Tổng thống Donald Trump phát động cuộc chiến thương mại với Canada
Tối 24-4, sau khi thông báo áp thuế chống phá giá với gỗ xây dựng của Canada xuất sang Mỹ, sáng sớm 25-4, Tổng thống Donald Trump viết trên trang Twitter cá nhân: “Canada đã làm cho các nhà sản xuất sữa của chúng ta ở Wisconsin và nhiều bang giáp biên khác rơi vào hoàn cảnh rất khó khăn. Chúng ta sẽ không tha thứ cho họ. Các bạn sẽ thấy điều tôi sắp làm”.
Quan hệ giữa Tổng thống Trump và Thủ tướng Canada Justin Trudeau ban đầu có vẻ tốt đẹp. Điển hình là trong chuyến thăm Mỹ hồi giữa tháng 2 vừa qua, Thủ tướng Trudeau và Tổng thống Trump đều khẳng định cam kết tiếp tục tăng cường quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước. Ông Trump đã kêu gọi thúc đẩy mối quan hệ thương mại “đôi bên cùng có lợi” với Canada và “xây dựng các nhịp cầu” kinh tế qua biên giới. Người đứng đầu Nhà Trắng cũng cho rằng “nước Mỹ may mắn có một nước láng giềng như Canada”.
Về phần mình, Thủ tướng Trudeau nhấn mạnh hai nước “sẽ mãi là đối tác quan trọng nhất của nhau”. Nhà lãnh đạo Canada bày tỏ tin tưởng hai bên có thể thảo luận về cách thức để tiếp tục tạo việc làm cho người dân ở cả hai nước.
Tuy nhiên, hơn hai tháng sau, để giữ lời hứa tranh cử, ông Trump đã bỏ qua kết quả chuyến thăm trên để “tấn công” vào các hiệp định thương mại mà theo ông chúng gây bất lợi cho người Mỹ. Trong suốt chiến dịch tranh cử, ông Trump thường xuyên đe dọa sẽ thương lượng lại Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) vốn đã tồn tại 23 năm và sẽ không ngần ngại hủy bỏ nếu Mỹ không đạt được các điều khoản mới. Mỹ và Canada có trao đổi thương mại hằng năm vào khoảng 545 tỉ USD. Theo phía Mỹ, nước này thâm hụt thương mại với Canada khoảng 11,2 tỉ USD.
Khi “đánh” vào gỗ xây dựng, ông Trump đánh thức một mối bất hòa giữa hai nước láng giềng trong suốt 35 năm qua. Năm 2016, kim ngạch xuất khẩu gỗ xây dựng của Canada sang Mỹ đạt 5,66 tỉ USD. Hôm 24-4, Bộ Thương mại Mỹ cho biết điều này và thông báo sẽ áp thuế nhập khẩu từ 3,02% đến 24,12% tùy theo từng mặt hàng. Các nhà sản xuất Mỹ cáo buộc đồng nghiệp Canada xuất khẩu gỗ sang Mỹ dưới giá thành sản xuất.
Chính quyền Canada lập tức tố cáo biện pháp của Mỹ. “Chính phủ Mỹ đã nhượng bộ trước những áp lực của giới vận động hành lang lâm nghiệp. Làm như thế Mỹ sẽ tự cô lập mình bằng chủ nghĩa bảo hộ” - Alexandre Cusson, Phó Chủ tịch Liên minh hợp tác xã của Québec cho biết đồng thời nhận định rằng, lệnh áp thuế chống bán phá giá của Mỹ sẽ làm ngành công nghiệp gỗ của riêng Québec thiệt hại khoảng 200 triệu USD.
Ngay tối 24-4, chính quyền Thủ tướng Justin Trudeau khẳng định kiên quyết bảo vệ các lợi ích thương mại của Canada và tố cáo việc làm của Mỹ là “vô lý chưa từng có”.
Tổng thống Mỹ Trump (bên phải) và Thủ tướng Canada Trudeau tại Nhà Trắng ngày 14-2-2017. |
Hiện ngành lâm nghiệp của Canada đang tạo ra hàng trăm nghìn việc làm thu nhập tốt cho tầng lớp trung lưu trên toàn quốc. Nhiều vùng ở Canada cũng đang phụ thuộc vào sự phát triển của ngành này. Trong nỗ lực đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, Chính phủ Canada đang tìm cách mở rộng xuất khẩu gỗ xẻ và các sản phẩm từ gỗ sang một số thị trường châu Á như Trung Quốc, Singapore, Malaysia, Việt Nam...
Nếu các biện pháp thuế khóa của Washington có thể làm hài lòng các nhà sản xuất gỗ của Mỹ thì chúng lại có nguy cơ làm hại lĩnh vực xây dựng của nước này. Theo ước tính, giá xây dựng một ngôi nhà ở Mỹ sẽ tăng 12% do giá gỗ nhập từ Canada tăng. Theo số liệu của Chính phủ Canada, khoảng 9 triệu việc làm tại Mỹ phụ thuộc vào quan hệ thương mại với nước này và xứ sở Lá phong hiện là bạn hàng lớn nhất của 35/50 bang của Mỹ.
Ngoài gỗ, sữa và các sản phẩm từ sữa của Canada cũng nằm trong tầm ngắm của chính quyền Trump. Tuần trước, khi đi thăm bang Wisconsin, một trong những bang sản xuất sữa và pho-mat nhiều nhất phía bắc nước Mỹ, Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định chính sách về ngành sữa của Canada là một “điều hổ thẹn” và tuyên bố sẽ loại bỏ hệ thống quản lý nguồn cung “không công bằng” trong ngành công nghiệp sữa của Canada và giúp các nông dân sản xuất sữa của Mỹ khôi phục hoạt động xuất khẩu sang thị trường Canada.
Đáp lại, phát biểu tại thành phố Toronto một ngày sau đó, Thủ tướng Trudeau khẳng định Mỹ đang đạt thặng dư 300 triệu USD trong buôn bán sữa với Canada nên Canada không phải là mối đe dọa cho Mỹ. Ông cũng khẳng định sẽ giữ hệ thống hạn ngạch sữa hiện nay và nêu rõ nhiều nước khác cũng đang trợ cấp nông nghiệp. Lĩnh vực sắt thép cũng đang tiềm ẩn nguy cơ chiến tranh giữa Mỹ và Canada. Tuần trước, ông Trump nêu khả năng sẽ dùng biệt pháp bảo vệ ngành sản xuất thép trong nước trước sự xâm lấn của thép nhập khẩu từ Canada.
Căng thẳng giữa Canada và Mỹ đã buộc lãnh đạo các nước phải điện đàm với nhau. Ngày 27-4, Nhà Trắng thông báo các đối tác trong Hiệp định NAFTA gồm Mexico, Canada và Mỹ đồng ý sẽ chưa hủy bỏ Hiệp định NAFTA thời điểm này nhưng sẽ nhanh chóng xúc tiến thương lượng lại nó.
Trước đó, ngày 26-4 truyền thông Mỹ đồng loạt đưa tin Tổng thống Trump đang cân nhắc ra thông báo chính thức về việc Washington sẽ rút khỏi NAFTA với Mexico và Canada. Sự thống nhất trên được đưa ra sau khi Tổng thống Trump điện đàm với Tổng thống Mexico Enrique Pena Nieto và Thủ tướng Canada Justin Trudeau. Hai lãnh đạo Mexico và Canada cũng đồng ý khả năng thương lượng lại.
Ông Trump đã ký sắc lệnh rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) ngày 23-1, chỉ hai ngày sau nhậm chức. Cho nên lời đe dọa rút khỏi NAFTA của ông không thể xem nhẹ.