“Thượng đỉnh Normandy” về Ukraine
Ngày 16-11, Phủ Tổng thống Pháp cho biết Hội nghị thượng đỉnh bàn về hòa bình cho Ukraine, còn được gọi là định dạng Normandy, quy tụ Đức, Pháp, Nga và Ukraine, sẽ được tổ chức tại Paris vào ngày 9-12. “Hội nghị thượng đỉnh sẽ được tổ chức vì mọi điều kiện đều đã chín muồi. Việc các bên rút quân đội khỏi một số khu vực căng thẳng sẽ thúc đẩy thỏa thuận Minsk, được đàm phán trong những năm 2014-2015 dưới sự chủ trì của Pháp, Đức và Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng tham dự, đi đến thành công”, Phủ Tổng thống Pháp cho biết.
Văn phòng nội các Đức khẳng định Thủ tướng Angela Merkel sẽ tham gia cuộc họp. Về phía Ukraine, Tổng thống Volodymyr Zelensky cũng xác nhận sẽ tham gia hội nghị thượng đỉnh. Đây sẽ là cuộc gặp đầu tiên trong 3 năm qua giữa Tổng thống Nga, Ukraine và Pháp cũng như Thủ tướng Đức để thúc đẩy tiến trình hòa bình ở miền Đông Ukraine, nơi diễn ra các cuộc xung đột vũ trang giữa quân ly khai và chính phủ từ 5 năm qua.
Một đơn vị lực lượng ly khai ở Donetsk rút quân khỏi làng Petrivske. |
Tại Hội nghị thượng đỉnh G7 vừa qua ở Biarritz, Tổng thống Pháp Macron đã đề xuất tổ chức thượng đỉnh theo định dạng Normandy trong một cuộc hội kiến quy tụ các nhà lãnh đạo Ukraine, Nga, Đức và Pháp. Tổng thống Zelensky khi ấy cũng kêu gọi mở rộng định dạng Normandy với sự tham gia của Tổng thống Donald Trump và cựu Thủ tướng Anh Theresa May.
Tổng thống Nga khi ấy cho rằng cần có sự chấp thuận của tất cả các nước trong định dạng Normandy lúc ấy Mỹ hoặc Anh mới được mời tham gia. Ngoài ra, ông Vladimir Putin cho biết thượng đỉnh bàn về hòa bình cho Ukraine chỉ nên tổ chức sau khi nước này thành lập xong chính phủ mới và tiến hành bầu cử quốc hội.
Để đi đến quyết định tổ chức cuộc họp trên, Ukraine đã có rất nhiều nhượng bộ trong thời gian qua. Tổng thống Ukraine Zelensky đã lệnh cho quân đội rút lui, phối hợp với lực lượng ly khai ở miền Đông tại một số địa điểm trên chiến tuyến, nhằm tạo tiền đề cho đối thoại. Cho đến nay, cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine đã khiến 13.000 người thiệt mạng. Kiev trước đó đã cáo buộc Nga can thiệp vào chính trị nội bộ và giúp đỡ lực lượng đòi độc lập nhưng Moscow bác bỏ điều này.
Trước đó, Tổng thống Zelensky tuyên bố đã đạt được một thỏa thuận trong cuộc họp Nhóm tiếp xúc 3 bên, bao gồm Nga, Ukraine và OSCE ở thủ đô Minsk của Belarus về việc rút quân gần Petrivske ở vùng Donetsk và Zolote ở vùng Lugansk, miền Đông Ukraine. Thực tế, lực lượng Chính phủ Ukraine và các lực lượng đòi độc lập ở miền Đông Ukraine đã hoàn thành việc rút quân và khí tài quân sự khỏi khu vực tiền tuyến chủ chốt Zolote thuộc miền Đông Ukraine. Việc rút quân khỏi Zolote bắt đầu được thực hiện từ ngày 29-10.
Rõ ràng, việc rút quân ở miền Đông Ukraine được xem như “chìa khóa” để mở ra cánh cửa thượng đỉnh tại Pháp sắp tới. Đáp lại nhượng bộ này, ngày 17-11, Nga thả 3 tàu của Ukraine mà nước này bắt giữ vì cáo buộc xâm nhập trái phép lãnh hải và không tuân thủ yêu cầu của lực lượng chức năng Nga.
Ngày 19-11, Ngoại trưởng Ukraine cho biết Kiev sẵn sàng chấp nhận một “thỏa hiệp hợp lý” để giải quyết xung đột với phe ly khai ở vùng Donbass. “Chúng tôi sẵn sàng đến hội nghị Normady với những ý tưởng cởi mở, đồng thời sẵn sàng một sự nhượng bộ hợp lý”, Ngoại trưởng Vadym Prystaiko nói trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Đức Heiko Maas vào ngày 19-11.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn hãng BBC News ngày 14-11, ông Prystaiko nói rằng Kiev sẽ không có ý định nêu vấn đề Crimea tại cuộc họp ở Pháp sắp tới. “Cuộc họp Bộ tứ Normandy không liên quan đến vấn đề Crimea, vấn đề này sẽ được thảo luận trong một cơ chế làm việc khác”, Ngoại trưởng Vadim Pristaiko cho biết, đồng thời khẳng định rằng một trong những cơ chế làm việc mà Kiev sẽ đưa vấn đề Crimea ra là tại Liên Hiệp Quốc.
Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Ukraine Zelensky. |
Trước đó, hồi tháng 10, Tổng thống Zelensky bày tỏ rằng ông sẽ thảo luận về vấn đề Crimea tại Hội nghị thượng đỉnh này. Bình luận về tuyên bố trên của ông Zelensky, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Nga tin rằng không thể thảo luận về việc Crimea quay trở lại Ukraine tại bất kỳ hội nghị nào chứ không riêng gì cuộc gặp Bộ tứ Normandy.
Sau cuộc trưng cầu dân ý năm 2014, 96,7% cử tri Crimea và 95,6 cử tri Sevastopol đã bỏ phiếu chọn tách khỏi Ukraine và sáp nhập vào Nga. 80% dân số đã tham gia cuộc bỏ phiếu này. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký một sắc lệnh sáp nhập Crimea vào Nga ngày 18-3-2014 và được Hội đồng Liên bang thông qua ngày 21-3-2014. Bất chấp kết quả áp đảo trong cuộc trưng cầu dân ý trên, Ukraine vẫn không công nhận Crimea là một phần lãnh thổ thuộc Nga.
Theo nhận định của giới phân tích được hãng tin AFP trích dẫn, thượng đỉnh tại Paris lần này nhiều khả năng sẽ đạt kết quả tối thiểu về tình hình miền Đông Ukraine. Cụ thể sẽ có những bước tiến mới trong việc thực hiện các điều khoản của thỏa thuận hòa bình Minsk mà các bên đã đạt được 4 năm trước ở Belarus, song vẫn chưa được thực thi.
Đây là thành quả của chính sách ngoại giao thực tế mà Tổng thống Ukraine Zelensky đang tiến hành. Khác với người tiền nhiệm, ông Zelensky muốn bóc tách từng vấn đề hiện nay của Ukraine và với Nga. Theo đó, trước hết phải giải quyết cuộc xung đột ở miền Đông trước rồi mới tới vấn đề Crimea.
Như trên đã nói, vấn đề xung đột miền Đông sẽ được giải quyết thông qua Bộ tứ Normandy, còn vấn đề Crimea sẽ ở diễn đàn Liên Hiệp Quốc. Chuyện đòi được Crimea hay không là chuyện khác nhưng việc chấm dứt xung đột ở miền Đông Ukraine là chuyện cần làm trước mắt.
Nhân chuyện tờ báo Mỹ New York Times ngày 8-11 công bố bản đồ Ukraine, trong đó không có bán đảo Crimea, đại biểu quốc hội vùng Crimea Natalia Poklonskaya nhận định: “Đã đến lúc các chính trị gia Ukraine hiểu rằng không thể đi theo lối mòn mãi. Đã đến lúc Ukraine phải chấp nhận và sống mà không có vùng lãnh thổ Crimea”.
Theo nghị sĩ Nga, Kiev nên áp dụng cách tiếp cận mang tính xây dựng hơn, tôn trọng sự lựa chọn của người dân bán đảo Crimea và khôi phục hòa bình ở Donbass. “Người ta đã thông qua tất cả các biện pháp trừng phạt đối với Nga nhưng chúng tôi đã chứng tỏ cho họ thấy những điều đó không có tác dụng. Thế là đủ rồi, hãy dừng lại! Nga có thể giải quyết vấn đề của mình nhưng ai sẽ giải quyết vấn đề của người dân Ukraine? Không ai cả!”, bà Poklonskaya nói.