Thượng đỉnh Nga - Mỹ: Vũ khí hạt nhân - Quân cờ quyết định

Thứ Hai, 16/07/2018, 12:10
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 12-7 tuyên bố thỏa thuận tốt nhất mà ông có thể đạt được với người đồng cấp Nga Vladimir Putin là một thỏa thuận về thế giới không có vũ khí hạt nhân. Như vậy là đã rõ, chiến lược ngoại giao của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang thực sự rất chú trọng tới vấn đề hạt nhân.

Sau Iran và Triều Tiên, giờ đây nước Mỹ đang muốn hướng tới một thỏa thuận cực kỳ quan trọng với Nga về hạt nhân.

Đàm phán cùng hướng tới hệ thống an ninh quốc tế tiềm năng

Khi được hỏi về kết quả tốt nhất có thể đạt được trong cuộc gặp với Tổng thống V.Putin, Tổng thống D.Trump nêu rõ đó là "không còn vũ khí hạt nhân ở bất cứ đâu trên thế giới, không có chiến tranh, không còn vấn đề, không còn xung đột. Đó sẽ là điều tốt nhất đối với tôi".

Trước đó, trả lời về quan điểm đối với người đồng cấp Nga V.Putin, Tổng thống Trump khẳng định ông Putin là “một đối thủ cạnh tranh”, chứ không phải là “kẻ thù”.

Theo các chuyên gia, sự tự tin về vấn đề vũ khí hạt nhân mà Tổng thống Mỹ có được chính là những thành công trong chính sách ông đang thực hiện với Triều Tiên và Iran. Tổng thống D.Trump cho rằng, sau những gì Mỹ đã làm (rút khỏi thỏa thuận hạt nhân), Tehran đang cư xử với Washington một cách tôn trọng hơn.

Phát biểu với phóng viên, người đứng đầu Nhà Trắng cho biết các lệnh trừng phạt đang có hiệu quả và Iran sẽ sớm liên lạc với Mỹ về việc ký kết một thỏa thuận hạt nhân mới. Chưa biết sẽ có thỏa thuận mới hay không nhưng rõ ràng cách thức ông D.Trump đang tiến hành trong vấn đề hạt nhân đã cho thấy, ông đang hoàn toàn tự tin về cuộc gặp với người đồng cấp Nga.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: independent.co.uk.

Trang mạng của Trung tâm nghiên cứu chính trị Moskva Carnegie cho rằng, nếu những thỏa thuận của hai nhà lãnh đạo Nga và Mỹ đi đúng hướng, triển vọng 10-15 năm tới, quan hệ Nga - Mỹ sẽ có những thay đổi quan trọng, điều này sẽ tác động tới chính sách của mỗi quốc gia; tới quan hệ hợp tác giữa hai nước. Kết quả của những căng thẳng trong thời gian qua giữa Nga-Mỹ liên quan tới các vấn đề như Ukraine, Syria, an ninh mạng, không gian vũ trụ... sẽ được giải quyết.

Trong Thông điệp liên bang được Tổng thống V.Putin trình bày hồi tháng 3-2018 đã nhấn mạnh quan điểm của nước Nga đối với Mỹ: Logic là rất rõ ràng. Washington cần nhìn nhận Moskva một cách nghiêm túc. Nước Mỹ thực dụng sẽ không thể phớt lờ một quốc gia đang sở hữu kho vũ khí tên lửa hạt nhân mạnh mẽ và công nghệ quân sự tiên tiến.

Vì vậy, để thuyết phục Mỹ về sự vô ích của những nỗ lực quân sự-chính trị và quân sự-kỹ thuật của họ nhằm ngăn cản Nga, từ việc mở rộng khối NATO tiến sát biên giới Nga và thành lập ở các vùng biên giới này các cơ sở hạ tầng quân sự cho tới việc triển khai hệ thống tấn công nhanh toàn cầu và hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia (NMD) của Mỹ, chỉ có cách duy nhất là đưa người Mỹ đến thỏa thuận về nguyên tắc hợp tác chiến lược.

“Không thể kiềm chế được Nga!” - Tổng thống Putin kết luận trong thông điệp liên bang và minh họa cho kết luận này bằng những phát triển mới nhất của Nga, đồng thời đề nghị Mỹ “ngồi vào bàn đàm phán và cùng suy nghĩ về một hệ thống an ninh quốc tế tiềm năng”.

Rõ ràng nước Mỹ cũng như nhiều quốc gia khác đã nhìn thấy sức mạnh của nước Nga. Thông tin về các loại vũ khí siêu đẳng của Nga đã khiến nhiều người bất ngờ, kể cả ở Nga và trên toàn thế giới. Những người soạn thảo chiến lược an ninh quốc gia, học thuyết quân sự và chính sách hạt nhân của Mỹ cũng phải cân nhắc và tính toán tới điều này khi đưa ra “lời khuyên” cho Tổng thống Trump trong cuộc gặp sắp tới với Tổng thống Putin.

Và rõ ràng, việc hai tổng thống gặp nhau cũng là việc Mỹ thừa nhận Nga đã từ một “cường quốc khu vực” vươn lên trở thành cường quốc tầm vóc toàn cầu.

Hạn chế sự nguy hiểm với thế giới

Tại sao chính quyền Tổng thống D.Trump ở thời điểm này muốn tìm kiếm một thỏa thuận thực chất với Nga về vấn đề vũ khí hạt nhân? Có hay không Mỹ và Nga muốn cắt giảm vũ khí hạt nhân thực chất? Có hay không việc hai nước sẽ hợp tác sâu trong lĩnh vực này, khi mà trước đó hai bên đều tăng cường sản xuất các loại vũ khí cực kỳ hiện đại?

Thậm chí vào năm ngoái, Tổng thống D.Trump đã tăng ngân sách quốc phòng của Mỹ lên 10% và khoản tăng thêm này xấp xỉ với ngân sách quốc phòng hiện nay của Liên bang Nga. Hiện chúng ta đang nói về cách tăng chi tiêu quân sự từ mức hiện tại ở 700 tỷ USD lên tới 1 nghìn tỷ USD. Trải qua khoảng thời gian 25 năm nắm quyền lãnh đạo toàn cầu, Mỹ hiện đang bắt đầu nỗ lực nhiều hơn để ngăn chặn sự sụp đổ của toàn bộ hệ thống quan hệ quốc tế, vốn tập trung vào Washington - cái gọi là trật tự thế giới tự do.

Sức mạnh quân sự và kỹ thuật quân sự đã hơn 70 năm nay là một trong những ưu điểm chính của Mỹ trong quan hệ với các đồng minh cũng như với các đối thủ. Theo logic chính trị của chính quyền Tổng thống D.Trump, việc nhấn mạnh vào thành phần quân sự, thứ nhất sẽ khiến gắn kết chặt chẽ hơn, và thứ hai, mang tính răn đe mạnh mẽ hơn.

Đã từ lâu, Washington không còn nói về việc đàm phán kiểm soát vũ khí, còn về thỏa thuận hiện tại - về tên lửa tầm trung và tầm ngắn và vũ khí chiến lược - được xem như là hiện vật được để lại. Mỹ có thể rút ra khỏi Hiệp ước về các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) sau 1 năm nữa, còn vấn đề kéo dài Hiệp ước về cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START-3), vốn sẽ hết hạn vào năm 2021, vẫn còn đang để ngỏ. Hiện chưa có ai nhắc tới các cuộc đàm phán về các hiệp ước mới.

Tình trạng này trong tương lai gần sẽ dẫn tới một thực tế hoàn toàn mới - sự phát triển và cải thiện một cách không kiểm soát tất cả các loại vũ khí: vũ khí hạt nhân, vũ khí có độ chính xác cao dựa trên những nguyên tắc vật lý mới, cũng như vũ khí trong không gian mạng và nhiều phương tiện đấu tranh khác. Và điều này sẽ diễn ra trong điều kiện không bị giới hạn bởi các quy tắc đối đầu và thiếu gần như hoàn toàn niềm tin giữa các cường quốc hạt nhân là Mỹ và Nga.

Sự căng thẳng ngày càng gia tăng giữa các cường quốc trong thế giới hạt nhân khiến trật tự đa cực đang nổi lên; vũ khí không gian mạng đang ngày càng được sử dụng rộng rãi hơn; các mô hình kiểm soát vũ khí song phương Nga-Mỹ được duy trì từ thời Chiến tranh Lạnh, rõ ràng đã lỗi thời và không đủ để bao quát hết tất cả sức mạnh và công nghệ quân sự trên thế giới. Người ta dự đoán rằng trong tương lai gần, các cuộc đàm phán nghiêm túc về chủ đề này cần phải được diễn ra để hạn chế sự nguy hiểm với thế giới.

Đối phó và hợp tác

Quan hệ Nga-Mỹ đã xuống mức nguy hiểm nhất trong nhiều thập niên. Thậm chí, trong tình cảnh như hiện nay, nhiều người còn lo ngại về một cuộc Chiến tranh Lạnh mới. Cuộc đua vũ khí hạt nhân về số lượng đã chấm dứt, nhưng Nga và Mỹ lại bắt đầu một cuộc đua về số lượng thiết bị phóng vũ khí mang đầu đạn hạt nhân, hệ thống phòng thủ tên lửa và vũ khí kĩ thuật số. Hai nước không còn giáp mặt trong các cuộc chiến ủy nhiệm, nhưng trong một thập niên qua, vẫn có nhiều điểm nóng cùng có sự hiện diện của quân đội hai nước.

Quan hệ Nga-Mỹ đã trở nên hợp tác hơn ở thời điểm cách đây vài năm, ngay sau khi Nga quay trở lại vũ đài quốc tế với tư cách là một cường quốc.  Tuy nhiên rất nhiều yếu tố quốc tế như chính sách của EU, NATO, chính sách của cả Nga, Mỹ và sự nổi lên của các cường quốc châu Á đã làm trật tự thế giới có những biến chuyển.

Tại Hội nghị an ninh Munich (Đức) năm 2007, Tổng thống Nga Putin đã nói: “Chúng ta đang phải chứng kiến việc ngày càng xa rời các nguyên tắc quốc tế... Một nước - đương nhiên, đầu tiên và quan trọng nhất là Mỹ, đã tìm mọi cách để nới rộng đường biên giới quốc gia”.

Việc mở rộng NATO làm gia tăng căng thẳng với Nga. Và ngay cả khi Mỹ rút khỏi Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo năm 2002 cùng với vòng mở rộng NATO năm 2004 khiến quan hệ Nga-Mỹ thêm phần khó khăn.

Sau những thăng trầm này, cuối cùng quan hệ Nga-Mỹ vẫn trải qua cao trào hợp tác, kéo dài từ năm 2009 đến năm 2011. Năm 2009, khi Tổng thống Barack Obama lần đầu tiên có cuộc gặp với Tổng thống Nga Dmitry Medvedev và Putin - người lúc đó giữ cương vị thủ tướng, Tổng thống Mỹ tìm cách thuyết phục hai nhà lãnh đạo Nga rằng ông là một mẫu lãnh đạo mới ở Mỹ. Obama giải thích cá nhân ông trước đó từng phản đối cuộc chiến tranh Iraq, không bao giờ chấp nhận ý tưởng về thay đổi chế độ. Hai nhà lãnh đạo Medvedev và V.Putin cũng cho thấy các tín hiệu mềm mỏng hơn.

Một năm sau, Nga và Mỹ ký Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START); hợp tác cùng nhau tại Liên hợp quốc trong việc áp đặt các lệnh cấm vận mới chống chương trình vũ khí hạt nhân của Iran; giải quyết việc Nga gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO); điều phối giảm bạo lực tại Kyrgyzstan sau sự sụp đổ của Chính quyền Kurmanbek Bakyiev; sắp xếp mở rộng mạng lưới chuyên chở binh sĩ cùng hậu cần của Mỹ tới Afghanistan qua lãnh thổ Nga.

Một loại tên lửa đạn đạo hiện đại của Nga. Ảnh: USNI News.

Năm 2010, thời điểm đỉnh cao của giai đoạn được gọi là “tái khởi động”, các cuộc thăm dò dư luận cho thấy có đến 50% người dân Mỹ xem Nga là nước bạn bè và có 60% số người Nga được hỏi cũng xem Mỹ là thân thiện.

Giai đoạn tương đối hòa hoãn này bắt đầu đổ vỡ vào năm 2011. Mỹ thực thi chính sách bao vây, cô lập Nga. Các nước phương Tây dẫn đầu là Mỹ phát triển một chiến lược thống nhất để phong tỏa các hoạt động kinh tế của Chính quyền Nga. Châu Âu cần giảm phụ thuộc vào xuất khẩu năng lượng từ Nga. Mỹ và châu Âu áp đặt các biện pháp trừng phạt tài chính mạnh nhằm vào hoạt động của những công ty liên quan tới Nga và các lợi ích của Nga. Giới chức Nga và số doanh nhân có liên hệ với Điện Kremlin không được phép cất giấu tài sản ở phương Tây.

Kiềm chế Nga không có nghĩa là từ chối hợp tác trong tất cả các lĩnh vực. Mỹ hợp tác có chọn lựa với Liên Xô trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh và giờ cần phải làm vậy với Nga. Điểm đầu tiên là phải tìm kiếm thỏa thuận kiểm soát vũ trang mới, hoặc ít nhất là phải gia hạn các thỏa thuận hiện hành, khẩn cấp nhất là New START sẽ hết hạn vào năm 2021 và bao gồm những biện pháp kiểm chứng quan trọng.

Chống khủng bố cũng là một lĩnh vực cho quan hệ đối tác tiềm năng, do nhiều tổ chức khủng bố xem Nga và Mỹ đều là kẻ thù. Nhưng hợp tác như vậy sẽ phải được đặt trong giới hạn vì hai nước bất đồng quan điểm về việc phân định đâu là các tổ chức, cá nhân bị xem là khủng bố, cũng như việc một số đồng minh của Nga trong cuộc chiến chống khủng bố như Iran, Syria đều thù địch với Mỹ. Giới chức Mỹ và Nga cũng có thể tìm kiếm đàm phán về thỏa thuận hạn chế tấn công mạng nhằm vào nhau.

Phân tích đến đây để thấy rõ, cuộc gặp thượng đỉnh của hai nhà lãnh đạo cho dù kết quả thế nào, cũng thấy rõ nó mang mục đích tăng cường an ninh quốc gia, củng cố sức mạnh cho cả hai nhà lãnh đạo và hai cường quốc quân sự hàng đầu này.

Về phía Nga, trải qua gần 20 năm cầm quyền, Tổng thống Putin đã lãnh đạo nước Nga đang đi theo hướng ổn định, tìm con đường phù hợp với tình hình của Nga, trải qua nhiều gian khổ, nước Nga giành được thành tựu khiến mọi người tin tưởng và khâm phục, trong khi đó, Tổng thống Nga Putin đã có sự ủng hộ cao ở trong nước.

Chính số phiếu cao mà Tổng thống Putin giành được trong kỳ bầu cử vừa qua đã phản ánh rõ sự ủng hộ của người dân Nga dành cho Tổng thống Putin trong việc đáp trả kiên quyết đối với chính sách cứng rắn của Mỹ và phương Tây khi thực thi các chính sách trừng phạt nhằm vào Nga.

Có thể thấy rõ, quan hệ Nga-Mỹ là một trong những mối quan hệ nước lớn phức tạp nhất trên thế giới, tính phức tạp vừa có nguyên nhân lịch sử, vừa có vấn đề và mâu thuẫn hiện thực trong các thời kỳ khác nhau. Xem xét từ quá trình phát triển của quan hệ Nga-Mỹ, từ khi Thế chiến 2 kết thúc đến nay, một trong những đặc trưng quan trọng của quan hệ song phương là vừa đối kháng vừa hợp tác. Những đặc trưng này qua các thời kỳ và từng lĩnh vực mà tạo thành tính phức tạp của quan hệ Nga-Mỹ.

Giới hạn đỏ hai nước chính là vũ khí hạt nhân. Chính vì vậy thật dễ hiểu tại sao vũ khí hạt nhân sẽ là chủ đề quan trọng nhất mà Tổng thống Nga và Tổng thống Mỹ cần đạt được sự thống nhất, trước khi bàn thảo các vấn đề khác. Liệu Tổng thống Putin và Tổng thống Trump có quyết tâm để mở ra giai đoạn mới của quan hệ Nga-Mỹ hay không, vẫn còn phải chờ đợi và quan sát.

Nguyễn Hòa
.
.