Thượng đỉnh OSCE: Tham vọng nhiều, hy vọng ít
Tuy nhiên, những gì đang diễn ra cho thấy hội nghị này có ít hy vọng thành công.
Hội nghị Thượng đỉnh OSCE diễn ra nhân dịp đánh dấu Hiệp ước Helsinki tròn 35 năm, tức là văn kiện khai sinh ra cơ cấu của tổ chức OSCE. Đây là hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của OSCE sau 11 năm gián đoạn, và cũng là hội nghị đầu tiên được tổ chức tại một nước thuộc Liên Xô cũ. OSCE là tổ chức an ninh lớn nhất thế giới gồm 56 quốc gia thành viên trải dài từ Mỹ đến châu Âu và Trung Á.
Tiền thân của OSCE là Hội nghị về An ninh và Hợp tác châu Âu, được thành lập vào tháng 7/1973 và sau đó được đổi thành OSCE từ tháng 1/1995. Ra đời trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, tổ chức này có mục đích ban đầu là tạo thuận lợi, thúc đẩy đối thoại giữa các khối. Tuy nhiên, sau khi Liên bang Xôviết tan rã, vai trò của OSCE trở nên mờ nhạt. Sau Hội nghị thượng đỉnh tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, năm 1999, OSCE dường như rơi vào trạng thái "hôn mê", theo nhận xét của báo Nga Kommersant.
Phát biểu với báo giới trước thềm Hội nghị Astana, trợ lý Tổng thống Nga, Sergei Prikhodko cho rằng, sự gián đoạn vừa qua trong hoạt động của OSCE có nguyên nhân là sự gia tăng những xu thế bất lợi trong tổ chức này, sự trì trệ trong phát triển nội bộ cũng như sự giảm sút vai trò của OSCE trong các công việc quốc tế.
Hội nghị OSCE lần này là một thành công ngoại giao của cá nhân Tổng thống Kazakhstan, nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên OSCE. Kazakhstan chưa bao giờ tổ chức một sự kiện lớn như vậy và Tổng thống Nazarbaev muốn biến hội nghị thượng định lịch sử này thành một sự khởi đầu mới cho Kazakhstan trong thế kỷ XXI.
Chương trình nghị sự của hội nghị chủ yếu xoay quanh các vấn đề an ninh châu Âu, thực thi Hiệp ước về các lực lượng vũ trang thông thường ở châu Âu (CFE), cũng như đề ra mục tiêu và nhiệm vụ của tổ chức này trong giai đoạn mới. Tổng thống Kazakhstan kêu gọi thành lập một không gian an ninh chung được bao bọc bởi 4 đại dương là Đại Tây Dương, Thái Bình Dương, Bắc Băng Dương và Ấn Độ Dương. Trong khi đó, lãnh đạo các nước thành viên kêu gọi OSCE tiến hành cải tổ mạnh mẽ.
Trong phiên họp toàn thể hôm 1/12, mặc dù tất cả các thành viên đều đồng ý phải cải tổ OSCE để thích ứng với những thách thức của thế kỷ XXI, nhưng giới quan sát cho rằng do hoạt động theo nguyên tắc đồng thuận chung, Hội nghị thượng đỉnh Astana khó thông qua được những biện pháp cụ thể. Tổng thư ký OSCE, Marc Perrin de Brichambeau, cho biết là thậm chí chưa có gì chắc chắn hội nghị sẽ ra được thông cáo chung. Ông Brichambeau thừa nhận là giữa các nước thành viên không có sự tin tưởng và không có quyết tâm chung.
Nga mong muốn khơi gợi mọi tiềm năng của OSCE như một tổ chức đại diện cho châu Âu - Đại Tây Dương và liên kết Á - Âu, một hình thức đối thoại chính trị bình đẳng về các vấn đề an ninh trong không gian OSCE cũng như đưa ra các quyết sách chung. Nga cũng khẳng định tầm quan trọng của việc tăng cường vai trò, sự đóng góp của OSCE vào nỗ lực chung của thế giới trong việc đối phó hiệu quả với các nguy cơ chung, chống chủ nghĩa khủng bố, nạn buôn bán ma túy, buôn người và mọi hình thái của các loại tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia.
Tổng thống Nga Dmitry Medvedev nhấn mạnh đến sự cần thiết phải hiện đại hóa OSCE cũng như cách thức và hình thức hành động, bởi vì tổ chức này đã bắt đầu mất đi tiềm năng của mình. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton thì kêu gọi OSCE phải đưa ra những biện pháp cụ thể để bảo vệ an ninh trên mọi lĩnh vực và ở khắp mọi nơi, đồng thời tổ chức này cũng cần phải thể hiện vai trò của mình tại Afghanistan.
Với 56 quốc gia thành viên, OSCE là tổ chức an ninh lớn nhất thế giới. |
Theo giới quan sát, hội nghị tập hợp 56 quốc gia thành viên của OSCE, khó lòng đi đến một tuyên bố chung khả dĩ chấp nhận được. Bất đồng lớn là trên quan điểm về nhân quyền giữa các nước phương Tây và các quốc gia Trung Á. Về mặt chính thức, hội nghị thượng đỉnh vẫn tiếp diễn, nhưng ở hậu trường, các bên ráo riết thương lượng.
Ngay ngày đầu tiên, người ta thấy hình thành hai phe với lập trường trái ngược nhau. Một bên là các nước Mỹ, Tây Âu bảo vệ quan điểm về an ninh, theo đó vấn đề nhân quyền phải có chỗ đứng. Đối với các quốc gia này, nhân quyền rất quan trọng vì là cơ sở của an ninh trong vùng. Còn bên kia là các quốc gia Trung Á và Nga thì bảo vệ quan điểm thuần túy an ninh, phần nào gạt qua một bên vấn đề nhân quyền và dân chủ nhằm bảo đảm an ninh khu vực. Sự khác biệt quan điểm này khiến hội nghị khó đạt được một thỏa thuận để đi đến một thông cáo chung.
Một bất đồng khác có ảnh hưởng lớn trên hội nghị, đó là hồ sơ Gruzia. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã nói rõ là ông không muốn đề cập đến "cuộc chiến ở Gruzia" trong bản tổng kết cuối cùng, một tài liệu chính trị nêu lên những nguyên tắc mà OSCE noi theo trong tương lai, cũng như trong tài liệu về kế hoạch hành động của OSCE. Quan điểm Nga hiển nhiên khác với quan điểm của Gruzia được phương Tây ủng hộ. Cho nên có nhiều khả năng là kế hoạch hành động của OSCE khó được đưa ra ở Hội nghị Astana.
Có thể thấy mặc dù được đánh thức sau 11 năm "ngủ đông" nhưng hội nghị thượng đỉnh vừa qua của OSCE mới chỉ là tín hiệu về sự hồi phục chứ chưa cho thấy OSCE hồi sinh thực sự