Tổng thống Trump chưa thể làm gì được Iran

Thứ Ba, 22/08/2017, 10:46
Căng thẳng Mỹ-Iran gần đây leo thang do Tổng thống Trump tuyên bố “xóa bài làm lại” đối với thỏa thuận hạt nhân Iran được chính quyền Obama trước đây ký kết. Chừng nào Bán đảo Triều Tiên còn chưa hạ nhiệt vũ khí hạt nhân, chừng đó ông Trump chưa thể làm gì được Tehran.

Từ sau khi bước chân vào Nhà Trắng, ông Donald Trump đã nhiều lần “sinh sự” với Iran vì các vụ thử tên lửa của nước này. Năm 2015, Iran ký thỏa thuận hạt nhân với chính quyền tiền nhiệm của ông Trump cùng Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp, Đức để đổi lại các lệnh cấm vận sẽ chấm dứt và nước này đang thực hiện. Cho đến nay, chưa có dấu hiệu nào cho thấy Iran không tuân thủ cam kết cắt giảm chương trình phát triển vũ khí hạt nhân.

Không chế tạo và thử nghiệm vũ khí hạt nhân không có nghĩa là Iran không được phát triển các loại vũ khí phòng thủ khác, nhất là khi Iran nằm ở giữa các quốc gia có hệ phái tôn giáo đối lập. Từ năm 2016, Tehran đã tiến hành thử nhiều loại tên lửa khác nhau. Điều này khiến chính quyền Trump thấy khó chịu và tìm cách ngăn cản.

Động thái này của Mỹ cũng dễ hiểu vì trước giờ Iran là quốc gia thù địch của Mỹ. Hơn nữa, Iran bị cho là có tham vọng trở thành cường quốc Trung Đông, và bị bao quanh bởi các nước đồng minh của Mỹ ở khu vực này. Tiềm lực quân sự của Iran mà mạnh lên sẽ khiến cả Mỹ và các đồng minh lo ngại. Tổng thống Donald Trump chủ trương thắt chặt quan hệ với Arập Xêút theo hệ phái Suni và kêu gọi cô lập Iran theo hệ phái Shia, đối thủ của Riyad.

Từ 6 tháng nay, Washington tố cáo Teheran là một mối đe dọa trong khu vực, trực tiếp gây bất ổn hoặc thông qua các tổ chức khủng bố ở Syria, Iraq, Yemen hay Liban.

Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc (LHQ) Nikki Haley hôm 16-8 cho hay, vào tuần tới bà sẽ đến Áo để thảo luận với các quan chức LHQ về chương trình hạt nhân của Iran nhằm xem xét lại việc Tehran có tuân thủ thỏa thuận năm 2015 hay không. Trong lúc chờ đợi, chính quyền Trump cho rằng Mỹ chưa có thỏa thuận nào với Iran về việc để cho nước này tự do phát triển tên lửa.

Tổng thống Iran đe dọa tái khởi động chương trình hạt nhân.

Đó là lý do vào cuối tháng 7 vừa qua, chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã áp đặt những biện pháp trừng phạt kinh tế mới nhằm vào Iran để trả đũa việc Tehran phát triển chương trình tên lửa đạn đạo và gây căng thẳng trong khu vực. Theo đó, Mỹ liệt 18 công ty và cá nhân vào danh sách trừng phạt do bị coi là ủng hộ chương trình tên lửa đạn đạo và Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran. Tất cả những công ty và cá nhân này sẽ bị phong tỏa mọi tài sản và các giao dịch ở Mỹ.

Đáp lại, Tehran lên án những biện pháp trừng phạt từ phía Washington, đồng thời cảnh báo sẽ áp đặt các biện pháp trả đũa đối với các công ty và cá nhân của Mỹ. Ngày 28-7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran, ông Bahram Ghassemi, tuyên bố Tehran sẽ tiếp tục phát triển các chương trình tên lửa “bằng tất cả sức mạnh của mình”, bất chấp lệnh trừng phạt mới của quốc tế.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran đánh giá các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ đối với Iran, một ngày sau khi Teheran phóng thành công tên lửa Simorgh, là một “hành động thù địch và không thể chấp nhận". Ông cũng cho rằng các biện pháp trên “chỉ nhằm làm suy yếu thỏa thuận hạt nhân” mà Iran đã ký vào tháng 7-2015 với 5 nước Hội đồng Bảo an cùng với Đức.

Trước đó, Quốc hội Iran bỏ phiếu thông qua nghị quyết tăng cường chương trình phát triển tên lửa đạn đạo và lực lượng Vệ binh Cách mạng, nhằm chống lại những “tên khủng bố Mỹ” trong khu vực. Chủ tịch Quốc hội Iran Ali Larijani tuyên bố: Iran sẽ huy động toàn bộ lực lượng để chống lại những hành động thù địch của Mỹ.

Đặc biệt là đạo luật cho phép chi thêm 260 triệu USD để phát triển chương trình tên lửa đạn đạo của Iran và hơn 260 triệu USD cho lực lượng tinh nhuệ Vệ binh Cách mạng để chống khủng bố. Ông Ali cảnh báo: “Người Mỹ phải hiểu rằng đây mới chỉ là hành động đầu tiên của chúng tôi”. Ngay khi kết quả được thông báo, các nghị sĩ Iran đã hô vang: “Đả đảo Mỹ!”.

Ngay sau đó, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cảnh báo sẽ rút khỏi thỏa thuận về giải pháp cho vấn đề hạt nhân của Tehran nếu Washington tiếp tục duy trì cấm vận. Tuyên bố của Tổng thống Rouhani gây bất ngờ vì lâu nay Iran chỉ toàn cảnh báo chính quyền mới của Mỹ cần tôn trọng thỏa thuận chứ chưa từng dọa sẽ chủ động rút đi.

Thậm chí khi phát biểu tại Quốc hội hôm 15-8, Tổng thống Rouhani còn dọa: nếu Mỹ muốn cấm vận trở lại, Iran “chắc chắn sẽ quay lại tình trạng (phát triển hạt nhân) còn mạnh hơn cả thời điểm bắt đầu đàm phán, không phải sau 1 tháng hay 1 tuần mà chỉ cần sau vài giờ”.

Ngày 16-8, phát biểu tại cuộc họp báo chung với người đồng cấp Bolivia Fernando Mamani Uanakuni, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố các biện pháp trừng phạt đơn phương của Mỹ chống Iran là “trái pháp luật”. Theo ông Lavrov, Mỹ từng nhìn nhận Tehran tôn trọng các điều khoản của thỏa thuận hạt nhân đã ký với cộng đồng quốc tế cách nay 2 năm, nhưng song song với đó, Washington lại áp đặt các biện pháp trừng phạt đơn phương mới chống Iran.

Điều này đồng nghĩa các biện pháp trừng phạt không liên quan đến thỏa thuận trên, mà do Mỹ không đồng thuận với Iran trong các lĩnh vực khác. Ông Lavov cũng hy vọng Iran sẽ không từ bỏ thỏa thuận đã đạt được vào năm 2015 với các cường quốc thế giới.

Theo giới quan sát quốc tế, nhìn bề ngoài, có vẻ như là số phận của thỏa thuận hạt nhân Iran đang bị đe dọa nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu xét về lợi ích của Mỹ lẫn Iran thì chuyện không hẳn nghiêm trọng đến thế. Đúng là ông Trump từng dọa “xé nát” cam kết của chính quyền Obama nhưng hiện không có bằng chứng gì. Đây không phải là thỏa thuận song phương giữa Mỹ với Iran mà là một thỏa thuận đa phương.

Hậu thuẫn cho thỏa thuận hạt nhân Iran hiện nay ngoài Nga còn có Trung Quốc, Anh, Pháp, Đức và cả EU nói chung. Hơn nữa, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế và Bộ Ngoại giao Mỹ đều xác nhận Tehran đang nghiêm túc thực hiện cam kết. Đa phần dư luận Mỹ lẫn trên thế giới đều ủng hộ thỏa thuận này.

Nhưng điều quan trọng hơn cả là chừng nào lò lửa hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên còn chưa nguội thì chừng đó ông Trump chưa thể hoặc không dám đồng thời đối phó vấn đề hạt nhân ở 2 nơi trên thế giới.

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.