triệu thùng dầu. Với sự giúp đỡ của các đối tác nước ngoài, số hàng bị thu giữ này hiện đã nằm trong tay của Hoa Kỳ”, tuyên bố của Bộ Tư pháp Mỹ cho biết thêm. Tuyên bố không nêu rõ địa điểm hoặc thời điểm các tàu bị chặn bắt nhưng Tổng thống Donald Trump nói rõ rằng các tàu chở dầu đang ở Houston, Texas.
“Sau lệnh bắt giữ của Mỹ, hải quân Iran đã cố bắt giữ một tàu nước ngoài trong nỗ lực thu hồi số dầu bị tịch thu nhưng không thành công”, tuyên bố của Bộ Tư pháp Mỹ cho biết và nhắc lại rằng Bộ Chỉ huy Trung tâm của quân đội Hoa Kỳ (Centcom) đã công bố một đoạn video về vụ việc này. Số tiền mà Chính phủ Mỹ dự định kiếm được từ việc bán dầu bị tịch thu của Iran sẽ được chuyển đến quỹ hỗ trợ các nạn nhân của chủ nghĩa khủng bố, theo phát ngôn viên Morgan Ortagus.
Về phần mình, Đại sứ Iran tại Venezuela Hojat Soltani cho biết trên Twitter rằng các báo cáo về việc bắt giữ các tàu chở dầu của Iran là “một lời nói dối và trò tâm lý chiến” của Hoa Kỳ. Hojat Soltani viết trên Twitter bằng tiếng Tây Ban Nha: “Các con tàu không phải của Iran và chủ sở hữu cũng như lá cờ không liên quan gì đến Iran”.
Trước khi tiến hành bắt giữ 4 tàu này, phía Mỹ cũng đã áp đặt một số lệnh cấm đối với 5 thuyền trưởng điều khiển các tàu Iran chở hàng hóa, nhu yếu phẩm và xăng dầu đến Venezuela trong tháng 5. Iran đã phản ứng ngay lập tức, gọi các lệnh trừng phạt của Mỹ nhắm vào các thuyền trưởng họ là hành động bất hợp pháp, vi phạm luật pháp quốc tế.
Thông báo bắt giữ các tàu chở dầu của Iran cùng với thời điểm Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (LHQ) bỏ phiếu về một dự thảo nghị quyết liên quan đến các lệnh trừng phạt nhắm vào Iran về vấn đề hạt nhân. Dự thảo nghị quyết do Hoa Kỳ đề xuất là nhằm kéo dài vô thời hạn các biện pháp cấm vận vũ khí đối với Iran. Thế nhưng, văn bản này hầu như không nhận được sự ủng hộ trong Hội đồng Bảo an.
Dự thảo nghị quyết chỉ được 2 phiếu ủng hộ của Hoa Kỳ và Cộng hòa Dominica, trong lúc có đến 11 nước không bỏ phiếu và 2 nước chống là Nga và Trung Quốc. “Đây là một thất bại lịch sử của Mỹ”, các viên chức Iran và báo chí Iran khẳng định. Về nguyên tắc, các lệnh trừng phạt này sẽ hết hạn vào ngày 18-10, dựa theo quy định của thỏa thuận hạt nhân Iran mà Tehran và các cường quốc đã ký kết hồi năm 2015. Ông Donald Trump, khi mới đắc cử tổng thống vào năm 2016, đã nhanh chóng rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận này.
Ngoại trưởng Pompeo: Mỹ sẽ làm mọi cách để gia hạn cấm vận vũ khí Iran. |
Với thất bại của Mỹ, kể từ tháng 10 tới, Iran sẽ có thể tự do bán vũ khí, nhất là tên lửa và máy bay tự hành cho đồng minh Syria, Iraq và quan trọng hơn hết là mua vũ khí của Nga và Trung Quốc. Trong lĩnh vực này, Bắc Kinh và Tehran sắp hoàn tất một thỏa thuận hợp tác chiến lược 25 năm, theo đó Trung Quốc cung cấp vũ khí cho Iran và đầu tư dồi dào vào các lãnh vực năng lượng của Iran. Giữa Nga và Iran cũng dự trù một thỏa thuận tương tự, dài 20 năm.
Trong khi cuộc bỏ phiếu tại Hội đồng Bảo an vẫn còn đang diễn ra, Tổng thống Nga Vladimir Putin kêu gọi tổ chức sớm nhất có thể một cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến 5+1 của 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an với Berlin và Tehran để bàn về vấn đề Iran. Ông Putin cũng chỉ trích những cáo buộc vô căn cứ nhắm vào Iran, những dự thảo nhằm phá hủy những quyết định đồng thuận trước đây của Hội đồng Bảo an.
AFP trích dẫn thông cáo của Điện Kremlin, theo đó nguyên thủ Nga cho rằng các cuộc thảo luận ở Hội đồng Bảo an về hồ sơ Iran ngày càng trở nên căng thẳng và tình hình thì đang xấu đi. Theo Tổng thống Nga, mục đích của thượng đỉnh 5+1 là nhằm ấn định các biện pháp cho phép tránh một cuộc đối đầu và tránh để tình hình Hội đồng Bảo an ngày càng trở nên nghiêm trọng.
Thất bại của Mỹ tại Hội đồng Bảo an không có gì đáng ngạc nhiên. Thế nhưng, cho dù thất bại, Mỹ vẫn có thể tiếp tục nỗ lực sử dụng một cơ chế có thể nhấn chìm LHQ trong một cuộc khủng hoảng lịch sử. Người ta gọi cơ chế đó là Snapback. Nói một cách cụ thể, cơ chế này sẽ cho phép Hoa Kỳ đơn phương buộc LHQ khôi phục trở lại tất cả các lệnh trừng phạt đã áp đặt đối với Iran trước khi có thỏa thuận hạt nhân 2015.
Nói một cách khái quát, điều này có lẽ sẽ chôn vùi vĩnh viễn thỏa thuận hạt nhân Iran 2015. Nếu cơ chế SnapBack được kích hoạt, đó sẽ là điểm khởi đầu của một cuộc tranh cãi kéo dài và cuối cùng có thể sẽ làm suy yếu vai trò của LHQ với tư cách là một định chế. Đằng sau động thái này của Mỹ, một số người hiểu rằng điều Tổng thống Donald Trump muốn là khiến Hoa Kỳ không thể quay trở lại thỏa thuận hạt nhân Iran, trong trường hợp ông không tái đắc cử trong kỳ bầu cử vào tháng 11.