Tình hình căng thẳng tại Syria sẽ không vượt tầm kiểm soát
Tuy nhiên, sau cuộc tấn công bằng tên lửa Tomahawk của Mỹ vào căn cứ không quân của Syria dường như đã phá vỡ mọi hy vọng cải thiện quan hệ song phương Nga-Mỹ và đẩy hai nước vào tiến trình đối đầu mới.
"Có thể nói rằng mức độ tin tưởng lẫn nhau trong các lĩnh vực, đặc biệt là quân sự không được cải thiện, thậm chí còn xấu đi", Tổng thống Nga Vladimir Putin nói khi được hỏi về mối quan hệ Nga-Mỹ. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ D.Trump thừa nhận quan hệ Mỹ - Nga “ở mức thấp chưa từng có”. Hiện giờ, chúng ta không hề hòa hợp với phía Nga.
Quan hệ với Nga có thể đang ở mức thấp chưa từng có", Reuters dẫn lời Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu hôm 12-4. Lời khẳng định của hai nhà lãnh đạo Nga-Mỹ đã cho thấy, hai nước đang nhìn thực chất vào mối quan hệ vốn đang đi xuống kể từ khi ông Trump làm chủ Nhà Trắng.
Ngoại trưởng Nga - Mỹ trong cuộc gặp tại Nga, ngày 13-4. Ảnh: The i newspaper. |
Bầu không khí căng thẳng trong quan hệ Nga-Mỹ được thể hiện rõ trong cuộc gặp giữa hai Ngoại trưởng hai nước. Ông R.Tillerson nhận được sự đón tiếp lạnh lùng hiếm gặp, thậm chí là thái độ thù nghịch, khi tới Moscow - chuyến thăm đầu tiên của một thành viên nội các của ông Trump tới thủ đô Nga. Ngoại trưởng Nga S.Lavrov đã chào đón người đồng cấp Mỹ bằng một bài phát biểu nói rằng cuộc tấn công của Mỹ vào Syria là bất hợp pháp, đồng thời cáo cuộc Washington hành động khó lường.
Trong cuộc gặp kéo dài 3 giờ đồng hồ, cả hai bên đều bày tỏ quan điểm cứng rắn, không bên nào chịu nhường bộ bên nào. Ông Lavrov tái khẳng định sự ủng hộ của Nga dành cho Chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad, tiếp tục phủ nhận những cáo buộc cho rằng quân đội của Assad là thủ phạm gây ra vụ tấn công bằng khí độc hồi tuần trước, đồng thời đưa ra thêm một giả thiết là vụ tấn công có thể do kẻ thù của Assad gây ra nhằm đổ lỗi cho Assad.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đến Nga mang theo thông điệp của các cường quốc phương Tây đòi Moscow phải dừng ngay sự ủng hộ dành cho chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Tại Nga, Ngoại trưởng Tillerson đã phát đi một tối hậu thư cho Nga, theo đó Nga phải lựa chọn hoặc đứng về phía Mỹ và phương Tây trong vấn đề Syria hoặc đứng về phía chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad, Iran và nhóm chiến binh Hezbollah.
Lính Mỹ được triển khai huấn luyện cho lực lượng người Kurd ở Syria. Ảnh: Sputnik News. |
Có thể thấy rõ, một khi mục tiêu của chính quyền Mỹ ở Syria càng lớn, thì chính quyền càng chịu nhiều sức ép buộc họ phải tăng cường can dự. Một số đồng minh Mỹ trong khu vực, vốn từ lâu vẫn hy vọng có thể lôi kéo Mỹ vào cuộc chiến với ông Assad, như Thổ Nhĩ Kỳ, cho rằng cuộc tấn công này là “chưa đủ” và kêu gọi Mỹ có thêm các hành động mạnh mẽ.
Các nghị sĩ theo quan điểm “diều hâu” trong quốc hội, như Thượng nghị sĩ John McCain và Thượng Nghị sĩ Marco Rubio, hối thúc Tổng thống Trump cung cấp thêm vũ khí cho các nhóm đối lập ở Syria, thiết lập vùng cấm bay và tiến hành các cuộc không kích khác để gây sức ép buộc Nga và ông Assad nhất trí về một giải pháp chính trị. Và khi Mỹ tính toán như vậy, buộc Nga cũng phải có tính toán cho riêng mình.
Hiện quân đội Nga đã đình chỉ hoạt động của đường dây nóng được lập ra để tránh đụng độ giữa lực lượng Nga và Mỹ ở Syria, đồng thời tuyên bố ý định hậu thuẫn và củng cố lực lượng phòng không của Syria. Các chuyên gia Nga nhận định, nếu Mỹ tiếp tục tấn công vào quân đội chính phủ, khả năng đối đầu quân sự với Moskva sẽ trở thành sự thật.
Moskva cho biết sẽ triển khai thêm một số hệ thống phòng không tiên tiến nhất trên thế giới ở Syria và các máy bay Nga cũng thường tuần tra trên bầu trời Syria. Bởi vậy, một chiến dịch trên diện rộng của Mỹ để gây sức ép với ông Assad sẽ có nguy cơ gây ảnh hưởng đến tính mạng các binh sĩ Nga trên thực địa. Nguy cơ tương tự sẽ xuất hiện khi Mỹ thiết lập vùng cấm bay, điều chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến hệ thống phòng thủ của Syria và Nga cũng như dẫn đến nguy cơ xảy ra các vụ đụng độ trên không giữa máy bay của Nga và của Mỹ.
Trước nguy cơ có thật này, nước Mỹ cũng không thể “vội vàng”, nhất là khi mối quan tâm của họ giờ còn là vấn đề Triều Tiên. Tổng thống D.Trump đã có một “bước lùi” trước Nga khi cho rằng quan hệ Mỹ - Nga sẽ được cải thiện, bất chấp sự căng thẳng trong thời gian gần đây.
"Mọi chuyện giữa Mỹ và Nga sẽ trở nên ổn thỏa. Đến thời điểm thích hợp, mọi người sẽ suy nghĩ một cách hợp lý và chúng ta sẽ có hòa bình lâu dài", Tổng thống Trump hôm 13-4 đăng trên Twitter.
Quan điểm trên của ông Trump được khẳng định thêm bởi tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis hôm 11-4 rằng: “Tình hình căng thẳng sẽ không vượt tầm kiểm soát. Tôi tin rằng Nga sẽ hành động sao cho họ có lợi nhất và họ không có lợi chút nào nếu tình hình vượt khỏi tầm kiểm soát”.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cũng cho biết thêm, Tổng thống Trump chỉ ra lệnh tấn công một lần duy nhất và khẳng định mục tiêu quân sự của Lầu Năm Góc vẫn là chống IS, không dính vào nội chiến Syria.
Phái đoàn Ngoại giao Mỹ trong cuộc gặp phái đoàn Nga, tại Moscow, ngày 13-4. Ảnh: Bloomberg. |
Theo các chuyên gia trên, cho dù chính quyền Mỹ có quyết định như thế nào đi chăng nữa, Mỹ cần cố gắng né tránh việc vướng vào cuộc chiến với Nga. Sa lầy tại Syria là điều rất tồi tệ. Nhận thức rõ nguy cơ này, Đặc phái viên LHQ về vấn đề Syria, ông Staffan de Mistura đã nhấn mạnh rằng sự hợp tác giữa Mỹ và Nga có thể mở đường cho một "cuộc đàm phán thực sự" về lối thoát cho cuộc chiến Syria.
Ông Staffan de Mistura cho rằng Washington và Moscow phải tìm cách chung tay góp sức để giúp ổn định tình hình một cách cụ thể và thực tế, nhằm hỗ trợ tiến trình chính trị tại Syria. Ông Mistura lưu ý các bên cần coi khoảnh khắc khủng hoảng này là bước ngoặt và cơ hội để có thái độ nghiêm túc hơn trong việc tìm ra giải pháp chính trị cho vấn đề Syria.
Trong khi đó, Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley nhấn mạnh, Mỹ sẵn sàng dùng ảnh hưởng và nguồn lực của mình để hỗ trợ hoạt động ngoại giao, giúp chấm dứt cuộc xung đột tại Syria.
Hãng tin AP bình luận, khó có thể hình dung việc Nga và Mỹ có thể nhất trí trong vấn đề Syria. Với Mỹ, họ không muốn tiến trình hòa bình ở Syria có ông Assad. Trong khi đó, phía bên kia, Tổng thống Nga Putin không muốn chế độ Assad sụp đổ vì rất nhiều lý do. Nếu chế độ Damascus tan rã, Nga sẽ mất đi đồng minh duy nhất tại Trung Đông, nơi Nga đang có các căn cứ quân sự quan trọng.
Việc tiếp tục ủng hộ Chính quyền Syria sẽ khiến mối quan hệ với Mỹ trở nên tồi tệ hơn. Tuy nhiên, cần ghi nhận thực tế, khi Mỹ bắn 59 quả tên lửa Tomahawk vào căn cứ không quân của Syria hôm 7-4, hệ thống phòng không của Nga và Syria không hề đáp trả. Nga sau đó phản ứng bằng cách cắt đứt đường dây liên lạc quân sự “tránh xung đột” với Mỹ và tuyên bố củng cố lực lượng quốc phòng của Syria. Điều này do Nga cũng không muốn vấn đề Syria vượt ra ngoài tầm kiểm soát.
Xét trên góc độ chiến lược, diễn biến của vấn đề Syria phụ thuộc lớn vào ảnh hưởng của hai nước Nga và Mỹ. Ngay sau khi Washington tấn công Syria, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev phát biểu rằng hành động của Mỹ “chỉ còn cách một bước nữa” là đụng độ với lực lượng quân sự của Nga. Đúng như vậy, nếu như hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa của Nga bố trí tại Syria lúc đó cũng khai hỏa thì hậu quả sẽ không thể tưởng tượng nổi. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cũng thừa nhận, vấn đề Syria nếu không xử lý tốt sẽ tác động nghiêm trọng đến quan hệ Mỹ-Nga.