Thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên: Các bên nỗ lực tìm đồng minh

Thứ Hai, 23/04/2018, 16:07
Cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un dự kiến sẽ diễn ra trong tháng 5 hoặc đầu tháng 6-2018. Hiện giờ các công tác chuẩn bị cho cuộc gặp lịch sử đang được khẩn trương tiến hành. Mỹ cũng như Triều Tiên đang tìm kiếm sự ủng hộ và quan điểm của các đồng minh quan trọng cho cuộc gặp mặt này.

Trước tiên về phía Mỹ. Ngày 18-4, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tiếp Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại bang Florida. Ngoài vấn đề trao đổi mậu dịch song phương, lãnh đạo hai nước chủ yếu bàn về vấn đề Triều Tiên. Khi hội kiến Tổng thống Donald Trump, ông Shinzo Abe muốn đưa nước Nhật trở lại vị trí của mình trong các cuộc thảo luận về Triều Tiên. Tokyo muốn được bảo đảm là Hoa Kỳ sẽ giữ nguyên cam kết bảo vệ các đồng minh ở Đông Bắc Á.

Trước đó, Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết là Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định duy trì áp lực lên Triều Tiên cho đến khi Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa. Đối với hai lãnh đạo Nhật và Mỹ, sẽ không thể có một cuộc “đối thoại có ý nghĩa” nào nếu Triều Tiên không chấp nhận một tiến trình “phi hạt nhân hóa toàn bộ, có thể xác minh và không thể đảo ngược”.

Phát biểu trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Abe, ông Trump nhấn mạnh: “Tôi hy vọng có một cuộc gặp thành công”. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Mỹ cảnh báo ông sẽ hủy bỏ cuộc gặp nếu nhận thấy cuộc gặp không đem lại kết quả. Theo Tổng thống Trump, chi tiết về cuộc gặp thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên đang được xây dựng.

Thủ đô Mông Cổ Ulan Bator là một trong 5 địa điểm đang được xem xét để tổ chức thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên.

Ông chủ Nhà Trắng cũng khẳng định lập trường nhất quán của Mỹ là tiếp tục gia tăng sức ép tối đa cho đến khi Triều Tiên phi hạt nhân hóa. “Khi tôi có mặt ở đó, nếu cuộc gặp không thành công, tôi sẽ rút lui một cách đáng tôn trọng. Và chúng tôi sẽ tiếp tục làm những gì chúng tôi đang làm”, ông Trump nói thêm.

Cùng ngày, trong một thông báo trên Twitter, ông Trump cho biết các cuộc hội đàm cấp cao giữa Mỹ và Triều Tiên đã diễn ra. Tổng thống cũng xác nhận thông tin rằng Giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Mike Pompeo đã gặp nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại Triều Tiên.

“Mike Pompeo đã gặp ông Kim Jong-un tại Triều Tiên tuần trước. Cuộc gặp diễn ra rất suôn sẻ và một mối quan hệ tốt đã được hình thành. Thông tin chi tiết về hội nghị thượng đỉnh đang được chuẩn bị. Việc phi hạt nhân hóa sẽ là điều tốt đẹp cho cả thế giới nói chung và Triều Tiên nói riêng”, ông Trump viết trên Twitter.

Ông Trump còn cho biết rằng ông ủng hộ nỗ lực của Seoul đàm phán với Bình Nhưỡng về việc kết thúc cuộc Cuộc chiến tranh Triều Tiên thập niên 1950. “Hàn Quốc được tôi ủng hộ cho nỗ lực chấm dứt cuộc chiến tranh”, Tổng thống Trump nói với các phóng viên khi ông đứng cạnh Thủ tướng Abe trước khi bước vào cuộc họp.

“Nhiều người không biết rằng Cuộc chiến tranh Triều Tiên chưa kết thúc. Nó sẽ kết thúc ngay bây giờ. Hai bên đang bàn thảo việc kết thúc cuộc chiến tranh”. Đây được xem là diễn biến tích cực trên Bán đảo Triều Tiên có lợi cho hội nghị thượng đỉnh liên Triều cuối tháng này cũng như cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều sắp tới.

Một quan chức thuộc Phủ Tổng thống Hàn Quốc ngày 18-4 thông báo, Hàn Quốc và Triều Tiên đã đạt được một thỏa thuận về hầu hết các vấn đề lớn liên quan tới cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều, trong đó có việc phát sóng trực tiếp cuộc gặp dự kiến diễn ra vào ngày 27-4 tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm bên phía Hàn Quốc.

Giới chức này nói rằng đàm phán hòa bình có thể là một nội dung, nhưng thương thảo việc chính thức kết thúc cuộc chiến tranh còn cần phải có các bên liên quan tham gia. Giới quan sát cho rằng ít có khả năng Hàn Quốc sẽ xem việc rút quân Mỹ đồn trú tại nước này là một trong những điều kiện đàm phán tại cuộc gặp thượng đỉnh vào cuối tháng này.

Về phía mình, Triều Tiên cũng đang thăm dò qua các đồng minh về những đề nghị đàm phán với Tổng thống Mỹ. Ngày 10-4, Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong Ho công du Nga để tìm kiếm sự hậu thuẫn của Moskva trước các cuộc đối thoại thượng đỉnh với Seoul và Washington. Nga kêu gọi cộng đồng quốc tế có các bảo đảm chắc chắn về an ninh đối với chính quyền Bình Nhưỡng, trong quá trình phi hạt nhân hóa.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Hồi tháng trước, lãnh đạo Triều Tiên đã có chuyến thăm Trung Quốc để thảo luận với Chủ tịch Tập Cận Bình trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2011. Trước mắt, Bình Nhưỡng muốn Hoa Kỳ bỏ thỏa thuận liên minh quân sự với Hàn Quốc và rút 35 nghìn quân ra khỏi khu vực Bán đảo Triều Tiên.

Trong cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Trump tới đây, có thể ông Kim Jong Un sẽ đồng ý đề cập đến vấn đề giải trừ hạt nhân nhưng cũng đừng bao giờ mong Bình Nhưỡng hủy hết kho vũ khí hạt nhân mà theo họ, đó là sự bảo đảm cho sự tồn vong của đất nước. Nhưng xem ra đây là điều mà Washington khó có thể chấp nhận được.

Có một điều mà các chuyên gia khẳng định, dù sẵn sàng đàm phán nhưng Bình Nhưỡng sẽ không bao giờ từ bỏ bom hạt nhân. Từ thời lãnh đạo Kim Nhật Thành, Bình Nhưỡng vẫn gắn vấn đề ngừng chương trình hạt nhân với một hiệp ước hòa bình ký với Washington.

Cuộc phản công ngoại giao của Bình Nhưỡng nhằm tìm kiếm thêm sự hậu thuẫn trước khi diễn ra cuộc gặp với ông Trump, người vẫn luôn đe dọa dùng giải pháp quân sự trong trường hợp giải pháp ngoại giao thất bại. Việc bổ nhiệm nhân vật có tiếng là diều hâu John Bolton làm cố vấn an ninh quốc gia sẽ co hẹp phạm vi hành động của các nhà đàm phán Triều Tiên.

Bởi vì theo giới phân tích, chính nhân vật này dưới thời Tổng thống Bush đã làm cho quan hệ với Bình Nhưỡng trở nên tồi tệ hơn khi đặt Triều Tiên vào “trục tội ác” để rồi Bình Nhưỡng đáp lại bằng đẩy mạnh chạy đua vũ khí hạt nhân.

Ngoài ra, vấn đề chọn địa điểm cho cuộc gặp thượng đỉnh cũng là một vấn đề nhạy cảm và đau đầu trên phương diện ngoại giao cũng như an ninh.

Đan Kô (tổng hợp)
.
.