Thuốc sốt rét giả gây nguy hiểm cho châu Phi

Thứ Ba, 08/01/2013, 22:25

Thuốc chữa bệnh được chở bằng xe tải hay xách tay vượt biên giới để bán cho các hiệu thuốc, cửa hiệu và bệnh viện ở châu Phi. Nhưng, có một vấn đề: các loại thuốc này không hoàn toàn cứu được mạng người! Nhìn vào bao bì, có lẽ người thường không phân biệt được gì. Song, giới thanh tra được huấn luyện chuyên môn có thể phát hiện những dấu hiệu làm giả như một hoa văn bị thiếu mất hay mép vỉ thuốc không sắc nét.

Tại các thành phố lớn cũng như các vùng thôn quê ở Tanzania và Uganda - hai quốc gia châu Phi có số người mắc bệnh sốt rét thuộc hàng cao nhất thế giới - mọi người đều biết về sự nguy hiểm chết người của thuốc giả và thuốc kém chất lượng. Mọi người cho rằng, cũng giống như điện thoại di động chất lượng kém và quần áo rẻ tiền, thuốc giả chắc chắn có nguồn gốc từ Trung Quốc - nơi nổi tiếng thế giới về sản xuất hàng giả và hàng nhái. Mechtlida Luhaga, nữ bác sĩ và cũng từng là bệnh nhân sốt rét, đã quá quen với những viên thuốc không chữa được bệnh như thế len lỏi vào mọi ngóc ngách của khu chợ thuốc tây ở lưu vực hồ Victoria.

Bác sĩ Luhaga điều hành một bệnh viện địa phương, nơi tiếp nhận khoảng 700 bệnh nhân mỗi ngày, ở vùng Mwanza ven bờ hồ Victoria của Tanzania. Bệnh nhân sốt rét luôn chiếm số đông ở bệnh viện của Luhaga. Còn ở Uganda, tình hình  nguy hiểm hơn nhiều do thuốc giả lan tràn khắp nơi không thể kiểm soát nổi. Tại Busia, nơi giáp ranh với Kenya, những chiếc xe tải nối đuôi nhau trong suốt nhiều giờ, thậm chí nhiều ngày liên tục, để chờ kiểm tra hàng hóa.

"Chúng tôi có vấn đề nghiêm trọng với các thứ hàng hóa độc hại, nhưng làm sao có thể kiểm tra hết tất cả?", Robert Kamchu, lãnh đạo lực lượng cảnh sát biên phòng, bức xúc nói với các nhà báo. Tại văn phòng ở thủ đô Kampala của Uganda, David Nahamya - Trưởng thanh tra của Cơ quan Kiểm soát thuốc quốc gia Uganda (NDA) - bày ra những hộp thuốc giả bên cạnh những hộp thuốc thật để cho thấy rằng chỉ có những xét nghiệm trong phòng thí nghiệm mới có thể tìm ra sự khác biệt! Điều đó cho thấy công nghệ làm thuốc giả hiện nay đạt đến mức tinh xảo như thế nào.

Ngoài thuốc sốt rét giả và thuốc kháng sinh giả, còn có cả thuốc ngừa thai giả. Một số viên thuốc hoàn toàn không có thành phần hoạt chất, số khác có công thức hoàn toàn sai hoặc may mắn lắm là chỉ có công hiệu một phần. Không chỉ có nguồn gốc từ nước ngoài mà thuốc giả còn được sản xuất ngay trong nước.

Thuốc chữa sốt rét được sử dụng ở Tanzania.

Lượng thuốc giả khổng lồ xâm nhập Lục địa Đen đã dẫn đến nhiều cái chết oan uổng ở châu Phi - theo nhận định của bà Laurie Garett, giám sát y tế toàn cầu của Ủy ban Đối ngoại Mỹ (USCFR). Các tổ chức quốc tế đã gây sức ép lên Trung Quốc buộc nước này tham gia các nỗ lực quốc tế nhằm chống thuốc giả và cải thiện y tế toàn cầu. Đáp lại, Bắc Kinh đã cung cấp sự hỗ trợ y tế, xây dựng bệnh viện và viện trợ các thiết bị y tế và thuốc men.

Theo một báo cáo, Trung Quốc đã đóng góp 467 triệu bảng Anh viện trợ y tế cho châu Phi từ năm 2007 đến 2011. Nhưng, thật ra con số đó chỉ là một giọt nước giữa đại dương nếu so sánh với những khoản tiền viện trợ mà quốc tế giúp cho châu Phi. Huang Yanzhong, chuyên gia về chính sách y tế của USCFR, nhận định sự trợ giúp của Trung Quốc dành cho châu Phi chủ yếu tập trung vào xây dựng cơ sở hạ tầng, các đội ngũ bác sĩ và trang thiết bị y khoa.

Ở Uganda và Tanzania - hai quốc gia có đến 20 triệu trong số 94 triệu ca bệnh sốt rét được báo cáo trên toàn cầu vào năm 2010, thậm chí các bác sĩ cũng không thể phân biệt nổi đâu là thuốc thật và đâu là thuốc giả. Theo một số nghiên cứu mới đây, 1/3 số thuốc chữa sốt rét ở UgandaTanzania là giả hoặc kém chất lượng, và người ta tin phần lớn số thuốc trên có nguồn gốc từ Trung Quốc.

"Chúng tôi có ít dữ liệu về vấn đề cho nên cũng khó xử lý", Andreas Seiter thừa nhận. Seiter - chuyên gia y tế và chính sách dược phẩm của World Bank - cũng cho biết, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đang thực hiện một cuộc điều tra quy mô về thuốc chữa bệnh giả trên toàn cầu. Theo Seiter, các quốc gia xuất khẩu dược phẩm lớn trên thế giới như Ấn Độ và Trung Quốc đã nhận thức được vấn đề và đang có những nỗ lực tăng cường giám sát nền công nghiệp sản xuất dược phẩm trong nước họ.

Khi chất dẫn xuất artemisinin được phê chuẩn sử dụng chữa trị ở Tanzania vào năm 2006, nó được coi là cách mạng hóa trong cuộc chiến chống bệnh sốt rét, sát thủ nguy hiểm nhất đối với trẻ em vùng châu Phi hạ Sahara. Nhưng, các chuyên gia cảnh báo cơn lũ thuốc giả và kém chất lượng hiện nay đang ùa vào châu Phi sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của thuốc và dẫn đến nguy cơ mở đường cho những nguy hiểm mới, bao gồm các ký sinh trùng kháng thuốc. Trong khi thuốc thật có hiệu quả chữa khỏi đến 95% các ca bệnh

Thục Miên (tổng hợp)
.
.