Thượng đỉnh châu Âu căng thẳng

Thứ Hai, 18/12/2017, 09:57
Ngày 14-12, Liên minh châu Âu bắt đầu hai ngày họp thượng đỉnh tại Bruxelles. Nhiều nội dung quan trọng như hợp tác an ninh quốc phòng, chính sách người di cư và Brexit là trọng tâm thượng đỉnh. Nhưng Thủ tướng Đức Angela Merkel đến với hội nghị này mà không thể đưa ra các sáng kiến do bà chưa lập được chính phủ sau cuộc bầu cử lập pháp hồi tháng 9-2017.

Vấn đề di dân được thảo luận nhiều nhất tại Hội nghị Thượng đỉnh EU lần này. Trước thềm hội nghị, chương trình tái phân bổ người di cư giữa các nước EU vẫn gây chia rẽ sâu sắc. Theo một thỏa thuận năm 2015, những người di cư tới châu Âu tìm kiếm quy chế tị nạn tập trung tại 2 nước Hy Lạp và Italiy sẽ được phân bổ tới các nước khác trong khối theo một cơ chế hạn ngạch nhằm giảm gánh nặng cho 2 quốc gia cửa ngõ tiếp nhận người di cư vượt biển này.

Tuy nhiên, mục tiêu này cho đến nay vẫn chưa được hoàn thành do vấp phải một loạt trở ngại, trong đó có sự phản đối của một số nước Đông Âu như Séc, Hungary và Ba Lan. Các nước này đưa ra lý do lo ngại về nguy cơ khủng bố, đồng thời cho rằng mức hạn ngạch là một phần nỗ lực của EU nhằm hạn chế chủ quyền của họ. Ngày 7-12, EU đã kiện Séc, Hungary và Ba Lan lên Tòa án Tối cao của khối liên quan tới việc 3 nước này từ chối tiếp nhận hạn ngạch phân bổ người tị nạn.

Mới đây, Estonia, nước chủ tịch luân phiên EU, đề xuất áp dụng cơ chế phân bổ hạn ngạch bắt buộc vào thời điểm dòng người di cư gia tăng đột biến, song linh hoạt hơn bằng cách cho phép nước gửi và nhận người di cư được thỏa thuận với nhau về địa điểm phân bổ. Tuy nhiên, sáng kiến này đã ngay lập tức bị nhiều thành viên EU bác bỏ. Ủy ban châu Âu đề nghị áp dụng cơ chế phân bổ bắt buộc vào thời điểm di cư ồ ạt song dựa vào quy chế hỗ trợ tự nguyện trong những trường hợp ít khẩn cấp hơn. Trong khi đó, Nghị viện châu Âu muốn tiến hành phân bổ bắt buộc trong mọi trường hợp, không phụ thuộc vào áp lực của dòng người di cư.

Thủ tướng Anh Theresa May và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker tại Bruxelles ngày 8-12 sau khi châu Âu và Anh đạt được thỏa thuận về giai đoạn 1 Brexit.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu, Donald Tusk đánh giá rằng các hạn ngạch này, bị phản đối bởi một số nước, đã trở thành một yếu tố "gây xung đột" và "không hiệu quả" trong việc kiểm soát làn sóng người di cư. Một nguồn tin châu Âu cho biết ông Tusk sẵn sàng "rời bỏ hạn ngạch" để đổi lấy một thỏa thuận về nhập cư được đồng thuận cao hơn và các biện pháp ngăn chặn người di cư đến châu Âu.

Ngoài chủ đề nhập cư, các nhà lãnh đạo EU cũng dự kiến sẽ khởi động giai đoạn 2 của cuộc đàm phán về Brexit (nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu) tại Hội nghị thượng đỉnh lần này. Trước đó ngày 8-12 tại Bruxelles, Thủ tướng Anh và Chủ tịch Ủy ban châu Âu thông báo đôi bên đã đạt được thỏa thuận nguyên tắc về những điều kiện để Anh ra khỏi EU.

Cụ thể hơn, Anh và châu Âu đã đạt đồng thuận trên 3 hồ sơ chính gây tranh cãi, gồm đường biên giới giữa Bắc Ailen thuộc Anh và Cộng hòa Ailen; quy chế của người lao động nước ngoài tại Anh và khoản tiền mà London phải hoàn trả cho châu Âu khi rời khỏi Liên minh.

Trong khi chờ đợi văn bản sau cùng về kết quả đàm phán giai đoạn 1 sẽ được công bố vào tháng 10-2018, Anh và EU bắt đầu đàm phán về giai đoạn 2 của Brexit, chủ yếu tập trung vào quan hệ ngoại thương giữa London hậu Brexit và phần còn lại trong EU.

Theo AFP ngày 14-12, hiện nay, London có 3 lựa chọn một quan hệ đối tác theo kiểu Na Uy với EU, hoặc là mô hình hiệp định tự do mậu dịch giữa Canada và châu Âu; và nếu không thỏa thuận được với Bruxelles về 2 chế độ trên, thì đành phải chấp nhận quan hệ dựa trên những quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Hãng tin Pháp dẫn nguồn tin thân cận tại châu Âu cho biết có khả năng Bruxelles sẽ dành cho Vương quốc Anh chính sách ưu đãi về thương mại, đầu tư, tài chính... tương tự như với Canada hiện nay.

Khó khăn trong vòng 2 của cuộc đàm phán này được báo hiệu bằng việc vị thế của Thủ tướng Theresa May bị suy yếu do ngày 13-12, Hạ viện Anh bỏ phiếu khẳng định quyền kiểm soát tiến trình Brexit, với một tỷ lệ sít sao. Từ nhiều tháng qua, với sự ủng hộ của phe đối lập, các dân biểu bảo thủ thân châu Âu đề nghị là mọi thỏa thuận cuối cùng về Brexit mà London ký với Bruxelles nhất thiết phải được Nghị viện bỏ phiếu phê chuẩn.

Các nghị sĩ này muốn có tiếng nói quyết định cuối cùng, thậm chí buộc chính phủ quay lại bàn đàm phán nếu như thỏa hiệp với Bruxelles về Brexit không làm họ hài lòng. Đối với các nghị sĩ này, đây là một vấn đề nguyên tắc và đáp lại những người chỉ trích rằng họ chỉ tái khẳng định những đặc quyền, như phe ủng hộ Brexit liên tục nhắc lại qua khẩu hiệu “cần phải giành lại quyền kiểm soát” trong quan hệ với Bruxelles. Sau thất bại này, các nghị sĩ ủng hộ Brexit cáo buộc các đồng nghiệp muốn phá hỏng tiến trình đàm phán ra khỏi EU.

Tổng thống Pháp Macron, Thủ tướng Anh theresa May và Thủ thướng Đức Markel tại Hội nghị thượng đỉnh EU ngày 14-12.

Ngoài 2 chủ đề trên, tại thượng đỉnh lần này, lãnh đạo EU dự kiến sẽ gia hạn lệnh trừng phạt kinh tế - chủ yếu trong các lĩnh vực năng lượng, quốc phòng và tài chính, đối với Nga đến giữa năm 2018. Đây được xem là vấn đề hết sức tế nhị khi các lệnh trừng phạt nặng nề của EU đã làm trầm trọng hơn các mối quan hệ giữa khối này với Moscow.

Liên quan tới vấn đề phòng thủ châu Âu, thượng đỉnh lần này chứng kiến lễ ra mắt chính thức của Cấu trúc Hợp tác thường trực về quốc phòng (PESCO) với mục tiêu thúc đẩy hợp tác quốc phòng trong EU, đặc biệt là phát triển các hệ thống vũ khí mới. Trước đó, ngày 11-12, Hội đồng Đối ngoại EU đã thông qua quyết định thành lập PESCO, một tháng sau khi nhận được thông báo từ các nước có dự định tham gia vào tổ chức này. Đến nay đã có 25 nước thông báo tham gia PESCO, một cơ cấu sẽ tập trung phát triển các thiết bị quân sự mới cho EU như xe tăng hay máy bay không người lái.

Theo AFP, tuy cùng thúc đẩy dự án phòng thủ chung, nhưng Đức và Pháp có nhãn quan khác nhau. Berlin muốn tập trung vào chế tạo vũ khí để có thể huy động nhiều thành viên châu Âu gia nhập. Trong khi đó, Paris muốn về lâu dài châu Âu phải can thiệp chung vào những “nhiệm vụ bất trắc” ở ngoài biên giới. Mâu thuẫn đó cũng sẽ được thảo luận tại thượng đỉnh lần này.

Ngoài ra, hội nghị cũng xem xét những tiến bộ đạt được trong các lĩnh vực quốc phòng khác, nhất là liên quan đến hoạt động hợp tác giữa EU và NATO.

Cuối hội nghị, các lãnh đạo EU sẽ đi sâu thảo luận về Liên minh kinh tế và tiền tệ cũng như Liên minh ngân hàng. Đây là dịp để các nhà lãnh đạo khởi động bàn thảo về cải tổ Eurozone với những ý tưởng táo bạo cùng các ý kiến đắn đo, cân nhắc. Tuy nhiên, Thủ tướng Đức Angela Merkel tới dự thượng đỉnh châu Âu trong thế yếu, bởi vì bà chưa lập được chính phủ sau cuộc bầu cử lập pháp hồi tháng 9.

Theo thông lệ, lãnh đạo một chính phủ xử lý thường vụ, như trường hợp của Đức hiện nay, tránh đưa ra sáng kiến trong các hội nghị cấp cao. Do vậy, theo giới quan sát, tại thượng đỉnh lần này, Thủ tướng Merkel sẽ khó bày tỏ lập trường ủng hộ các đề xuất của Tổng thống Pháp về việc cải cách khu vực đồng Euro.

M.T. (tổng hợp)
.
.