Thượng đỉnh EU - Trung Quốc: Thẳng thắn và cứng rắn

Thứ Hai, 21/09/2020, 09:55
Ngày 14-9, Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc họp thượng đỉnh qua cầu truyền hình bàn về hợp tác kinh tế mặc dù căng thẳng ngoại giao vẫn đang tiếp diễn. Nếu trước đây, EU thường bị “lóa mắt” trước những món lợi kinh tế mà Trung Quốc hứa sẽ đem lại, thì nay, sau một thời gian khảo nghiệm, các nước châu Âu đã “tỉnh đòn” hơn và mọi thứ trở nên rõ ràng và sòng phẳng.

Tham dự thượng định qua cầu truyền hình có cả Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula Von der Leyen, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Chủ tịch luân phiên EU và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ban đầu, ông Tập Cận Bình dự tính đến Leipzig (Đức) để họp với lãnh đạo 27 nước trong EU nhưng do dịch COVID-19, cuộc họp thượng đỉnh phải thay đổi, được tổ chức qua video. Mục tiêu đầu tiên của cuộc họp thượng đỉnh là hợp tác kinh tế.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel họp báo sau cuộc Thượng đỉnh trực tuyến.

Trong cuộc họp báo kết thúc hội nghị, Brussels ghi nhận một số tiến bộ nhưng vẫn còn rất nhiều việc phải làm để cho ra đời hiệp định đầu tư song phương (CAI) đã được hai bên đàm phán từ 7 năm qua. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Von der Leyen thông báo đã đạt được một số tiến bộ với Trung Quốc trên 3 điểm: ứng xử của các công ty nhà nước Trung Quốc, chuyển giao công nghệ và chính sách trợ cấp cho các công ty quốc doanh. Bất đồng vẫn tồn tại trên hai vế: việc mở cửa thị trường nội địa Trung Quốc cho các doanh nhân châu Âu và dư thừa sản xuất của các doanh nghiệp Trung Quốc. Thủ tướng Đức cho rằng tất cả tùy thuộc vào quyết tâm chính trị của các bên.

Bà Von der Leyen đã tránh đi sâu vào chi tiết liên quan đến những điểm vừa nêu nhằm để ngỏ khả năng CAI vẫn là các đích các bên nhắm tới. Nhưng, quan trọng hơn cả là châu Âu không còn cả tin vào Trung Quốc như trước đây. Theo chuyên gia Antoine Bondaz thuộc Quỹ Nghiên cứu chiến lược Pháp, điểm hết sức quan trọng là lập trường của châu Âu về Trung Quốc đang thay đổi rất nhanh và những bức xúc của châu Âu đối với Bắc Kinh đã thêm dồn dập. EU quá mệt mỏi trước những hứa hẹn trống rỗng của Bắc Kinh. Trung Quốc cam kết nhiều nhưng thực hiện thì không bao nhiêu.

Giờ đây Brussels mạnh mẽ đòi Bắc Kinh tôn trọng nguyên tắc đối đẳng, có qua có lại và đòi các doanh nghiệp châu Âu phải được đối xử bình đẳng trên nhiều lĩnh vực. Thí dụ như mở của thị trường của đôi bên cho các doanh nghiệp của nhau, về chính sách trợ giá cho các công ty quốc doanh hay liên quan tới vai trò trung tâm của các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc trong các hoạt động kinh tế. EU và Trung Quốc đã đàm phán từ trước về tất cả những điều khoản này nhưng câu hỏi vẫn là đôi bên có thể ký kết được thỏa thuận đầu tư hay không? Cần nói thêm là đàm phán đã kéo dài từ quá lâu rồi, từ năm này qua năm khác.

Những khúc mắc quan trọng nhất mà EU và Trung Quốc vẫn chưa san bằng được sau gần 30 vòng đàm phán như ông Bondaz vừa trình bày, cũng là nguồn gốc gây nên cuộc chiến tranh thương mại Mỹ -Trung. Trước mắt Bắc Kinh không có dấu hiệu nhượng bộ trên tất cả những điểm từ chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp nhà nước, đến vấn đề cưỡng bức chuyển giao công nghệ hay vai trò trọng yếu của các tập đoàn quốc doanh Trung Quốc. Nhiều nhà bình luận hoài nghi về thực chất trong thông báo của Brussels ngày 14-9 khi nêu bật những tiến bộ đã đạt được với Bắc Kinh.

Nhà kinh tế Michel Fouquin thuộc Trung tâm Nghiên cứu về triển vọng kinh tế và thông tin quốc tế của Pháp giải thích rằng trong hoàn cảnh hiện tại, rất khó để các công ty châu Âu mua lại các tập đoàn Trung Quốc trong khi đó Trung Quốc đã tham gia trực tiếp, thậm chí làm chủ nhiều tập đoàn then chốt của châu Âu. Đây là một điểm mà Brussels không còn chấp nhận nữa nhất là trong bối cảnh thị trường Trung Quốc có phần kém hấp dẫn so với hồi 2013 khi đôi bên khởi động đàm phán về một hiệp định đầu tư song phương.

Hơn bao giờ hết, Trung Quốc đang cần đến khối này, từ mặt mậu dịch đến các hợp tác nghiên cứu, khoa học... Vậy tại sao EU không tận dụng thời cơ này để đánh đổi lấy những gì mà Brussels từ lâu nay vẫn trông đợi ở Bắc Kinh? Năm ngoái, tổng trao đổi mậu dịch của Pháp với Trung Quốc chỉ bằng 10% so với giữa Pháp và toàn khối EU. Điều đó có nghĩa là Trung Quốc tuy là một bạn hàng quan trọng nhưng không có trọng lượng đối với Pháp như là đối với một số quốc gia khác, như là Hàn Quốc, Úc chẳng hạn.

Các lãnh đạo Liên minh châu Âu và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình họp thượng đỉnh qua cầu truyền hình ngày 14-9.

Mathieu Duchâtel, Giám đốc Trung tâm châu Á của Viện Nghiên cứu Montaigne Paris, cho rằng Bắc Kinh muốn nhanh chóng đạt được một hiệp định với EU đề phòng Brussels thiên về các giải pháp bảo hộ mậu dịch gắt gao hơn. Chính sách đó sẽ đe dọa trực tiếp đến dự án “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc. Ông Duchâtel trích dẫn nghiên cứu của một chuyên gia thuộc Viện Khoa học xã Hội tại Bắc Kinh theo đó phương tiện tốt nhất đề đối mặt với chính sách bảo hộ của EU là bắt các doanh nghiệp châu Âu hợp tác với Trung Quốc để phía châu Âu tự điều chỉnh thái độ. Chuyên gia Trung Quốc này tin tưởng, sẽ đạt được mục đích đó bởi châu Âu cần vốn của Trung Quốc.

Một thành viên khoa đặc trách châu Âu cũng của Viện Khoa học xã Hội tại Bắc Kinh được chuyên gia Pháp trích dẫn thẳng thừng cho rằng mấu chốt trong cuộc đọ sức giữa Trung Quốc với châu Âu nằm ở chỗ áp đặt các chuẩn mực của mình với đối phương và chỉ có hai phương tiện để đạt đến đích: một là tận dụng thời cơ và hai là áp dụng luật chơi của kẻ mạnh. Chuyên gia Duchâtel kết luận: đó là định hướng trong tất cả các bài phân tích từ phía Trung Quốc liên quan đến đàm phán đang diễn ra với EU để hướng tới một thỏa thuận đầu tư song phương.

Ngay sau khi kết thúc thượng đỉnh, ông Charles Michel đã đề nghị với Trung Quốc chấp nhận để các quan sát viên độc lập đến Tân Cương quan sát tình hình. Chưa hết, ngày 16-9, ba quốc gia châu Âu là Anh, Pháp và Đức cùng gửi công hàm lên Liên Hiệp Quốc bác bỏ yêu sách rộng khắp của Trung Quốc tại Biển Đông. Các nước này viện dẫn phán quyết trọng tài năm 2016 mà Philippines giành được chống lại Trung Quốc.

Khẳng định trở lại lập trường pháp lý của mình với tư cách là các quốc gia thành viên của UNCLOS, ba nước châu Âu cho rằng tất cả các yêu sách trên biển ở Biển Đông “cần được đưa ra và giải quyết một cách hòa bình, phù hợp với các nguyên tắc và quy tắc của UNCLOS, cũng như các phương thức và thủ tục để giải quyết tranh chấp được quy định trong Công ước”.

Mộc Thạch (Tổng hợp)
.
.