Thụy Sĩ: Quốc sách xây hầm trú ẩn

Thứ Sáu, 16/08/2013, 22:45

Sau thảm họa hạt nhân tại nhà máy điện nguyên tử Fukushima ở Nhật Bản vào đầu tháng 3/2011, Hội đồng Quốc gia (Quốc hội Thụy Sĩ) liền bỏ phiếu tái chấp thuận sách lược xây hầm trú ẩn để ngăn ngừa mọi thảm họa bất thần có thể xảy ra.

Ngay từ thời Chiến tranh lạnh, Liên bang Thụy Sĩ cùng với Cộng hòa nhân dân Albania là 2 quốc gia châu Âu đi đầu trong lĩnh vực kiến tạo hệ thống hầm trú ẩn, hòng bảo vệ sự tồn vong của đất nước mình nếu xảy ra Thế chiến III, đi kèm là việc sử dụng vũ khí hạt nhân với những hệ lụy khủng khiếp. Sách lược thiết lập mạng lưới boongke được Thụy Sĩ chính thức khởi sự từ đầu thập niên 50 thế kỷ trước, sau khi cả 2 siêu cường Liên Xô lẫn Mỹ đều thử thành công những quả bom nguyên tử đầu tiên trên thế giới.

Thực ra quan điểm xây hầm trú ẩn đại trà phát sinh từ Thế chiến II, bởi quân đội Thụy Sĩ lúc ấy được bố trí trong hệ thống công sự ngầm dày đặc trên rặng núi Alps, sẵn sàng phòng thủ đất nước nếu bị quân Hitler tấn công bất ngờ. Khi chiến tranh kết thúc đã nảy sinh kế sách chiến lược, rằng con người có thể tồn tại trong những công trình xây dựng chắc chắn và trải qua được cuộc chiến tàn khốc. Luận điểm này tạo ra ý tưởng là đất nước Thụy Sĩ sẽ được an toàn trong một thế giới luôn thay đổi, làm nảy sinh phong trào "nhà nhà đào hầm, người người tạo dựng boongke" và kéo dài không ngơi nghỉ suốt 6 thập niên qua.

Một boongke ngụy trang giống căn nhà nghỉ giữa rừng sâu.

"Khi người Đức nghe đến hầm trú ẩn, họ liền liên tưởng tới chiến tranh và sự tàn phá chết chóc. Còn ở Thụy Sĩ thì ngược lại. Chúng tôi yêu căn tầng ngầm trong nhà như với tuyến đường hầm Gotar nên thơ huyền thoại trong dãy Alps vậy", bà Sylvia Berger dạy môn lịch sử ở một trường trung học thuộc ngoại vi thủ đô Bern, lên tiếng giãi bày với phóng viên tuần báo Đức Stern.

Trong thực tế tất cả các căn hầm đều được xây dựng theo một quy tắc đặc biệt. Điều tiên quyết đầu tiên là cửa ra vào phải cấu thành từ loại thép đặc biệt, khó công phá y như cánh cửa két ngầm ở các nhà băng; thứ đến là khoang trú ẩn phải được đổ bê tông với độ dày tối thiểu là 0,5m; kế tiếp là hệ thống điều hòa và thông gió hoàn hảo; cuối cùng là những trang thiết bị dã chiến theo mô hình của quân đội...

Hầu như mỗi ngôi nhà ở Thụy Sĩ đều có hầm dự trữ lương thực thực phẩm, nước uống và thuốc men đầy đủ bảo đảm  có thể duy trì cuộc sống biệt lập trong một thời gian dài. Trong điều kiện thời bình đó là những nhà kho chứa đồ thuần túy, nhưng khi có khủng hoảng liền biến thành các căn hầm trú ẩn đặc biệt khiến người ngoài khó phát hiện ra. Thậm chí, nhiều nhà thường xuyên sống dưới tầng ngầm đề phòng các sự cố bất trắc. Nếu gia đình nào không có khả năng xây hầm ngầm riêng, ví như tại các căn hộ chung cư chẳng hạn phải đóng một loại thuế để xây hầm trú ẩn công cộng. Đây là sắc thuế duy nhất trên hành tinh chỉ tồn tại ở Liên bang Thụy Sĩ.

Chăn thả gia súc trên nóc hầm trú ẩn trong rặng núi Alps.

Ngay từ đầu thập niên 90 thế kỷ trước, ở thành phố Sevelen thủ phủ bang Saint Gallen đã khánh thành ngôi hầm trú ẩn công cộng trị giá 3 triệu euro. Khu hầm ngầm đồ sộ này hiện đang được một công ty lữ hành thuê lại, với tên gọi "Khách sạn không sao" có sức chứa 300 giường cùng tiện nghi đơn giản, nhằm lôi cuốn du khách hiếu kỳ, ưa tìm cảm giác lạ khi được qua đêm dưới lòng đất. Còn tại các đô thị khác, hầm trú ẩn công cộng thường được sử dụng tạm thời làm cửa hàng, thư viện, rạp chiếu phim hay nhà sách... Nhưng khi cần, chỉ trong vòng 24 tiếng đồng hồ là trở lại công năng ban đầu, sẵn sàng đối phó với thảm họa hạt nhân.

Sau cuộc khủng hoảng tên lửa ở Cuba năm 1962 tiềm ẩn sự đối đầu hạt nhân giữa Liên Xô và Mỹ, vào đầu năm 1963, Quốc hội Thụy Sĩ đã ban hành một đạo luật bắt buộc mọi địa phương trên toàn quốc phải xây hầm trú ẩn để bảo vệ dân chúng. Tới phiên họp toàn thể vào ngày 9/3/2011, sau 2 thập niên kết thúc Chiến tranh lạnh, Hội đồng Liên bang nhất trí bãi bỏ đạo luật trên vì thấy không cần thiết nữa. Đột nhiên, chỉ 2 ngày sau khi hay tin sóng thần gây ra thảm họa tang thương ở Fukushima, Quốc hội Thụy Sĩ liền tức tốc triệu tập một phiên họp đặc biệt để khôi phục lại đạo luật vừa xóa bỏ.

Một gia đình sống thường xuyên trong hầm trú ẩn.

Lúc đó, theo số liệu của Cục Thông tin trực thuộc Bộ Quốc phòng Thụy Sĩ, thì trên toàn quốc đã xây xong hơn 300.000 căn hầm trú ẩn từ cấp trung ương tới cơ sở, với tổng kinh phí gần 10 tỉ euro. Trên bình diện quốc tế,  Liên bang Thụy Sĩ chỉ thua kém Cộng hòa Albania dưới thời nhà lãnh đạo Enver Hoxha (1906-1985), với 750.000 hầm tránh bom nguyên tử.

Tính đến thời điểm hiện nay, đất nước Thụy Sĩ với 8 triệu dân đã tồn tại số hầm trú ẩn có thể chứa tới 9 triệu người. Nhưng bất chấp điều đó, việc xúc tiến xây mới các boongke kiên cố luôn được đưa lên thành quốc sách hàng đầu. Cùng với hệ thống ngân hàng uy tín lâu năm, kỹ nghệ cơ khí chính xác, sản phẩm pho mát và chocolate tuyệt hảo, mạng lưới hầm trú ẩn chắc chắn đã trở thành những biểu tượng tiêu biểu cho quốc gia vốn nổi tiếng là "thanh bình và trung lập" này

Kim Dung (theo Stern)
.
.