Thụy Sĩ:

Nạn nhân của các biện pháp cưỡng chế hà khắc đòi được bồi thường

Thứ Ba, 29/12/2015, 13:05
Từ giữa thế kỷ XIX cho đến đầu thập niên 80 của thế kỷ XX, hàng trăm nghìn công dân Thụy Sĩ, chủ yếu là trẻ em đã trở thành nạn nhân của các biện pháp thất nhân tâm, dưới chiêu bài nhằm "trợ giúp các trường hợp đặc biệt" của chính quyền trung ương ở Bern.

Một bức thỉnh nguyện thư vừa được công bố gây chấn động công luận Thụy Sĩ, thay mặt các nạn nhân của một thời kỳ đen tối trong lịch sử nước này đòi chính quyền phải bồi thường thỏa đáng.

Các nạn nhân từng bị cưỡng chế luôn trong tâm trạng bi đát.

Một trong những nạn nhân là bà Bernadette Gehter 42 tuổi, người thành phố Lugano, đã kể cho phóng viên Đài Truyền hình Star TV: Ngay từ khi còn nhỏ bà đã bị nhà chức trách Lugano tách khỏi cha mẹ ruột, bởi họ quá nghèo khó không thể chu cấp đầy đủ cho cô con gái độc nhất. Do vậy Bernadette được giao cho người muốn nuôi dưỡng cô với điều kiện kinh tế khá giả hơn. Đến năm 18 tuổi, khi bà có thai, gia đình cha mẹ nuôi đã gây áp lực buộc bà phải đi phá thai và triệt sản vĩnh viễn.

Bà B. Gehter tiếp xúc với phóng viên Đài Truyền hình Star TV.

"Có nhiều trường hợp con trẻ bị nhẫn tâm tước đoạt khỏi cha mẹ ruột ngay khi vừa mới sinh ra để trao cho những người có tên trong danh sách chờ sẵn đang muốn nhận con nuôi - giáo sư Ueli Meder, nhà xã hội học Trường đại học Tổng hợp Bern cho biết - Thậm chí cha mẹ ruột của các em bé này còn bị bỏ tù mà không vi phạm bất cứ điều gì. Lỗi chính của các nạn nhân đáng thương, là bởi họ đã không đáp ứng được các chuẩn mực xã hội và giá trị đạo đức cũ". Vẫn theo lời giáo sư U. Meder, còn tồn tại những biện pháp hà khắc khác, như trẻ em thuộc các gia đình khốn khó được gửi đến các trang trại để làm đủ thứ công việc khác nhau, bị đối xử như gia nô và việc hành hạ họ là "chuyện như cơm bữa".

Giáo sư U. Meder bày tỏ sự bất bình trước thân phận của các nạn nhân.

Một trường hợp tiêu biểu khác là ông Charles Probst 85 tuổi. Năm 8 tuổi, Charles bị giới hữu trách bang Bern đưa tới một trang trại trồng nho ở tỉnh Lucerne, cách xa nơi chôn nhau cắt rốn hàng trăm cây số. Tuổi thơ của cậu bé Charles trôi đi bằng những ngày làm việc quần quật từ sáng sớm đến tối mịt. "Thay vì được cắp sách đến trường là những trận đòn hằng ngày của những người quản lý trang trại", ông C. Probst, một trong những nạn nhân cao tuổi nhất còn sống, nhớ lại.

Hơn 110.000 người đã ký tên vào bức thỉnh nguyện thư, được trao cho đại diện Chính phủ Liên bang Thụy Sĩ vào trước kỳ nghỉ lễ Giáng sinh và đón năm mới 2016. Đồng thời bức thỉnh nguyện thư cũng đòi chính quyền Liên bang phải trích ngân sách ra để thành lập một quỹ đặc biệt nhằm bồi thường cho khoảng 20.000 nạn nhân của các chính sách lỗi thời đang còn sống. Số tiền đề nghị dành cho quỹ này là 500 triệu frăng Thụy Sĩ (CHF), tương đương 415 triệu euro.

Năm 2013, nhà cầm quyền Thụy Sĩ thông qua đại diện của mình là bà Simonetta Sommaruga, Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Cảnh sát Liên bang (Bà trở thành Tổng thống nước này đầu năm 2015), đã chính thức ngỏ lời xin lỗi các nạn nhân của những chính sách thô bạo trong quá khứ, nhưng lại không đề cập đến việc bồi thường những thiệt hại cả về vật chất lẫn tinh thần cho họ.

Xuân Hiếu (tổng hợp)
.
.