Tin tặc không thể phá hoại cuộc bầu cử Tổng thống Pháp

Thứ Tư, 10/05/2017, 14:20
Bộ Nội vụ Pháp ngày 8-5 đã công bố kết quả cuối cùng cuộc bầu cử tổng thống vòng 2 của nước này, theo đó ứng cử viên Emmanuel Macron đã giành được 66,1% số phiếu bầu, trong khi đối thủ Marine Le Pen (Ma-rin Lơ Pen) thuộc đảng Mặt trận quốc gia (FN) đạt 33,9% số phiếu. Kết quả này đưa ông Emmanuel Macron, cựu Bộ trưởng Kinh tế 39 tuổi, trở thành tổng thống thứ 8 của Pháp và sẽ là tổng thống trẻ nhất từ trước đến nay.

Không ngủ quên trên chiến thắng

Cũng trong ngày 8-5, Tổng thống Pháp sắp mãn nhiệm Francois Hollande cho biết ông Emmanuel Macron sẽ nhậm chức tổng thống vào ngày 14-5 tới, tại Điện Elysee. Nguyên thủ nhiều quốc gia trên thế giới đã chúc mừng ông Emmanuel Macron. Mừng nhất có lẽ là các nhà lãnh đạo châu Âu và Liên minh châu Âu (EU). Việc người dân Pháp bỏ phiếu bầu ông Emmanuel Macron - một chính trị gia ủng hộ EU - làm tổng thống thay vì chọn bà Marine Le Pen có tư tưởng hoài nghi châu Âu đang tạo ra sự lạc quan ở Brussels.

Các quan chức hàng đầu châu Âu ca ngợi chiến thắng của ông là cuộc sát hạch vô cùng cần thiết đối với làn sóng dân túy đã tạo ra một Brexit. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker tuyên bố: “Thật vui mừng vì người Pháp đã chọn tương lai châu Âu”.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cảnh báo rằng tham vọng của ông Macron về sự thay đổi sâu sắc trong EU sẽ vấp phải thách thức. Chuyên gia phân tích Holger Schmieding thuộc Ngân hàng Berenberg ở Đức cho rằng kết quả này “cũng là lời cảnh báo mạnh mẽ rằng các cử tri đã quay lưng với các đảng theo xu hướng chủ đạo truyền thống. Có tới gần một nửa số cử tri đã bỏ phiếu cho các ứng cử viên chống EU ở vòng đầu tiên”.

Người dân Pháp bày tỏ vui mừng với kết quả bầu cử. Ảnh: EPA.

Chủ tịch Nghị viện châu Âu Antonio Tajani cho rằng ông Macron và những người đang ăn mừng chiến thắng của ông không nên bỏ qua những bài học của bà Le Pen: “Chúng ta phải bắt đầu hành động để thay đổi châu Âu bởi chúng ta không thể đánh giá thấp những cử tri đã bỏ phiếu cho bà Le Pen cũng như những người không đi bầu”.

Chiến thắng ngoạn mục

Ông Macron, cựu Giám đốc Ngân hàng đầu tư và cựu Bộ trưởng Kinh tế Pháp muốn “tiếp sức” cho EU và Eurozone một cách mạnh mẽ hơn bất cứ nhà lãnh đạo nào ở châu Âu. Những thay đổi mà ông mong muốn là mang lại cho EU nhiều quyền lực hơn. Những cam kết của ông Macron bao gồm một kế hoạch lập ngân sách riêng cho 19 nước thành viên Eurozone. Ông cũng đề xuất nên có nghị viện và bộ trưởng tài chính riêng của Eurozone.

Nhà phân tích Amandine Crespy của trường Đại học ULB ở Brussels cho rằng chương trình cải cách của ông Macron “hoàn toàn phù hợp với khuôn khổ châu Âu”.

Theo tờ New York Times, vòng 2 của cuộc bầu cử Tổng thống Pháp đã vượt ra ngoài khuôn khổ hoạt động chính trị của một quốc gia đơn thuần. Đó chính là sự đối đầu của toàn cầu hóa chống lại chủ nghĩa dân tộc. Ông Macron đã thể hiện sự bình tĩnh làm chủ các vấn đề quan trọng mà nước  Pháp đang đối mặt. Trong khi bà Le Pen “chìm vào” các tiểu tiết.

Ông cũng là người may mắn. Bốn tháng trước, ông bị bỏ xa, chỉ đứng thứ ba trong các cuộc thăm dò dư luận, với một phong trào không theo đảng phái nào được coi là đầy hứa hẹn nhưng chưa chín muồi. Tuy nhiên, đó chỉ là những gì diễn ra trước khi ứng cử viên hàng đầu Francois Fillon - một người theo quan điểm trung hữu bị ảnh hưởng bởi bê bối tham ô, điều giúp ông Macron vươn lên trong vòng bỏ phiếu đầu tiên vào tháng 4-2017 để bước vào cuộc so găng cuối cùng với bà Le Pen. Và ông Macron đã may mắn khi đối đầu với bà Le Pen, một ứng cử viên bị đa số cử tri Pháp coi là không thể chấp nhận được.

Các chuyên gia nhận định, trước khi có may mắn thì ông Macron cũng được đánh giá là có kỹ năng chính trị vượt trội. Ông Macron đã thể hiện rất nhiều kỹ năng ấn tượng ngay từ đầu, vượt trội nhiều ứng cử viên kỳ cựu khác. Trước tiên, ông đã rất sáng suốt khi từ bỏ quan hệ với “người sếp cũ”, Tổng thống đảng Xã hội không được lòng dân Francois Hollande, với việc từ chức Bộ trưởng Kinh tế dưới thời Chính phủ ông Hollande trước khi quá muộn.

Ông Macron và vợ được nhiều người dân Pháp chúc mừng. Ảnh: Daily Mail.

Sau đó, ông đã từ chối tham gia vào cuộc bỏ phiếu lựa chọn ứng cử viên của đảng Xã hội hồi tháng 1-2017, và đánh giá chính xác rằng các nhà hoạt động chính trị sẽ chi phối cuộc bỏ phiếu và lựa chọn ứng cử viên cực tả. Ông đã chọn đường đi riêng, thể hiện mình là người theo quan điểm trung dung, hài hòa giữa việc bảo vệ hệ thống phúc lợi xã hội của Pháp với việc khuyến khích các doanh nghiệp, nhằm đưa Pháp thoát khỏi sự đình trệ trong năng suất và việc làm.

Thêm một điều may mắn của ông Macron chính là việc bà Le Pen trong quá trình tranh cử ngày càng mắc sai lầm khi vội vã tập trung vào các vấn đề nhạy cảm: hứa hẹn tiến hành tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân về việc rút Pháp khỏi EU ngay sau khi đắc cử, giảm thuế...

Cũng giống như ông D.Trump, “thủ lĩnh của phe cực hữu” tại Pháp đã thu hút sự ủng hộ của người lao động thông qua những cam kết về xây dựng những hàng rào bảo hộ để lấy lại việc làm cho người Pháp. Trong khi đó, các cuộc thăm dò dư luận cho thấy khoảng 70% người dân Pháp ngày càng tỏ ra thận trọng và cảnh giác với việc rời bỏ EU, nhất là sau sự kiện Brexit.

Bà Le Pen nhận thấy rằng bà khó có thể giành chiến thắng nếu không làm dịu đi mối lo sợ về một “Frexit” đột ngột. Vì vậy, bà rút lại ý định của mình. Bà Le Pen cũng rút lại những tuyên bố về việc từ bỏ đồng euro. Những quyết định gây bối rối vào phút chót đã khiến người ta không khỏi hoài nghi về năng lực của bà Le Pen. Điều này đã làm cho các cử tri vô cùng hoang mang và không giành cho bà sự tin tưởng.

Vượt qua những âm mưu

Cũng giống như cuộc bầu cử ở Mỹ, kịch tính tới phút chót và đều có kịch bản giống nhau là cả Mỹ và Pháp đều đưa ra tuyên bố sẽ điều tra vụ hack email ứng viên tổng thống. Pháp đã tuyên bố mở cuộc điều tra vụ hàng nghìn email, thông tin kế toán và các tài liệu khác của ông Emmanuel Macron bị đưa lên mạng ngay trước “giờ G” của cuộc bầu cử diễn ra hôm 7-5.

Luật của Pháp cấm tất cả các hình thức tranh cử trong vòng 24 giờ trước ngày bầu cử, kể cả từ phía các ứng viên hay truyền thông. Tin tức về vụ tấn công email được phát đi chỉ vài giờ trước khi lệnh cấm có hiệu lực hôm 6-5. Vậy mà khoảng 9 Gb dữ liệu, bao gồm hàng nghìn email, thông tin kế toán và các tài liệu khác, đã được một tài khoản tên EMLEAKS đưa lên Pastebin, một trang web cho phép chia sẻ thông tin một cách nặc danh.

Ban bầu cử của ông Macron cho rằng đây là hành động nhằm “làm mất ổn định nền dân chủ, cũng như hiện tượng đã xảy ra trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ”. Ủy ban Bầu cử tổng thống của Pháp đã nhóm họp vào cuối ngày 6-5 sau khi nhận được xác nhận của ông Macron.

Tổng thống Pháp Francois Hollande cũng tuyên bố sẽ đáp trả vụ tấn công mạng nhằm vào ông Emmanuel Macron. “Chúng ta biết rằng luôn có nhiều nguy cơ xảy ra trong các chiến dịch tranh cử tổng thống vì điều này từng xảy ra ở cả những nơi khác. Tuy nhiên, không thể để mọi thứ trôi qua mà không có sự đáp trả”, AFP dẫn lời Tổng thống Hollande. Có lẽ đã nhìn thấy bài học nhãn tiền từ nước Mỹ, ông Hollande và các cơ quan an ninh Pháp đã rất cảnh giác.

“Bởi vì chúng ta hiểu rằng đã xảy ra những hoạt động như vậy và đã tồn tại những mối đe dọa như vậy nên chúng ta phải cảnh giác cao độ”, Tổng thống Hollande nói.

Ngoài Tổng thống Hollande, Ủy ban Bầu cử Pháp cũng đưa ra tuyên bố cứng rắn trong vụ tấn công mạng nhằm vào chiến dịch tranh cử của ứng viên Macron, khẳng định bất kỳ ai phát tán những thông tin này có thể bị quy vào tội hình sự. Đây không phải là vụ tấn công mạng đầu tiên nhằm vào chiến dịch tranh cử của ứng cử viên Macron. Chiến dịch tranh cử của ông liên tiếp bị đánh cắp dữ liệu mật kể từ tháng 1 năm nay.

Ngày càng có nhiều cuộc bầu cử bị tin tặc can thiệp phá hoại. Ảnh: AFP.

Thủ đoạn của những kẻ tấn công vào ứng viên hàng đầu Emmanuel Macron được ban vận động tranh cử của ông Emmanuel Macron chỉ ra là những hồ sơ bị tiết lộ đã được trộn lẫn với những tài liệu giả mạo “gieo rắc sự nghi ngờ, nhiễu loạn thông tin”, gây bất ổn và hoài nghi cho cử tri. Đúng như cách xảy ra trong cuộc bầu cử Mỹ khi ứng viên Tổng thống Mỹ Hillary Clinton đã hứng chịu một vụ rò rỉ tương tự và cũng nói các tài liệu thật đã bị xáo trộn với các tài liệu giả.

Rút kinh nghiệm từ nước Mỹ, để khắc phục hậu quả, Ủy ban Bầu cử Tổng thống Pháp đã cố gắng trấn an và hạn chế tối thiểu ảnh hưởng của vụ tấn công tin tặc đến quyết định của người dân. “Đêm cuối cùng trước thời khắc quan trọng nhất của đất nước và thể chế này, Ủy ban kêu gọi tất cả những người đang hiện diện trên Internet và các mạng xã hội, không chỉ giới truyền thông, mà còn là tất cả công dân Pháp cùng thể hiện trách nhiệm của mình, không chia sẻ hay phát tán các tài liệu bị rò rỉ”.

Truyền thông của Pháp cũng hành xử khác với Mỹ trong sự kiện tương tự. Nhiều tờ báo và các đài truyền hình chọn cách im lặng, né vấn đề này. Tờ Le Monde thì tuyên bố thẳng thừng trên trang web rằng sẽ không công bố bất kỳ nội dung nào của đống tài liệu bị rò rỉ trước ngày bầu cử, viện dẫn lý do “khối lượng tài liệu bị rò rỉ quá lớn, cần thời gian đánh giá chuẩn xác”.

Có thể thấy rõ, sự im lặng có tính toán của truyền thông Pháp đã giúp tiến trình bầu cử thuận lợi hơn, cho dù vẫn vô cùng kịch tính.

Châu Âu cảnh giác với “chiêu” dùng email phá hoại bầu cử

Ngay sau cuộc bầu cử, nhiều nước châu Âu đã gia tăng cảnh báo nạn tin tặc tấn công các cuộc bầu cử. EU vừa phát đi cảnh báo về việc các chiến dịch tranh cử tại châu lục này đang trở thành mục tiêu chống phá ưa thích của các tin tặc cũng như các thế lực đứng sau các nhóm này.

Theo EU, một loạt vụ tin tặc gần đây nhằm vào hệ thống bầu cử như Mỹ hồi năm ngoái hay ứng cử viên Tổng thống Pháp Emmanuel Macron mới đây cho thấy rõ điều này. Chính phủ các nước như Anh và Đức mới đây đã gia tăng cảnh báo, trong bối cảnh năm 2017 này được xem là năm bầu cử tại châu Âu.

Sự gia tăng các vụ rò rỉ thông tin quy mô lớn đã đặt ra câu hỏi về an ninh đối với các cuộc bầu cử lớn sắp diễn ra thời gian tới, mà trước tiên là cuộc bầu cử đang diễn ra tại Pháp, sau đó là cuộc bầu cử Quốc hội tại Anh vào ngày 8-6 tới và tại Đức vào ngày 24-9 tới.

Theo giáo sư Joern Mueller Quade, thuộc Viện Công nghệ Karlsruhe, Đức, không nên đánh giá thấp tầm quan trọng của an ninh mạng bởi tội phạm mạng có thể dẫn tới tê liệt toàn bộ nền kinh tế và chính trị của một nước.

Chuyên gia an ninh mạng Ewan Lawson thuộc Viện Nghiên cứu quân đội Hoàng gia Anh thì cho rằng, khả năng một vụ tấn công nhằm vào các cuộc bầu cử ở Anh không phải “là phi thực tế”. Người ta hoàn toàn có lý do để tin rằng sẽ xảy ra các vụ ăn cắp dữ liệu hay rò rỉ thông tin, nhất là khi hệ thống thông tin của các đảng phải chính trị rất dễ bị tấn công.

Để chống lại mối nguy cơ này, Chính phủ Anh đã thành lập Trung tâm An ninh mạng quốc gia, coi đây là một công cụ hữu hiệu nhằm bảo vệ đất nước chống lại các chiến dịch tấn công trên mạng. Tháng 4 vừa qua, Trung tâm an ninh mạng quốc gia cũng đã mời các đảng phái chính trị Anh tham gia những buổi hội thảo về an ninh mạng nhằm giúp họ trang bị công cụ bảo vệ phù hợp nhất cho các cuộc bầu cử sắp tới.

Thủ tướng Anh Theresa May cảnh báo, vấn đề không phải là biết cần phải làm gì khi có việc xảy đến, mà là biết thực hiện những biện pháp cần thiết để không ai có thể can thiệp vào tiến trình bầu cử.

Vấn đề đặt ra cũng tương tự ở Đức. Chính phủ nước này hồi cuối năm 2016 đã thông báo thành một một cơ quan an ninh mạng. Theo Giám đốc Cơ quan Tình báo nội địa Đức Hans-Georg Maassen, ngày càng xuất hiệu nhiều dấu hiệu dự báo nguy cơ các cuộc tấn công mạng nhằm vào các chính trị gia cũng như các thành viên Chính phủ Đức trước thềm cuộc tổng tuyển cử vào ngày 24-9 tới.

Cơ quan này cũng một lần nữa nhắc lại sự kiện ứng cử viên đảng Dân chủ xã hội Martin Schulz từng là nạn nhân của 1 chiến dịch bôi nhọ cho rằng bố của ông này từng là chỉ huy một trại tập trung.

Phát biểu trong cuộc gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin mới đây, Thủ tướng Đức Angela Merkel cảnh báo, tội phạm trong không gian mạng là một thách thức không chỉ đối với riêng nước Đức, châu Âu, mà là một thách thức mang quy mô quốc tế.

Nguyễn Hòa
.
.