Tổng thống Nga V.Putin nói về Hội nghị Thượng đỉnh các nước công nghiệp phát triển G8

Thứ Sáu, 03/03/2006, 10:41

Ngày 1/3, hàng loạt báo lớn trên thế giới như New York Time (Mỹ), Le Figaro (Pháp), Il Sole 24 Orre (Italia), Di Veld (Đức), Assahi (Nhật Bản), Globe and Mail (Canada)… đã nhất loạt đăng bài báo của Tổng thống LB Nga V.Putin về Hội nghị Thượng đỉnh các nước công nghiệp phát triển G-8 sẽ nhóm họp tại Saint Peterburg vào mùa hè năm nay.

Xin trích giới thiệu (tài liệu do phân xã RIA Novosti tại Hà Nội cung cấp).

Năm 2006, Nga đảm nhiệm cương vị Chủ tịch G-8 và đang tích cực chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh tại Sant-Peterburg. Chúng tôi hiểu rõ đây là một công việc và trách nhiệm lớn lao, không chỉ về phương diện tổ chức, mà điều cốt yếu là đưa ra thảo luận và cùng nhau xác định những nội dung hoạt động cơ bản và ưu tiên của diễn đàn uy tín này.

Đã hơn 30 năm nay, diễn đàn này là một trong những cơ chế chủ chốt thỏa thuận những phương cách giải quyết các vấn đề phát triển thế giới quan trọng nhất. Chúng tôi đề nghị các đối tác chú trọng đến ba chủ đề lớn cấp bách nhất - đó là an ninh năng lượng toàn cầu, chống bệnh dịch truyền nhiễm và vấn đề giáo dục.

Theo chúng tôi, những chủ đề này được định hướng ưu tiên để nhằm đạt được mục tiêu chung của tất cả các đối tác thành viên - đó là nâng cao chất lượng và mức sống của mọi người dân trên thế giới hiện nay cũng như các thế hệ mai sau.

Trong suốt lịch sử phát triển của mình, nhân loại buộc phải đấu tranh với một nguy cơ đe dọa sự sống là các căn bệnh truyền nhiễm. Dường như sự tiến bộ chúng ta đạt được trong lĩnh vực này rất khả quan: bệnh đậu mùa đã bị loại trừ hoàn toàn ở mọi nơi, cuộc đấu tranh chống lại bệnh bại liệt đã bước vào giai đoạn hoàn tất. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta lại đang phải đối mặt với sự bùng phát các căn bệnh chúng ta đã biết cũng như những bệnh dịch mới hết sức nguy hiểm như AIDS, sốt xuất huyết, siêu vi trùng, cúm gia cầm. Hiện nay, cứ 3 ca tử vong trên thế giới thì có một ca là do dịch bệnh truyền nhiễm. Theo đánh giá của các chuyên gia, nguy cơ xảy ra đại dịch cúm có khả năng lấy đi mạng sống của hàng triệu người hoàn toàn có thể xảy ra.

Nga dự kiến đề xuất đẩy mạnh hoạt động theo hướng này. Trong đó, có việc thông qua kế hoạch hành động thực tiễn của G-8 trong đấu tranh chống dịch cúm gia cầm và ngăn chặn đại dịch cúm ở người.

Bệnh truyền nhiễm khi lây lan ở các khu vực khác nhau trên thế giới với cường độ khác nhau giống như một liều thuốc thử làm lộ rõ những vấn đề kinh tế và xã hội, làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng trong xã hội và tạo ra nạn kỳ thị. Lấy ví dụ một vấn đề đang rất bức xúc hiện nay là những người bị nhiễm HIV/AIDS và các loại bệnh nguy hiểm khác thực tế không chỉ bị bệnh tật đày đọa mà còn phải đối mặt với những khó khăn trong việc thích nghi và hòa nhập với cuộc sống và xã hội.

Xin đề cập đến một vấn đề nữa. Trong những năm gần đây, nhân loại thường phải hứng chịu sức tàn phá của động đất, lũ lụt, sóng thần. Quá trình đô thị hoá, mở rộng mạng lưới giao thông và hạ tầng công nghiệp đang khiến chúng ta chịu ảnh hưởng của thiên tai nhiều hơn trước đây bội phần. Thiên tai không chỉ dẫn đến những tổn thất to lớn cho kinh tế và xã hội. Đáng sợ hơn là chúng kéo theo sự bùng phát dịch bệnh truyền nhiễm đang cướp đi mạng sống của hàng nghìn người. Vì vậy, chúng tôi cho rằng, lập ra một hệ thống cảnh báo và phòng chống những hậu quả dịch bệnh của thiên tai trên phạm vi toàn cầu là một trong những nhiệm vụ ưu tiên nữa của G-8.

Cũng có thể xem xét cả khả năng hình thành một hạ tầng thống nhất có thể phản ứng kịp thời khi dịch bệnh xuất hiện và lây lan. Một hạ tầng như vậy phải bao gồm hệ thống kiểm soát, trao đổi thông tin và các phương pháp khoa học có thể kịp thời phản ứng lại những tình huống khẩn cấp

P.V
.
.