Cựu Tổng thống Yemen Ali Abdullah Saleh: Tiến thoái lưỡng nan

Thứ Năm, 23/04/2015, 14:45
Cựu Tổng thống Yemen Ali Abdullah Saleh đang rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan và đang tìm kiếm con đường thoát thân an toàn, sau khi kế hoạch hợp tác với phiến quân Houthi nhằm lấy lại quyền lực đã gặp trở ngại lớn do chiến dịch không kích của Không quân Arập Xêút.

Đài Truyền hình Al-Jazeera ngày 16/4 cho biết, cựu Tổng thống Yemen Ali Abdullah Saleh đã gửi tin nhắn cho các lãnh đạo tổ chức Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) để xin được mở một lối thoát an toàn cho bản thân và gia đình.

Cũng trong lời nhắn của mình, ông Saleh đã khẳng định với các nhà lãnh đạo GCC rằng, ông “không có bất cứ quan hệ nào với nhóm Houthi” và “không liên quan gì đến cuộc chiến ở Yemen” hiện nay.

Tuy nhiên, Arập Xêút ngay lập tức đã bác bỏ yêu cầu này. Phát ngôn viên của quân đội Arập Xêút, tướng Ahmed al-Asiri tuyên bố với Al-Jazeera rằng “ông Saleh sẽ không có vai trò gì trong tương lai của Yemen”.

Dư luận lâu nay vẫn tin rằng ông Saleh có quan hệ với phiến quân Houthi, và đã đứng sau ủng hộ phiến quân để trả thù những kẻ đã hất cẳng ông để giành lấy quyền lực. Từ đầu năm 2011, Saleh đối mặt làn sóng biểu tình “Mùa xuân Arập” chống chính phủ do ông lãnh đạo.

Trong đợt cao trào biểu tình phản đối với nhiều vụ bạo động đổ máu xảy ra vào tháng 6/2011, ông từng bị thương trong một vụ tấn công bằng bom vào dinh thự của ông, nhưng đã may mắn thoát chết.

Tháng 11 năm đó, Saleh buộc phải ký thỏa thuận chuyển giao quyền lực để chấm dứt tình trạng bất ổn an ninh, chính trị trong nước. Thỏa thuận được ký kết tại Riyadh, Arập Xêút. Saleh vẫn chưa chính thức từ chức Tổng thống Yemen.

Tháng 1/2012, Saleh rời Yemen đến New York, Mỹ, nói là đi chữa bệnh. Một tháng sau, ông quay trở về Yemen với hy vọng quay trở lại nắm quyền nhưng đã vấp phải sự phản đối quyết liệt của công chúng, vì thế ông buộc phải chính thức từ chức, chuyển giao hoàn toàn quyền lực cho ông Hadi.

Cựu Tổng thống Yemen Ali Abdullah Saleh.

Tuy đã thoái vị nhưng Saleh vẫn có được sự trung thành của một bộ phận quân đội Yemen, và chính lực lượng này đã và đang ngày đêm đi theo bảo vệ ông.

Vấn đề khiến Saleh căm hận Hadi và quyết tâm trả thù chính là việc Hadi sau khi lên nắm quyền đã tìm cách vận động Liên Hiệp Quốc đưa ra các biện pháp chế tài đối với Saleh khiến ông bị đưa vào “danh sách đen” bị cấm đi lại trên thế giới vào năm 2014.

Từ chỗ đó, khi phiến quân Houthi bắt đầu dấy loạn vào những tháng cuối năm 2014 đầu năm 2015, Saleh chộp lấy cơ hội, quay sang hợp tác với phiến quân Houthi nhằm mục đích “mượn gió bẻ măng”.

Giới quan sát nhận định rằng, việc Saleh giao kết với phiến quân Houthi là điều mâu thuẫn với chính đường lối, chủ trương của ông. Và mối tương giao này cũng không hoàn toàn đáng tin cậy.

Ý đồ của Saleh, theo giới phân tích, là nhằm tạo điều kiện cho hai kẻ thù - phiến quân Houthi và Tổng thống Hadi – sát phạt nhau để “ngư ông đắc lợi”.

Kế hoạch này thoạt trông có vẻ như Saleh đang cố giúp phiến quân Houthi đánh bại “kẻ thù chung” là Tổng thống Hadi; Saleh muốn hạ bệ Hadi, còn phiến quân Houthi cũng muốn Hadi từ chức vì đã không thực hiện những cải cách chính trị, xã hội cần thiết theo yêu cầu của họ.

Sau khi phiến quân Houthi đánh bại ông Hadi, Saleh, với cơ sở quyền lực chính trị còn mạnh tại Yemen, sẽ tự sắm cho mình vai trò “môi giới quyền lực” rồi sau đó thừa thời cơ quay sang lật đổ phiến quân Houthi để giành lấy quyền lực, đưa con trai mình là Ahmad Ali Saleh lên làm Tổng thống.

Phiến quân Houthi ở thủ đô Sanaa phản đối một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc hôm 16/4.

Mặt khác, quá khứ thù địch giữa ông Saleh và phiến quân Houthi vẫn còn chưa xa. Trong giai đoạn 2002-2009, Saleh còn nắm quyền lãnh đạo Yemen, phiến quân Houthi ở vùng biên giới phía bắc giáp với Arập Xêút là một trong 2 vấn đề an ninh nổi cộm nhất.

Trong giai đoạn này, Saleh đã tiến hành 5 cuộc chiến nhằm tiêu diệt phiến quân Houthi nhưng không thành công.

Điều trái khoáy là, Saleh theo dòng Hồi giáo Shiite nhưng lại chĩa súng đánh nhau với phiến quân Houthi cũng theo dòng Shiite, lại được chính quyền Arập Xêút (Sunni) ủng hộ.

Lãnh đạo Houthi không tin rằng một khi Arập Xêút nhúng tay vào Yemen, Saleh sẽ tiếp tục toàn tâm ủng hộ Houthi chiến đấu chống lại Riyadh.

Thực tế chiến trường đang đi theo chiều hướng giống như điều nghi ngờ của lãnh đạo phiến quân Houthi. Chỉ có điều, bản thân ông Saleh cũng đang gặp nguy khốn do chuyển biến bất lợi cho cả hai.

Tháng 3 vừa qua, Arập Xêút đã phát động đợt không kích nhắm vào các mục tiêu phiến quân Houthi nhằm hỗ trợ cho Tổng thống Abd-Rabbu Mansour Hadi bị vây hãm trong thành phố Aden, miền Nam Yemen.

Theo báo chí quốc tế, sau 3 tuần không kích của liên quân Arập do Arập Xêút dẫn đầu đang chuyển biến theo chiều hướng bất lợi cho phiến quân Houthi và bản thân ông Saleh. Phiến quân Houthi đã hứng chịu một số thiệt hại đáng kể và đã bắn tiếng đề nghị đối thoại để tìm kiếm giải pháp chấm dứt cuộc chiến.

Riêng ông Saleh thì tổn thất được đánh giá là vô cùng lớn. Các lực lượng trung thành với Saleh đã lần lượt “đào ngũ” hoặc “đổi cánh”, chuyển sang hợp tác với quân đội chính phủ Yemen chiến đấu chống lại phiến quân Houthi, trong đó một tiểu đoàn tinh nhuệ đang chiến đấu với phiến quân Houthi tại thành phố Taiz.

Giới phân tích nhận định, nếu cuộc chiến tiếp diễn theo kịch bản như hiện tại, lực lượng quân sự trung thành với ông Saleh sẽ “chuyển cánh” hết sang ủng hộ phe chính phủ. Hầu hết các chỉ huy quân sự của ông Saleh đang bị dao động tinh thần, và họ sẽ bỏ ông đi theo quân đội chính phủ nếu tình thế tiếp tục bất lợi cho ông và phiến quân Houthi.

Trong quá khứ, Saleh đã chứng minh ông là người không thể thiếu trên bàn cờ chính trị Yemen. Và giới bình luận cũng nhận định, một khi “bụi lắng xuống”, mọi chuyện yên ổn trở lại, thì cha con ông Saleh vẫn sẽ có một vai trò trong tương lai của Yemen.

Văn Trương (tổng hợp)
.
.