Tổng thống Afghanistan không chấp nhận trao đổi tù nhân

Thứ Ba, 31/07/2007, 14:00
Mặc dù cuộc đàm phán giữa đại diện Taliban với các lãnh đạo bộ lạc ở Afghanistan đã được nối lại ngay sau lời de dọa "giết con tin", nhưng một lần nữa những kẻ bắt cóc 22 con tin người Hàn Quốc lại đưa ra tối hậu thư cho các bên hữu quan và thời hạn chót của lần này là vào 14h30' ngày 30/7 (theo giờ Việt Nam).

Số phận của 22 con tin người Hàn Quốc tiếp tục trở thành chủ đề chính của giới truyền thông trên thế giới bởi trong tuyên bố mới nhất, bọn bắt cóc tuyên bố sẽ giết cả 22 con tin nếu yêu sách của chúng không được đáp ứng. Phát ngôn viên của Taliban Qari Mohammad Yousuf cho biết, thời hạn này do hội đồng lãnh đạo Taliban đặt ra nên nó sẽ được thực hiện nghiêm túc.

Giới truyền thông cho rằng, yêu sách chủ yếu lần này mà những kẻ bắt cóc đưa ra vẫn là tiền chuộc và khả năng trao đổi tù nhân. Cho đến nay vẫn có nhiều thông tin trái ngược nhau về tiến trình đàm phán cũng như sức khoẻ của 22 con tin bởi người ta khó tiếp cận với mục tiêu.

Giới truyền thông cho biết, bọn bắt cóc đang ở vào thế bí khi sức khoẻ của các con tin ngày một tồi tệ. 22 con tin đã bị giam giữ hơn 10 ngày (bị bắt từ hôm 19/7) trong điều kiện thời tiết nắng nóng khắc nghiệt và chịu nhiều áp lực về tâm lý.

Đây là vụ bắt cóc nhằm vào người nước ngoài quy mô lớn nhất tại Afghanistan kể từ khi chế độ Taliban bị lật đổ năm 2001.

Điều đáng nói là số thuốc men do chính phủ Hàn Quốc chuyển đến đã không tới được các con tin bởi nhóm đàm phán của chính phủ Afghanistan không liên lạc được với đại diện Taliban.

Theo Thứ trưởng Nội vụ Munir Mangal, lực lượng an ninh, cảnh sát và quân đội đã được lệnh sẵn sàng tác chiến nếu đàm phán đổ vỡ bởi lãnh đạo Afghanistan đã bác bỏ khả năng trao đổi tù nhân mà bọn bắt cóc đưa ra.

Điều này cũng được ông Mahmood Gailani, trưởng đoàn đàm phán của chính phủ Afghanistan xác nhận. Tuy nhiên, theo Tỉnh trưởng Ghazni (nơi các con tin bị giam giữ), ông Mirajuddin Pathan lại cho rằng, chính phủ không có ý định dùng vũ lực để giải cứu con tin.

Được biết, Taliban đã chia 22 con tin thành nhiều nhóm nhỏ và giam ở những địa điểm khác nhau để tránh bị tấn công bất ngờ và đây là khó khăn lớn cho việc đột kích giải cứu con tin. Cũng theo giới chuyên môn, những gì có thể làm cho tới nay để cứu con tin đã được chính phủ Afghanistan và Hàn Quốc thương đàm và tiến hành.

Về phần mình, ông Baek Jong Chun, trưởng phái đoàn Hàn Quốc cũng cho biết, phía Hàn Quốc phải tôn trọng những quyết định mà chính phủ Afghanistan đưa ra trong vụ giải quyết cuộc khủng hoảng con tin.

Theo tờ Jakarta Post, Tổ chức Hồi giáo của Hàn Quốc đã nhờ Nahdalatul Ulama, tổ chức Hồi giáo lớn nhất của Indonesia giúp giải cứu cho 22 con tin Hàn Quốc.

Giới chuyên môn cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến Tổng thống Hamid Karzai không thể thực hiện yêu sách trao đổi tù nhân bởi ông đã và đang phải chịu nhiều lời chỉ trích xung quanh vấn đề này.

Cách đây không lâu (tháng 5/2007), Ngoại trưởng Rangeen Dadfar Spantar đã phải ra đi sau khi ông phản đối đề xuất của Tổng thống Hamid Karzai trong việc thương lượng với lực lượng phiến quân Taliban và các thủ lĩnh phe đối lập trong việc chấm dứt tình trạng bạo lực đang gia tăng mạnh tại nước này.

Được biết, trước khi bị Quốc hội phế truất hôm 12/5/2007, Ngoại trưởng Rangeen Dadfar Spantar từng tuyên bố (15/4/2007), theo đó Chính phủ sẽ ngưng tất cả các cuộc thương lượng về con tin với Taliban vì chúng đã coi việc bắt cóc con tin như một công nghệ để kiếm tiền và gây thanh thế.

Taliban chỉ thả nhà báo Daniel Mastrogiacomo, người Italia sau khi yêu sách của chúng được đáp ứng - Chính phủ đã phải thả 5 tù binh Taliban, trong đó có một tên chỉ huy nổi tiếng.

Nhưng điều đáng nói là cả quân đội chính phủ lẫn liên quân (37.000 quân NATO và 12.000 quân Mỹ) đã bất lực trước tình trạng bắt cóc, ám sát của Taliban và đây là một thách thức không nhỏ đối với chính phủ của Tổng thống Hamid Karzai

Trường Giang
.
.