Thượng đỉnh Trung - Nhật – Hàn và “bóng ma” chiến tranh ở Đông Bắc Á

Thứ Sáu, 15/12/2017, 16:17
Tình hình Bán đảo Triều Tiên tiếp tục nóng lên từng giờ. Những đe dọa của hai phía nhằm vào nhau khiến khu vực Bán đảo Triều Tiên như đang có ngọn núi lửa trực phun trào. Vừa tập trận dò tìm tên lửa với Hàn Quốc và Nhật Bản, Mỹ vừa đề xuất phong tỏa hải quân khiến CHDCND Triều Tiên “nổi giận” và tuyên bố, đây chẳng khác gì "lời tuyên chiến".

Những tuyên bố ném củi vào lửa

Những tuyên bố "nảy lửa" nói trên được đăng tải trên báo Rodong của nhà nước CHDCND Triều Tiên một ngày trước khi Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản tiến hành cuộc tập trận phát hiện và dò tìm tên lửa ngày 11-12. Căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên dâng cao trong bối cảnh có những quan ngại ngày càng tăng rằng Mỹ có thể áp dụng hành động quân sự chống lại CHDCND Triều Tiên hoặc một tính toán sai lầm trong quá trình diễn tập ở bất cứ bên nào có thể làm nổ ra một cuộc xung đột toàn diện.

Sự căng thẳng này làm dấy lên những nỗi sợ hãi ở biên giới Trung Quốc rằng Nhật Bản sẽ mua các tên lửa hành trình có khả năng tấn công CHDCND Triều Tiên, còn Hàn Quốc thiết lập đơn vị chiến đấu “drone-bot” (kết hợp giữa máy bay không người lái và robot) nhằm đối phó với CHDCND Triều Tiên.

Mặc dù thua kém về kho vũ khí thông thường, nhưng Bình Nhưỡng trong năm qua lại thành công trong việc phát triển một số loạt vũ khí tân tiến mới, bao gồm trang bị hạt nhân có sức mạnh và một số tên lửa tầm xa có khả năng phóng tới nước Mỹ. Vụ phóng loại tên lửa tối tân nhất của họ - Hwasong-15 - hồi tháng trước đã làm dấy lên sự phản đối kịch liệt tại Mỹ và khiến Bộ Ngoại giao nước này đưa ra khả năng về hành động phong tỏa hàng hải. CHDCND Triều Tiên đáp trả bằng cách tuyên bố Bình Nhưỡng sẽ coi lệnh phong tỏa hàng hải là một sự "vi phạm trắng trợn chủ quyền thiêng liêng và lòng tự trọng của CHDCND Triều Tiên, và đó chẳng khác gì một lời tuyên chiến công khai".

Tờ Rodong nêu rõ: "Nếu họ có bất kỳ dấu hiệu nào, dù nhỏ nhất, nhằm thực hiện lệnh phong tỏa hàng hải, vậy thì họ nên chuẩn bị để đón nhận những biện pháp trả đũa ngay lập tức và vô cùng khốc liệt nhằm tự vệ của chúng tôi".

Các nhà phân tích độc lập tại Hàn Quốc cũng chỉ trích đề xuất phong tỏa hàng hải này, cho rằng nó sẽ chỉ làm cho tình hình xấu đi. Theo họ, Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ không có quyền phong tỏa các biên giới biển của CHDCND Triều Tiên.

Trong năm 2017, CHDCND Triều Tiên có bước tiến vượt bậc về tên lửa và vũ khí hạt nhân. Ảnh: AP.

Hong Hyun-ik, nhà nghiên cứu kỳ cựu của Viện Sejong, nói: "Nếu Mỹ xúc tiến lệnh phong tỏa này, hành động đó sẽ chỉ khiến cho tình hình xấu đi bởi nó kích động CHDCND Triều Tiên tiến hành thêm nhiều vụ thử hạt nhân và phóng tên lửa với lý do để tự vệ. Thay vì tìm kiếm một giải pháp thực sự cho cuộc khủng hoảng hạt nhân, chẳng hạn như đối thoại với CHDCND Triều Tiên, Mỹ lại đang tìm cách duy trì quyền bá chủ của mình ở Đông Bắc Á".

Đồng tình với quan điểm trên của phía Hàn Quốc, ngày 11-12, hãng thông tấn Interfax dẫn lời Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cảnh báo tình hình trên Bán đảo Triều Tiên có nguy cơ bước vào "thời kỳ nguy hiểm".

Phát biểu trên được Ngoại trưởng Lavrov đưa ra sau cuộc gặp ba bên giữa Ngoại trưởng các nước Nga, Ấn Độ và Trung Quốc tại Moscow. Người đứng đầu ngành ngoại giao Nga cũng khẳng định cả ba nước đều không muốn căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên leo thang thêm nữa.

Sự căng thẳng tới tột độ tại Bán đảo Triều Tiên đã khiến giới chức Hàn Quốc, Nhật Bản và cả Trung Quốc lo ngại và buộc phải có những tính toán khẩn cấp khi đồng lòng nhanh chóng tổ chức hội nghị thượng đỉnh Trung - Nhật - Hàn.

Ngăn ngọn núi lửa sắp phun trào

Theo hãng thông tấn Yonhap, Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha ngày 11-12 cho rằng vấn đề phát triển vũ khí hạt nhân của CHDCND Triều Tiên đã bước vào "một giai đoạn mới". Bà nhấn mạnh vũ khí hạt nhân và tên lửa của CHDCND Triều Tiên "hiện đã trở thành một mối đe dọa trực tiếp đối với toàn thế giới, không chỉ giới hạn ở Bán đảo Triều Tiên và khu vực Đông Bắc Á".

Chính vì vậy, ba nước còn lại ở Đông Bắc Á là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản cần nhìn thấu sự nguy hiểm này để quyết định gạt sang những bất đồng, sớm tổ chức hội nghị thượng đỉnh giữa ba nước.

Nguồn tin từ Nhật Bản cho biết, Hội nghị Thượng đỉnh Nhật - Trung - Hàn rất có thể sẽ không kịp tổ chức trong những ngày cuối năm 2017 như dự kiến mà phải dời sang đầu năm 2018. Là nước chủ nhà, Nhật Bản nóng lòng sớm tổ chức hội nghị ngay trong tháng 1-2018 để các bên bàn thảo biện pháp giúp giảm căng thẳng leo thang tại Bán đảo Triều Tiên cũng như nhiều vấn đề tồn tại trong các mối quan hệ song phương.

Theo báo Nikkei, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã chỉ thị Bộ Ngoại giao nước này ưu tiên thúc đẩy Hội nghị cấp cao Nhật - Trung - Hàn ngay trong tháng 1-2018 trước khi Quốc hội bắt đầu kỳ họp.

Ý tưởng tổ chức hội nghị được manh nha hình thành khi Thủ tướng Abe ngay từ tháng 11-2017, khi hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị APEC tại Việt Nam. Theo đó hai bên nhất trí sẽ sớm tổ chức hội nghị quan trọng này. Sắp tới, Ngoại trưởng Nhật Bản Kono Taro cũng sẽ đi thăm Trung Quốc. Với Nhật Bản, việc tổ chức Hội nghị cấp cao Nhật - Trung - Hàn là nền tảng quan trọng để thúc đẩy cải thiện quan hệ với Trung Quốc.

Lính Mỹ và Hàn Quốc trong một cuộc tập trận chung. Ảnh: PressTV.

Trong phiên họp của Ủy ban Đối ngoại, Quốc phòng Thượng viện Nhật Bản ngày 7-12, Ngoại trưởng Kono một lần nữa khẳng định quan hệ Nhật - Trung chỉ có thể được cải thiện một cách toàn diện nếu Hội nghị cấp cao Nhật - Trung - Hàn mang lại những kết quả tích cực.

Chung mục tiêu với Nhật Bản, Chính phủ Hàn Quốc cũng mong muốn hội nghị cấp cao sớm diễn ra. Lý do là Seoul đang rất muốn Thủ tướng Nhật Bản Abe sang thăm Hàn Quốc để dự Thế vận hội Mùa đông Pyeongchang trong tháng 2-2018. Tuy nhiên, Tokyo lại khăng khăng chủ trương muốn Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in sang thăm Nhật Bản trước khi Thủ tướng Abe có chuyến thăm Seoul đáp lễ.

Nếu hội nghị cấp cao sớm diễn ra, Tổng thống Moon Jae-in sẽ sang thăm Nhật Bản và đổi lại, Thủ tướng Abe sau đó cũng sẽ tham dự Thế vận hội Pyeongchang. Như vậy, hai bên đều đạt được mục đích đề ra. Trong cuộc gặp với Chủ tịch đảng Công minh (trong liên minh cầm quyền tại Nhật Bản) Katsuo Yamaguchi tháng 11-2017 vừa qua, Tổng thống Moon Jae-in cho biết, ông muốn hội nghị cấp cao diễn ra càng sớm càng tốt để có dịp sang thăm Nhật Bản.

Tuy nhiên, đó chỉ là lý do xã giao, nguyên nhân thực sự đằng sau mong muốn này là tình hình căng thẳng leo thang trên Bán đảo Triều Tiên buộc Seoul cần phải có sự hợp tác chặt chẽ và hỗ trợ từ Nhật Bản và Trung Quốc.

Bên cạnh vấn đề khủng hoảng trên Bán đảo Triều Tiên, Hàn Quốc và Trung Quốc cũng đang có những vấn đề tồn tại trong quan hệ song phương. Việc Trung Quốc không nóng lòng tham dự hội nghị cấp cao xuất phát từ nguyên nhân Hàn Quốc đồng ý cho phép quân đội Mỹ triển khai Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại Hàn Quốc, một quyết định mà Bắc Kinh xem là đe dọa an ninh của nước này.

Để sớm làm "tan băng" trong quan hệ với Bắc Kinh, Tổng thống Moon Jae-in dự kiến tới Trung Quốc từ ngày 13-12, ngay sau đó Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-hwa sẽ đi thăm Nhật Bản để cùng người đồng cấp Nhật Bản Kono thảo luận về việc xúc tiến chuẩn bị cho hội nghị cấp cao ba bên.

Về phía Trung Quốc, thực tế việc tham dự hội nghị cấp cao ba bên cũng là điều hết sức cần thiết đối với quốc gia này. Bắc Kinh chắc chắn sẽ muốn thông qua hội nghị để hạn chế áp lực từ phía Hàn Quốc và Nhật Bản, kêu gọi tăng cường hợp tác với Mỹ để đối phó với vấn đề Triều Tiên. Bắc Kinh lo ngại rằng việc dồn ép Bình Nhưỡng tới đường cùng chỉ làm cho quốc gia này thêm kích động và sẽ có những hành vi bộc phát, điều mà Trung Quốc không hề mong muốn xét trên yếu tố an ninh quốc gia.

Tầm quan trọng của hội nghị thượng đỉnh này đã xác định, chỉ còn chờ cái gật đầu cuối cùng từ các nguyên thủ của ba nước Đông Bắc Á để tránh khu vực Đông Bắc Á khỏi cảnh binh đao. Các chuyên gia nhận định, khả năng diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh là rất lớn bởi mỗi nước đều có thể tìm cho mình lợi ích lơn hơn khi Đông Bắc Á ổn định chứ không phải “bên miệng hố chiến tranh”.

Trong năm qua, sự tăng trưởng ngoạn mục của Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản trong lĩnh vực kinh tế đã chứng minh ba nước trong khu vực Đông Bắc Á tiếp tục đóng vai trò động lực tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Để có được kết quả thuận lợi về kinh tế, cả ba nền kinh tế đều có sự ổn định về chính trị. Ở Trung Quốc, ông Tập Cận Bình, 64 tuổi, được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XIX.

Tại Nhật Bản, ngày 1-11, ông Shinzo Abe đã được bầu lại làm thủ tướng nước này. Với kết quả trên, ông Abe trở thành thủ tướng cầm quyền lâu nhất trong lịch sử Nhật Bản. Sau vụ bê bối “thân tín can thiệp chính trị” của Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye, ngày 10-5, ông Moon Jae-In, người giành chiến thắng trong cuộc bầu cử một ngày trước đó, đã chính thức tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Hàn Quốc, mở ra một trang mới ổn định cho Hàn Quốc.

Có một điểm chung của ba nhà lãnh đạo ở Đông Bắc Á này là họ mong muốn nối lại đàm phán cấp cao trước cuối năm nay để hóa giải mọi khúc mắc song phương: giữa Trung Quốc và Hàn Quốc là vấn đề Hệ thống tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD); với Trung Quốc - Nhật Bản là không ít lần căng thẳng giữa hai nước liên quan tới tranh chấp chủ quyền tại khu vực quần đảo Senkaku mà Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư trên biển Hoa Đông; với Hàn Quốc và Nhật Bản là những vấn đề còn tồn tại trong lịch sử.

Một lượng lớn vũ khí hiện đại dồn về Bán đảo Triều Tiên càng gây thêm căng thẳng. Ảnh: The Japan Times.

Các chuyên gia nhân định, việc ba nhà lãnh đạo Đông Bắc Á gặp nhau tại cuộc gặp thượng đỉnh Trung - Nhật - Hàn vào đầu năm 2018 sẽ giúp hiện thực hóa ý tưởng làm dịu đi căng thẳng giữa ba quốc gia láng giềng Đông Bắc Á này và lớn hơn là nó giúp làm dịu đi một cách thực chất độ nóng của “ngọn núi lửa” ở khu vực, khiến Bán đảo Triều Tiên trở thành điểm nóng nhất thế giới.

Xét ở cấp độ khu vực, chưa bao giờ một lượng vũ khí hiện đại của tất cả các bên với tên lửa, máy bay, tàu chiến, lực lượng hạt nhân... lại tập trung với mật độ lớn đến như vậy. Trong khi đó, sau mỗi vụ thử lại là một cuộc tập trận. Vụ thử càng lớn, tên lửa bay càng xa thì tập trận cũng càng lớn, quân số càng đông. Những tuyên bố “khai hỏa” cũng theo đó ngày càng nhiều đã khiến Bán đảo Triều Tiên nói riêng, khu vực Đông Bắc Á nói chung lúc nào cũng như một ngọn núi lửa sắp phun trào.

Thêm vào đó, những tiến bộ mau lẹ của CHDCND Triều Tiên trong lĩnh vực vũ khí hạt nhân đang tác động mạnh tới những toan tính quân sự trên toàn khu vực. Lần đầu tiên trong nhiều năm trở lại đây, tại Hàn Quốc và Nhật Bản đã công khai muốn có phương án hạt nhân. “Ngọn núi lửa” Đông Bắc Á sẽ thực sự phun trào nếu như tất cả các nước đều sở hữu vũ khí hạt nhân.

Đúng như nhận định của Henry A. Kissinger, một trong số ít nhà chiến lược thời kỳ đầu của Chiến tranh Lạnh vẫn còn sống, nói rằng ông gần như tin chắc rằng nếu như CHDCND Triều Tiên tiếp tục có vũ khí hạt nhân, loại vũ khí này sẽ lan sang phần còn lại của châu Á.

Hơn bao giờ hết, giờ là lúc cộng đồng quốc tế phải tìm cách ngăn chặn không cho vòng quay này có cơ hội tái hoạt động. Hy vọng hòa bình vẫn chưa tắt, triển vọng đàm phán vẫn còn và lựa chọn biện pháp quân sự là điều không thể chấp nhận được. "Bóng ma" chiến tranh vẫn chưa hiển hiện rõ ràng, song chắc chắn đang đến ngày một gần hơn nếu không ngăn nó lại.

Thực tế là luôn có cách để giảm thiểu và thậm chí là xóa sổ hoàn toàn những nguy cơ này, và giờ là lúc người ta phải tính đến chúng. Cần có cái đầu lạnh từ chính các nước Đông Bắc Á để các thế lực muốn chiến tranh không thể ấn nút những tính toán sai lầm.

Hoa Huyền
.
.