Tìm mọi cách để đưa 10.000 lao động Việt Nam tại Libya về nước an toàn

Thứ Hai, 28/02/2011, 15:55
Những ngày qua, tình hình bất ổn tại Libya đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống và việc làm của hơn 10.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại nước này. Cùng với nỗ lực của Chính phủ, hiện các doanh nghiệp xuất khẩu lao động (XKLĐ) cũng đã và đang tìm mọi giải pháp để đưa người lao động về nước an toàn.

2.000 lao động đã ra khỏi Libya

Theo ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, hiện có khoảng 10.000 lao động xây dựng Việt Nam đang làm việc tại Libya. Trong đó, có khoảng 2.000 lao động đang làm việc tại thành phố Bengazi, là thành phố xảy ra bạo loạn lớn, khoảng 5.000 lao động làm việc tại Tripoli cũng là vùng đang xảy ra biểu tình. Bộ cũng chỉ đạo đại diện doanh nghiệp tại Libya báo cáo kịp thời các vấn đề phát sinh, hướng dẫn người lao động không đi tới các nơi có biểu tình và tránh tụ tập đông người tại nơi công cộng. Người lao động được người sử dụng lao động yêu cầu ở tại khu nhà ở để bảo đảm an toàn.

Tại một số khu nhà ở an ninh không đảm bảo, người lao động đã được đưa vào những nơi an toàn hơn. Hiện nay, hầu hết người lao động Việt Nam đã không đi làm. Trong thời gian nghỉ việc, người lao động vẫn được cung cấp thực phẩm.

Theo ông Quỳnh, các chủ sử dụng lao động Việt Nam đã và đang xúc tiến đưa khoảng 2.000 lao động Việt Nam tại các khu vực nguy hiểm nhất sang các nước láng giềng của Libya như Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Malta, Tunesia... để từ đó đưa về Việt Nam.

Công nhân nước ngoài khẩn trương rời khỏi Libya.

Chiều 23/2, đã có một số đoàn, nhóm lao động Việt Nam được một số công ty Hàn Quốc, Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra khỏi Libya bằng đường bộ, đường hàng không và đường thủy để sau đó về nước. Ngày 25/2, đã có những lao động đầu tiên được đưa về bằng đường hàng không.

Tuy nhiên, để đưa được hết 10.000 lao động về nước là việc không đơn giản bởi hai sân bay của Libya đã ngừng hoạt động. Vì vậy, hiện phương án chủ yếu là đưa lao động sang các nước láng giềng bằng đường bộ và đường biển để từ đó đưa lao động về Việt Nam bằng đường hàng không. Chỉ khi nào tình hình tuyệt đối an toàn mới triển khai đưa lao động về nước bằng đường hàng không từ Libya.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đang phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Công an và các doanh nghiệp thành lập các tổ công tác sang các nước láng giềng của Libya để phối hợp với cơ quan đại diện đón, làm thủ tục và tổ chức cho người lao động về nước. "Bộ đã và sẽ huy động mọi phương tiện như đường bộ, đường biển, hàng không để đưa lao động về nước hoặc đến nơi trú chân an toàn" - Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định.

Những lao động mất giấy tờ tùy thân sẽ được cơ quan lãnh sự quán liên hệ với doanh nghiệp để đưa lao động về an toàn.       

Bộ Ngoại giao đã làm việc với các nước láng giềng của Libya và các nước có công dân tại Libya đề nghị cùng phối hợp đưa người lao động về nước; đồng thời yêu cầu sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế. Cùng với các cơ quan chức năng, những ngày qua, các doanh nghiệp cũng đã chủ động tìm các giải pháp để có thể đưa người lao động về nước an toàn.

Ông Nguyễn Xuân Vui, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ và Thương mại hàng không, doanh nghiệp hiện có 200 lao động đang làm việc tại Banghazi cho biết, công ty đã làm việc với đối tác là Công ty China State Construction Engineering Corp. của Trung Quốc. "Do khó khăn về đường hàng không nên Công ty China State đã quyết định sơ tán người lao động ra khỏi Libya bằng tàu biển qua đường Hy Lạp.

Ngày 26/2, toàn bộ 200 lao động của chúng tôi sẽ cùng với lao động người Trung Quốc của China State sẽ lên tàu về Thượng Hải; từ Thượng Hải, các lao động sẽ được chủ sử dụng mua vé máy bay về Việt Nam. Chậm nhất là 2 tuần nữa, các lao động sẽ về đến Việt Nam"- ông Vui cho biết.

Tạm thời khép lại một thị trường lớn

Trước khi xảy ra bất ổn, Libya từng được đánh giá là một thị trường nhiều tiềm năng với những chính sách ưu đãi cho lao động nước ngoài như không phải đóng thuế thu nhập hoặc bất kỳ khoản thuế phí nào khác trong suốt thời gian làm việc theo hợp đồng là 2 năm và có thể được gia hạn thêm 1 năm. Không những thế, chủ sử dụng còn cung cấp phương tiện đi lại cho người lao động. Vì vậy chỉ sau hơn 2 năm triển khai đã có 10.000 lao động Việt Nam sang làm việc tại Libya, chủ yếu tham gia các công trình xây dựng như cầu, đường, sân bay, nhà máy điện, trường học, bệnh viện, cảng biển và các công trình nhà ở dân dụng...

Cuối tháng 5/2010, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành quyết định phê duyệt đề án tăng cường quản lý lao động Việt Nam làm việc tại Libya, nhằm ổn định và phát triển thị trường. Đây được coi là thị trường mà Bộ LĐ-TB&XH triển khai rất thận trọng khi qua 6 tháng thẩm định, đề án mới được ban hành, các doanh nghiệp triển khai đề án cũng được chọn lọc kỹ lưỡng; đơn hàng cũng được cán bộ của Cục Quản lý lao động ngoài nước thẩm định tại Libya, đảm bảo mức lương tối thiểu và các điều kiện lao động khác mới được tiến hành đưa lao động sang. Đối với lao động phổ thông, mức lương tối thiểu là 220USD/tháng; đối với lao động có nghề là 250USD/tháng.

Theo đề án này, Việt Nam dự kiến sẽ đưa 5.000 đến 7.000 lao động sang Libya làm việc mỗi năm, trong đó 80% là lao động có nghề... Vì vậy, trước tình hình xảy ra tại Libya sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới công tác xuất khẩu lao động năm 2011

Nguyễn Thiêm
.
.