Ông Trương Đình Tuyển nói về nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải: “Tôi chọn chữ Tâm”
- Vĩnh biệt cố Thủ tướng Phan Văn Khải
- Bạn bè thế giới bày tỏ tiếc thương nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải
- Cố Thủ tướng Phan Văn Khải trong lòng dân
Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại là người đã từng có nhiều năm gắn bó với nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải gánh vác công việc quốc gia.
Trong cuộc trò chuyện với Phóng Viên chuyên đề An ninh Thế giới, ông Trương Đình Tuyển nói nhiều về chữ Tâm của nguyên Thủ tướng với những kỷ niệm đáng nhớ về ông Sáu Khải khi đương nhiệm cũng như lúc đã rời chốn quan trường.
PV: Ông được biết tới là người đã có nhiều năm đồng hành cùng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải gánh vác công việc quốc gia. Khi nhớ tới “ông Sáu Khải”, ông nghĩ điều gì?
Ông Trương Đình Tuyển: Đối với tôi, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải là người để lại trong tôi rất nhiều ấn tượng sâu sắc, trên cả 3 lĩnh vực như phong cách làm việc, tinh thần đổi mới và lòng nhân hậu của ông. Đó là 3 tính cách làm cho tôi ấn tượng nhiều nhất. Những kiến thức của ông thì còn rất nhiều nhưng khái quát lại là như vậy.
PV: Trước khi tổ chức lễ quốc tang, lễ viếng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải sẽ được tổ chức tại tư gia, để bà con lối xóm, để những người dân tới bày tỏ tấm lòng của mình. Theo ông, câu chuyện đó gợi lên điều gì?
Thủ tướng Phan Văn Khải gặp gỡ tổng thống Mỹ G.W.Bush tại nhà trắng năm 2005. |
Ông Trương Đình Tuyển: Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải có di nguyện là khi ông qua đời thì để ở quê nhà, để bà con đến viếng ông. Điều đó thể hiện ông luôn luôn gần dân, sống trong lòng dân và gắn bó với dân. Ngay khi nghỉ công tác, ông cũng về sống ở Củ Chi. Hàng ngày vẫn tiếp xúc, nói chuyện, vẫn thăm hỏi bà con ở quê hương Củ Chi của ông.
PV: Người ta vẫn nói tới một “ông Sáu Khải” giản dị, khiêm nhường với cuộc sống điền viên sau khi rời chốn quan trường. Còn lúc đương nhiệm, dưới góc nhìn của ông, thì sao?
Ông Trương Đình Tuyển: Tôi luôn thấy ông là người cẩn trọng, nhưng rất quyết đoán trên cơ sở tham khảo ý kiến của các chuyên gia và thảo luận sâu sắc với các thành viên hội đồng Chính phủ trước khi quyết định vấn đề nào đó. Nguyên Thủ tướng luôn lắng nghe, cân nhắc nhiều điều và bao giờ cũng cẩn trọng, không quyết ào ào. Luôn trên cơ sở tham khảo đầy đủ ý kiến các chuyên gia, ngay cả việc lập ra ban nghiên cứu của Thủ tướng cũng là một kênh để ông tham khảo ý kiến chuyên gia có kinh nghiệm trên lĩnh vực quản lý kinh tế.
PV: Nếu để nói ngắn gọn về phong cách lãnh đạo của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, ông sẽ nói gì?
Ông Trương Đình Tuyển: Tôi có thể nói là tính thuyết phục trên cơ sở những ý tưởng đúng đắn và giải pháp rõ ràng của ông.
PV: Hình ảnh ông Phan Văn Khải chỉ đạo điều hành Chính phủ, với ông Phan Văn Khải trong đời thường, có khác nhau nhiều không thưa ông?
Ông Trương Đình Tuyển: Tôi nghĩ không có nhiều điểm khác nhưng cũng có khác, bởi vì trong điều hành Chính phủ mặc dầu ông là con người không bao giờ “lên gân” nhưng lại rất quyết đoán. Khi mà có bộ trưởng nào đó làm việc thiếu nghiêm túc ông cũng phê bình. Không cáu gắt nhưng phê bình lại rất nhẹ nhàng, thuyết phục được người khác.
PV: Ông có kỷ niệm riêng nào đối với nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải khiến ông nhớ mãi không thưa ông?
Ông Trương Đình Tuyển: Tôi có nhiều kỷ niệm với nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải. Để chọn một thì tôi nói thế này: Khi tôi được Bộ Chính trị quyết định đưa về làm Bí thư tỉnh Nghệ An, trong cuộc họp Chính phủ giờ nghỉ giải lao thì ông gặp riêng tôi. Ông nói rằng, về Nghệ An là khó khăn nhiều trong việc lãnh đạo lắm, ông vẫn muốn tôi ở lại Bộ Thương mại, nhưng Bộ Chính trị đã quyết định rồi thì phải chấp hành thôi. Nguyên Thủ tướng động viên tôi: “Cố gắng làm cho tốt, với tâm huyết và năng lực của Tuyển thì tôi tin là làm được thôi”.
Người dân xúc động tiếc thương nguyên thủ tướng Phan Văn Khải tại Củ Chi. |
Và ông Phan Văn Khải hứa tháng 3 sẽ vào Nghệ An, thăm giúp đỡ anh em vươn lên cũng là để giúp tôi hoàn thành nhiệm vụ. Và đúng là tôi vào đó tháng 2 thì cuối tháng 3 nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã vào Nghệ An.
Trong buổi gặp đó tôi có một đề nghị với ông, đây có thể là lời đề nghị đầu tiên trong các tỉnh nước ta là cho chuyển Trường Đại học Sư phạm Vinh trở thành trường đại học đa ngành để đào tạo nguồn lực cho Nghệ An và sau đó nguyên Thủ tướng đã chấp thuận. Đó là một kỷ niệm tôi rất nhớ.
PV: Ông Phan Văn Khải làm Thủ tướng ngay sau nhiệm kỳ của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Nhiều người nói hai ông có nhiều điểm chung về phong cách lãnh đạo, về cách sống. Ông thấy sao về nhận định này?
Ông Trương Đình Tuyển: Tôi nghĩ là cũng có những khác biệt giữa hai người về phong cách nhưng cơ bản là giống nhau. Giống nhau là tâm huyết với dân với nước. Giống nhau là đều biết lắng nghe, biết sử dụng chuyên gia.
PV: Quyết định nghỉ hưu sớm 1 năm, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải phát biểu trước quốc hội, như tâm sự rằng: ông hết sức day dứt trước tệ quan liêu, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực, đục khoét của công và nhận trách nhiệm. Những lời gan ruột đó cho thấy ý thức về trách nhiệm của ông Sáu Khải như thế nào?
Ông Trương Đình Tuyển: Có thể nói trong nhiệm kỳ của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải thì kinh tế của chúng ta phát triển tương đối ổn định, đạt được nhiều thành quả. Nhưng ông vẫn luôn day dứt về chuyện tệ nạn xã hội, tiêu cực, tham nhũng trong bộ máy công quyền còn lớn mặc dầu đã đề ra rất nhiều giải pháp. Điều đó thể hiện tinh thần trách nhiệm, tinh thần tự phê bình của người đứng đầu Chính phủ trước Quốc hội và trước nhân dân. Đó là thái độ dũng cảm.
PV: Bà Phạm Chi Lan có kể một câu chuyện là khi đặt câu hỏi cho các chuyên gia của Ban Nghiên cứu thủ tướng cách đây gần 20 năm rằng “Nếu chỉ dùng một từ để nói về anh Sáu Khải, thì từ đó là gì?” . Và câu trả lời chung của nhiều người là chữ Nhân. Còn ông, ông chọn chữ gì?
Ông Trương Đình Tuyển: Tôi nghĩ là nếu có chọn, tôi cũng dùng chữ gần giống của bà Phạm Chi Lan, tôi sẽ dùng chữ Tâm. Nhưng như nguyên Thủ tướng đã nói lại với tôi, chữ Tâm đó là Tâm với đất nước, với nhân dân, đó là cái điều quan trọng. Cho nên nguyên Thủ tướng luôn day dứt trăn trở trước những cái khó khăn, những điều nhân dân chưa hài lòng.
PV: Sau khi nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải nghỉ hưu, ông có thường xuyên thăm gặp không ? Những vấn đề “nhân tình, thế thái” vẫn được những người như ông, ông Sáu Khải quan tâm như thế nào?
Ông Trương Đình Tuyển: Sau khi ông Phan Văn Khải nghỉ hưu, đó cũng là lúc tôi chính thức kết thúc nhiệm kỳ Bộ trưởng của mình, chính xác là sau đó 1 năm. Mặc dầu vậy thì tôi vẫn làm việc ở Văn phòng Chính phủ. Thời gian cũng không có nhiều nhưng mỗi lần đi công tác phía Nam tôi vẫn ghé thăm nguyên Thủ tướng, lúc thì ở nhà riêng bên Tú Xương, lúc thì dưới Củ Chi.
Cảm nhận của tôi ông vẫn hiền hậu như xưa, giản dị, bình dân, luôn trao đổi rất cởi mở việc đất nước, những băn khoăn trăn trở về tình hình hiện tại. Nhất là những năm sau này khi tệ tham nhũng, quan liêu nặng nề thêm. Ông cũng tâm sự những việc trước đây khi đương nhiệm chưa làm được. Gia đình ông có việc hệ trọng tôi cũng đều vào. Tôi rất quý trọng nguyên Thủ tướng và tôi cảm nhận được là ông cũng rất quý mến tôi. Ông cũng hay nói chuyện về tình hình đất nước, nói về câu chuyện con đường chúng ta phải tiến lên như thế nào. Ông cũng không nói về chuyện góp ý của ông cho bộ máy lãnh đạo hiện tại.
Nguyên Thủ tướng quan niệm rằng người kế nhiệm phải chịu trách nhiệm. Ông muốn để họ chủ động làm việc. Tuy nhiên có một lần Bộ Chính trị yêu cầu các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị đóng góp ý kiến cho tình hình thực hiện nghị quyết giữa nhiệm kỳ Đại hội X, thì nguyên Thủ tướng có mời một số người mà ông cho rằng có thể tham khảo ý kiến để chuẩn bị báo cáo đó. Tôi cũng là một người được cho mời đến. Đó là lần duy nhất bởi ông luôn quan niệm rằng không nên can thiệp vào việc của người đương nhiệm.
PV: Theo ông, trong những đóng góp của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, đâu là dấu ấn quan trọng nhất?
Ông Trương Đình Tuyển: Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải là người giữ cương vị trong điều kiện trong công cuộc đổi mới đã bắt đầu và ông là một người rất tích cực trong sự nghiệp đổi mới này. Điều đó thể hiện ở nội dung phá bỏ rào cản đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Và trong nhiệm kỳ của ông thì nhiều rào cản đã được bãi bỏ, đây là tiền đề rất quan trọng.
Thứ hai là ông rất chú trọng phát triển thương nhân. Dưới sự chỉ đạo của ông thì Luật Doanh nghiệp năm 2000 đã được Quốc hội thông qua. Đây là bước khởi đầu quan trọng để phát triển được khu vực kinh tế tư nhân của nước ta. Thứ ba là tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Ông là người rất tích cực ủng hộ, chỉ đạo quyết liệt trong quá trình đàm phán Hiệp định thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ mà tôi là người chịu trách nhiệm trực tiếp và quá trình đàm phán đưa Việt Nam gia nhập tổ chức thương mại thế giới WTO.
Chúng ta chỉ có thể hội nhập khi mà tiếp cận dần các chuẩn mực quốc tế, nhờ những đóng góp của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải trên lĩnh vực phát triển kinh tế tư nhân, phá bỏ những rào cản trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Và như vậy là đóng góp rất quan trọng vào tiến trình hội nhập của chúng ta, chưa kể những chỉ đạo rất cụ thể của ông.
PV: Ông có thể nói gì về tư duy đổi mới của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải?
Ông Trương Đình Tuyển: Tôi có một câu chuyện rất nhỏ nhưng thể hiện quyết tâm đẩy nhanh tiến trình hội nhập của Việt Nam. Khi tôi bắt đầu tiến hành đàm phán ở cấp bộ trưởng với Hoa Kỳ về việc Việt Nam gia nhập WTO, trong quyết định cử tôi đi thì nguyên Thủ tướng ghi rất rõ là cử ông Trương Đình Tuyển, đặc phái viên Thủ tướng Chính phủ, để trực tiếp đàm phán với phía Hoa Kỳ.
Quyết định không ghi tôi là Bộ trưởng Bộ Thương mại mà với tư cách đặc phái viên cho phép tôi có quyền hạn rộng hơn trong quá trình đàm phán với phía Hoa Kỳ để có thể kết thúc được việc đó sớm. Điều đó thể hiện quyết tâm trong tinh thần đổi mới của ông.
PV: Xin chân thành cảm ơn ông!