Tổng thống Cộng hòa Czech Vaclav Klaus: “Con ngựa chứng” của EU

Thứ Ba, 12/01/2010, 06:45
Một trong những chính trị gia được nhắc tới nhiều nhất trong năm qua chính là Tổng thống Vaclav Klaus của CH Czech. Nguyên nhân do ông là người cuối cùng sau một thời gian dài phản đối mới chịu đặt bút ký vào văn kiện mang tính cơ sở của Liên minh châu Âu (EU) - Hiệp ước Lisbon. Sang năm mới, ông Klaus lại tiếp tục có những hé lộ "gây sốc" hơn khi khẳng định: sẽ tìm cách đưa Czech ra khỏi EU để có thể bảo vệ chủ quyền quốc gia của nước này…

Công bằng mà nói, quan điểm chống đối với việc Czech gia nhập EU đã được Tổng thống Klaus thể hiện từ lâu nay. Nếu xem xét lại toàn bộ tiểu sử chính trị của Vaclav Klaus, có thể nhận thấy Tổng thống Czech luôn có quan điểm "dị ứng" đối với EU. Ngay từ khi Hiệp ước Maastricht khai sinh ra EU được ký kết vào năm 1992, ông Klaus đã gọi nó là "một nỗ lực bất thành nhằm thúc đẩy quá trình tích hợp châu Âu".

Còn trong thời điểm đảm nhận cương vị Thủ tướng Czech (1993-1997), ông Klaus luôn phát biểu chống lại những quan điểm củng cố các cơ quan quyền lực trên quốc gia của EU với lý do gây tổn hại cho lợi ích của đất nước. Tất nhiên vào thời điểm đó, Klaus đã tìm mọi cách có thể để trì hoãn thời điểm nộp đơn xin gia nhập EU của Czech.

Đến năm 1995, khi một loạt các quốc gia như Balan, Rumani, Bulgari và các nước vùng Baltic thi nhau nộp đơn xin gia nhập EU, Czech vẫn tiếp tục cố tình "nhỡ" chuyến tàu trên. Cuối cùng, Praha vẫn phải nộp đơn lên Brussels chỉ một năm sau đó. Lần này là do Klaus phải nhượng bộ trước áp lực của phần lớn các chính trị gia hàng đầu tại Czech.

Năm 1997, ông Klaus từ chức Thủ tướng. Sau đó một năm, ông trở thành Chủ tịch Hạ viện, nhưng trọng trách đàm phán với Brussels lại do các quan chức khác đảm nhiệm. Khi Klaus được bầu làm Tổng thống vào đầu năm 2003, các cuộc đàm phán về việc gia nhập EU của Czech đã gần như hoàn tất, khiến ông không còn khả năng lật ngược lại tình thế. 

Trở thành người đứng đầu quốc gia, Klaus vẫn duy trì quan điểm cũ của mình đối với EU. Khi một loạt các nước tổ chức trưng cầu dân ý về việc gia nhập EU vào mùa hè năm 2003, Tổng thống Czech vẫn là người duy nhất không ủng hộ tiến trình này. Ngay cả khi mọi chuyện trở nên "đã rồi", bằng mọi cách ông vẫn thể hiện sự phản ứng của mình. Ngày 30/4/2004, chỉ một ngày trước khi Czech chính thức gia nhập EU, tại Praha đã diễn ra một bữa tiệc chiêu đãi trọng thể nhân sự kiện này. Tuy nhiên buổi lễ đã không có sự góp mặt của người đứng đầu đất nước, khi ông đã quyết định đi... lên núi nghỉ mát .

Tháng 10/2004, các nguyên thủ của EU đã chính thức thỏa thuận được về văn kiện Hiến pháp chung, trong đó không chỉ đưa ra những cương vị mới là Chủ tịch và Bộ trưởng Ngoại giao EU, mà còn xác định cả cờ và "quốc ca" chung. Cho dù Thủ tướng Stanislav Gross và Bộ trưởng Ngoại giao Cyril Svoboda thay mặt Czech ký kết hiệp ước, nhưng ông Klaus vẫn phát biểu kiên quyết chống lại Hiến pháp EU vì cho rằng, đó là mối đe dọa đối với chủ quyền của Czech. Văn kiện quan trọng trên sau đó vẫn chưa thể có hiệu lực, khi phần lớn người dân Pháp và Hà Lan bỏ phiếu chống trong các cuộc trưng cầu dân ý năm 2005.

Được "cổ vũ" bởi sự kiện trên, ông Klaus ngay trong tháng 9/2005 thẳng thừng phán: "EU đang thiếu hụt nghiêm trọng những yếu tố dân chủ, vì vậy tốt nhất là nên thay đổi toàn diện các mục tiêu của nó". Ông Klaus đồng thời đề xuất nên đổi tên Liên minh châu Âu thành "Tổ chức các quốc gia châu Âu", có mô hình tương tự như Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG).

Khi Hiệp ước Lisbon được đưa ra thay thế cho Hiến pháp châu Âu, Klaus ban đầu vẫn kiên quyết không chịu ký, ngay cả hai viện Quốc hội Czech đã thông qua, cũng như cuộc trưng cầu dân ý tại Hà Lan cuối cùng cũng hoàn tất với thắng lợi cho những người ủng hộ tiến trình tích hợp châu Âu. Với sự ủng hộ của ông Klaus, 19 thượng nghị sĩ đã nộp đơn kiện lên tòa án hiến pháp, yêu cầu xem xét lại văn kiện trên có phù hợp với Hiến pháp Czech hay không.

Tổng thống Czech đã đưa ra một yêu sách riêng với cả EU, theo đó Hiến chương về những quyền lợi và tự do cơ bản của khối này theo Hiệp ước Lisbon sẽ không có hiệu lực tại Czech. Nguyên nhân được đưa ra là do phía Czech lo ngại những đơn kiện từ cộng đồng người Đức từng sinh sống tại vùng Sudetenland đòi lại tài sản. Cần biết là trong quá khứ, cộng đồng này từng đóng vai trò quan trọng giúp phát xít Đức tấn công và chiếm đóng Czech.

Với sự ủng hộ của các nước Đồng minh sau chiến tranh, Tổng thống Edvard Benes khi đó đã ra quyết định trục xuất tất cả những người Đức này ra khỏi vùng đất trên, do coi họ là mối đe dọa đối với chủ quyền quốc gia của Czech. Những yêu cầu đòi lại nhà cửa, tài sản của những người Đức này hiện còn được chính quyền Áo công khai ủng hộ.

Cuối cùng thì cả EU đã buộc phải nhượng bộ với các điều kiện của ông Klaus. Ngày 3/11/2009, sau khi Tòa án Hiến pháp Czech phán quyết Hiệp ước Lisbon về cơ bản phù hợp với Hiến pháp Czech, Tổng thống Klaus cuối cùng đã đặt bút ký vào văn kiện, dù vẫn khẳng định văn kiện trên vẫn có thể đe dọa đến chủ quyền của đất nước.

Theo các nhà quan sát, cho dù trong Hiệp ước Lisbon vẫn để ngỏ khả năng rút lui khỏi EU, Tổng thống Klaus vẫn không có nhiều cơ hội tận dụng điều khoản này. Nguyên nhân đơn giản là do phần lớn các chính trị gia tại Czech đều ủng hộ cho quá trình tích hợp của châu Âu, khiến cho đề xuất của Tổng thống cũng khó lòng được thông qua tại Quốc hội. Tuy nhiên không loại trừ khả năng, "tấm gương" của Tổng thống Klaus tùy từng thời điểm có thể được nhiều quốc gia khác trong EU noi theo. Điển hình như tại Anh hiện nay, số người tỏ ra hoài nghi về quá trình thống nhất châu Âu còn đông đảo hơn cả Czech!

Hồng Sơn (tổng hợp)
.
.