Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên: Hồi hộp tới phút chót

Thứ Hai, 21/05/2018, 11:17
Trong khi cộng đồng quốc tế đang rất kỳ vọng vào những kết quả tốt đẹp của cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên dự kiến diễn ra tại Singapore ngày 12-6 tới đây, Bình Nhưỡng đột ngột tuyên bố hoãn vô thời hạn hội đàm cấp cao liên Triều, đồng thời cảnh báo có thể hủy bỏ cả cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên.

Nguyên nhân “bên ngoài” thì đã rõ, là do cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn còn nguyên nhân bên trong và tính chất nhạy cảm của vấn đề này thì chưa bên nào nói ra. Thế giới lại hồi hộp chờ đợi cái kết mong manh vô cùng khó đoán.

Lý do... và mục đích

Ngày 16-5, Triều Tiên thông báo đơn phương hủy các cuộc đàm phán liên Triều nhằm phản đối cuộc tập trận chung giữa Washington và Seoul mang tên “Thần sấm”. Sau đó, cũng trong ngày 16-5, Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Kim Kye-gwan trong một thông cáo báo chí nhấn mạnh rằng Triều Tiên sẽ xem xét lại việc tham gia hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều nếu như Mỹ ép Triều Tiên đơn phương từ bỏ vũ khí hạt nhân.

Cũng trong ngày 16-5, Triều Tiên đã hủy tham gia Hội nghị liên Triều cấp bộ trưởng được lên kế hoạch diễn ra cùng ngày để phản đối cuộc tập trận chung giữa Hàn Quốc và Mỹ. Trong quan hệ với Hàn Quốc, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 17-5 cho biết Triều Tiên sẽ không ngồi vào bàn đàm phán với Hàn Quốc chừng nào chưa giải quyết được các vấn đề dẫn tới việc ngừng cuộc gặp cấp cao trong tuần này.

Trước đó, Bình Nhưỡng đã bất ngờ hủy cuộc hội đàm cấp cao với Seoul dự kiến diễn ra ngày 16-5 tại làng đình chiến Panmunjom. Lý do được Chủ tịch Ủy ban Thống nhất hòa bình của Triều Tiên, ông Ri Son-gwon đưa ra là Triều Tiên lên án cuộc tập trận thường niên “Thần sấm” của Mỹ và Hàn Quốc và chỉ trích Quốc hội Hàn Quốc tổ chức đàm phán với “những kẻ vô đạo đức” song không nói rõ là ai. Ông Ri Son Gwon cũng đánh giá chính quyền Hàn Quốc hiện nay là “kém cỏi”.

Ngoại trưởng Mỹ Pompeo và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: KCNA.

Bất chấp việc Triều Tiên hủy cuộc gặp cấp cao, người dân Hàn Quốc vẫn kỳ vọng nhiều vào bầu không khí đang “giảm nhiệt” trên Bán đảo Triều Tiên, đặc biệt sau Hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần thứ 3 vừa qua, trong đó lãnh đạo 2 miền đã nhất trí phi hạt nhân hóa và ký hiệp định hòa bình trong năm nay.

Thông báo trước các nghị sĩ Hàn Quốc, Ngoại trưởng nước này Kang Kyung-wha ngày 17-5 cho biết Bình Nhưỡng và Washington đang “liên lạc trực tiếp” với nhau để chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh dự kiến diễn ra tại Singapore vào ngày 12/6 tới.

Theo hãng tin Yonhap, người đứng đầu Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ cố gắng đạt thỏa thuận về những biện pháp cụ thể khi họ tham gia hội nghị thượng đỉnh. Bà Kang Kyung-wha từ chối đề cập đến những vấn đề cụ thể liên quan đến mức độ phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên sẽ được thảo luận tại cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Triều Tiên và Mỹ.

Bà Kang Kyung-wha cho biết, hiện Bình Nhưỡng và Washington đang bất đồng về cách thức đạt mục tiêu chung về một Triều Tiên phi hạt nhân. Bà nêu rõ: “Sự thật là có một sự bất đồng quan điểm giữa Triều Tiên và Mỹ về cách thực hiện phi hạt nhân hóa”.

Chính phủ Hàn Quốc hoặc Tổng thống Moon Jae-in có ý định đảm đương “vai trò trung gian” một cách tích cực hơn thông qua nhiều kênh khác nhau giữa Hàn Quốc, Mỹ và Triều Tiên.

Liên quan đến chương trình hạt nhân của Triều Tiên, tờ Asahi của Nhật Bản, ngày 16/5, đưa tin Mỹ đã yêu cầu Bình Nhưỡng chuyển một số đầu đạn hạt nhân, tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và một số vật liệu hạt nhân khác ra nước ngoài. Giới chức Mỹ trước đây thường xuyên đề cập đến cụm từ “CVID” - hủy bỏ chương trình hạt nhân hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược.

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo gần đây lại sử dụng cụm từ “PVID” - trong đó thay từ “hoàn toàn” bằng “vĩnh viễn”, làm xuất hiện đồn đoán rằng chính quyền Donald Trump đã đặt điều kiện cao hơn đối với Bình Nhưỡng.

Trong khi đó, theo hãng tin Kyodo, cũng trong ngày 17/5, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Ngoại trưởng Vương Nghị đã kêu gọi Mỹ hành động thận trọng trước cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Trả lời báo giới trong chuyến thăm Pháp, Ngoại trưởng Vương Nghị nhấn mạnh: “Mỹ cần trân trọng cơ hội hòa bình đang hiện ra ngay trước mắt. Chúng ta có thể tin tưởng tuyệt đối những hành động mang tính tự nguyện mà Triều Tiên đã tiến hành (để xoa dịu căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên)”, qua đó bày tỏ sự ủng hộ của Bắc Kinh đối với việc Triều Tiên phản đối cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc.

“Chúng ta sẽ phải chờ xem”

Chỉ trong vài ngày, những diễn biến trái chiều lại một lần nữa khiến tình hình Bán đảo Triều Tiên lại căng như dây đàn. Đến mức, Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 16-5 (giờ Mỹ) thừa nhận rằng không rõ liệu cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ diễn ra như dự kiến hay không sau khi Bình Nhưỡng dọa không tham gia cuộc gặp chưa từng có tiền lệ này, một động thái có thể tước đi danh hiệu đạt được thành tựu to lớn về chính sách đối ngoại của ông Trump.

Trả lời báo giới khi được hỏi liệu cuộc gặp sẽ vẫn diễn ra hay không, ông Trump nói: “Chúng ta sẽ phải chờ xem”, đồng thời khẳng định ông sẽ không chịu chùn bước về yêu cầu phi hạt nhân hóa đối với Triều Tiên. “Không có quyết định nào, chúng tôi vẫn chưa được thông báo gì... Chúng tôi chưa nghe thấy gì”.

Người dân Hàn Quốc tỏ ra lo ngại trước những diễn biến mới khi Triều Tiên - Hàn Quốc không thể tổ chức cuộc gặp cấp cao. Ảnh: KBS.

Phản ứng hờ hững này của ông D.Trump đối lập hoàn toàn với những gì diễn ra chỉ vài ngày trước khi ông hồ hởi trước việc Bình Nhưỡng trả tự do cho 3 công dân Mỹ, ca ngợi nhà lãnh đạo Kim đồng thời tràn ngập hy vọng rằng cuộc gặp Mỹ-Triều sẽ tạo ra “một điều gì đó rất có ý nghĩa”. Đội ngũ trợ lý của ông Trump mặc dù sửng sốt trước lời cảnh báo của Bình Nhưỡng, song vẫn đang tìm hiểu ý đồ phía sau là gì.

Nếu thượng đỉnh Mỹ-Triều bị nhấn chìm thì đây sẽ là một cú “nốc ao” đối với điều sẽ trở thành một thành tựu ngoại giao lớn lao nhất của thời ông D.Trump. Trước đó, ông đã vấp phải sự chỉ trích của cộng đồng quốc tế khi tuyên bố rút Mỹ khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran cũng như quyết định chuyển Đại sứ quán Mỹ ở Israel đến Jerusalem đã trở thành mồi lửa gây ra tình trạng bạo lực chết người ở biên giới Israel-Gaza.

Tổng thống Trump đã nâng cao kỳ vọng đối với cuộc gặp với nhà lãnh đạo Kim ngay cả khi nhiều giới phân tích lâu nay tỏ thái độ hoài nghi về những cơ hội thu hẹp sự khác biệt về quan điểm giữa hai bên do nghi ngờ về thiện chí của Bình Nhưỡng từ bỏ kho vũ khí hạt nhân của mình.

Trong khi đó, về phía Bình Nhưỡng, Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Kim Kye Gwan cũng hoài nghi về khả năng diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh tại Singapore vào ngày 12-6. Quan chức này chỉ trích cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton, người kêu gọi Bình Nhưỡng nhanh chóng từ bỏ kho vũ khí hạt nhân theo một thỏa thuận tương tự việc từ bỏ vũ khí hạt nhân của Lybia. Ông nói: “Nếu Mỹ cố đẩy chúng tôi vào chân tường để buộc chúng tôi đơn phương từ bỏ vũ khí hạt nhân thì chúng tôi sẽ không hứng thú với một cuộc gặp thượng đỉnh như vậy”.

Vị thứ trưởng này nhấn mạnh: “Thế giới biết quá rõ rằng Triều Tiên không phải Lybia, cũng không phải Iraq vốn đều chịu chung số phận bi thảm”, ám chỉ số phận của nhà lãnh đạo Lybia Muammar Gaddafi và cựu Tổng thống Iraq Saddam Hussein.

Trước tình huống này, giáo sư tại Học viện Ngoại giao Hàn Quốc Kim Hyun-wook nhận định: “Đó cũng có thể là một chiến thuật ngoại giao”. Giáo sư này cũng phân tích rằng, sự cứng rắn từ một số nhân vật “diều hâu” trong bộ máy lãnh đạo của Chính phủ Mỹ đã tác động tiêu cực tới Triều Tiên. Cố vấn an ninh quốc gia “diều hâu” John Bolton của Tổng thống D.Trump đang đe dọa làm sụp đổ cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều và cả cơ hội giành giải Nobel Hòa bình của ông Trump.

Vị cố vấn “diều hâu” và nguyên nhân dẫn đến nguy cơ đổ vỡ

Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton với chính sách cứng rắn của mình đang trở thành chủ đề tranh cãi giữa Mỹ và Triều Tiên. Quan điểm của ông John Bolton tỏ ra cứng rắn rằng Triều Tiên phải từ bỏ tất cả vũ khí hạt nhân, chuyển những vũ khí đã tách rời tới Mỹ.

Tuyên bố này, cùng lời đề nghị “mô hình Libya”, đã khiến Bình Nhưỡng không vui và đây mới thực sự là nguyên nhân bên trong, sâu xa, chứ không phải lý do Mỹ-Hàn tập trận thường niên mang tên “Thần sấm”. Triều Tiên gọi sự so sánh của ông Bolton là xúc phạm và “mang điềm gở”.

Đó không phải cuộc đụng độ đầu tiên của Bolton với Bình Nhưỡng. Năm 2003, khi còn là một thứ trưởng ngoại giao trong chính quyền George W. Bush, lúc đó đang cố gắng thương lượng với Triều Tiên, ông Bolton đã có bài phát biểu tại Hàn Quốc lên án cố lãnh đạo Kim Jong-il.

Diễn biến bất ngờ không những gây ra nguy cơ cho cuộc gặp ở Singapore và cơ hội giành Nobel Hòa bình của ông Trump mà còn phô bày ra lựa chọn phức tạp mà chính quyền phải đối mặt trong cuộc gặp. Họ phải lựa chọn lập trường như thế nào trước Triều Tiên, làm sao để đạt được mục tiêu giải trừ hạt nhân hoàn toàn, một cách xác tín và không thể đảo ngược (CVID) đối với Bán đảo Triều Tiên nhưng lại không làm đổ bể hòa bình mong manh hiện tại. Ở hậu trường, đó còn là cuộc đua cộng sự nào sẽ có được “cái tai” của Tổng thống Trump, người luôn đòi hỏi một “thỏa thuận tốt”.

Với tính toán của hai nhà lãnh đạo, không có điều gì là chắc chắn cho tới ngày họ ngồi vào bàn đàm phán. Ảnh: Yahoo.

Khả năng hủy bỏ hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim

Theo Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIC), những diễn biến mới nhất xung quanh tuyên bố mới đây của Triều Tiên cũng như phản ứng của Mỹ trước các động thái của Triều Tiên đặt ra nhiều câu hỏi liên quan đến số phận của cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Phía Mỹ vẫn còn chút lạc quan khi Tổng thống Trump khẳng định: “Chúng tôi sẽ xem xét chuyện gì xảy ra”. Song, rõ ràng những diễn biến trên đã làm dấy lên một loạt câu hỏi quan trọng: Tại sao Triều Tiên đe dọa hủy bỏ hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim?

Phải chăng bằng cách đe dọa không tham dự cuộc họp thượng đỉnh Mỹ-Triều sắp tới, Triều Tiên muốn cố gắng tạo đòn bẩy để có thêm sự nhượng bộ từ Mỹ hay đang nỗ lực để chuyển đổi những điều khoản cơ bản của các cuộc đàm phán.

Có vẻ như cả Tổng thống D.Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un đều được giao nhiệm vụ tham gia hội nghị và việc hủy bỏ vào thời điểm này sẽ khiến cả hai “tay trắng”. Ông Trump đang “đặt cược” sự nghiệp chính trị vào thương vụ giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên, còn ông Kim Jong-un cũng đã thông báo về hội nghị thượng đỉnh cho người dân của mình.

Ở giai đoạn này, mỗi bên sẽ phải đưa ra một lý do thỏa đáng để hủy bỏ hội nghị. Và ai cũng hiểu cái giá khi nguy cơ xung đột quay trở lại trên Bán đảo Triều Tiên, nếu các cuộc đàm phán hội nghị thất bại. Hiện tại, nếu ông Trump và đội cố vấn an ninh quốc gia của ông tiếp tục giữ những cái “đầu lạnh” và không phản ứng quá mức với các “tuyên bố” từ Triều Tiên, các cuộc đàm phán có thể sẽ được tiến hành mà không có những trở ngại đáng kể nào.

Có vẻ chúng ta sẽ phải kiên nhẫn chờ đợi xem hội nghị có diễn ra hay không. Với cái lý và sự tính toán cũng như tính cách riêng của hai nhà lãnh đạo, không có điều gì là chắc chắn cho tới ngày họ ngồi vào bàn đàm phán.

Nguyễn Hòa
.
.