Tiếp tục kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XIII

Thứ Ba, 09/08/2011, 16:20

Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XIII đã bước sang những ngày làm việc cuối cùng với nội dung triển khai chủ trương nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 và thảo luận về các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước 6 tháng cuối năm 2011. Tín hiệu về một kỳ họp thành công rực rỡ đang ngày càng hiển hiện bởi hầu hết những công việc lớn của đất nước đã được các đại biểu Quốc hội sáng suốt và vững tin lựa chọn.

Ngay sau khi được Quốc hội phê chuẩn, các tân Phó Thủ tướng và Bộ trưởng đã bày tỏ quan điểm điều hành của mình, thể hiện sự nhất quán trong phương pháp điều hành, lãnh đạo của chính phủ.

Một trong những lĩnh vực đặc biệt quan trọng, được nhiều cử tri cũng như đại biểu Quốc hội quan tâm là sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Trung tướng Trần Đại Quang, ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, đã vạch ra 6 hướng triển khai cơ bản đối với Lực lượng CAND để hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó. Trả lời báo chí bên lề kỳ họp, Bộ trưởng Trần Đại Quang khẳng định Lực lượng Công an tiếp tục củng cố mối quan hệ phối hợp, hiệp đồng giữa Lực lượng CAND với Lực lượng QĐND và các ban, ngành, tạo sức mạnh tổng hợp trong quản lý nhà nước về an ninh, trật tự. Bên cạnh đó là phải tăng cường mở rộng hợp tác quốc tế trong bảo vệ an ninh quốc gia, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và đấu tranh phòng, chống khủng bố và các loại tội phạm. Phát triển quan hệ đối ngoại an ninh gắn với các hoạt động đối ngoại của Đảng, Nhà nước, đối ngoại nhân dân; kết hợp nhuần nhuyễn ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa với ngoại giao an ninh - quốc phòng.

Lực lượng công an sẽ hợp tác chặt chẽ với các nước, nhất là các nước láng giềng trong đấu tranh, ngăn chặn ý đồ phá hoại của các đối tượng phản động; phòng, chống tội phạm, đảm bảo an ninh biên giới, biển đảo, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ lợi ích chung và của mỗi quốc gia trong khu vực.

Qua các phiên thảo luận, các đại biểu đều cơ bản nhất trí với báo cáo của Chính phủ, cho rằng 6 tháng đầu năm 2011, mặc dù đối diện nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với các giải pháp đồng bộ, quyết liệt nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội, nên tình hình kinh tế - xã hội đạt nhiều kết quả khả quan. Đơn cử, kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm ước đạt 42,33 tỉ USD, tăng 30,3% so với cùng kỳ, gấp 3 lần chỉ tiêu kế hoạch Quốc hội thông qua (10%). Nhập siêu bằng 15,72% tổng kim ngạch xuất khẩu (chỉ tiêu Quốc hội là không quá 18%). Thị trường ngoại hối chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, các đại biểu cũng chỉ ra những mặt còn hạn chế, đó là lạm phát còn cao, lãi suất ngân hàng cao kìm nén sự hoạt động của doanh nghiệp, tệ nạn xã hội, tội phạm, tai nạn giao thông diễn biến phức tạp. Sự phát triển của hệ thống giao thông chưa theo kịp sự phát triển của phương tiện giao thông…

Tân Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ủy viên Bộ Chính trị, đánh giá tình trạng tham ô, lãng phí, quan liêu, tiêu cực trong một bộ phận hiện nay là bức xúc mà nhân dân đang mong đợi giải quyết. Để làm được điều này cần sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị để tiếp tục chống tiêu cực, tham nhũng có hiệu quả hơn nữa. Trong đó, ưu tiên là tập trung vào thể chế chính sách, nhất là việc hoàn thiện thể chế, xây dựng chế độ công chức, công vụ hiệu quả, minh bạch, đặc biệt tập trung vào công tác cán bộ. Bởi dù thể chế có tốt đến mấy song nếu cán bộ nhũng nhiễu, tiêu cực, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp thì bộ máy công chức, công vụ vẫn không hoạt động thực sự hiệu quả. Phó Thủ tướng cho biết đây cũng sẽ là những trọng tâm trong công tác cải cách hành chính trong thời gian tới.

Trả lời báo chí bên lề kỳ họp, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh vào nội dung xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ nhằm tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất phát triển cũng như phục vụ đời sống nhân dân. Đây cũng là 1 trong 3 đột phá chiến lược mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã xác định. Theo Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, trước hết muốn huy động các nguồn lực tốt thì nguồn vốn của Nhà nước là phần quan trọng để định hướng đầu tư. Bên cạnh đó cũng phải huy động các nguồn lực khác trong xã hội cũng như tranh thủ các nguồn vốn của nước ngoài để đầu tư vào các lĩnh vực Nhà nước đang cần đầu tư nhưng trên cơ sở bảo đảm an ninh tài chính quốc gia. Chia sẻ về chính sách thuế, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết, điều quan trọng là thuế phải thúc đẩy sản xuất kinh doanh chứ không phải thu thuế để doanh nghiệp và người dân khó khăn thêm.

Các Bộ trưởng, với tư cách "Tổng tư lệnh" trên lĩnh vực mình phụ trách, cũng đã bày tỏ quan điểm sau khi được Quốc hội phê chuẩn. Tân Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ cho rằng dù kinh tế thế giới cũng như kinh tế Việt Nam gặp nhiều khó khăn và thách thức, nhưng nhiệm kỳ tới cũng có những thuận lợi căn bản. Theo tân Bộ trưởng Tài chính, chính sách tài chính quốc gia trong 5 năm tới sẽ hướng vào trọng điểm là động viên hợp lý mọi nguồn lực của đất nước nhằm phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh. Đồng thời phân bổ các nguồn lực này một cách đúng đắn và sử dụng có hiệu quả để nâng cao hiệu lực hiệu quả của chi tiêu công nhằm thực hiện thắng lợi Kế hoạch 5 năm cũng như Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm. Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho rằng, nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước là phải phối hợp linh hoạt chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ để tạo nên sự hài hòa giữa các lợi ích kinh tế, từ đó mà giữ ổn định cũng như phát triển đất nước.

Trong những ngày làm việc cuối cùng của Kỳ họp thứ Nhất Quốc hội khóa XIII còn bàn đến một nội dung quan trọng, đó là triển khai chủ trương nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 và thành lập ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Tờ trình do Chủ nhiệm ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày nêu ra 7 định hướng lớn sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992. Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị phải làm rõ tư tưởng "quyền lực của nhà nước thuộc về nhân dân". Về chế độ chính trị, Hiến pháp phải tiếp tục khẳng định Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân. Hiến pháp sửa đổi cũng sẽ xác định rõ vai trò, quyền hạn, trách nhiệm của từng cơ quan trong tổ chức bộ máy Nhà nước. Đồng thời xây dựng và từng bước hoàn thiện cơ chế tăng cường kiểm tra, giám sát tính hợp hiến, hợp pháp trong hoạt động của các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp phù hợp với thể chế chính trị và thực tiễn Việt Nam.

Về Chủ tịch nước, cần xác định rõ trách nhiệm, quyền hạn của Chủ tịch nước trong thực hiện vai trò là nguyên thủ quốc gia, thống lĩnh các lực lượng vũ trang nhân dân. Nhiều ý kiến của đại biểu cho rằng trong lần sửa đổi này nên tập trung vào định hướng về tổ chức bộ máy Nhà nước sao cho phù hợp hơn trước tình hình mới, vận hội mới.

Dự kiến, nếu Nghị quyết về sửa đổi Hiến pháp 1992 được thông qua vào cuối kỳ họp này, theo lộ trình, ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp sẽ trình Quốc hội dự thảo sửa đổi Hiến pháp (lần thứ nhất) vào kỳ họp cuối năm 2012 trước khi tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân

Việt Ba
.
.