Tín hiệu “phá băng” mới trong quan hệ Cuba - Mỹ

Thứ Ba, 09/06/2009, 17:05
Cuba vừa đáp trả một cách tích cực đề xuất của Mỹ trong việc mở lại đối thoại về vấn đề di cư từ Cuba sang Mỹ, vốn bị cắt đứt từ năm 2004 dưới thời chính quyền Tổng thống George Bush. Đề xuất mới này của Mỹ cho thấy sự cởi mở của chính quyền Tổng thống Obama trong cố gắng hàn gắn quan hệ với quốc gia láng giềng Cuba.

Đề xuất của Mỹ được phát đi từ hôm 22/5 vừa qua sau khi một quan chức thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo: "Chúng tôi muốn tận dụng việc khôi phục các cuộc thương lượng nhằm tái khẳng định cam kết của cả hai bên về việc nhập cư hợp pháp và có trật tự". Theo quan chức giấu tên này, Washington hy vọng các cuộc đàm phán mới sẽ "cải thiện quan hệ với La Havana về vấn đề nhập cư".

Đến ngày 31/5 thì Cuba đã chính thức chấp thuận đề xuất trên của Mỹ đồng thời đồng ý mở lại các dịch vụ trao đổi thư từ trực tiếp giữa hai chính phủ. Việc thông tin giữa Washington và La Havana trong nhiều thập niên qua chỉ được tiến hành thông qua một nước thứ ba.

Tín hiệu “phá băng” mới trong quan hệ Cuba - Mỹ được đưa ra trước thềm Hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OEA) mà theo chương trình nghị sự, vấn đề về Cuba sẽ là chủ đề chính của các cuộc thảo luận.

Ngày 31/5 vừa qua, Trưởng phụ trách bộ phận quan hệ Cuba tại Mỹ, Jorge Bolanos, đã chuyển tới giới quan chức Mỹ một số tài liệu ghi rõ Cuba muốn nối lại đàm phán với Mỹ về vấn đề nhập cư và bắt đầu các cuộc thương thảo dựa trên thư từ trực tiếp. Thông tin này được một quan chức giấu tên của Bộ Ngoại giao Mỹ xác nhận. Tuy nhiên, người này cũng cho biết hiện Cuba và Mỹ còn tiếp tục thảo luận để thống nhất về địa điểm và lịch trình nhằm nối lại đàm phán vốn bị ngưng trệ từ năm 2003 cho đến nay.

Vấn đề nhập cư sẽ là chủ đề chính và trước tiên trong các cuộc thảo luận sắp tới giữa Cuba và Mỹ. Giới chức ngoại giao Mỹ cũng khẳng định rằng Cuba còn tỏ rõ thiện chí đối thoại với Mỹ trên nhiều vấn đề khác như chống buôn lậu ma túy, chống khủng bố và hợp tác trong công tác chế ngự thảm họa thiên nhiên. "Đây là một bước tiến lớn trong quan hệ song phương giữa Mỹ và Cuba trong nhiều năm trở lại đây" - quan chức trên nhận xét.

Ba tháng sau khi bước vào Nhà Trắng, Tổng thống Barack Obama đã ra lệnh nới lỏng các biện pháp hạn chế cấm người Mỹ sang Cuba du lịch. Ông Obama cũng tạo điều kiện dễ dàng hơn để người Mỹ gốc Cuba có thể gửi tiền về quê nhà. Việc gửi thuốc men và thực phẩm cũng được nới lỏng.

Theo đó, người Mỹ gốc Cuba sẽ được phép về thăm Cuba mỗi năm một lần và được gửi tiền không hạn chế cho gia đình tại quê nhà. Các biện pháp này là một phần trong dự luật trị giá 410 tỉ USD cấp cho các hoạt động của Chính phủ Mỹ. Dự luật này đảo ngược lại những quy định mà chính quyền Bush áp dụng khi trước, vốn hạn chế thời gian đi lại của người Mỹ gốc Cuba là cứ 3 năm họ mới được thăm nhà hai tuần, và chỉ được phép đi thăm gia đình trực hệ.

Sự kiện này đánh dấu sự mềm dẻo đầu tiên trong chính sách của Mỹ đối với Cuba. Mặc dù, chính quyền Obama đã thừa nhận chính sách của Mỹ với Cuba đã "thất bại", nhưng vẫn chưa dỡ bỏ lệnh cấm vận kéo dài 47 năm qua với Cuba.

Dù vậy, hồi đầu tháng 5 vừa qua, một quan chức cấp cao của đảng Dân chủ Mỹ cho rằng lệnh cấm vận Cuba chắc chắn sẽ được Quốc hội Mỹ khóa này dỡ bỏ, kỳ hạn kết thúc nhiệm kỳ Quốc hội khóa hiện tại ở Mỹ là cuối năm 2010. Còn nhớ khi ký dự luật nới lỏng cấm vận Cuba hồi tháng 4/2009, ông Obama cho biết ông ủng hộ những thay đổi và sẵn sàng đối thoại với Cuba. Chủ tịch Cuba, Raul Castro, khi đó nói rằng ông đã chuẩn bị để thương thuyết với chính quyền mới của Mỹ, miễn là người Mỹ không đưa ra các điều kiện tiên quyết.

Thông báo nối lại đàm phán lần này diễn ra đúng 2 ngày trước khi Hội nghị thượng đỉnh quy tụ 35 nước châu Mỹ nhóm họp tại Honduras. Chủ đề chính của hội nghị lần này là xem xét khả năng đưa Cuba trở lại làm thành viên của OEA. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton rất được mong đợi tại hội nghị này.

Đây là lần đầu tiên kể từ nhiều thập niên gần đây, OEA xem xét nghiêm túc vấn đề về Cuba mặc dù các cuộc họp chuẩn bị trước đó có xuất hiện một số quan điểm trái chiều chưa cho phép dự báo được kết quả cụ thể của hội nghị chính thức.

Phần lớn các nước Mỹ Latinh đều yêu cầu xem xét lại ngay lập tức và vô điều kiện Nghị quyết năm 1962, theo đó Cuba đã bị trục xuất khỏi OEA và tổ chức này đã hợp tác với Mỹ tẩy chay thương mại với Cuba trong thập niên sau đó, nhưng Washington luôn phản đối việc Cuba trở lại tổ chức này vì cho rằng chưa chứng tỏ những tín hiệu cần thiết. Trước nhận xét này, Cuba khẳng định sẽ không bao giờ chấp nhận tái gia nhập "xác chết chính trị" OEA và dự định sẽ thành lập một tổ chức các nước châu Mỹ mới mà không có Mỹ tham gia.

Mặc dù vậy, các chuyên gia phân tích cho rằng một số thành viên của OEA cũng muốn sử dụng vấn đề này để buộc Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận đối với Cuba từ năm 1962. Thực tế thì từ năm 1975, OEA đã dỡ bỏ mọi lệnh cấm vận chống Cuba và cả Mexico cùng Canada đều thiết lập quan hệ ngoại giao với Cuba. Cả hai nước đều hy vọng Mỹ muốn nối lại quan hệ với Cuba không còn cách nào khác là phải mở rộng quan hệ thương mại, văn hóa và ngoại giao. Đến nay Mỹ là quốc gia duy nhất trong OEA không chấp nhận bình thường hóa quan hệ với Cuba.

Hội nghị thượng đỉnh các nước châu Mỹ, nhóm họp hồi tháng 4 vừa qua tại Trinidad và Tobago, kết thúc mà không đưa ra được tuyên bố chung nào do các nước tham dự không đạt được thỏa thuận về vấn đề Cuba

Quốc Hùng (Tổng hợp)
.
.