Tổng thống Mỹ Donald Trump rời Trung Đông với “lời hứa hòa bình”
Bên cạnh đó, nhiều thỏa thuận có tổng giá trị lên tới 380 tỷ USD, gồm cả hợp đồng bán vũ khí hơn 110 tỷ USD đã được ông Trump và Quốc vương Arập Xêút ký kết cùng với cam kết duy trì mối quan hệ hữu nghị lâu đời, tăng cường đối tác chiến lược và đồng minh quân sự.
Ngày 22-5, Tổng thống Mỹ Donald Trump rời Arập Xêút đến Israel, trạm dừng chân thứ hai trong chuyến thăm Trung Đông được dư luận quan tâm, đánh giá là “để tránh bão” hơn là tìm kiếm một giải pháp đích thực cho chính sách của Mỹ tại khu vực nhạy cảm này.
Ngay sau khi bước xuống thang chiếc chuyên cơ Air Force One, ông Trump được Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu chào đón bằng một kiểu cách khác thường. Và trong lời phát biểu chung trước báo chí ngay tại chân cầu thang máy bay, cả ông Trump và Netanyahu đều nhắc đến những “hy vọng về một thỏa thuận hòa bình mở rộng hơn trong khu vực”.
Thủ tướng Israel Netanyahu tiếp đón Tổng thống Mỹ. |
Phát biểu này được dư luận đánh giá là nặng về luận điệu hơn thực chất vì thiếu kế hoạch chi tiết làm thế nào để đạt được điều đó. Trong phát biểu của mình, ông Netanyahu tuyên bố: “Israel sẵn sàng chìa bàn tay hòa bình với tất cả các nước láng giềng, kể cả người Palestine.”
Còn ông Trump thì hân hoan thông báo ông “đã thấy niềm hy vọng mới” ngay trong chuyến đi này. Ông nói đến một “cơ hội hiếm hoi để mang hòa bình và an ninh đến khu vực này” và nhấn mạnh “chúng ta phải tăng cường hợp tác để đạt được điều đó”. Không ai trong giới chức của tất cả các bên liên quan dám tin vào những gì mà ông Trump “hy vọng”.
Một bước đột phá trong đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine ư? Nhiều người cho rằng nó quá xa vời, ngay thời điểm này, cho dù ông Trump đã lên tiếng nhiều lần về nó.
Theo giới quan sát, trong các giao tiếp của ông Trump khi ghé thăm Israel và Palestine trong hai ngày 22 và 23-5, có cái gì đó “chưa trọn vẹn”. Điều thiếu thứ nhất có thể làm cho Israel thất vọng, đó là việc ông Trump không nhắc gì đến việc dời Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv đến Jerusalem như ông từng tuyên bố hồi đầu năm nay khi tiếp đón Thủ tướng Israel Netanyahu tại Washington.
Ông cũng chẳng đề cập gì đến chuyện có công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel hay không, hay sắp tới ông có làm như vậy không. Điểm thiếu thứ hai quan trọng hơn: người ta không thấy ông Trump tạo bất cứ áp lực nào đối với hai nhà lãnh đạo Israel và Palestine trong các cuộc hội đàm, cũng chẳng ai nghe nói đến những vấn đề liên quan trong đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine như đường biên giới, các khu định cư, hành động khủng bố, hay lịch sử chung sống lâu đời của hai dân tộc Palestine và Do Thái trên “mảnh đất của hai tôn giáo” này.
“Chuyến thăm này chẳng có thực chất gì” - nhà phân tích chính trị Palestine Khalil Shikaki nhận xét.
Nói như thế không có nghĩa là chuyến thăm “chớp nhoáng” Israel và Palestine trong chuyến xuất ngoại đầu tiên của ông Trump không mang lại lợi ích gì. Chí ít, ông Shikaki nói thêm, ông Trump cũng đã bắc những nhịp cầu hữu ích, đưa ra tiếng nói khác so với trước, bày tỏ sự ủng hộ Israel và tôn trọng Palestine.
Ông Trump đã nêu rõ lập trường rằng, việc Israel xây dựng mối quan hệ mới với các nước láng giềng Arập Sunni, trong đó có Arập Xêút, nơi ông ghé thăm trước khi đến Israel, có liên hệ chặt chẽ với những bước tiến bộ trong tiến trình đàm phán hòa bình với Palestine. Trong khi Thủ tướng Israel Netanyahu là người “được rất nhiều thứ”, thể hiện qua bài phát biểu của Tổng thống Trump tại Bảo tàng Israel chiều tối hôm 22-5.
Trong bài phát biểu đó, Tổng thống Mỹ hoàn toàn đứng về phía Israel, theo lập trường và lợi ích của Israel mà nói khi đề cập các vấn đề về an ninh, hòa bình trong khu vực. Ông đã tập trung “dồn lửa” nhắm vào Iran khi đề cập vấn đề mang tính sống còn đối với Israel.
Trái ngược với Israel, các biện pháp xây dựng lòng tin mà ông Trump mang đến cho người Palestine chỉ là những lời hứa không quan trọng, như “sẽ giúp mở rộng khu công nghiệp ở biên giới Nam khu Bờ Tây”. Những động thái “tạo niềm tin” đó đối với người Palestine cũng giống như trao cho họ một cốc bia, uống xong hết ngay, chưa đủ để thấm.
Tổng thống Trump hội đàm với Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas. |
Trump đã không những không thể hiện sự công nhận Nhà nước Palestine mà còn thu hẹp tối thiểu khả năng công nhận giải pháp “hai nhà nước” mà Mỹ là một trong “bộ tứ” bảo trợ. Người Palestine đã sớm nhận điều này. Những điều ông Trump nêu trong hội đàm với Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas hôm 23-5 thực ra là những điều đã nói đi nói lại nhều lần trong các cuộc đàm phán, các thỏa thuận trước đây, nhưng việc thực thi trên thực tế để hướng đến một thỏa thuận có thực chất, mang lại hòa bình thực thụ thì vô cùng khó.
Mặc dù vậy, phát biểu tại cuộc họp báo tại Bethlehem, Palestine, trước khi rời khu Bờ Tây, ông Trump đã hân hoan thông báo rằng, ông đã nhận được những tín hiệu đáng mừng trong hai ngày ghé thăm Israel và Palestine, rằng ông đã “có được những đối tác” trong việc tìm kiếm hòa bình sau khi hội đàm với hai nhà lãnh đạo Israel và Palestine. Ông Trump bảo, ông đã nhận được lời hứa “sẵn sàng hợp tác hướng đến mục tiêu hòa bình” của Tổng thống Palestine Abbas và Thủ tướng Israel Netanyahu.
Trong mớ bòng bong các vấn đề ngổn ngang để đi đến giải pháp hòa bình cho Trung Đông, dường như Nhà Trắng đang muốn cho nước cờ “tranh tối tranh sáng”, và điều này theo các cố vấn của ông Trump có khi lại hay. Họ nói rằng thay vì gây áp lực và bảo các bên phải làm thế này, làm thế kia, như cựu Ngoại trưởng John Kerry từng làm và đã thất bại, sự mập mờ, không rõ ràng, muốn hiểu sao cũng được sẽ tạo cho Nhà Trắng một khoảng không gian để tính toán, điều tiết.
Vấn đề là liệu những ngôn từ hoa mỹ nói về hy vọng và lạc quan có thể giúp tạo ra bước đột phá vượt qua những rào cản quá lớn từng làm phá sản nhiều nỗ lực kiến tạo hòa bình của nhiều chính quyền Mỹ trước đây hay không? Cả hai “đối tác hòa bình” của ông Trump (Abbas và Netanyahu) đều chẳng hề “nhúc nhích” tí nào trong lập trường quan điểm của mình.
Các nhà phân tích suy luận rằng, có lẽ hai ông Abbas và Netanyahu chỉ nói với Trump những điều ông muốn nghe, nhưng chỉ cần ông vừa bước lên máy bay rời đi, họ sẽ quay trở lại với quan điểm cố hữu của mình ngay.
Dùng tiền đầu tư để hàn gắn quan hệ chiến lược Chuyến công du của Tổng thống Trump diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa Mỹ và các nước Arập Vùng Vịnh xấu đi dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama, thậm chí Washington và nhiều đồng minh chủ chốt trong khu vực rơi vào tình trạng khủng hoảng lòng tin. Qua chuyến thăm này, Mỹ muốn khôi phục lại quan hệ với đồng minh chiến lược ở khu vực sau những rạn nứt dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama. Hơn nữa, việc thúc đẩy quan hệ giữa Mỹ với Arập Xêút còn cho phép lãnh đạo hai nước cùng chia sẻ các vấn đề về lợi ích chiến lược, bao gồm nỗ lực để đánh bại các nhóm khủng bố cực đoan, qua đó giúp khẳng định lại vai trò quan trọng của Mỹ tại khu vực. Không chỉ phần nào “cài đặt lại” quan hệ với các đồng minh thân cận ở Trung Đông như Arập Xêút và Israel, sau chuyến thăm Arập Xêút, nhiều thỏa thuận có tổng giá trị lên tới 380 tỷ USD, gồm cả hợp đồng bán vũ khí hơn 110 tỷ USD đã được ông Trump và quốc vương nước chủ nhà Salman Bin Abdul Aziz ký kết cùng với cam kết duy trì mối quan hệ hữu nghị lâu đời, tăng cường đối tác chiến lược và đồng minh quân sự. Một trong những động thái khác được coi là chính quyền Tổng thống Trump đang “xoa dịu” hai đồng minh chủ chốt tại Trung Đông là tỏ thái độ cứng rắn với Iran, quốc gia được xem là “thù địch” với cả Arập Xêút lẫn Israel. Tuyên bố “lật ngược” thỏa thuận hạt nhân lịch sử giữa Iran và nhóm P5+1 hồi tháng 7-2015, các biện pháp trừng phạt mới, cam kết ngăn Iran trở thành cường quốc hạt nhân,... cho thấy Tổng thống Trump đang có bước thay đổi chiến thuật ngoại giao trong vấn đề Iran so với người tiền nhiệm Obama. Những động thái của Tổng thống Trump đang phát đi thông điệp với các nước đồng minh Trung Đông vốn có quan hệ đối đầu với Iran rằng Mỹ sẽ làm mọi cách để "kiềm chế Tehran”. Trong khi người tiền nhiệm luôn bị đánh giá là xao nhãng khu vực Trung Đông và Vùng Vịnh để tập trung và ưu tiên cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương, ông Trump kỳ vọng qua chuyến công du này có thể rũ bỏ được hình ảnh và sự cảm nhận của thế giới Hồi giáo về ông sau tuyên bố thâm thù Hồi giáo trong cuộc vận động tranh cử. Có thể nói Tổng thống Mỹ đã đạt được những kết quả khá khả quan trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên tới điểm “nóng” Trung Đông. Tuy nhiên, những toan tính chiến lược riêng của mỗi bên cùng những khác biệt không dễ vượt qua khiến sự hoài nghi vẫn len lỏi trong quan hệ giữa Mỹ và các nước khu vực. Bảo Trân (tổng hợp) |