Tín hiệu hạ nhiệt trên bán đảo Triều Tiên

Thứ Hai, 20/11/2017, 15:50
Tình hình trên Bán đảo Triều Tiên tiếp tục chiếm phần lớn thời lượng của truyền thông quốc tế tuần qua. Bên cạnh việc Mỹ và Nhật mở cuộc tập trận mới, những cuộc đấu khẩu giữa Washington và Bình Nhưỡng tiếp tục diễn ra. Tuy nhiên, tín hiệu hạ nhiệt tình hình trên Bán đảo Triều Tiên đang đến từ Trung Quốc và Hàn Quốc.

Hải quân Nhật và Mỹ hôm 16-11 mở màn cuộc tập trận trên biển, trong cuộc biểu dương lực lượng được cho là nhắm vào Triều Tiên. Theo AFP, cuộc thao dượt dự trù sẽ kéo dài trong 10 ngày với sự tham dự của khoảng 14.000 quân Mỹ, hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan với các chiến hạm trực thuộc trong hải đội như khu trục hạm USS Stethem, USS Chafee và USS Mustin cùng các chiến hạm khác.

Thông cáo của Hải quân Mỹ nói rằng cuộc tập trận diễn ra ở vùng biển quanh đảo Okinawa ở về phía nam nước Nhật. Hiện Triều Tiên chưa có phản ứng đối với cuộc tập này.

Tuy nhiên trên bình diện Mỹ-Triều Tiên, trong những ngày qua vẫn diễn ra các màn đấu khẩu. Ngày 15-11, báo Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên, có bình luận về bài phát biểu của ông Trump trước Quốc hội Hàn Quốc ngày 8-11, theo đó, ông Trump đã mô tả một hình ảnh tồi tệ về một Triều Tiên...

Ông Trump không đưa ra chứng cứ nào cho sự cáo buộc này. Nhà lãnh đạo Mỹ cũng thẳng thừng cảnh cáo nhà lãnh đạo Kim Jong-un về chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng. Tổng thống Trump đã dùng ngôn từ cứng rắn nhất đối với Triều Tiên trong bài diễn văn: “Đừng xem thường chúng tôi, và chớ nên thách đố chúng tôi”, đồng thời kêu gọi các nước trên thế giới cô lập Bình Nhưỡng, bằng cách không dành cho Triều Tiên “bất kỳ hình thức ủng hộ, công nhận hoặc viện trợ nào”.

Đáp trả những phát biểu trên, tờ Rodong Sinmun nhắc lại ý tưởng quân dân Triều Tiên sẽ không hèn nhát đối đầu với Mỹ và coi phát biểu của ông Trump là “tuyên bố chiến tranh”. Bài bình luận kể “tội” của ông Trump, đó là phê phán nhà lãnh đạo Kim Jong-un, xã hội Triều Tiên, lối sống và lịch sử của Triều Tiên.

Liên quan tới những diễn biến tại Triều Tiên, nước này đã ngưng phóng tên lửa hoặc thử hạt nhân trong 2 tháng qua. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un cũng ngưng thị sát các cơ sở hạ tầng quân sự. Những lần xuất hiện trước công chúng Triều Tiên gần đây của ông ở mảng kinh tế, với những chuyến thăm các xí nghiệp, chợ trái cây và thậm chí hôm 15-11, ông lái máy cày... để nhằm bác bỏ những thông tin Triều Tiên thiếu lương thực nghiêm trọng.

Hải Quân Mỹ và Nhật tập trận trên biển quanh đảo Okinawa.

Trong lúc này, tín hiệu hạ nhiệt cho Bán đảo Triều Tiên tiếp tục xuất hiện. Ngày 15-11, Chủ tịch đảng cầm quyền ở Hàn Quốc, bà Choo Mi-ae, tuyên bố “Tổng thống Mỹ Donald Trump trong bất kỳ trường hợp nào chớ nên có hành động quân sự chống lại Triều Tiên mà không có sự đồng thuận của Chính phủ Hàn Quốc”.

Phát biểu của bà Choo cho thấy mối quan ngại rằng các cuộc tấn công của Mỹ nhắm vào chương trình hạt nhân và tên lửa Bình Nhưỡng sẽ khiêu khích Triều Tiên trả đũa Hàn Quốc. Khi ghé thăm Seoul tuần trước, ông Trump khuyến cáo Triều Tiên rằng Mỹ sẵn sàng dùng sức mạnh quân sự toàn diện để ngăn bất kỳ cuộc tấn công nào từ Triều Tiên.

“Tổng thống Trump thường nhấn mạnh là đặt mọi phương án lên bàn. Chúng tôi muốn bảo đảm là phương án về một cuộc chiến nữa không được bàn tới…”, bà Choo nói. Bà Choo nhấn mạnh “Chúng ta phải tìm giải pháp hòa bình cho vấn đề bằng mọi cách thức có thể”. “Chính phủ Hàn Quốc đang cố gắng giảm thiểu bất kỳ bất đồng nào giữa Washington với Seoul trong vấn đề này”, bà Choo cho biết thêm.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cổ súy đường hướng đối thoại với Bình Nhưỡng và tuyên bố Seoul ủng hộ chính sách làm áp lực tối đa lên Bình Nhưỡng bằng chế tài và không có chuyện đối thoại suông.

Một tín hiệu mừng khác đến từ Trung Quốc. Ngày 15-11, nước này thông báo sẽ gửi đặc sứ đến Triều Tiên vào 17-11. Theo Tân Hoa Xã, ông Tống Đào, trưởng Ban Liên lạc Đối ngoại Trung ương Đảng, đặc phái viên của Chủ tịch Tập Cận Bình được chính thức giao nhiệm vụ thông tin cho Bình Nhưỡng những diễn tiến liên quan đến Đại hội Đảng 19 hồi giữa tháng 10. Hãng tin Triều Tiên KCNA sau đó đã xác nhận tin trên.

Đây là lần đầu tiên một quan chức cao cấp Trung Quốc được phái đến Bình Nhưỡng, từ sau chuyến viếng thăm của Thứ trưởng Ngoại giao Lưu Chấn Dân tháng 10-2016. Chủ tịch Tập Cận Bình chưa hề gặp lãnh đạo Triều Tiên kể từ khi ông Kim Jong Un lên nắm quyền cuối năm 2011.

Không hề có thông tin cụ thể về việc ông Tống Đào, trong thời gian công du Triều Tiên có gặp nhà lãnh đạo Kim Jong Un hay không. John Delury, phó giáo sư Đại học Yonsei tại Seoul, cho biết, rất có thể các quan điểm về hạt nhân sẽ được đưa ra trong chương trình nghị viện.

“Cho dù có các trao đổi về chương trình hạt nhân Triều Tiên, tôi cũng không cho rằng sẽ có thay đổi rõ ràng. Có thể đơn giản chỉ là các trao đổi về các vị trí lâu dài của hai nước”, ông nói trên CNN.

“Nếu ông Tống Đào có cuộc gặp gỡ với nhà lãnh đạo Kim Jong Un, đây sẽ là tín hiệu cởi mở về quan hệ cải thiện giữa Trung Quốc và Triều Tiên. Tuy nhiên, tôi hoàn toàn ngạc nhiên nếu điều đó xảy ra”, ông Delury nói thêm.

Trong cuộc hội đàm với Chủ tịch Tập Cận Bình tuần trước, ông Donald Trump đã cổ vũ đồng nhiệm Trung Quốc gia tăng áp lực đối với Triều Tiên. Theo ông Trump, Trung Quốc có thể giải quyết vấn đề này dễ dàng và nhanh chóng. Phát biểu tại Nhà Trắng ngày 15-11 khi kết thúc chuyến thăm châu Á, ông Trump cho biết ông cho rằng đã thành công trong việc kiềm chế Triều Tiên.

Ông Trump nêu ra việc Nhật Bản thông báo trừng phạt Triều Tiên, và Chủ tịch Tập Cận Bình hứa hẹn sẽ dùng ảnh hưởng lớn về kinh tế để đạt đến việc Bình Nhưỡng giải trừ hạt nhân.

Hồi cuối tháng 9-2017, Bắc Kinh đã ra lệnh cho các công ty Triều Tiên làm ăn tại Trung Quốc phải ngưng hoạt động từ nay đến tháng 1-2018, đồng thời cam kết giảm xuất khẩu sản phẩm dầu lọc cho Bình Nhưỡng. Chuyến đi của đặc sứ Trung Quốc tới Triều Tiên lần này có thể là một nỗ lực nhằm hàn gắn quan hệ đồng minh của hai nước vốn đã là láng giềng thân thiết, CNN nhận định.

M.T. (tổng hợp)
.
.