Tổng thống Putin: Không khoan nhượng
Mọi sự trừng phạt kinh tế lẫn ngoại giao từ phương Tây không làm nước Nga của Tổng thống V.Putin thay đổi lập trường về vấn đề Ukraina. Sự công kích tại G20 và sự mở rộng trừng phạt của EU đối với Nga càng khiến tình hình Ukraina thêm căng thẳng.
Trên nguyên tắc, Hội nghị G20 phải tập trung vào các vấn đề kinh tế và tài chính thế giới nhưng trong lần gặp gỡ này, các nước phương Tây đã công kích Nga về vấn đề Ukraina, trong bối cảnh Chính phủ Kiev tố cáo Moskva đưa thêm quân và vũ khí hạng nặng vào vùng Đông Ukraina.
Sở dĩ có chuyện này là vì hầu hết các hồ sơ kinh tế đã được thảo luận tại Hội nghị APEC ở Trung Quốc tuần trước và tiếp theo đó là Thượng đỉnh ASEAN tại Myanmar. Vấn đề ô nhiễm môi trường tác hại cho khí hậu cũng đã được thông qua một cách ngoạn mục qua thông cáo chung Mỹ - Trung, hai thủ phạm gây ô nhiễm nhất thế giới. Do vậy, vấn đề còn lại là an ninh thế giới.
Tại G20, Ukraina là chủ đề chính trong các cuộc gặp gỡ giữa lãnh đạo Mỹ với 3 nhà lãnh đạo châu Âu là Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Anh David Cameron và Tổng thống Pháp Francois Hollande. Thủ tướng Anh đã “bắn phát súng” đầu tiên khi tuyên bố tại Quốc hội liên bang Australia là Nga đã có những hành động “không thể chấp nhận được” tại Ukraina. Thủ tướng Anh hy vọng là Moskva sớm hiểu và chấp nhận “để Ukraina quyền tự quyết, tự chọn con đường phát triển của một nước độc lập, tự do”.
Trong trường hợp ngược lại, Nga sẽ bị phương Tây trừng phạt tiếp. Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng tuyên bố lo ngại vì sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina không được tôn trọng và thỏa thuận Minsk ký vào tháng 9 đã hoàn toàn bị vi phạm.
Sự lạnh nhạt của phương Tây đã khiến Tổng thống Nga Putin rời hội nghị G20 sớm hơn dự tính. |
Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố rằng nếu Nga “tiếp tục làm mất ổn định tình hình ở Ukraina”, nước này sẽ tiếp tục bị sự cô lập. “Nhóm chúng tôi thường xuyên xem xét các cơ chế tiến hành áp dụng những biện pháp áp lực bổ sung nếu điều này là cần thiết”- ông Obama phát biểu sau cuộc họp với các nhà lãnh đạo EU về vấn đề Ukraina ở Australia.
Theo ông Obama, nếu Liên bang Nga không thay đổi lập trường của mình về Ukraina, thì “tình trạng cô lập mà Nga đang phải đối mặt hiện nay vẫn sẽ tiếp tục”. Tổng thống Mỹ đồng thời nhấn mạnh: Nga “có cơ hội chọn con đường khác” trong việc giải quyết khủng hoảng Ukraina. “Chúng tôi chắc sẽ ủng hộ (phương án này), và nếu như điều đó xảy ra, tôi sẽ là người đầu tiên đề nghị thu hồi các biện pháp trừng phạt”- ông Obama nói.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) Ban Ki-moon thậm chí tại hội nghị đã phải lên tiếng cảnh báo về một sự chia rẽ kiểu Chiến tranh lạnh và tình hình như hiện nay là đe dọa tới hòa bình cũng như nền kinh tế thế giới. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy trong phát biểu tại hội nghị cũng để ngỏ khả năng sẽ gia tăng các biện pháp trừng phạt Nga.
Giữa bầu không khí căng thẳng đó, Tổng thống Putin đã rời khỏi Hội nghị Thượng đỉnh G20 trước khi bế mạc. Đã có những bình luận khác nhau liên quan đến động thái này. Truyền thông phương Tây thì hả hê cho rằng Tổng thống Putin bị công kích dữ quá nên “bỏ về”. Tuy nhiên, Tổng thống Nga cho hay lý do là bởi đường bay dài và ông cần giữ sức khỏe chứ không phải tẩy chay Hội nghị Thượng đỉnh G20.
Quân đội Ukraina được huy động tới miền Đông, chuẩn bị cho một cuộc chiến tổng lực. |
Ngoài ra, để đáp trả sự áp đặt quan điểm của các nước phương Tây, Tổng thống Nga Putin, trong buổi họp báo sau Hội nghị Thượng đỉnh G20, cho rằng “tình trạng hỗn loạn” đang xảy ra trên thế giới sẽ không kéo dài nếu có sự tôn trọng lợi ích lẫn nhau và tuân thủ những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế. Ông Putin đến dự Hội nghị Thượng đỉnh G20, cùng với một hạm đội 4 tàu chiến hiện diện ở ngoài khơi Australia, nhưng có thể nói, Thượng đỉnh G20 là chuyến công du ngoại quốc khó khăn nhất đối với ông Putin, kể từ khi xảy ra cuộc đối đầu giữa Nga và phương Tây về việc Kremlin ủng hộ lực lượng ly khai ở miền Đông Ukraina.
Các nhà phân tích cho rằng những lời chỉ trích của các lãnh đạo phương Tây nhắm vào các chính sách của Điện Kremlin và việc ông Putin đột ngột rời Australia cho thấy là cả Nga và phương Tây đều không cần quan tâm đến việc giữ cái vẻ bề ngoài lịch sự nữa.
Nếu như Mỹ, Canada, Australia tỏ ra cứng rắn trong cách đối xử với ông Putin thì châu Âu lại tìm mọi cách duy trì đối thoại với nguyên thủ Nga. Theo Thủ tướng Đức Angela Merkel, “điều quan trọng là phải nắm bắt mọi cơ hội để đối thoại. Có một sự gần gũi về quan điểm giữa châu Âu và Nga trong vấn đề Ukraina”. Chính vì thế, tân lãnh đạo ngoại giao châu Âu, Federica Mogherini cho rằng, cần khẩn cấp nói chuyện với Nga và đề nghị các ngoại trưởng châu Âu là song song với việc xem xét khả năng gia tăng trừng phạt Nga, cho phép bà đóng vai trò trung gian thúc đẩy đối thoại giữa Kiev và Moskva.
Kể từ khi cuộc khủng hoảng tại Ukraina bùng phát hồi đầu năm nay, EU và Mỹ đã liên tiếp áp dụng các lệnh trừng phạt nhắm vào một số ngành kinh tế của Nga như năng lượng và quốc phòng. Đáp lại, Nga cũng có biện pháp trả đũa của riêng mình. Tổng thống Putin mới đây đã gọi các biện pháp trừng phạt đối với Moskva là một sai lầm, trái với các thỏa thuận thương mại và cho rằng, chỉ có LHQ mới có quyền áp đặt chúng.
Ông Putin nói: “Việc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga là đi ngược lại nguyên tắc hoạt động của G20 và luật pháp quốc tế, vì các biện pháp trừng phạt chỉ có thể được áp đặt trong khuôn khổ Hội đồng Bảo an LHQ. Ngoài ra, nó còn đi ngược lại nguyên tắc của Tổ chức Thương mại thế giới, và gây thiệt hại không chỉ cho Nga, mà cả các nước khác bởi nó làm suy yếu toàn bộ các quan hệ kinh tế thế giới”.
Ngày 17/11, Ngoại trưởng các nước EU nhóm họp tại Bruxelles để thảo luận các biện pháp gia tăng trừng phạt Nga. Phát biểu trước khi diễn ra hội nghị, Thủ tướng Đức Merkel tuyên bố, châu Âu sẽ tiếp tục mở rộng và kéo dài các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga. Tuy nhiên, theo giới phân tích, có lẽ đợt mở rộng trừng phạt lần này của EU chỉ nhắm vào những cá nhân trong bộ máy lãnh đạo lực lượng ly khai thân Nga, ở Donetsk và Lugansk. Bởi thực chất EU cũng đang chịu áp lực phải thuyết phục Moskva quay trở lại bàn đàm phán, với hy vọng cứu vãn lệnh ngừng bắn ở miền Đông Ukraina. Nếu gia tăng thêm các biện pháp trừng phạt vào Nga, cơ hội đàm phán là số 0.
Trong lúc này tình hình tại miền Đông Ukraina hết sức căng thẳng. Trong ngày 17/11, Tổng thống Poroshenko tuyên bố Ukraina đã chuẩn bị “sẵn sàng cho cuộc chiến tranh toàn diện” với Nga.
Phát biểu trên kênh truyền hình Đức ARD, Tổng thống Putin khẳng định Moskva sẽ không cho phép Kiev tiêu diệt các đối thủ chính trị, tức lực lượng ly khai. Ông Putin lưu ý rằng, sở dĩ tình hình Ukraina bế tắc như hiện nay là vì Kiev đã đưa quân đội tới miền Đông thay vì phải tiến hành đối thoại với lực lượng ly khai.
Cũng trong phát biểu của mình, Tổng thống Putin tuyên bố rằng, các nước phương Tây phải chịu trách nhiệm cho những hành động gợi nhớ thời Chiến tranh lạnh. Nguyên thủ Nga nhấn mạnh đến một thực tế rằng phương Tây, ngoài miệng nói về sự cần thiết xích lại gần với Nga trong chính trị và kinh tế, nhưng trên thực tế đã luôn đi theo hướng tạo ra đường phân chia mới.
Ngoài vấn đề Ukraina, đối đầu Nga-phương Tây còn vừa gia tăng cấp độ với với đôi bên trục xuất các nhà ngoại giao của nhau. Ngày 17/11, Bộ Ngoại giao Nga thông qua quyết định trục xuất một số nhà ngoại giao Ba Lan ra khỏi lãnh thổ Nga vì tội danh các nhà ngoại giao này đã có những hoạt động không phù hợp với quy chế dành cho họ. Động thái này xảy ra sau khi Bộ Ngoại giao Ba Lan trục xuất một số nhà ngoại giao Nga cách đây không lâu cũng với lý do “hoạt động ngoại giao ngoài quy chế”.
Trước đó ngày 15/11, Nga đã trục xuất một nhân viên Phòng Chính trị Sứ quán Đức ở Moskva để trả đũa việc Đức trục xuất một nhân viên của Tổng lãnh sự quán Nga tại Bonn. Những động thái này khiến cho căng thẳng giữa Nga và châu Âu mỗi lúc thêm trầm trọng