Tổng thống Obama trở lại Caribbe

Thứ Năm, 16/04/2015, 14:45
Chuyến đi dự Hội nghị Thượng đỉnh châu Mỹ (OAS) và thăm chính thức Jamaica của Tổng thống Obama không chỉ là một sự trở lại khu vực từng được xem là sân sau của nước Mỹ, mà còn là chuyến đi mở ra nhiều cơ hội nối lại mối quan hệ ngoại giao, đặc biệt là đối với khu vực Caribbe.

Jamaica là một láng giềng gần gũi của Cuba, và người dân cũng như lãnh đạo nước này có quan điểm khác nhau đối với chuyến thăm của ông Obama.

So với không khí hân hoan chào đón vào năm 2008, khi ông Obama được bầu lên làm Tổng thống Mỹ, chuyến đi này diễn ra không mấy rầm rộ, không được truyền thông nói đến nhiều.

Jamaica hiện vẫn đang loay hoay tìm cách giải quyết khủng hoảng tài chính với sự hỗ trợ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế.

Đối với khu vực Caribbe, ông Obama đang đối  mặt với một thực tế Trung Quốc và Venezuela đang tạo được nhiều ảnh hưởng tại đây, đặc biệt là Trung Quốc đang mở rộng ảnh hưởng nhằm gia tăng vị thế cường quốc trên phạm vi toàn cầu.

Dấu ấn ảnh hưởng của Trung Quốc tại nhiều quốc gia trong khu vực này thể hiện khá rõ qua việc tài trợ cho các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng như cầu, đường và các công trình hàng tầng khác.

Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro trong lần gặp gần đây.

Quan hệ giữa Mỹ với các quốc gia vùng Caribbe là quan hệ hai bên cùng có nhu cầu lẫn nhau. Cũng như Jamaica, nhiều quốc gia trong khu vực này hiện vẫn đang chịu những hệ luỵ của cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính toàn cầu những năm trước. Vấn đề an ninh năng lượng là ưu tiên hàng đầu trong lịch trình làm việc của ông Obama.

Trước đây, trong khu vực này, Venezuela là nước tạo được nhiều ảnh hưởng bằng chiến lược ngoại giao dầu mỏ. Với giá dầu mỏ ở mức cao, năm 2005 Venezuela tung ra Chương trình bán dầu với giá ưu đãi nhằm tạo thế lực đối kháng lại tầm ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực.

Khoảng hơn chục quốc gia đã tham gia chương trình này. Còn hiện nay, Caracas đang dần thu gọn việc ưu đãi dầu mỏ cho các quốc gia khu vực này, từ đó tạo ra một khoảng trống ảnh hưởng khá lớn, và Mỹ đang muốn đặt chân vào để lấp khoảng trống này.

Hiện Venezuela và Mỹ vẫn đang cạnh tranh ảnh hưởng trong khu vực Mỹ Latinh và Caribbe. Mùa hè năm 2014, khi Venezuela lâm vào khó khăn do lạm phát cao và thiếu lương thực, Mỹ đã đưa ra Sáng kiến An ninh Năng lượng Caribbe.

Đến tháng 1/2015, Phó tổng thống Mỹ Joe Biden đã tổ chức Hội nghị Cấp cao về An ninh năng lượng vùng Caribbe tại Washington và mời Thủ tướng và các quan chức cấp cao của tất cả các quốc gia vùng Caribbe.

Tổng thống Mỹ Barack Obama xuống sân bay quốc tế ở Kingston, Jamaica.

Ông Obama sẽ kết thúc chuyến đi của mình sau khi dự Hội nghị Thượng đỉnh OAS, diễn ra trong 2 ngày 10 và 11/4 tại Panama. Đó sẽ là dịp ông Obama sẽ gặp 2 người: Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro và Chủ tịch Cuba Raul Castro. Hai cuộc gặp này sẽ mang hai ý nghĩa trái ngược nhau. Với Maduro, cuộc hội ngộ tại Panama mang đến cho ông Obama một sự khó chịu.

Tổng thống Venezuela vừa hoàn tất một “thỉnh nguyện thư" và sẽ trình lên OAS để khiếu nại việc chính quyền Mỹ áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với 7 quan chức Venezuela được công bố hồi đầu tháng 3/2015.

Cuộc tiếp xúc quan trọng được chờ đợi nhất chính là cuộc gặp giữa Tổng thống Obama với Chủ tịch Cuba Raul Castro. Cuộc gặp này sẽ là cơ hội để giải quyết một trong những vấn đề gút mắc trong tiến trình cải thiện quan hệ Cuba-Mỹ.

Trước chuyến đi của ông Obama, có thông tin từ Bộ Ngoại giao Mỹ về việc Tổng thống Obama đang gần đi đến quyết định đưa Cuba ra khỏi danh sách tài trợ khủng bố. Nếu Tổng thống Obama tận dụng cơ hội tại Hội nghị Panama để đưa ra quyết định quan trọng này, tức là ông đã gỡ bỏ được một trong những điểm gút mắc lớn nhất tồn tại bấy lâu nay giữa 2 nước.

Cuba đã bị Mỹ đưa vào danh sách tài trợ khủng bố từ năm 1982, khi đó Washington cáo buộc La Habana ủng hộ các nhóm du kích cánh tả nổi dậy ở các nước Mỹ Latinh. Nếu ông Obama lên tiếng đề nghị đưa Cuba ra khỏi danh sách tài trợ khủng bố, ông sẽ phải gửi một báo cáo cho Quốc hội Mỹ trong đó ông phải xác nhận lại rằng Cuba không ủng hộ chủ nghĩa khủng bố quốc tế trong vòng 6 tháng gần nhất.

Sau đó, Quốc hội Mỹ sẽ có 45 ngày để xem xét việc rút Cuba ra khỏi danh sách, hoặc sẽ quyết định không có hành động gì cả, để mặc nhiên cho phép việc đưa Cuba ra khỏi danh sách tự động diễn ra.

An Châu (tổng hợp)
.
.