Tín hiệu mới cho tiến trình hòa bình Syria
Nước Mỹ không tham gia và cũng không được nhắc đến trong cuộc họp gợi lên câu hỏi liệu Washington có đứng ngoài công cuộc tái thiết Syria sau chiến tranh hay không?
Cuộc họp ở Istanbul có sự tham gia đầy đủ của lãnh đạo 4 nước, gồm Tổng thống nước chủ nhà Recep Tayyip Erdogan, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel. Đây là lần đầu tiên, lãnh đạo Nga, Đức, Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ cùng ngồi lại để thảo luận các vấn đề liên quan đến cuộc nội chiến Syria, khi cuộc chiến này đang đi vào “hạ màn”.
Không có đột phá nào được tạo ra, bởi dù sao đây cũng chỉ là bước đệm chuẩn bị cho hướng đi sắp tới. Trong thông cáo chung sau cuộc họp, lãnh đạo 4 quốc gia dự họp đã thống nhất quan điểm duy trì trạng thái đình chiến tạm thời ở thành phố Idlib, nơi được xem là “ốc đảo” còn lại duy nhất của phiến quân Syria.
Lãnh đạo 4 nước tham dự cuộc họp. |
Theo đó, các bên Syria phải tiếp tục thực hiện nghiêm túc thỏa thuận ngừng bắn, đồng thời, một ủy ban soạn thảo hiến pháp sẽ được thành lập để soạn thảo bản hiến pháp mới cho Syria dự kiến bắt đầu vào cuối năm nay.
Các bên tham gia có những mối bận tâm và “lợi ích” khác nhau tại cuộc họp và cả trong công cuộc tái thiết Syria. Về cơ bản, nước Nga giữ lập trường duy trì những biện pháp hòa bình hiện hữu tại Syria đã được thiết lập sau một thỏa thuận giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 9-2018.
Phát biểu tại cuộc họp, Tổng thống Nga Putin nêu quan điểm cần duy trì một vùng đệm phi quân sự rộng 15-20 km bao bọc quanh thành phố Idlib như một giải pháp tạm thời nhằm ngăn chặn bất kỳ đột biến nào xảy ra gây bất ổn cho tình hình Syria.
Theo thỏa thuận tháng 9-2018, quân đội Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ cùng phối hợp tuần tra chung nhằm ngăn chặn việc vi phạm ngừng bắn của các bên liên quan. Tuy nhiên, để duy trì hòa bình tại Idlib, Tổng thống Putin kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ tạo điều kiện cho thành phần đối lập có vũ trang rút khỏi thành phố này một cách êm thấm.
Ông khẳng định, Moscow có quyền giúp Damascus quét sạch các phần tử khủng bố ở Idlib nếu xảy ra bất kỳ hành động khiêu khích nào. Việc duy trì trạng thái ngừng bắn chỉ là tạm thời nhằm tạo điều kiện tiến hành những bước triệt thoái, giải giáp các nhóm phiến quân đối lập, tiến tới việc chuyển giao quyền kiểm soát thành phố Idlib cho Chính phủ Syria.
Với Thổ Nhĩ Kỳ, cuộc họp Istanbul được xem là một thắng lợi về mặt ngoại giao. Một bình luận viên của đài Al Jazeera cho rằng, việc lôi kéo được các lãnh đạo EU đến bàn hội họp để thảo luận vấn đề Syria mà không cần có Mỹ hay các thành phần khác tham gia. Ý nghĩa của việc đó là, Ankara đã thể hiện được vai trò “cường quốc” của mình trong khu vực, có thể tham gia giải quyết các vấn đề khu vực mà không cần sự có mặt của “siêu cường” (Mỹ).
Cách đây vài tháng, Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ từng phối hợp tổ chức một hội nghị ngoại giao bàn về vấn đề Syria tại Astana, thủ đô Kazakhstan, và cũng lôi kéo được các lãnh đạo EU tham gia. Đó có thể được xem là sự khởi đầu cho một chiều hướng mới. Joshua Landis, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Đông của Đại học Oklahoma, mô tả cuộc họp Istanbul là bước đi “thoát ly” khỏi tiến trình đàm phán Geneva được Liên Hiệp Quốc bảo trợ, đồng thời là một động thái “bất tín nhiệm” đối với nước Mỹ trong vấn đề Syria.
Với việc mời lãnh đạo EU tham gia cuộc họp, Ankara muốn mượn EU làm đối trọng với nước Nga nhằm duy trì trạng thái ổn định tại Idlib, qua đó đảm bảo rằng quân đội Nga và Syria sẽ không xua đuổi các phiến quân từ Idlib chạy sang Thổ Nhĩ Kỳ. Cuộc chiến Syria, đối với Thổ Nhĩ Kỳ mà nói, là một nỗi lo canh cánh bên hông.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan muốn thể hiện vai trò của mình không cần sự góp mặt của Mỹ. |
Cái lo thứ nhất là vấn đề người tị nạn từ Syria tràn sang gây nên những xáo trộn, bất ổn về kinh tế, xã hội. Từ đầu cuộc chiến, Thổ Nhĩ Kỳ đã phải đón nhận hơn 3 triệu người Syria chạy khỏi cuộc nội chiến. Tổng thống Erdogan cho rằng, những người tị nạn đó phải được hồi hương, quay trở về Syria sinh sống, và điều đó phải được thực hiện một cách tự nguyện, họ phải được bảo đảm an toàn khi trở về. Ông Erdogan khẳng định việc này có thể được thực hiện với sự hợp tác của Liên Hiệp Quốc.
Cái lo thứ hai của Ankara chính là vấn nạn phiến quân Hồi giáo cực đoan lợi dụng lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ làm “căn cứ” để tiến hành những cuộc tấn công vào Syria. Không những thế, Ankara còn lo cả việc thành phần người Kurd ở miền Bắc Syria nhân cơ hội cuộc nội chiến và cuộc chiến chống IS để mở rộng vùng lãnh thổ kiểm soát, có nguy cơ lấn chiếm sang lãnh thổ giáp ranh của Thổ Nhĩ Kỳ. Để ngăn chặn nguy cơ này, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đang duy trì những cuộc công kích sang lãnh thổ miền Bắc Syria.
Thủ tướng Đức Merkel và Tổng thống Pháp Macron tham gia cuộc họp mang theo cùng nỗi lo về vấn đề người tị nạn. Bà Merkel không thể nào quên được cuộc khủng hoảng di dân hồi năm 2015 diễn ra tồi tệ như thế nào, và vấn đề người di cư đã trở thành mối họa cho chính trị nước Đức suốt từ đó đến nay.
Đảng CDU và đồng minh CSU của bà vừa trải qua 2 thất bại thảm hại trong 2 cuộc bầu cử địa phương vừa diễn ra tại bang Bavaria và Hesse. Vì vậy, bà không có mong muốn nào lớn hơn việc phải duy trì Idlib ở trạng thái “yên tĩnh”, không muốn có thêm cuộc tấn công nào từ phía quân đội Syria vào thành phố này.
Mọi sự đột biến từ Idlib đều có nguy cơ làm tái diễn làn sóng di cư sang châu Âu, nỗi ám ảnh đối với các lãnh đạo như bà Merkel. Bên cạnh đó, bà cũng nhắc lại lời kêu gọi sớm tiến hành cuộc bầu cử với sự tham gia của tất cả các bên ở Syria, để “người Syria quyết định tương lại đất nước họ”.
Công cuộc tái thiết Syria sau nội chiến sẽ bắt đầu sau khi hiến pháp mới được ban hành và bầu cử được tổ chức. Trong suốt tiến trình này, liệu có thể vắng mặt người Mỹ được không? Giới bình luận cho rằng điều đó là không thể. Ngay khi tham gia cuộc họp Istanbul này, Tổng thống Pháp Macron cũng đang thực hiện vai trò “môi giới” cho một cuộc hòa giải Nga - Mỹ. Ông cũng dự tính sẽ tổ chức một cuộc gặp mặt cấp cao tại Paris trong thời gian tới.