Tranh cãi xung quanh vụ nổ tên lửa hạt nhân Nga

Thứ Ba, 20/08/2019, 10:20
Vụ nổ tại một bãi thử hạt nhân của Nga vừa qua đã thu hút sự chú ý của dư luận vào nỗ lực xây dựng một loại tên lửa có năng lực hạt nhân của Tổng thống Nga Vladimir Putin, với mong muốn của Kremlin là mang lại cho Moscow vị thế cạnh tranh trong một cuộc chạy đua vũ trang mới.

Ngày 13-8, Điện Kremlin cho rằng Nga đã vượt qua Mỹ trong cuộc đua phát triển vũ khí hạt nhân tiên tiến, mặc dù đã xảy ra một vụ nổ động cơ tên lửa với nhiều bí ẩn. Khi được hỏi về bình luận của Tổng thống Mỹ Donald Trump trên mạng xã hội Twitter liên quan vụ nổ động cơ tên lửa ở Nga, ông Dmitry Peskov, người phát ngôn Điện Kremlin, tự hào cho rằng “không phải Mỹ đứng đầu khi nói đến phát triển vũ khí hạt nhân mới”, “Tổng thống của chúng tôi đã nhiều lần nói rằng kỹ thuật của Nga trong lĩnh vực này vượt xa trình độ mà các quốc gia khác đang cố gắng đạt được đến thời điểm này và nó là độc nhất vô nhị”.

Trước đó, hôm 12-8, ông Trump đã đăng trên mạng xã hội Twitter: “Mỹ sẽ học hỏi được nhiều từ vụ nổ tên lửa thất bại tại Nga. Chúng tôi cũng có công nghệ tương tự, mặc dù tân tiến hơn...”.

Có hay không ô nhiễm phóng xạ?

Căn cứ quân sự nơi xảy ra vụ nổ được mở cửa năm 1954 và chuyên thử nghiệm các loại tên lửa của quân đội Nga, bao gồm cả tên lửa đạn đạo, ở vùng biển, gần ngôi làng Nionoska, miền Bắc nước Nga. Giống như nhiều căn cứ quân sự của Liên Xô cũ, từ lâu căn cứ này đã không được ghi chú trên các bản đồ địa lý.

Khu vực này còn là một thành phố khép kín, đặt dưới sự giám sát chặt chẽ của lực lượng vũ trang Nga và người nước ngoài bị cấm tiếp cận khi chưa được phép. Cơ quan hạt nhân Rosatom của Nga có tính đặc thù, bao quát toàn bộ chuỗi hạt nhân dân sự và quân sự ở Nga. Cơ quan này chịu trách nhiệm việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân, sản xuất urani, xử lý chất thải hạt nhân và điều hành một đội tàu phá băng hạt nhân. Rosatom cũng bán và xây dựng các nhà máy điện hạt nhân của Nga ở nước ngoài, đặc biệt là ở Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Hungary hay Phần Lan.

Tên lửa bị nổ của Nga có thể là tên lửa hạt nhân.

Tờ Le Monde của Pháp cho rằng chính quyền Nga đã trấn an người dân khi khẳng định không có ô nhiễm phóng xạ nào được tìm thấy sau vụ tai nạn. Thế nhưng, ngay sau đó xuất hiện nhiều tuyên bố có vẻ mâu thuẫn của giới chức Nga.

Trái ngược với những thông tin từ Bộ Quốc phòng Nga, Thị trưởng thành phố Severodvinsk, gần khu vực vụ nổ, giải thích rằng “các cảm biến của thành phố đã ghi lại sự gia tăng phóng xạ ngắn”, song không chỉ rõ ở cấp độ nào. Tiếp đó, ngày 13-8, Cơ quan Khí tượng Nga xác nhận rằng mức độ phóng xạ trong khu vực đã cao gấp 16 lần so với bình thường ở thành phố Severodvinsk.

Một trong những cảm biến đáng chú ý là tốc độ phóng xạ 1,78 microsievert/giờ, trong khi giới hạn quy định là 0,6 microsievert/giờ ở Nga và mức phóng xạ tự nhiên trung bình tại Severodvinsk là 0,11 microsievert/giờ. Tuy nhiên, cơ quan này cho biết mức độ phóng xạ đó sẽ giảm rất nhanh, trong vòng 2 giờ sau khi xảy ra tai nạn, trước khi trở lại bình thường.

Na Uy tuyên bố họ đã tăng cường giám sát bức xạ nhưng không tìm thấy điều gì bất thường. Ở các thành phố lân cận, người dân đã phải sử dụng viên iốt kali để bảo vệ tuyến giáp trong trường hợp iốt phóng xạ vô tình bị tán phát vào khí quyển.

Tổ chức hạt nhân phi chính phủ Bellona của Na Uy đã chỉ trích sự thiếu minh bạch của chính quyền Nga đối với người dân trong khu vực. Theo cảnh báo của Bellona, có một vài cách để bảo vệ con người khỏi bị nhiễm phóng xạ nhưng rất ít và khó. Để sử dụng chúng đúng lúc, mọi người phải được thông báo càng sớm càng tốt về ô nhiễm phóng xạ.

Sau vụ nổ, Nga cũng đã đóng cửa một phần vùng vịnh Dvina trên Biển Trắng. Liệu quyết định này của nhà chức trách Nga có phải là để bảo vệ môi trường hay là để ngăn chặn sự tò mò tìm kiếm các mảnh vỡ rơi xuống biển từ vụ nổ.

Xuất phát từ nỗi ám ảnh

Washington tin rằng vụ nổ chết người hồi tuần trước ở Nga là có liên quan đến chương trình tên lửa hành trình siêu thanh của Kremlin. Vụ nổ này có thể thể hiện dấu hiệu thụt lùi đáng kể trong chương trình của Nga mặc dù vẫn chưa rõ liệu nguyên nhân có phải là do thất bại khi phóng thử hay không. Nga đang nỗ lực phát triển tên lửa hành trình siêu thanh đã làm dấy lên quan ngại về việc liệu hiệp ước hạt nhân New START, vốn sẽ đáo hạn vào năm 2021, có được gia hạn thêm 5 năm nữa hay không.

Những nỗi lo ngại về một cuộc chạy đua vũ trang mới giữa Nga và Mỹ đã gia tăng sau khi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) được ký kết từ thời Chiến tranh Lạnh đã sụp đổ trong  năm nay. Sau vụ nổ, có lẽ mục tiêu chạy đua của cả hai bên lại càng rõ ràng hơn nữa.

Theo Corentin Brustlein, người phụ trách các nghiên cứu an ninh tại Viện Quan hệ quốc tế Pháp (IFRI), mục tiêu phát triển một tên lửa có năng lực hạt nhân là nhằm mang lại một tầm bắn mà trên lý thuyết là “không giới hạn”. Chuyên gia này cho biết, Nga vẫn ôm một nỗi “ám ảnh” về hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ từ suốt Chiến tranh Lạnh và từ thời của cựu Tổng thống Ronald Reagan, người đã ca ngợi chương trình Sáng kiến Phòng thủ chiến lược, hay còn gọi là “Chiến tranh giữa các vì sao”.

Nga lo ngại rằng một ngày nào đó Mỹ sẽ có khả năng vô hiệu hóa kho vũ khí của Nga bằng các phương tiện phòng thủ và tấn công. Nga đang gia tăng các lựa chọn để chắc chắn về khả năng xâm nhập hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ.

Thất bại trong chương trình thử nghiệm sẽ là một tin xấu cho Tổng thống Nga Vladimir Putin, đúng lúc ông đang phải đối mặt với các cuộc biểu tình diễn ra hằng tuần ở Moscow. Nguyên cớ của cuộc biểu tình là sự tức giận của hàng chục nghìn người dân Nga trước việc các chính trị gia đối lập không được tham gia cuộc bầu cử vào Hội đồng thành phố Moscow và sâu xa hơn là do mức sống của người dân bị giảm sút. Một tai nạn hạt nhân trong chương trình vũ khí tốn kém mà ông Putin công khai theo đuổi rõ ràng sẽ làm ông mất điểm hơn trong mắt công chúng lúc này.

Phương Hằng
.
.