Thượng đỉnh vùng Vịnh: Thoa ngoài da không trị được nội thương

Thứ Tư, 12/12/2018, 13:35
6 vương quốc dầu lửa ngày 9-12 đã tụ về Riyadh, Saudi Arabia, dự Hội nghị Thượng đỉnh Vùng Vịnh (GCC) lần thứ 39. Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh khu vực đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng: tranh cãi dai dẳng giữa Qatar với 5 nước còn lại, cuộc chiến Yemen và vụ sát hại nhà báo Khashoggi ngay trong tòa lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istanbul.

Tuyên bố của hội nghị, kết thúc ngay trong ngày, chỉ đề cập đến những vấn đề chung chung. Về kinh tế, tuyên bố chung của GCC thống nhất xây dựng một lộ trình để thực hiện tầm nhìn chung trong hội nhập Vùng Vịnh, cũng như tuân thủ lộ trình thời gian đã được thông qua, để hội nhập kinh tế giữa các quốc gia trong khu vực và thực hiện toàn diện các điều khoản của các hiệp định kinh tế.

Hội nghị đồng ý gỡ bỏ các trở ngại và khó khăn nhằm thực hiện các hành động chung, đặc biệt là khắc phục các trở ngại trong xây dựng thị trường chung Vùng Vịnh, liên minh hải quan và thống nhất kinh tế GCC vào năm 2023.

Về quốc phòng, tuyên bố đề nghị thành lập một bộ chỉ huy quân sự Vùng Vịnh thống nhất để hoàn thiện hệ thống phòng thủ chung và thành lập Học viện Nghiên cứu chiến lược và an ninh Vùng Vịnh. Trong lĩnh vực an ninh, lãnh đạo 6 vương quốc Vùng Vịnh nhấn mạnh vai trò quan trọng của khu vực trong việc duy trì an ninh và ổn định, cũng như tăng cường hợp tác chống lại các tổ chức khủng bố, chống lại các ý thức hệ cực đoan đang phá hoại tài nguyên và sự giàu có của các quốc gia trong khu vực.

Liên quan đến chính sách đối ngoại, các nhà lãnh đạo GCC nhấn mạnh tầm quan trọng của sự thống nhất về chính sách đối ngoại và hiệu quả đối với các nước thành viên dựa trên luật của Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh, bảo vệ lợi ích của thành viên, tránh các cuộc xung đột ở khu vực và quốc tế. Tuyên bố cũng kêu gọi tăng cường quan hệ đối tác chiến lược, hợp tác kinh tế, văn hóa và phối hợp chính trị, an ninh trong khối Vùng Vịnh.

Trong khi đó, những vấn đề khủng hoảng nhất hiện nay của nội bộ GCC không được đề cập gì trong bản tuyên bố chung mặc dù có được thảo luận trong hội nghị. Chỉ vài ngày trước khi diễn ra hội nghị này, Qatar tuyên bố rút khỏi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC).

Cựu Thủ tướng Qatar, Sheikh Hamad bin Jassem al-Thani, khẳng định trực tiếp trên Twitter rằng OPEC đã “trở thành vô dụng” và “không còn” đóng góp cho đất nước của ông. “Tổ chức này chỉ được sử dụng cho các mục đích có hại cho lợi ích quốc gia của chúng tôi”, ông al-Thani viết.

Các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Vùng Vịnh nhóm họp tại Saudi Arabia ngày 9-12.

Theo Thierry Bros, một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu năng lượng Oxford, rút khỏi OPEC có nghĩa là “chống lại Saudi Arabia vào thời điểm khi hình ảnh của vương quốc này đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng trên trường quốc tế bởi vụ bê bối liên quan đến vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi. Sự ra đi của Doha sẽ góp phần làm suy yếu OPEC, theo chuyên gia Thierry Bros.

“Điều này cho thấy sẽ càng khó quản lý hơn (đối với OPEC), bởi vì những quốc gia còn lại trong khối không phải là những đồng minh, như Iran và Saudi Arabia “, ông Bros nhận định.

Nhà vua Saudi Arabia đã mời Tiểu vương Qatar tham dự hội nghị thượng đỉnh GCC song phía Doha chỉ cử một phái đoàn cấp thấp tới tham dự. Được thành lập năm 1980, Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh gồm các thành viên Saudi Arabia, Barain, Oman, Qatar, UAE và Kuwait, với mục tiêu đối phó với các nước láng giềng lớn hơn là Iran và Iraq.

Nhận định về việc hội nghị GCC lần này, chủ tịch và nhà sáng lập Viện Phân tích các quốc gia Vùng Vịnh Giorgio Cafiero nói: “Hội nghị lần này đã thất bại khi không đưa ra bất cứ hướng giải pháp nào cho cuộc khủng hoảng nội tại ở Vùng Vịnh vì hai lý do. Trước hết, đó là đại diện của các nước tham dự hội nghị không phải là người đứng đầu nhà nước, đặc biệt liên quan đến đoàn đại biểu Qatar.

Thứ hai, nội dung thảo luận của hội nghị, vấn đề khủng hoảng ngoại giao giữa các nước thành viên có được đưa ra thảo luận nhưng không được đưa vào tuyên bố chung”. Ông Cafiero ví von: “Tuyên bố chung của GCC lần này chỉ kê một loại thuốc thoa ngoài da, trong khi khối này đang bị nội thương nghiêm trọng”.

Với cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa các nước GCC chưa có tiến triển trong hơn một năm qua đang đặt ra một câu hỏi lớn về vai trò của Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh trong việc giải quyết các cuộc khủng hoảng trong chính nội bộ khối. Theo ông Luciano Zaccara - một chuyên gia phân tích chính trị của Đại học Qatar, kể từ khi bất đồng ngoại giao giữa các thành viên nổ ra vào năm 2014, Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh vẫn chưa thể hiện khả năng hiệu quả làm hòa giải hay có vai trò quan trọng trong việc làm giảm căng thẳng giữa các nước thành viên.

Trong khi đó, cuộc chiến ở Yemen, Syria, các hoạt động của Iran tại khu vực cũng không có hướng giải quyết nào. Hội nghị Thượng đỉnh 2018 diễn ra khi Saudi Arabia đối mặt với sức ép quốc tế liên quan đến vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi. Dự kiến ban đầu Oman sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh lần này nhưng Saudi Arabia đã viện dẫn các lý do để đăng cai tổ chức cuộc họp tại trụ sở GCC ở Riyadh.

Theo giới quan sát, Saudi Arabia muốn tận dụng hội nghị lần này là diễn đàn để kêu gọi sự ủng hộ cũng như thể hiện nước này đang là nạn nhân của sức ép quốc tế trong vụ việc liên quan đến nhà báo Khashoggi. Tuy nhiên, đúng vào ngày diễn ra hội nghị, CNN tung một tin dẫn lời người đã đọc bản ghi nội dung đoạn ghi âm về những phút cuối của Khashoggi.

Theo nguồn tin, vụ sát hại nhà báo Saudi Arabia rõ ràng là một âm mưu được lên kế hoạch từ trước. Đoạn ghi âm cho thấy Khashoggi đã vật lộn để chống lại những người có ý định giết mình.

M.T. (tổng hợp)
.
.