Tiền lệ nguy hiểm

Thứ Ba, 16/04/2019, 14:54
Phát biểu trước một ủy ban Thượng viện ngày 10-4, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết Tổng thống Donald Trump sẽ tiếp tục gia tăng sức ép đối với Iran. Ngoại trưởng Pompeo đưa ra tuyên bố trên trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Iran đang căng thẳng sau khi Tổng thống Trump liệt “Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran” (IRGC) vào danh sách các tổ chức khủng bố.

Đây là bước đi chưa từng có tiền lệ và đang gây lo ngại về nguy cơ Tehran sẽ tung ra các đòn trả đũa Mỹ và các đồng minh ở khu vực.

Mỹ muốn dồn Iran vào “chân tường”?

Ngày 8-4, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Mỹ đã liệt Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) vào danh sách tổ chức khủng bố - một động thái chưa từng có tiền lệ, vấp phải sự chỉ trích của Iran và làm dấy lên lo ngại các lực lượng của Mỹ sẽ bị tấn công trả đũa. Đây là lần đầu tiên Washington chính thức coi lực lượng quân đội của một quốc gia khác là tổ chức khủng bố.

Tổng thống Donald Trump tuyên bố: “IRGC là phương tiện cơ bản của Chính phủ Iran để chỉ đạo và thực hiện chiến dịch khủng bố toàn cầu”. Chính quyền của ông Trump từ lâu đã chỉ trích Iran vì ảnh hưởng của quốc gia này tại Iraq, Syria và Yemen.

Câu hỏi đặt ra là tại sao đúng thời điểm này Mỹ lại tung đòn, dường như muốn dồn Iran vào “chân tường”? Phải chăng Mỹ muốn “dằn mặt” Iran khi nước này chuẩn bị một kế hoạch lớn cho tiến trình hòa bình Trung Đông? Hay Mỹ muốn chặn cửa Iran phát triển các ý đồ chiến lược sau khi chiến trường Syria đang dần định hình, trong bối cảnh Mỹ không có nhiều “phần thưởng” ở đây?...

Thật khó để có câu trả lời chính xác vào thời điểm này. Chỉ biết rằng, nước Mỹ đang cứng rắn khác thường với Iran. Chả vậy mà ông Pompeo nói: “Tôi có thể đảm bảo với phần còn lại của thế giới rằng Tổng thống Trump sẽ tiếp tục gia tăng sức ép đối với nước Cộng hòa Hồi giáo Iran để buộc nước này phải thay đổi hành vi”.

IRGC là niềm tự hào của người dân Iran. Ảnh: Middle East Monitor.

Tuy nhiên, người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ không cho biết liệu Washington có miễn trừ cho các nước nhập khẩu dầu từ Iran hay không, “Tôi chưa nhận được báo cáo về các trường hợp miễn trừ”, ông nói.

Đây là lần đầu tiên Bộ Ngoại giao Mỹ đưa một nhánh của lực lượng quân đội nước ngoài vào danh sách như vậy và động thái này sẽ đặt ra tiền lệ quốc tế quan trọng trong thời gian tới. Các chuyên gia phân tích tình báo nhận định rằng việc định danh IRGC là “tổ chức khủng bố nước ngoài” là động thái khiêu khích mới của Mỹ trong lộ trình Mỹ chủ ý tiến hành nhằm mở rộng và thắt chặt thêm các lệnh trừng phạt đối với Iran.

Washington hy vọng sẽ buộc Iran phải đàm phán một thỏa thuận toàn diện chấm dứt việc hậu thuẫn của nước này đối với những đồng minh của họ trong khu vực và chấm dứt chương trình tên lửa đạn đạo. Tuy nhiên, các lệnh trừng phạt mới sẽ làm phức tạp thêm bất cứ cuộc đàm phán nào trong tương lai giữa Mỹ và Iran, kể cả khi ông Trump không còn là tổng thống nữa. Một điều chắc chắn là Iran sẽ yêu cầu giảm bớt các lệnh trừng phạt đối với IRGC trong các cuộc đàm phán về thỏa thuận toàn diện với Mỹ, nếu có, trong tương lai.

Lý do nữa là khi Tổng thống Mỹ mới lên thay, dù người đó là ai, cũng sẽ gặp những trở ngại chính trị nếu định đưa IRGC ra khỏi danh sách “tổ chức khủng bố” trong khi Iran không có những thay đổi đáng kể trong chiến lược và chính sách của họ đối với Israel, Mỹ và phương Tây nói chung.

Âm mưu nào phía sau “tấn trò” định danh khủng bố?

Nhìn vào các “tiêu chí” mà Mỹ đưa ra, Mỹ hiện có 4 loại “danh sách khủng bố” để định danh các cá nhân, tổ chức và các nước mà Mỹ cho là liên quan hoạt động khủng bố. Mỹ đã định danh Iran là “nhà nước tài trợ khủng bố” vào năm 1984. Năm 2007, Mỹ lại gắn mác cho lực lượng Quds (Quds Force of the IRGC) - tổ chức điều khiển các hoạt động của IRGC ở nước ngoài, là “kẻ khủng bố toàn cầu được định danh đặc biệt” theo sắc lệnh 13224. Và tới năm 2017, Mỹ lại định danh IRGC cũng là “kẻ khủng bố toàn cầu được định danh đặc biệt” theo “Đạo luật Chống lại kẻ thù của nước Mỹ thông qua trừng phạt”.

Việc định danh ‘tổ chức khủng bố nước ngoài’ của Mỹ, hạng mục duy nhất dành cho “Một tổ chức”, trước đây chỉ áp dụng với những tổ chức phi nhà nước như al Qaeda, Hezbollah và lực lượng vũ trang cách mạng Columbia (Revolutionary Armed Forces of Columbia). Chính vì vậy, việc Mỹ định danh lực lượng IRGC là “tổ chức khủng bố” vào ngày 8-4 vừa qua là lần đầu tiên Mỹ gắn mác cho một nhánh quân đội nước ngoài là tổ chức khủng bố nước ngoài.

Trước đây Mỹ luôn tránh những hành động như vậy vì Mỹ không muốn tạo ra tiền lệ chống lại chính mình. Với việc chỉ định danh “tổ chức khủng bố” đối với các tổ chức phi nhà nước, phi quốc gia, Mỹ đã tránh phải dính vào tranh cãi một vấn đề rất gai góc, đó là: “Những hành động như thế nào của một nhà nước thì có thể bị đưa ra định danh là tổ chức khủng bố”.

Thế nhưng, giờ đây, chính Mỹ đã phá vỡ điều cấm kỵ đó và các nước khác có thể cũng nhanh chóng đưa ra các định danh khủng bố tương tự đối với các nước có quan hệ thù địch với mình.

IRGC luôn có chỗ đứng và nhiệm vụ cực kỳ quan trọng đối với đất nước Iran. Ảnh: The Iran Primer.

Lực lượng IRGC được thành lập theo lệnh của ông Imam Khomeini, ngay sau cuộc cách mạng năm 1979, nhằm bảo vệ cuộc cách mạng và đảm bảo an ninh trong nước. Nhóm này là một nhánh của lực lượng vũ trang Iran, đóng vai trò chính trong việc bảo vệ đất nước trong cuộc chiến tranh 1980-1988 với Iraq. IRGC hiện có khoảng 125.000 nhân viên quân sự, đồng thời là lực lượng thực hiện các nhiệm vụ hỗ trợ các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng và cứu trợ.

IRGC và các nhánh của lực lượng này như Basij, Quds Force và Aerospace Force đều đã là đối tượng nhận được rất nhiều lệnh trừng phạt của Mỹ cho nên việc Mỹ định danh mới cho lực lượng này thực chất cũng không gây thêm nhiều ảnh hưởng đối với khả năng tìm nguồn tài tài trợ và chuyển tiền hỗ trợ cho các đồng minh của tổ chức này. Thực tế cho thấy, cả lực lượng IRGC và đất nước Iran đều rất sáng tạo trong việc né các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Xét về một số phương diện, định danh ‘tổ chức khủng bố nước ngoài’ thậm chí còn không mạnh bằng 3 loại định danh còn lại trong hệ thống của Mỹ. Tuy nhiên, việc định danh mới của Mỹ đối với IRGC sẽ tạo ra một số thách thức đối với lực lượng này. Các chuyên gia bình luận rằng việc Iran cũng lập tức có hành động đáp trả tương tự, định danh Mỹ là nước ủng hộ chủ nghĩa khủng bố và Bộ Tư lệnh Trung ương của Mỹ (US Central Command) là nhóm khủng bố để đáp trả cũng là điều dễ hiểu, dù rằng điều đó chỉ mang tính chất biểu tượng là chủ yếu.

Và không cần nói ra thì một số quan chức Iran, gồm cả chỉ huy lực lượng IRGC Mohammad Ali Jafari, cũng đã ám chỉ sẽ có nhiều hành động chống Mỹ hơn, chẳng hạn IRGC sẽ tấn công vào các lực lượng quân sự của Mỹ ở khu vực này hoặc lực lượng dân quân do Iran đào tạo sẽ tấn công quân Mỹ ở những nơi như Iraq.

Tuy nhiên, nếu Iran làm vậy thì Mỹ sẽ lập tức đáp trả bằng tấn công vào các mục tiêu quân sự ở Iran. Kiểu ăn miếng trả miếng định danh khủng bố cho nhau như thế này đơn giản là không làm thay đổi động cơ sâu xa khiến những căng thẳng âm ỉ giữa Mỹ và Iran lúc nào cũng chực bùng lên thành cuộc xung đột. Thay vào đó, Iran có thể tiếp tục đáp trả bằng những cách tinh vi hơn, chẳng hạn như tấn công an ninh mạng vào các công ty của Mỹ hay đồng minh của Mỹ trong khu vực.

“Một tuyên bố không có giá trị về mặt chính trị hay pháp lý”

Người đứng đầu ngành tư pháp của Iran Ebrahim Raeisi cho biết quyết định của Washington về việc đưa IRGC vào danh sách các tổ chức khủng bố không có giá trị về mặt chính trị hay pháp lý. Ông Raeisi khẳng định không một quốc gia nào có quyền hợp pháp để coi lực lượng vũ trang của một quốc gia khác là khủng bố.

Theo ông, ảnh hưởng của Iran ở Trung Đông và những thành công của IRGC là nguyên nhân chính dẫn tới quyết định này. Ông nhấn mạnh với việc xếp IRGC vào danh sách các tổ chức khủng bố, chính quyền Mỹ phải chịu trách nhiệm về các tội ác nghiêm trọng tại khu vực Tây Á, cũng như phần còn lại của thế giới. IRGC là tổ chức an ninh quyền lực nhất ở Iran hiện nay, đồng thời có tầm ảnh hưởng rất lớn đối với hệ thống chính trị cũng như kinh tế nước này.

Giới phân tích cảnh báo động thái của ông Trump có thể khiến những quốc gia đối địch với Washington áp dụng biện pháp tương tự nhằm vào các quan chức tình báo và quốc phòng Mỹ. Động thái này sẽ khiến quan hệ giữa Tehran và Washington ngày càng xấu đi và gây thêm phức tạp cho tình hình Trung Đông.

Chỉ có các quốc gia đồng minh của Mỹ lên tiếng ủng hộ tuyên bố trên. Israel và Yemen đã lên tiếng hoan nghênh quyết định của Mỹ. Trong một tuyên bố đưa ra trước ngày tổng tuyển cử của Israel, Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã cảm ơn quyết định liên quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Israel luôn cho rằng IRCG đang hoạt động ở nước láng giềng Syria, ủng hộ chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad.

IRGC được huấn luyện, kĩ lưỡng, tinh nhuệ. Ảnh: thenewsrep.com.

Thủ tướng Netanyahu đã cam kết ngăn chặn sự hiện diện của Iran ở Syria và Israel đã thực hiện hàng trăm cuộc không kích mà họ cho là mục tiêu của Iran và phong trào Hezbollah do Iran hậu thuẫn ở Liban. Tuy nhiên, trong phản ứng của mình, Syria lên án động thái trên của Mỹ là “vô trách nhiệm”. Hãng thông tấn SANA dẫn một nguồn tin Bộ Ngoại giao Syria cáo buộc đây là một “cuộc tấn công trắng trợn” vào chủ quyền của Iran.

Nguồn tin trên cho rằng “bước đi vô trách nhiệm” của Mỹ cũng đã thừa nhận “vai trò quan trọng (của IRCG) trong việc bảo vệ chủ quyền, sự độc lập và cuộc kháng chiến chống lại Mỹ và Israel”.

Như vậy là câu hỏi đã dần sáng tỏ. Lợi bất cập hại. Tuyên bố của phía Mỹ về  IRCG rõ ràng liên quan mật thiết tới các đồng minh của Mỹ, tới quyền lợi của Mỹ và chiến lược mới của Mỹ với Iran. Hội đồng An ninh quốc gia tối cao Iran cũng đánh giá động thái của Mỹ vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hiệp Quốc. Do vậy, Washington phải chịu trách nhiệm đối với tất cả hậu quả nguy hiểm mà quyết định trên gây ra.

Tuyên bố qua lại của hai bên đang thổi bùng căng thẳng Mỹ-Iran. Nhiều quan chức Mỹ bày tỏ không đồng tình với tuyên bố trên của tổng thống. Theo các quan chức Mỹ, các chỉ huy quân sự cấp cao của Mỹ có cùng quan ngại với Tổng thống Trump về Iran và IRGC nhưng lâu nay họ luôn phản đối việc liệt IRGC vào danh sách khủng bố do lo ngại ảnh hưởng tới các lực lượng của Mỹ tại Trung Đông và gây ra những vấn đề cho các đối tác của Mỹ vốn có quan hệ với Iran.

Lầu Năm Góc từ chối bình luận về việc quân đội Mỹ đang làm gì để bảo vệ binh lính Mỹ khỏi sự trả đũa của IRGC hoặc các nhóm phiến quân có mối quan hệ. Các quan chức Mỹ, yêu cầu giấu tên, nói rằng việc liệt IRGC vào danh sách tổ chức khủng bố không có nghĩa rằng quân đội Mỹ sẽ bắt đầu đối xử với lực lượng này như al-Qaeda, tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) hay các nhóm phiến quân khác.

Một trong số các quan chức này nói: “Điều này không phải sẽ dẫn tới chiến tranh với Iran hay giết hại một nhóm những người Iran. Hoàn toàn không phải vậy” và nói thêm rằng quân đội Mỹ chưa nhận được bất kỳ chỉ thị mới nào “truy đuổi” các lực lượng của Iran.

Trong khi đó, Trita Parsi, người sáng lập Hội đồng quốc gia Mỹ-Iran, cho rằng động thái này sẽ mở đầu cho một cuộc xung đột. Nhà phân tích này nói: “Động thái này đã đóng lại một cách cửa khác để giải quyết căng thẳng với Iran một cách hòa bình. Một khi tất cả các cánh cửa bị khép lại, các biện pháp ngoại giao sẽ không còn tác dụng, chiến tranh sẽ trở thành điều không thể tránh khỏi.

Việc liệt IRGC vào danh sách tổ chức khủng bố là một thất sách nguy hiểm, khiến bính linh Mỹ phải chịu rủi ro và không phục vụ lợi ích gì ngoài mục tiêu phá hủy thỏa thuận với Iran của chính quyền Trump”.

Nhiều nhà phân tích nhận định, việc Mỹ gây áp lực tối đa đối với Iran rõ ràng là lợi bất cập hại. Trước hết, Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran là một lực lượng vũ trang thiện chiến, có nhiệm vụ bảo vệ chế độ và là “cánh tay” quân sự của chính quyền, truyền bá cách mạng bằng quyền lực mềm lẫn vũ lực.

Hiến pháp Iran ghi rõ IGRC chỉ tuân thủ mệnh lệnh của lãnh tụ tối cao Iran. IRGC giám sát chương trình tên lửa đạn đạo của Iran và đã tiến hành một số vụ thử nghiệm kể từ khi thỏa thuận hạt nhân mang tính bước ngoặt được ký năm 2015 giữa Tehran và các cường quốc thế giới.

Ngoài ra, IRGC còn điều hành một công ty xây dựng lớn mang tên Khatam al-Anbia, với 135.000 nhân viên chịu trách nhiệm về phát triển dân sự, ngành công nghiệp dầu mỏ và các vấn đề quốc phòng. Các công ty do IRGC vận hành cũng xây dựng đường sá, hải cảng, vận hành mạng lưới viễn thông, triển khai các nỗ lực cứu hộ...

Hoa Huyền
.
.